Tập Yếu Ii – Các Bài Kệ Làm Xuất Mồ Hôi

Tập Yếu II

Các Bài Kệ Làm Xuất Mồ Hôi

  1. Vị không đồng cộng trú với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni, không đạt được một việc thọ hưởng chung nào đó ở nơi vị ấy, sao không bị phạm tội do việc không xa lìa?[82] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không nên phân tán, không được phân chia, năm vật đã được nói đến bởi vị Đại Ẩn Sĩ. Sao không phạm tội trong lúc phân chia và trong lúc thọ dụng?[83] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Tôi không đề cập đến mười hạng cá nhân, hạng thứ mười một cũng cần phải tách ra?[84] Tại sao lại phạm tội khi đảnh lễ vị lớn?[85] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị không bị án treo, và cũng không phải là vị hành parivāsa, không bị chia rẽ hội chúng, và cũng không thay đổi phe nhóm, là vị tồn tại trên nền tảng, cùng chung đồng cộng trú, vì sao lại có sự riêng biệt về việc học tập?[86] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị đi đến Pháp tốt đẹp, có liên hệ mục đích, trong khi đang được hỏi, không sống, không phải đã chết, không phải đã Niết Bàn, chư Phật nói về nhân vật ấy thế nào?[87] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Tôi không đề cập đến phần trên của xương đòn, bỏ qua phần dưới rốn, do duyên việc đôi lứa vì sao lại phạm tội pārājika?[88] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị tỳ khưu tự yêu cầu rồi xây dựng cốc liêu, nền đất chưa được xác định, vượt quá kích thước, ở chỗ có sự nguy hiểm, không khoảng trống trải, không phạm tội?[89] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị tỳ khưu tự yêu cầu rồi xây dựng cốc liêu, nền đất được xác định, theo kích thước, không có sự nguy hiểm, có khoảng trống trải, lại phạm tội?[90] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị không làm hành động gì có liên quan đến thân và cũng không nói về những người khác bằng lời nói lại vi phạm tội nặng có nền tảng bị cắt rời?[91] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Người tốt không làm điều gì ác có liên quan đến thân, khẩu, luôn cả ý, vì sao vị ấy lại bị trục xuất, còn bị trục xuất hoàn toàn?[92] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không chuyện trò với bất cứ người nào bằng lời, và không nói câu nào với những người khác lại có thể phạm tội liên quan đến khẩu, không liên quan đến thân?[93] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Các điều học được đức Phật vị cao quý ca ngợi, có bốn điều saṅghādisesa, có thể phạm tất cả chỉ do một hành động?[94] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Cả hai (vị ni) đã được tu lên bậc trên từ một hội chúng, vị thọ nhận y từ tay của cả hai, các tội vi phạm có thể khác nhau?[95] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Bốn người sau khi hẹn hò trước đã lấy trộm trọng vật, ba vị phạm pārājika, còn một vị không phạm pārājika?[96] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Người nữ ở bên trong, và vị tỳ khưu là ở bên ngoài, không có lỗ hỗng ở ngôi nhà, vì sao lại vi phạm tội pārājika do duyên việc đôi lứa?[97] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Dầu ăn, mật ong, và cả đường, bơ lỏng, sau khi tự mình thọ lãnh rồi để riêng, khi bảy ngày chưa trải qua đối với vị thọ dụng khi có duyên cớ lại có tội?[98] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Tội nissaggiya, tội pācittiya thuần túy là cùng một lần cho vị đang vi phạm?[99] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Hai mươi vị tỳ khưu tụ hội làm hành sự tưởng rằng có hợp nhất, có vị tỳ khưu đứng xa mười hai do-tuần làm hỏng hành sự ấy vì lý do phe nhóm?[100] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Và với vị đã nói lên bằng lời, dầu chỉ truyền đạt giữa khoảng cách của bước chân, có thể vi phạm cùng một lượt sáu mươi bốn tội, tất cả đều là tội nặng có sự sửa chữa được?[101]Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị đã quấn vào với y nội, đã trùm lên y saṅghāṭi hai lớp, tất cả các y ấy là phạm tội nissaggiya?[102] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không có lời đề nghị, cũng không có tuyên ngôn hành sự, và đấng Chiến Thắng đã không nói: ‘Hãy đến, này tỳ khưu, ‘ vị ấy cũng chẳng có sự đi đến nương tựa (Tam Quy), mà đã được tu lên bậc trên, và sự tu lên bậc trên là bền vững cho vị ấy?[103] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Giết người nữ không phải là mẹ, và (giết) người nam không phải là cha, kẻ ngu giết người không phải là vị Thánh, và do điều ấy phạm vào nghiệp vô gián?[104] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Và giết người nữ là mẹ, và giết người nam là cha, sau khi giết cả cha lẫn mẹ, do điều ấy lại không phạm nghiệp vô gián?[105] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Sau khi không cáo tội, sau khi không nhắc nhở, rồi thực hiện hành sự đến vị không hiện diện. Hành sự đã được thực hiện, đã được thực hiện hoàn hảo mà vị tiến hành và hội chúng là không phạm tội?[106] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Sau khi đã cáo tội, sau khi đã nhắc nhở, rồi thực hiện hành sự đến vị đang hiện diện, và hành sự đã được thực hiện lại trở thành chưa được thực hiện, vị tiến hành và hội chúng là phạm tội?[107] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị chặt đứt phạm tội, vị chặt đứt không phạm tội, vị che đậy phạm tội, vị che đậy không phạm tội?[108] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Trong khi nói sự thật lại tội nặng, và đối với vị nói lời dối trá là tội nhẹ, trong khi nói lời dối trá là tội nặng, và đối với vị nói sự thật lại tội nhẹ?[109] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vật đã được chú nguyện để dùng riêng, đã được nhuộm bằng thuốc nhuộm, là vật đã được làm thành đúng phép, đối với vị sử dụng lại có tội?[110] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Khi mặt trời đã lặn, vị tỳ khưu nhai các miếng thịt, không phải là vị bị điên, và cũng không có tâm bị rối loạn, vị ấy cũng không bị thọ khổ hành hạ, tuy nhiên vị ấy không có tội, và điều ấy đã được đức Thiện Thệ giảng giải.[111] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không có tâm nhiễm dục, hơn nữa không có ý trộm cắp, và vị ấy cũng đã không nghĩ đến việc giết hại người khác, đối với vị trao thẻ thì bị cắt đứt, đối với vị nhận lấy (thẻ) thì tội thullaccaya?[112] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Và cũng không phải là chỗ ở rừng được xác định có nguy hiểm, cũng không có sự đồng ý đã được hội chúng ban cho, và Kaṭhina của vị ấy đã không được thành tựu ở ngay chỗ ấy, (vị ấy) sau khi xa lìa y rồi đi nửa do-tuần, khi rạng đông đã đến ở ngay tại nơi ấy, vẫn không phạm tội.[113] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Có liên quan đến thân, không liên quan đến khẩu, tất cả có sự việc khác biệt, có thể vi phạm chung một lượt không trước không sau?[114] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Có liên quan đến khẩu, không liên quan đến thân, tất cả có sự việc khác biệt, có thể vi phạm chung một lượt không trước không sau?[115] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không thực hiện việc đôi lứa ấy nơi ba hạng người nữ, nơi ba hạng người nam, và nơi ba hạng không phải Thánh hay là kẻ vô căn, và không hành việc đôi lứa ở người lưỡng căn, sao lại bị cắt đứt do duyên việc đôi lứa?[116] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị xin y cho mẹ, và không phải là y được dành riêng dâng đến hội chúng, do điều ấy vị ấy phạm tội, và không tội (nếu xin) ở thân quyến?[117] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Bị giận dữ lại hài lòng, bị giận dữ là đáng chê bai. Vậy điều ấy có tên là gì khiến nổi giận lại nên cười, ?[118] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Được hoan hỷ rồi hài lòng, hoan hỷ là đáng chê bai. vậy điều ấy có tên là gì khiến hoan hỷ lại đáng chê bai? Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vị phạm chung một lượt tội saṅghādisesa, tội thullaccaya, tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, và tội dukkaṭa?[119] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Cả hai đều tròn đủ hai mươi tuổi, cả hai có chung vị thầy tế độ, chung thầy giáo thọ, chung tuyên ngôn hành sự, một vị được tu lên bậc trên, một vị không được tu lên bậc trên?[120] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Chưa làm thành được phép, cũng chưa được nhuộm với thuốc nhuộm, được quấn vào với y ấy rồi có thể đi theo ý thích, không tội cho vị ấy,[121] và điều ấy đã được đức Thiện Thệ giảng giải. Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không cho, không thọ nhận, việc thọ nhận vì thế không được biết đến. Và do duyên thọ dụng vật ấy vi phạm tội nặng không phải nhẹ?[122] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Không cho, không thọ nhận, việc thọ nhận vì thế không được biết đến. Và do duyên thọ dụng vật ấy vi phạm tội nhẹ không nặng?[123] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.
  1. Vi phạm tội nặng còn dư sót rồi che giấu bởi vì không tôn trọng, tỳ khưu ni không phạm và không đưa đến tội?[124] Câu hỏi này đã được nghĩ ra bởi các vị thiện xảo.

Dứt Các Bài Kệ Làm Xuất Mồ Hôi.

*****

Tóm lược phần này

  1. Sự không đồng cộng trú, không được phân tán, mười (hạng), và vị không bị án treo, vị đi đến với Pháp, phần trên của xương đòn, sau đó hai điều tự mình yêu cầu.
  1. Và không liên quan đến thân, tội nặng, liên quan đến thân, được khéo giảng, trong khi không nói, và điều học, cả hai, và bốn vị.
  1. Người nữ, và dầu ăn, tội nissaggiya, và các vị tỳ khưu, với khoảng cách bước dài, và đã quấn y, và không điều quy định, không giết mẹ cha.
  1. Sau khi không cáo tội, sau khi đã cáo tội, trong khi chặt đứt, và luôn cả sự thật, và đã được chú nguyện, khi mặt trời đã lặn, không có tâm nhiễm dục, và không phải chỗ ở rừng.
  1. Liên quan đến thân và liên quan đến khẩu, ba người nữ, và luôn cả người mẹ, giận dữ, hài lòng, được hoan hỷ, tội saṅghādisesa, và cả hai.
  1. Chưa làm thành được phép, vị không cho, vị không cho, vị phạm tội nặng, những bài kệ làm xuất mồ hôi, là những câu hỏi, đã được giải rõ nhờ các bậc trí.

–ooOoo–

[81] Trong chương này, các câu trả lời được ghi lại theo lời giải thích ở AṭṭhakathāṬīkā. Các phần trích dẫn nhờ vào công lao của dịch giả I. B. Horner. Tuy nhiên, có một số câu hỏi vẫn còn chưa xác định được ý nghĩa (ND).

[82] Câu kệ 1: có liên quan đến đứa bé trai được người mẹ là tỳ khưu ni mang thai rồi sanh ra và nuôi dưỡng ở ni viện (Sđd., chương X, trang 533). ‘Không đồng cộng trú’ là không có sự cộng trú chung về các việc như là lễ Uposatha, lễ Pavāraṇā, v.v… ‘Không đạt được một việc thọ hưởng chung nào đó ở nơi vị ấy’ nghĩa là không đạt được sự thọ hưởng chung không được phép (với các tỳ khưu ni), tuy nhiên lại được phép làm với chính người mẹ ruột, và ‘không bị phạm tội do việc không xa rời’ nghĩa là không phạm tội trong việc ngụ chung nhà (VinA. vii, 1391).

[83] Câu kệ 2: Năm trọng vật thuộc về hội chúng không được phân tán và không được phân chia (Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương VI, các trang 203-209). Trường hợp không phạm tội đề cập đến vị tỳ khưu ni là người mẹ của đứa bé trai do việc cô ta phải nuôi dưỡng đứa bé trai cho đến khi đứa bé trai ấy đạt được sự hiểu biết (VinA. vii, 1391).

[84] Câu kệ 3: Đề cập đến mười hạng người không nên đảnh lễ: vị tu lên bực trên sau, vị chưa tu lên bậc trên, vị thâm niên hơn thuộc nhóm khác nói sai Pháp, phụ nữ, người vô căn, vị bị hành phạt parivāsa, vị xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, vị xứng đáng hành phạt mānatta, vị thực hành hành phạt mānatta, vị chưa được giải tội (Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương VI, trang 179). Hạng thứ mười một là vị tỳ khưu lõa thể (VinA. vii, 1391).

[85] Tại sao lại phạm tội khi đảnh lễ vị lớn?: Ngài Buddhaghosa không giải thích câu này. Có thể là nói đến vị thâm niên nói sai pháp ở mười hạng người không nên đảnh lễ (ND).

[86] Câu kệ 4: Nói đến vị tỳ khưu trước đây làm nghề thợ cạo (Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương VI, trang 103). Do vị này không được phép thực hành việc cạo tóc, còn các vị khác vẫn được; vì thế có sự riêng biệt về việc học tập (VinA. vii, 1391).

[87] Câu kệ 5: Câu hỏi này nói đến hình tượng đức Phật (Sđd.).

[88] Câu kệ 6: là thực hiện việc đôi lứa qua đường miệng với hạng phi nhân không có đầu, các con mắt và miệng thì ở trên ngực (Sđd.). Hạng này thấy được đề cập ở câu chuyện dẫn giải 51 của điều pārājika thứ tư.

[89] Câu kệ 7: Vị tỳ khưu tự yêu cầu rồi thực hiện cốc liêu lợp bằng cỏ thì không phạm tội (Sđd.).

[90] Câu kệ 8: Vị làm cốc liêu toàn bằng đất sét (Sđd.); việc này đức Phật không cho phép. Xem câu chuyện của đại đức Dhaniya con trai người thợ gốm ở phần duyên khởi của điều pārājika 2.

[91] Câu kệ 9: Vị tỳ khưu ni che giấu tội pārājika của vị tỳ khưu ni khác phạm tội pārājika (Sđd.).

[92] Câu kệ 10: Đề cập đến mười một hạng người không thể tu lên bậc trên như người vô căn, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), v.v… (Sđd.). Xem chi tiết ở Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương I, các trang 213-221.

[93] Câu kệ 11: Liên quan đến phần mở đầu của giới bổn Pātimokkha có đoạn: ‘… vị tỳ khưu nào nhớ ra mà không bày tỏ tội đã có thì vị ấy cố tình nói dối…’ (VinA. vii, 1391). Xem chi tiết ở Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương II, trang 251.

[94] Câu kệ 12: Liên quan đến bốn việc làm của vị tỳ khưu ni ở điều saṅghādisesa 3: Vào rạng sáng, vị tỳ khưu ni rời khỏi nhóm sang sông đi vào làng, khi đã sang ngày mới vị ni ấy phạm bốn tội saṅghādisesalà đi vào làng một mình, đi sang bờ sông bên kia một mình, trong đêm trú ngụ riêng một mình, một mình tách rời ra khỏi nhóm (VinA. vii, 1392).

[95] Câu kệ 13: Vị tỳ khưu ni thọ nhận y từ tay vị tỳ khưu ni chỉ được tu ở hội chúng tỳ khưu phạm pācittiya (các vị tỳ khưu ni này gồm có 500 vị tỳ khưu ni dòng Sakya được tu lên bậc trên sau bà Mahāpajāpati Gotamī), từ tay vị tỳ khưu ni chỉ được tu ở hội chúng tỳ khưu ni phạm dukkaṭa (Sđd.).

[96] Câu kệ 14: Vị thầy dạy học và ba học trò đã trộm vật giá trị sáu māsaka. Vị thầy tự tay lấy trộm 3 māsaka, còn 3 māsaka kia là do sự ra lệnh, nên tội vi phạm là thullaccaya; còn mỗi người học trò trộm một māsaka, nhưng liên quan đến việc ra lệnh là 5 māsaka nên đã phạm tội pārājika. Chi tiết được đề cập ở điều pārājika thứ nhì về trộm cắp (Sđd.).

[97] Câu kệ 15: Đây là câu hỏi về vật bao bọc được làm bằng vải, được đề cập có liên quan đến việc đã được che phủ lại (Sđd.).

[98] Câu kệ 16: Câu kệ này được đề cập có liên quan đến việc biến đổi hiện tướng (Sđd.).

[99] Câu kệ 17: Đối với vật đã được khằng định là dâng cho hội chúng, vị thuyết phục dâng cho bản thân mình và dâng cho vị khác nữa nên phạm luôn cả hai tội là tội nissaggiya và tội pācittiya thuần túy (Sđd.).

[100] Câu kệ 18: Liên quan đến gāmasīmā ở các thành phố rộng 12 do-tuần như thành Bārāṇasī, v.v… (Sđd.).

[101] Câu kệ 19: Liên quan đến việc làm mai mối. Bởi vì lời nói của vị ấy đem lại sự trả lời của sáu mươi bốn người nữ (VinA. iii, 558-559).

[102] Câu kệ 20: Liên quan đến việc bảo vị tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt y cũ. Trường hợp vị tỳ khưu đang mặc ba y và bị phân chim quạ hoặc bị lấm bùn nên bảo vị tỳ khưu ni không phải là thân quyến dùng nước rửa sạch. Các y ấy bị phạm vào nissaggiya vì đã được mặc ở trên thân của vị tỳ khưu (VinA. vii, 1392).

[103] Câu kệ 21: Nói đến sự tu lên bậc trên của bà Mahāpajāpati Gotamī (Sđd. 1392-1393). Bà đã trở thành tỳ khưu ni do chấp nhận tám Trọng Pháp (Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương X, trang 473).

[104] Câu kệ 22: Có liên quan đến việc biến đổi hiện tướng: Người cha biến đổi thành đàn bà (giết người nữ không phải là mẹ) và người mẹ biến đổi thành đàn ông (giết người nam không phải là cha); giết người không phải là vị Thánh (người nữ hay người nam ấy không phải là bậc Thánh), nên giết chết một trong hai người thì phạm vào tội vô gián (VinA. vii, 1393).

[105] Câu kệ 23: Trường hợp cha và mẹ là loài thú nên sau khi giết họ cũng không phạm vào tội vô gián (Sđd.).

[106] Câu kệ 24: Nói đến việc vị ni tu lên bậc trên thông qua người đại diện (Sđd.) Xem câu chuyện của kỹ nữ Aḍḍhakāsī ở Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương X, các trang 527-531.

[107] Câu kệ 25: Nói đến việc tu lên bậc trên của các hạng người: vô căn, v.v… (VinA. vii, 1393)

[108] Câu kệ 26: Vị chặt đứt cây gỗ theo lối trộm cắp phạm tội pārājika, vị chặt đứt dây leo, cỏ phạm tội pācittiya, vị cắt đứt dương vật phạm tội thullaccaya. Vị cắt tóc và móng tay không phạm tội. Vị che đậy tội vị khác phạm tội, vị che đậy mái nhà không phạm tội (Sđd.).

[109] Câu kệ 27: Nói sự thật đề cập đến các bộ phận kín của người nữ vi phạm tội nặng, nói dối cố tình vi phạm tội nhẹ. Nói dối về pháp thượng nhân không thực chứng vi phạm tội nặng, nói sự thật về pháp thượng nhân có thực chứng vi phạm tội nhẹ (Sđd.).

[110] Câu kệ 28: Liên quan đến việc sử dụng y đã bị phạm vào nissaggiya mà chưa được sám hối (Sđd.).

[111] Câu kệ 29: Vị có tật nhai lại như trâu bò (Sđd.). Xem câu chuyện về vị tỳ khưu nọ có tật nhai lại thức ăn ở Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương V, trang 83).

[112] Câu kệ 30: Vị tỳ khưu xu hướng theo kẻ chia rẽ hội chúng và nhận lấy thẻ thì phạm vào tội thullaccaya (VinA. vii, 1393).

[113] Câu kệ 31: đề cập đến chỗ trú ngụ là cội cây của một gia đình tương tợ như loại cây đa to lớn có thể đến một hoặc hai do tuần (Sđd.).

[114] Câu kệ 32: Liên quan đến việc nắm ngón tay hoặc tóc của nhiều người nữ cùng một lúc (Sđd.).

[115] Câu kệ 33: Liên quan đến việc nói lời thô tục đến nhiều người nữ, ví dụ: ‘Tất cả các cô đều là người bị dị căn …’

[116] Câu kệ 34: Liên quan đến điều pārājika của tỳ khưu ni có liên quan đến tám sự việc (Sđd. 1394).

[117] Câu kệ 35: Liên quan đến vị xin y choàng tắm mưa ngoài thời hạn cho phép (Sđd.).

[118] Câu kệ 36 & 37: Hai câu kệ này liên quan đến ba sự thực hành của du sĩ ngoại đạo (Xem thêm chi tiết ở Sđd.).

[119] Câu kệ 38: Vị tỳ khưu ni nhiễm dục vọng sau khi tự tay thọ lãnh vật thực từ tay người nam nhiễm dục vọng, trộn lẫn với thịt người, tỏi, thức ăn hảo hạng, và các loại thịt không được phép rồi nuốt vào thì phạm chung một lượt năm tội đã được đề cập (Sđd.).

[120] Câu kệ 39: Nói đến vị sa di không được thành tựu việc tu lên bậc trên là vị có thần thông ngồi hổng lên khỏi mặt đất dầu chỉ là khoảng cách của sợi tóc (Sđd.).

[121] Câu kệ 40: Liên quan đến vị tỳ khưu có y bị cướp đoạt (Sđd.).

[122] Câu kệ 41: Liên quan đến điều saṅghādisesa 6 về vị tỳ khưu ni xúi giục vị tỳ khưu ni khác thọ nhận vật thực từ tay người đàn ông nhiễm dục vọng. Bản thân vị ni xúi giục ‘không cho, không thọ nhận,’ và ‘việc thọ nhận vì thế không được biết đến’ vì vị thọ nhận là vị tỳ khưu ni khác. Khi vị này thọ dụng thì vị ni xúi giục phạm tội saṅghādisesa (Sđd. 1394-1395).

[123] Câu kệ 42: Liên quan đến việc phạm tội dukkaṭa của vị tỳ khưu ni trên trong việc xúi giục vị tỳ khưu ni khác thọ nhận nước và tăm xỉa răng từ tay người nam nhiễm dục vọng (Sđd. 1395).

[124] Câu kệ 43: Vị tỳ khưu ni vi phạm saṅghādisesa dầu có che giấu hay không che giấu không phạm thêm tội mới và chỉ phải chịu hành phạt mānatta nửa tháng (Sđd.).