Kinh Trường Bộ I – Kinh A-ma-trú

KINH TRƯỜNG BỘ

KINH A-MA-TRÚ

Tụng phẩm thứ nhất

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành tại nước Kosala (Câu-tát-la), cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị và đến tại một làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Icchànankala. Tại đây, Thế Tôn ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasāti ở tại Ukkaṭṭḥa, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, ngũ cốc phong phú, vốn là đất đai của vua, sau vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) cấp cho để hưởng một phần lợi tức.

Bà-la-môn Pokkharasāti nghe đồn: Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, đã đến Icchànankala, ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala. Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài đã tự chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết, Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý”.

Lúc bấy giờ, thanh niên Ambaṭṭha (A-ma-trú) là đệ tử của Bà-la-môn Pokkharasāti, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Vệ đà với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Vị này độc đáo về ba minh và được công nhận như vậy khiến các thân giáo sư phải nói: “Ðiều gì ta biết, ngươi cũng biết; điều gì ngươi biết, ta cũng biết”.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Pokkharasāti nói với thanh niên Ambaṭṭha: “Này Ambaṭṭha thân yêu, Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, đã đến tại Icchànankala trú tại Icchànankala. Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, … Phật, Thế Tôn. Ngài đã chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý”. Này Ambaṭṭha thân yêu, hãy đi đến gặp Sa-môn Gotama, và tìm hiểu lời đồn về Tôn giả Gotama là như vậy hay không phải như vậy. Nhờ vậy, chúng ta sẽ được biết về Tôn giả Gotama”.

– Làm thế nào con được biết về Tôn giả Gotama, được biết lời đồn về Tôn giả Gotama như vậy là đúng hay không, có phải Tôn giả Gotama là như vậy, hay không phải như vậy?

Ambaṭṭha thân yêu, theo truyền thống của chúng ta về ba mươi hai tướng của vị đại nhân, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn trong hai con đường, không có đường nào khác. Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy châu báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai, là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống, thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với chánh pháp, không dùng gậy, không dùng dao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời. Này Ambaṭṭha thân yêu, ta đã cho con chú thuật. Con đã nhận những chú thuật ấy.

– Thưa vâng.

Thanh niên Ambaṭṭha vâng theo lời của Bà-la-môn Pokkharasāti, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Bà-la-môn Pokkharasāti, hướng thân về phía hữu, cỡi xe ngựa cái và cùng một số đông thanh niên khác đi đến khu rừng Icchànankala. Ði xe đến chỗ không còn đi được xe, Ambaṭṭha liền xuống xe đi bộ và đến tại tịnh xá.

Lúc bấy giờ một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Thanh niên Ambaṭṭhaliền đến các Tỷ-kheo ấy và hỏi: “Các Hiền giả, nay Tôn gả Gotama ở tại chỗ nào? Chúng tôi đến đây để yết kiến Tôn giả Gotama”.

Các Tỷ-kheo liền nghĩ: “Thanh niên Ambaṭṭha này thuộc một gia đình có danh tiếng, là đệ tử của Bà-la-môn Pokkharasāti, một vị cũng có danh tiếng. Một cuộc đối thoại như vậy giữa Thế Tôn và con một quý tộc như vậy, không có khó khăn gì”. Những Tỷ-kheo ấy nói với thanh niên Ambaṭṭha: “Này Ambaṭṭha, tịnh xá đóng cửa kia là chỗ ở của Ngài. Hãy đến đó một cách yên lặng, không vượt qua hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa, Thế Tôn sẽ mở cửa cho ông”.

Thanh niên Ambaṭṭha liền đi đến tịnh xá đóng cửa ấy một cách yên lặng, không vượt quá hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa. Thế Tôn mở cửa và thanh niên Ambaṭṭhabước vào. Các thanh niên khác cũng bước theo, nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên, còn thanh niên Ambaṭṭha thời đi qua đi lại, thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với thanh niên Ambaṭṭha

—Có phải, đối với các bậc Bà-la-môn trưởng lão, đứng tuổi, các bậc giáo sư và tổ sư, ngươi cũng nói chuyện như vậy, như ngươi đã đi qua lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Ta đang ngồi?

– Không phải vậy, này Gotama. Phải đi mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đi. Phải đứng mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đứng. Phải ngồi mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang ngồi. Phải nằm mà nói chuyện với một vị Bà-la-môn, này Gotama, nếu vị ấy đang nằm. Chỉ với những vị Sa-môn hèn hạ, trọc đầu, đê tiện, đen đủi, sanh từ nơi chân của bà con ta, thì ta mới nói chuyện như vậy, như với ngươi, Gotama”.

– Này Ambaṭṭha, hình như ngươi đến đây với một ý định gì? Ngươi hãy khéo tác ý đến mục đích đã đưa ngươi đến đây. Thanh niên Ambaṭṭha này thật vô giáo dục, dầu nó tự cho là có giáo dục. Như vậy là vô giáo dục, có gì khác nữa!

Thanh niên Ambaṭṭha bị Thế Tôn gọi là vô giáo dục như vậy, liền phẫn nộ, tức tối, muốn nhục mạ Thế Tôn, phỉ báng Thế Tôn, công kích Thế Tôn, và nghĩ: “Sa-môn Gotama có ác ý đối với ta”, liền nói với Thế Tôn

—Này Gotama, thô bạo là dòng họ Thích ca; này Gotama, ác độc là dòng họ Thích ca; này Gotama, khinh suất là dòng họ Thích ca; này Gotama hung dữ là dòng họ Thích ca. Là đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, dòng họ Thích ca không kính nhường Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn. Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp, khi dòng họ Thích ca này, những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy, thanh niên Ambaṭṭha lần đầu tiên đã buộc tội dòng họ Thích ca là đê tiện..

– Này Ambaṭṭha, dòng họ Thích ca đã làm gì phật lòng ngươi?

– Này Gotama, một thời ta đi đến Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) có việc phải làm cho thầy ta là Bà-la-môn Pokkharasāti, và đến tại công hội trường của dòng họ Thích. Lúc bấy giờ một số đông dòng họ Thích ca và thanh niên Thích ca đang ngồi trên ghế cao tại công hội trường. Chúng cười với nhau, dùng ngón tay thọc cù nôn với nhau, ta nghĩ chắc chắn ta là mục tiêu cho chúng đùa giỡn với nhau, lại không ai mời ta ngồi. Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp, khi chúng Thích ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không cúng dường Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy thanh niên Ambaṭṭha lần thứ hai đã buộc tội dòng họ Thích ca là đê tiện.

– Này Ambaṭṭha, cũng như con chim cáy, con chim cáy con có thể tự hát thỏa thích trong tổ của nó. Này Ambaṭṭha, Kapilavatthu thuộc dòng họ Thích ca. Thật không xứng để cho Ambaṭṭha phải phật lòng vì một vấn đề nhỏ mọn này.

– Này Gotama, có bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Này Gotama, trong bốn giai cấp này, ba giai cấp Sát-đế-lỵ, Phệ-xá và Thủ-đà-la là để hầu hạ hạng Bà-la-môn. Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp khi chúng Thích-ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, lại không kính nhường Bà-la-môn, không cung kính Bà-la-môn, không lễ bái Bà-la-môn, không tôn trọng Bà-la-môn.

Như vậy, thanh niên Ambaṭṭha lần thứ ba đã buộc tội dòng họ Thích ca là đê tiện.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ: “Thanh niên Ambaṭṭha này đã phỉ báng dòng họ Thích-ca đê tiện một cách quá đáng. Nay ta phải hỏi dòng họ của nó”. Rồi Thế Tôn hỏi thanh niên Ambaṭṭha

—Dòng họ ngươi là gì?

– Này Gotama, dòng họ ta là Kaṇhāyana.

– Này Ambaṭṭha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích ca là thầy của ngươi. Và ngươi là con của một nữ tỳ của dòng họ Thích ca. Này thanh niên Ambaṭṭha, tổ tiên của Thích ca là vua Okkāka. Thuở xưa, này Ambaṭṭha, vua Okkākamuốn trao vương vị cho hoàng tử con bà hoàng hậu chính mà vua thương yêu, bèn đuổi ra khỏi nước những người con đầu của mình là Okkāmukha, Karaṇḍu, Hatthiniya, Sinipura. Bị tẩn xuất khỏi nước, những hoàng tử này đến sống tại một khu rừng lớn bên một hồ nước, trên sườn núi Hy-mã-lạp sơn. Vì sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác, các vị hoàng tử này ăn nằm với những người chị của mình.

– Này Ambaṭṭha, một hôm vua Okkāka nói với vị đại thần tùy tùng: “Này các khanh, các hoàng tử hiện nay ở đâu?”: “Bạch Ðại vương, có một khu rừng lớn, bên một hồ nước trên sườn núi Hy-mã-lạp-sơn. Nay các hoàng tử ở tại chỗ ấy. Các hoàng tử, vì sợ huyết thống của mình lẫn lộn huyết thống khác nên ăn nằm với những người chị của mình”.

– Này Ambaṭṭha, vua Okkāka liền cảm hứng thốt lời tụng hân hoan: “Các hoàng tử thật là những Sakya (cứng như lõi cây sồi), các hoàng tử thật là những Sakya xuất chúng”. Này Ambaṭṭha, từ đó trở đi, các hoàng tử được gọi là Sakya và vua Okkāka là vua tổ của dòng họ Thích-ca. Này Ambaṭṭha, vua ấy có một nữ tỳ tên là Disà. Nữ tỳ này sinh hạ một người con da đen. Vừa mới sinh, Kaṇha liền nói: “Này mẹ, hãy rửa cho con; này mẹ hãy tắm cho con; này mẹ hãy gội sạch đồ bất tịnh này. Và con sẽ giúp ích cho mẹ”. Này Ambaṭṭha, vì người ta gọi những ác quỷ là ác quỷ nên người ta cũng gọi Kanhà là ác quỷ. Chúng nói như thế này: “Ðứa trẻ này, vừa mới sanh đã nói. Một Kaṇha vừa mới sanh”. Này Ambaṭṭha, từ đó trở đi chữ Kanhàyanà được biết đến. Và Kaṇha là tổ phụ của dòng họ Kaṇhāyana. Này Ambaṭṭha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích-ca là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích ca.

Khi Thế Tôn nói vậy, những thanh niên nói với Thế Tôn

—Này Gotama, chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambaṭṭha là con một nữ tỳ. Này Gotama, thanh niên Ambaṭṭha sinh vào quý tộc, thanh niên Ambaṭṭha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambaṭṭha là bậc đa văn, thanh niên Ambaṭṭha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambaṭṭha là nhà bác học, thanh niên Ambaṭṭha có thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này.

Thế Tôn liền nói với những thanh niên ấy.

– Nếu những thanh niên các ngươi nghĩ: “Thanh niên Ambaṭṭha không được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambaṭṭha không thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambaṭṭhakhông phải là bậc đa văn, thanh niên Ambaṭṭha không phải là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambaṭṭha không phải là nhà bác học, thanh niên Ambaṭṭha không thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này”, thời thanh niên Ambaṭṭha hãy đứng ra một bên và để các thanh niên biện luận với Ta về vấn đề này. Nếu các ngươi nghĩ: “Thanh niên Ambaṭṭhađược sanh vào quý tộc, thanh niên Ambaṭṭha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambaṭṭha là bậc đa văn, thanh niên Ambaṭṭha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambaṭṭha là nhà bác học, thanh niên Ambaṭṭha có thể biện luận với Gotama về vấn đề này”, thời các ngươi hãy đứng ra một bên và để thanh niên Ambaṭṭha biện luận với ta về vấn đề này.

– Này Gotama, thanh niên Ambaṭṭha được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambaṭṭha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambaṭṭha là bậc đa văn, thanh niên Ambaṭṭha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambaṭṭha là nhà bác học, thanh niên Ambaṭṭha có thể biện luận với Tôn giả Gotama về vấn đề này. Chúng tôi sẽ đứng im lặng. Thanh niên Ambaṭṭha sẽ cùng với Gotama biện luận về vấn đề này.

Thế Tôn liền nói với thanh niên Ambaṭṭha

—Này Ambaṭṭha, câu hỏi hợp lý này được đem ra hỏi ngươi dầu không muốn, ngươi cũng phải trả lời. Nếu ngươi không trả lời, hoặc trả lời tránh qua một vấn đề khác, hoặc giữ im lặng, hoặc bỏ đi, thời ngay tại chỗ, đầu ngươi sẽ bị bể ra làm bảy mảnh. Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, giáo sư và tổ sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Nghe nói vậy thanh niên Ambaṭṭha giữ im lặng. Lần thứ hai Thế Tôn nói với thanh niên Ambaṭṭha

—Này Ambaṭṭha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Lần thứ hai thanh niên Ambaṭṭha giữ im lặng. Thế Tôn lại nói với thanh niên Ambaṭṭha

Ambaṭṭha, nay ngươi phải trả lời, nay không phải thời ngươi giữ im lặng nữa. Này Ambaṭṭha ai được Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba một câu hỏi hợp lý mà không trả lời, thời đầu của người ấy sẽ bị bể ra làm bảy mảnh tại chỗ.

Lúc bấy giờ, thần Dạ xoa Vajirapānī đang cầm một chùy sắt to lớn, cháy đỏ, sáng chói đứng trên đầu của thanh niên Ambaṭṭha với ý định: “Nếu Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà thanh niên Ambaṭṭha không trả lời, thời ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh”. Chỉ có Thế Tôn và thanh niên Ambaṭṭha mới thấy thần Dạ xoa Vajirapānī. Thanh niên Ambaṭṭha thấy vị thần ấy liền sợ hãi, hoảng hốt, lông dựng ngược, chỉ tìm sự che chở nơi Thế Tôn, chỉ tìm sự hỗ trợ nơi Thế Tôn, liền cúi rạp mình xuống và bạch Thế Tôn

—Tôn giả Gotama đã nói gì? Mong Tôn giả Gotama nói lại cho.

Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe các vị Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, giáo sư và tổ sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không? Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

– Tôn giả Gotama, con đã có nghe, đúng như Tôn giả Gotama đã nói. Chính từ đó nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà. Vị ấy là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà.

Khi nghe nói vậy, các thanh niên liền la hét lớn

—Người ta nói thanh niên Ambaṭṭha là tiện sanh, người ta nói thanh niên Ambaṭṭha là con dòng không phải quý phái; người ta nói thanh niên Ambaṭṭha là con một nữ tỳ của dòng họ Thích-ca; người ta nói dòng họ Thích-ca là chủ của thanh niên Ambaṭṭha. Chúng tôi không nghĩ rằng Sa-môn Gotama mà lời nói bao giờ cũng chân thực, lại không phải là người có thể tin được.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ rằng: “Các thanh niên đã phỉ báng quá đáng thanh niên Ambaṭṭha là con một nữ tỳ rồi. Nay Ta hãy giải tỏa cho Ambaṭṭha”. Rồi Thế Tôn nói với các thanh niên

—Các thanh niên, các ngươi chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambaṭṭha là con một nữ tỳ. Kaṇha ấy trở thành một tu sĩ vĩ đại. Vị này đi về miền Nam, học các chú thuật Phạm thiên, rồi về yết kiến vua Okkāka và yêu cầu gả công chúa Khuddarùpi cho mình. Vua Okkāka vừa giận, vừa tức, mắng rằng: “Ngươi là ai, con đứa nữ tỳ của ta mà dám xin con gái Khuddarùpi của ta”, và vua liền lắp tên vào cung. Nhưng vua không thể bắn tên đi, cũng không thể cất mũi tên xuống. Khi bấy giờ, các thanh niên thị giả, các đại thần và tùy tùng đến thưa với ẩn sĩ Kanhà: “Ðại đức, hãy để cho vua an toàn! Ðại đức, hãy để cho vua được an toàn!”: “Nhà vua sẽ được an toàn, và nếu nhà vua bắn mũi tên xuống đất, thời toàn thể quốc độ nhà vua sẽ bị hạn, khô héo!”: “Ðại đức hãy để cho vua được an toàn! Hãy để cho quốc độ được an toàn!”: “Nhà vua sẽ được an toàn, quốc độ sẽ được an toàn! Nhưng nếu nhà vua bắn tên lên trời, thời toàn thể quốc độ sẽ không mưa trong bảy năm!”: “Ðại đức, hãy để cho nhà vua được an toàn, hãy để cho quốc độ được an toàn! Và hãy để cho trời mưa!”: “Nhà vua sẽ được an toàn, quốc độ sẽ được an toàn và trời sẽ mưa. Nhưng vua hãy nhắm cây cung đến phía thái tử. Một sợi lông của thái tử cũng sẽ được an toàn!”.

Khi bấy giờ, các thị giả trẻ tuổi, các đại thần nói với Okkāka: “Okkāka hãy nhắm cây cung đến phía thái tử. Một sợi lông của thái tử sẽ được an toàn”.

Vua Okkāka nhắm cây cung đến phía thái tử và một sợi lông của thái tử cũng được an toàn. Vua Okkāka hoảng sợ, khiếp đảm sự trừng phạt, thuận cho con gái Khuddàrùpi. Này các thanh niên, chớ có phỉ báng thanh niên Ambaṭṭha một cách quá đáng là con của một nữ tỳ. Kaṇha là một vị ẩn sĩ vĩ đại.

Khi bấy giờ, Như Lai nói với thanh niên Ambaṭṭha

Ambaṭṭha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một thanh niên Sát-đế-lỵ cưới một thiếu nữ Bà-la-môn. Do sự sum họp ấy, một người con trai được sinh. Một người sanh từ một thanh niên Sát-đế-lỵ và một thiếu nữ Bà-la-môn có thể thọ lãnh chỗ ngồi hay nước giữa những người Bà-la-môn không?

– Tôn giả Gotama, có thể thọ lãnh.

– Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng món đồ ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng cho thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

– Tôn giả Gotama, có mời.

– Và những người Bà-la-môn có dạy các chú thuật hay không?

– Tôn giả Gotama, có dạy.

– Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng hay mở cửa?

– Tôn giả Gotama, mở cửa.

– Và những người Sát-đế-lỵ có quán đảnh cho người ấy để thành một Sát-đế-lỵ không?

– Tôn giả Gotama, thưa không.

– Tại sao không?

– Vì nó không được sinh (là Sát đế lỵ) từ mẫu hệ.

Ambaṭṭha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây một thanh niên Bà-la-môn cưới một thiếu nữ Sát-đế-lỵ. Do sự sum họp này, một người con trai được sanh. Một người sanh từ một thanh niên Bà-la-môn và một thiếu nữ Sát-đế-lỵ có thể thọ lãnh chỗ ngồi hay nước giữa những Bà-la-môn hay không?

– Tôn giả Gotama, có thể thọ lãnh.

– Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng các món ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng theo thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

– Tôn giả Gotama, có mời.

– Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

– Tôn giả Gotama, có dạy.

– Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

– Tôn giả Gotama, chúng mở cửa.

– Và những người Sát-đế-lỵ có làm lễ quán đỉnh cho người ấy để thành một Sát-đế-lỵ không?

– Tôn giả Gotama, thưa không.

– Tại sao vậy?

– Tôn giả Gotama, vì không được sinh (là Sát đế lỵ) từ phụ hệ.

– Này Ambaṭṭha, nếu so sánh đàn bà với đàn bà, đàn ông với đàn ông, thì giai cấp Sát đế lỵ là ưu, Bà-la-môn là liệt. Này Ambaṭṭha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, giả sử do một nguyên nhân gì những người Bà-la-môn cạo đầu một người Bà-la-môn, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất ngươi ấy ra khỏi nước hay thành phố. Người ấy có được thọ lãnh chỗ ngồi và nước giữa những người Bà-la-môn không?

– Tôn giả, không được.

– Và những người Bà-la-môn, có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết hay dùng các món ăn cúng dường, hay đồ ăn cúng cho thiên thần hay đồ ăn gửi đến như một tặng phẩm không?

– Tôn giả Gotama, không có mời.

– Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

– Tôn giả Gotama, không dạy.

– Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

– Tôn giả Gotama, đóng cửa.

Ambaṭṭha, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây giả sử do một nguyên nhân gì, những người Sát đế lỵ cạo đầu một người Sát đế lỵ, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất người ấy ra khỏi nước hay thành phố, người ấy có được thọ lãnh chỗ ngồi và nước uống giữa những người Bà-la-môn không?

– Tôn giả Gotama, được thọ lãnh.

– Và những người Bà-la-môn có mời người ấy dự tiệc cúng cho người chết, hay dùng những món ăn cúng dường, hoặc đồ ăn cúng cho thiên thần, hay đồ ăn gửi đến như những tặng phẩm không?

– Tôn giả Gotama, có mời.

– Và những người Bà-la-môn có dạy người ấy các chú thuật không?

– Tôn giả Gotama, có dạy

—Có đóng cửa giữa người ấy với những người đàn bà của chúng, hay mở cửa?

– Tôn giả Gotama, mở cửa.

– Này Ambaṭṭha, đến như vậy là sự đọa lạc tột cùng của người Sát-đế-lỵ, đã bị những người Sát-đế-lỵ cạo đầu, đánh người ấy với một bị tro, tẩn xuất người ấy ra khỏi nước hay thành phố, như vậy, này Ambaṭṭha, khi người Sát-đế-lỵ bị đọa lạc tột cùng, các Sát đế lỵ vẫn giữ phần ưu thắng và các Bà-la-môn vẫn ở địa vị hạ liệt.

– Này Ambaṭṭha, bài kệ này do Phạm thiên Sanam Kumāra thuyết:

“Ðối với chúng sanh tin tưởng ở giai cấp, Sát-đế-lỵ chiếm địa vị tối thắng ở nhân gian.
Những vị nào giới hạnh và trí tuệ đầy đủ, vị này chiếm địa vị tối thắng giữa Người và chư Thiên”.

Tụng phẩm thứ hai

– Tôn giả Gotama, nghĩa chữ Giới hạnh trong bài kệ ấy là gì? Nghĩa chữ Tuệ trong bài kệ ấy là gì?

– Này Ambaṭṭha, một vị đã thành tựu vô thượng trí đức không có luận nghị đến sự thọ sanh, không có luận nghị đến giai cấp hay không có luận nghị đến ngã mạn với lời nói: “Ngươi bằng ta hay ngươi không bằng ta”. Chỗ nào nói đến cưới hỏi hay rước dâu đi, hay cả hai, chỗ đó mới có luận nghị đến sự thọ sanh, luận nghị đến giai cấp hay luận nghị đến ngã mạn với lời nói: “Ngươi bằng ta hay không bằng ta”.

Này Ambaṭṭha, những ai còn chấp trước lý thuyết thọ sanh, còn chấp trước lý thuyết giai cấp, còn chấp trước lý thuyết kiêu mạn, hoặc còn chấp trước cưới hỏi rước dâu, những người ấy còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức. Này Ambaṭṭha, không chấp trước lý thuyết thọ sanh, không chấp trước lý thuyết giai cấp, không chấp trước lý thuyết kiêu mạn, không chấp trước cưới hỏi, đưa dâu, người ấy tức chứng ngộ vô thượng trí đức.

– Tôn giả Gotama, thế nào là Giới đức trong bài kệ ấy? Thế nào là Trí tuệ trong bài kệ ấy?

– Ở đây, này Ambaṭṭha, Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc:

… (xin xem kinh “Sa-môn quả”—kinh số 2, từ đoạn số 40 đến số 98, tới câu: “Không có đời sống nào khác nữa” chỉ khác danh từ xưng hô và câu kết từng đoạn. Như đoạn này, câu kết là “Như vậy, này Ambaṭṭha, là vị Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh”.)

Này Ambaṭṭha, như vậy gọi là Tỷ-kheo thành tựu trí tuệ, thành tựu giới đức, thành tựu giới đức và trí tuệ. Này Ambaṭṭha, không có sự thành tựu trí đức nào khác siêu việt hơn, cao thượng hơn sự thành tựu trí đức này.

Này Ambaṭṭha, có bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này. Thế nào là bốn? Này Ambaṭṭha, ở đấy có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, lại mang dụng cụ của nhà đạo sĩ, đi vào rừng sâu và nguyện: “Ta chỉ ăn trái cây rụng mà sống”. Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambaṭṭha, đó là nguyên nhân thứ nhất đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa, này Ambaṭṭha ở đây có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, và chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, lại mang theo cuốc và giỏ đi vào rừng sâu và nguyện: “Ta chỉ ăn củ, rễ và trái cây để sống”. Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambaṭṭha, đó là nguyên nhân thứ hai đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa, này Ambaṭṭha, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây để sống và chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, lại nhen lửa tại cuối làng hay sống thờ lửa ấy. Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambaṭṭha đó là nguyên nhân thứ ba đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Lại nữa Ambaṭṭha, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt được pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, chưa thấu đạt pháp tôn thờ lửa, lại xây dựng một ngôi nhà có bốn cửa tại ngã tư đường, sống và nguyện: “Từ bốn phương nếu có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào lại, thì ta sẽ cúng dường, tùy theo khả năng, tùy theo sức lực của ta”. Nhất định người này chỉ xứng đáng là thị giả của vị đã thành tựu trí đức. Này Ambaṭṭha, đó là nguyên nhân thứ tư đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Này Ambaṭṭha đó là bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này.

Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi và thầy ngươi có được xem là đã thành tựu vô thượng trí đức này không?—Bạch không, Tôn giả Gotama. Con và thầy con là gì, Tôn giả Gotama, để có thể so sánh với sự thành tựu vô thượng trí đức. Tôn giả Gotama, con và thầy con còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức.

– Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, nhà ngươi có đem theo dụng cụ của nhà đạo sĩ, đi vào rừng sâu và nguyện: “Ta và thầy ta chỉ ăn trái cây rụng mà sống?”

– Bạch không, Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, ngươi có mang theo cuốc và giỏ đi vào rừng sâu và nguyện: “Ta và thầy ta chỉ ăn rễ và trái cây để sống không?”

– Bạch không, Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống, ngươi có nhen lửa tại cuối làng hay cuối xóm và sống thờ lửa ấy với thầy ngươi không?”

– Bạch không, Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Tuy ngươi và thầy ngươi chưa thấu đạt sự thành tựu vô thượng trí đức này, chưa thấu đạt pháp ăn trái cây rụng để sống, chưa thấu đạt pháp ăn củ, rễ và trái cây để sống và chưa thấu đạt sự thờ lửa, ngươi và thầy ngươi có xây dựng một ngôi nhà có bốn cửa tại ngã tư đường với lời nguyện: “Từ bốn phương, nếu có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào lại—thì ta sẽ cúng dường tùy theo khả năng, tùy theo sức lực của ta không?”

– Bạch không, Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha, như vậy ngươi và thầy ngươi còn khiếm khuyết sự thành tựu vô thượng trí đức này, còn khiếm khuyết bốn nguyên nhân đưa đến thất bại cho sự thành tựu vô thượng trí đức này, Ambaṭṭha, thế mà những lời này lại do thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasāti thốt ra: “Những hạng Sa-môn giả hiệu, đầu trọc, đê tiện, đen đủi, sanh từ nơi chân bà con ta là ai mà có thể đàm luận với những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ đà”. Một vị tự mình chưa thành tựu được những pháp đưa đến sự thất bại (cho những pháp cao thượng hơn). Này Ambaṭṭha, ngươi xem, thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasāti đã lỗi lầm như thế nào?

Này Ambaṭṭha, Bà-la-môn Pokkharasāti hưởng thọ sự cung cấp của vua Pasenadi nước Kosala. Vua Pasenadi nước Kosala cũng không cho phép thầy ngươi diện kiến. Nếu vua hội nghị với thầy ngươi thời chỉ nói thầy ngươi ngang qua một tấm màn. Này Ambaṭṭha, tại sao vua Pasenadi nước Kosala lại không cho phép thầy ngươi diện kiến, người mà vua cung cấp thực phẩm thuần tịnh chân chánh. Này Ambaṭṭha, ngươi xem thầy của ngươi, Bà-la-môn Pokkharasāti đã lỗi lầm như thế nào?

Này Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Như vua Pasenadi nước Kosala hoặc ngồi trên cổ voi, hoặc ngồi trên lưng ngựa, hoặc đứng trên lưng ngựa, hoặc đứng trên tấm thảm xe cùng các vị đại thần hay vương tử, luận bàn quốc sự. Nếu vua rời khỏi chỗ ấy hay đứng qua bên, một người Thủ đà hay đầy tớ của một người Thủ đà đến. Người này cũng đứng tại chỗ ấy, cũng luận bàn quốc sự và nói: “Vua Pasenadi nước Kosala đã nói như vậy”. Dầu người ấy nói như lời nói của vua, luận bàn như lời luận bàn của vua, người ấy có thể là vua hay là bị phó vương không?

– Không thể được, Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha, nhà ngươi cũng vậy. Thuở xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm, những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ẩn sĩ ấy tên là Aṭṭhaka (A sá ca), Vāmaka(Bà-ma), Vāmadeva (Bà-ma -đề-bà), Vessamitta (Tì-bà-thẩm-sá), Yamataggi (Gia-bà -đề-bà), Angirasa (Ương-kỳ-la), Bharadvāja (Bạt-la-đà thẩm-xà), Vāsaṭṭha (Bà-ma-sá) Kassapa (Ca-diếp), Bhagu (Bà-cửu). Dầu ngươi có thể nói: “Ta, một đệ tử, học thuộc lòng những chú thuật của các vị ấy”, chỉ với điều kiện này, ngươi có thể được xem là một vị ẩn sĩ hay đã chứng địa vị của một ẩn sĩ không?

– Việc này không thể có được.

Ambaṭṭha, ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có được nghe những vị Bà-la-môn, trưởng lão, tôn túc, những vị giáo sư và tổ sư nói đến không? Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả của chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn, cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ẩn sĩ ấy tên là Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessamitta, Yamataggi, Angirasa, Bharadvāja, Vāsaṭṭha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy có khéo tắm, khéo chải chuốt, tóc và râu khéo sửa soạn, trang điểm với vòng hoa và ngọc, mặc toàn đồ trắng, tận hưởng và tham đắm năm món dục lạc, như người và thầy của ngươi hiện nay không?

– Không có vậy. Tôn giả Gotama.

– Các vị ẩn sĩ ấy có dùng cơm nấu từ gạo trắng thượng hạng mà các hạt đen được gạn bỏ ra, dùng các món canh, các món đồ ăn nhiều loại không, như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

– Không có vậy, Tôn giả Gotama.

– Hay các vị ấy được những thiếu nữ có đường eo và thắt lưng có tua hầu hạ như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

– Không có vậy, Tôn giả Gotama.

– Hay những vị ấy đi trên những xe do những con ngựa cái có bờm, đuôi được bện và dùng những cây roi và gậy dài như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

– Không có vậy, Tôn giả Gotama.

– Hay những vị ấy sống được che chở trong những thành lũy có những chiến hào bao bọc, có những cửa thành hạ xuống, có những chiến sĩ mang gươm dài hộ vệ như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

– Không có vậy, Tôn giả Gotama.

– Như vậy, này Ambaṭṭha, ngươi và thầy ngươi không phải là một ẩn sĩ, không giống đời sống của nhà ẩn sĩ. Này Ambaṭṭha, nếu có gì nghi ngờ, có gì phân vân về Ta, hãy hỏi Ta và Ta sẽ trả lời.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi tịnh xá và bắt đầu đi kinh hành. Thanh niên Ambaṭṭha đi theo sau Thế Tôn đang đi kinh hành và tìm đếm ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.

Khi bấy giờ, Thế Tôn nghĩ rằng: “Thanh niên Ambaṭṭha này thấy ở nơi ta gần đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân trừ hai tướng. Ðối với hai tướng tốt của vị đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài”.

Thế Tôn liền dùng thần thông khiến thanh niên Ambaṭṭha thấy tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai, rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vầng trán. Lúc bấy giờ, thanh niên Ambaṭṭha liền nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, không phải không đầy đủ”. Và nói với Thế Tôn: “Tôn giả Gotama, nay chúng tôi xin đi, chúng tôi rất bận, có nhiều việc cần phải làm”.

– Này Ambaṭṭha, hãy làm những gì ngươi nghĩ là phải thời.

Rồi thanh niên Ambaṭṭha leo lên xe do ngựa cái kéo và ra đi.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Pokkharasāti ra khỏi Ukkaṭṭḥa với một đại chúng Bà-la-môn, ngồi tại hoa viên của mình và chờ đợi thanh niên Ambaṭṭha. Khi thanh niên Ambaṭṭha đi đến hoa viên, đi xe cho đến chỗ còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Bà-la-môn Pokkharasāti đang ngồi. Ðến xong, thanh niên Ambaṭṭha đảnh lễ Bà-la-môn Pokkharasātivà ngồi xuống một bên. Sau khi thanh niên Ambaṭṭha ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Pokkharasāti nói

—Này Ambaṭṭha thân mến, ngươi đã thấy Sa-môn Gotama chưa?

– Chúng con thấy Tôn giả Gotama rồi.

– Này Ambaṭṭha thân mến, có phải Tôn giả Gotama đúng với tin đồn đã truyền đi, chớ không phải khác?

– Tôn giả Gotama đúng với tin đồn đã truyền đi, chớ không phải khác. Tôn giả Gotama là như vậy, chớ không phải khác. Tôn giả Gotama đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của vị đại nhân, chớ không phải thiếu.

– Này Ambaṭṭha thân mến, con có cùng với Tôn giả Gotama đàm luận không?

– Con có đàm luận với Tôn giả Gotama.

– Này Ambaṭṭha thân mến, cuộc đàm luận ấy như thế nào?

Thanh niên Ambaṭṭha liền thuật cho Bà-la-môn Pokkharasāti rõ tất cả cuộc hội đàm với Tôn giả Gotama.

Nghe nói như vậy, Bà-la-môn Pokkharasāti nói với thanh niên Ambaṭṭha

—Ngươi thật là nhà học giả đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà đa văn đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà tinh thông ba quyển Vệ đà đốn mạt của chúng ta. Người ta nói những ai có sự cư xử như vậy, khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh vào cõi ác, đọa xứ, địa ngục. Này Ambaṭṭha, ngươi càng công kích Tôn giả Gotama bao nhiêu, lại càng bị Tôn giả Gotama lật tẩy chúng ta bấy nhiêu. Ngươi thật là nhà học giả đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà đa văn đốn mạt của chúng ta! Ngươi thật là nhà tinh thông ba quyển Vệ đà đốn mạt của chúng ta! Người ta nói, những ai có sự cư xử như vậy, khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh vào cõi ác, đọa xứ, địa ngục.

Bà-la-môn Pokkharasāti tức giận, bực bội, dùng chân đá thanh niên Ambaṭṭha bổ lộn nhào rồi lập tức muốn đi gặp đến Thế Tôn.

Khi ấy, những người Bà-la-môn này thưa với Bà-la-môn Pokkharasāti: “Hôm nay thì giờ đã quá trễ để đi thăm Sa-môn Gotama. Ngày mai Tôn giả Pokkharasāti hãy đi thăm Sa-môn Gotama”.

Tuy vậy, Bà-la-môn Pokkharasāti vẫn cho làm các món ăn thượng vị, loại cứng loại mềm tại nhà riêng, chở trên các xe, và dưới ánh sáng của những ngọn đuốc từ Ukkaṭṭḥa đi ra và đi đến khóm rừng Icchànankala. Vị này đi xe cho đến chỗ còn đi xe được rồi xuống xe đi bộ đến Thế Tôn. Khi đi đến, liền nói với Thế Tôn những lời hỏi thăm xã giao, rồi ngồi xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Pokkharasāti nói với Thế Tôn

—Tôn giả Gotama, đệ tử của chúng tôi, thanh niên Ambaṭṭha có đến đây không?

– Này Bà-la-môn, đệ tử ngươi, thanh niên Ambaṭṭha có đến đây.

– Tôn giả Gotama, Ngài có cùng với thanh niên Ambaṭṭha đàm luận không?

– Này Bà-la-môn, ta có đàm luận với thanh niên Ambaṭṭha.

– Tôn giả Gotama, cuộc đàm luận của Ngài với thanh niên Ambaṭṭha như thế nào?

Cuộc đàm luận với thanh niên Ambaṭṭha như thế nào, Thế Tôn kể lại tất cả cho Bà-la-môn Pokkharasāti.

Nghe nói vậy, Bà-la-môn nói với Thế Tôn

—Tôn giả Gotama, thanh niên Ambaṭṭha thật là ngu si! Tôn giả Gotama, hãy tha thứ cho thanh niên Ambaṭṭha!

– Này Bà-la-môn, cầu cho thanh niên Ambaṭṭha được hạnh phúc.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasāti tìm đếm ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân trên thân Thế Tôn. Bà-la-môn thấy gần đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Ðối với hai tướng tốt của bậc đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, hai tướng là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ: rằng: “Bà-la-môn Pokkharasāti thấy gần đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân ở nơi Ta, trừ hai tướng. Ðối với hai tướng tốt của bậc đại nhân, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài”. Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Pokkharasāti thấy tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai, rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vầng trán.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasāti nghĩ rằng: “Sa môn Gotama có đầy ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân, không phải không đầy đủ”, liền nói với Thế Tôn: “Hôm nay xin mời Tôn giả Gotama cùng chúng Tỷ-kheo đến dùng cơm với con. Thế Tôn nhận lời với sự im lặng.

Khi Bà-la-môn Pokkharasāti được biết Thế Tôn đã nhận lời liền báo thì giờ cho Thế Tôn: Tôn giả Gotama, cơm đã sẵn sàng. Khi ấy Thế Tôn buổi sáng đắp y, đem theo y bát, và cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến cư xá của Bà-la-môn Pokkharasāti. Khi đi đến, liền ngồi trên chỗ soạn sẵn. Bà-la-môn Pokkharasāti tự tay làm cho Thế Tôn thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, còn các thanh niên Bà-la-môn thì tiếp đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pokkharasāti, sau khi biết Thế Tôn dùng cơm đã xong, đã rửa tay và bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên.

Thế Tôn liền thứ lớp giảng pháp cho Bà-la-môn Pokkharasāti đang ngồi một bên nghe, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục lạc và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của Bà-la-môn Pokkharasāti đã sẵn sàng, đã nhu thuận, không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là khổ, tập, diệt, đạo. Cũng như tấm vải thuần bạch, được gột rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm Bà-la-môn Pokkharasāti: “Phàm pháp gì được tập khởi lên đều bị tiêu diệt”.

Khi ấy Bà-la-môn Pokkharasāti, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người đối với đạo pháp của đức Bổn sư. Bà-la-môn Pokkharasāti liền bạch Phật

—Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Tôn giả Gotama, con, con của con, vợ của con, tùy tùng của con, bạn hữu của con, xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ kheo. Mong Tôn giả Gotamanhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Như Tôn giả Gotama đến thăm các gia đình cư sĩ khác ở Ukkaṭṭḥa, mong Tôn giả Gotama cũng đến thăm các gia đình Pokkharasāti. Tại đây, các thanh nam hay thanh nữ Bà-la-môn sẽ đảnh lễ Thế Tôn Gotama, hoặc đứng dậy, hoặc mời chỗ ngồi, hoặc mời nước, hoặc khiến tâm hoan hỷ. Như vậy chúng sẽ hưởng hạnh phúc, lợi ích trong một thời gian lâu dài.

– Này Bà-la-môn lời ngươi nói thật là chí thiện.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trường Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trường Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.