Đức Phật Về Thành Kapilavatthu Tế Độ Hoàng Tộc Sākya

ĐỨC PHẬT VỀ THÀNH KAPILAVATTHU TẾ ĐỘ HOÀNG TỘC SĀKYA.

*Vua Suddhodana cho sứ giả thỉnh Đức Thế Tôn:

Đức Thế Tôn an cư mùa mưa lần thứ nhất nơi Isipatana Migādāya, khi mãn hạ, Ngài ngự đến khu rừng Uruvelā để tế độ ba đạo sĩ Kassapa thờ thần lửa, Ngài ở nơi này trọn ba tháng.

Vào ngày trăng tròn tháng Phussa (tháng chạp), Đức Thế Tôn cùng 1.000 vị Tỳkhưu Arahán Uruvelā Kassapa đến thành Rājagaha để tế độ vua Bimbisāra cùng 110 ngàn gia chủ Bàlamôn chứng Thánh quả Dự Lưu, an trú 10 ngàn gia chủ vào Tam quy và ngũ giới. Tiếp theo Đức Thế Tôn thọ nhận Veḷuvana và nơi đây hình thành ngôi đại tự đầu tiên của Phật Giáo.

Vào hạ tuần tháng Phussa, danh tiếng của Đức Thế Tôn lan truyền khắp nơi, Vua cha Suddhodana nghe rằng: “Thái tử Siddhattha con vua Suddhodana, sau 6 năm xuất gia khổ hạnh, nay trở thành Bậc Chánh Giác, hiện đang trú ngụ nơi Veḷuvanavihāra (Đại tự Trúc Lâm), gần thành Rājagaha”.

Được nghe tin lành tốt đẹp này, vua Suddhodana liền cho gọi một vị quan đại thần đến nói rằng:
– Ta được nghe Thái tử Siddhattha nay đã trở thành bậc Chánh Giác, hiện đang trú ngụ nơi rừng Trúc gần thành Rājagaha. Vậy khanh hãy mang theo 1.000 quan quân tùy tùng đến thành Rājagaha, tìm đến con trai, bạch rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, cha của Ngài là vua Suddhodana muốn đảnh lễ Ngài. Kính thỉnh Ngài ngự về kinh thành Kapilavatthu”.

– Vâng, thưa Đại vương.

*CHÍN ĐOÀN SỨ GIẢ:

Vị đại thần cùng 1.000 quan quân tùy tùng lên đường không chậm trễ, mang theo thông điệp thỉnh Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Kapilavatthu.

Từ kinh thành Kapilavatthu đến kinh thành Rājagaha (Vương xá) dài 60 do tuần (Khoảng 480 km). Đến kinh thành Rājagaha, vị đại thần cùng 1.000 quan quân tuỳ tùng đi vào Veḷuvanavihāra, bấy giờ Đức Thế Tôn đang giảng pháp đến đại chúng, vị đại thần suy nghĩ:
-Đức Thế Tôn đang giảng pháp, ta nên lắng nghe pháp trước. Khi Đức Thế Tôn giảng pháp xong, ta sẽ chuyển giao bức thông điệp của vua Suddhodana đến Đức Thế Tôn cũng không muộn.

Vị đại thần cùng 1.000 quan quân tùy tùng đứng sau hội chúng lắng nghe Giáo pháp. Đức Thế Tôn quán xét thấy được duyên lành của vị đại thần cùng 1.000 tuỳ tùng, Ngài thuyết lên pháp thoại hợp với duyên lành tích trữ của nhóm này.

Dứt pháp thoại cả 1,000 vị đều chứng Thánh quả Arahán. Một ngàn vị tân Thánh nhân Arahán đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, chúng con có thể xuất gia sống đời sống Phạm hạnh trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn được chăng?

Đức Thế Tôn duỗi thẳng cánh tay phải của Ngài ra, dạy rằng:
“Etha bhikkhavo’ti, svākkhāto dhammo, caratha brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāyāti”.
“Hãy đến đây này các Tỳ khưu, hãy thực hành Phạm hạnh trong Giáo pháp này để chân chánh chấm dứt đau khổ”.

Lập tức râu tóc của 1.000 vị rụng xuống, trên người xuất hiện đầy đủ 8 món vật dụng của bậc Samôn như y, bát …

Tuy vừa xuất gia nhưng các Ngài có Tăng tướng như vị Samôn có sáu mươi tuổi hạ và các vị tân Tỳ khưu ấy đang ở trong tư thế đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Thông điệp của vua Suddhodana thỉnh Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Kapilavatthu vì vậy không được chuyển giao đến Đức Thế Tôn do từ lúc chứng đắc Thánh quả Arahán, các vị thánh Arahán này không còn quan tâm đến thế sự nên vị Tỳ khưu trưởng đoàn (quan đại thần trước đó) đang hân hoan hưởng an lạc giải thoát trong Thánh quả Arahán, nên không nhớ đến thông điệp của vua Suddhodana.

Mặc khác, duyên thỉnh Đức Thế Tôn về kinh thành Kapilavatthu chính do Ngài Kāḷudāyi, đồng thời duyên lành Đạo quả của Hoàng tộc Sākya chưa chín muồi.

Vua Suddhodana chờ đợi không thấy vị đại thần được cử đi trở về đúng thời hạn, lại không có tin tức gì từ vị đại thần này. Vua Suddhodana nóng lòng muốn biết sự yên lặng của đoàn sứ giả thứ nhất, nên cho gọi vị đại thần thứ hai đến bảo:
– Ta được nghe Thái tử Siddhattha nay đã trở thành bậc Chành Giác, hiện đang trú ngụ nơi rừng Trúc gần thành Rājagaha. Vậy khanh hãy mang theo 1.000 quan quân tùy tùng đến thành Rājagaha, tìm đến con trai ta là bậc Chánh Giác, bạch rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, cha của Ngài là vua Suddhodana muốn đảnh lễ Ngài. Kính thỉnh Ngài ngự về kinh thành Kapilavatthu”.

– Vâng, thưa Đại vương.

Vị đại thần thứ hai lại lên đường và cũng như đoàn sứ giả thứ nhất, một ngàn vị đều chứng đắc Thánh quả Arahán và xuất gia trong Giáo đoàn của Đức Thế Tôn giống như đoàn sứ giả thứ nhất.

Cứ như thế, vua Suddhodana gởi liên tiếp 9 đoàn sứ giả thỉnh Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Kapilavatthu và tất cả đều trở thành những vị Thánh Arahán trong Tăng đoàn.

*Ngài Kāḷudāyī – người bạn sinh cùng ngày với Bồ Tát Siddhattha:

Cả 9 đoàn sứ giả ra đi không một đoàn nào trở về cũng chẳng có lời hồi âm tin tức đến vua Suddhodana.

Vua Suddhodana suy nghĩ: “Vì sao cả 9 đoàn sứ giả bặt vô âm tín? Ai là người có thể giúp ta chuyển giao thông điệp thỉnh Đức Thế Tôn trở về kinh thành Kapilavatthu?”.

Đức vua nghĩ đến quan đại thần Kāḷudāyi (còn được viết là Kāḷudāyī), người sinh ra cùng ngày đồng thời là người bạn thuở ấu thơ của Thái tử Siddhattha, là người rất gần gũi với Hoàng tộc Sākya, hiện Kāḷudāyi đang là quan Tể tướng của hoàng gia.

Vua Suddhodana cho vời quan đại thần Kāḷudāyi đến, nói rằng:
– Này Kāḷudāyi con, ta rất nhớ con trai ta là Siddhattha, con trai ta ra đi xuất gia được 6 năm, nghe nói đã trở thành bậc Chánh Giác. Ta muốn bày tỏ lòng tôn kính đến người con trai thân yêu của ta. Ta đã gửi 9 đoàn sứ giả ra đi để thỉnh Ngài trở về kinh thành Kapilavatthu. Nhưng cả 9000 quan quân ra đi không trở lại, lại không có tin tức gì về 9 đoàn sứ giả cả.

Người ta không có lý do nào tin chắc mạng sống mình không bị đe doạ cả. Này Kāḷudāyi thân yêu, con có thể đảm nhận trọng trách “thỉnh Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Kapilavatthu”được không? Để ta còn có cơ hội gặp lại con trai thân yêu của ta.

– Thưa Đại vương, được. Nhưng Đại vương hãy cho phép con được xuất gia trở thành vị Samôn.

– Này Kāḷudāyi con, điều ấy được thôi. Nhưng dù con có xuất gia là vị Samôn hay sống đời sống tại gia, con hãy cố gắng hoàn thành trọng trách mang thông điệp của ta “thỉnh Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Kapilavatthu”.

– Vâng thưa Đại vương.

Đại thần Kāḷudāyi cùng 1.000 quan quân tuỳ tùng lên đường đến thành Rājagaha. Còn 7 ngày nữa đến ngày trăng tròn tháng Phagguna (tháng 2 ÂL) Đại thần Kāḷudāyi đã đến thành Rājagaha, cũng như 9 đoàn sứ giả trước, đoàn người của Đại thần Kāḷudāyi được nghe pháp từ Đức Thế Tôn, chứng đắc Thánh quả Arahán và được xuất gia trong giáo đoàn theo cách “Ehi bhikkhu” (Hãy đến đây, hỡi các tỳ khưu)

Vào ngày trăng tròn tháng Phagguna (Rằm tháng 2 ÂL), Ngài Kāḷudāyi suy nghĩ: “Mùa đông đã trôi qua, hiện tại là mùa khô với khí trời tươi mát, không quá lạnh cũng không quá nóng, cỏ non đã mọc nhiều, các loài hoa đua nhau nở rộ, toả ngát mùi hương. Nhà nông đã thu hoạch mùa vụ hoàn tất. Đây là thời điểm thích hợp để ta thỉnh Đức Thế Tôn trở về kinh thành Kapilavatthu”.

Ngài Kāḷudāyi sau khi đắp y chỉnh tề, đi đến Đức Thế Tôn, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, đứng nơi phải lẽ, nói lên những kệ ngôn mô tả cảnh trí xinh đẹp của những con đường dẫn đến thành Kapilavatthu như:
“Atikkanto hemanto, vasantakālo anuppatto;
Samayo tathāgatassa, kapilapuraṃ gantu’’nti.
“Mùa lạnh đã đi qua, hiện đang là mùa xuân.
Là lúc thỉnh Đức Như Lai trở về thành Kapilavatthu”…

Nghe vậy, Đức Thế Tôn hỏi Ngài Kāḷudāyi rằng:
– Này Kāḷudāyi, vì lý do nào ngươi ca tụng cảnh trí xinh đẹp của con đường dẫn đến thành Kapilavatthu?

– Bạch Thế Tôn, Đức vua Suddhodana nơi kinh thành Kapilavatthu mong được đảnh lễ Ngài cùng Tăng chúng. Hiện tại mùa lạnh đã đi qua, tiết trời tươi mát không quá nóng cũng không quá lạnh, là thời điểm thích hợp để Đức Thế Tôn đến viếng kinh thành Kapilavatthu.
Kính bạch Đức Thế Tôn, vua Suddhodana và Hoàng tộc rất mong được gặp lại Ngài sau bảy năm cách biệt. Kính thỉnh Ngài ngự về kinh thành Kapilavatthu.

– Lành thay, lành thay! này Kāḷudāyi. Hãy thông báo đến các vị Tỳ khưu rằng: “Như Lai sẽ vân du đến thành Kapilavatthu”(theo bộ Phật Sử Buddhavaṁsa).

– Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.

Theo thông lệ, trước khi lên đường du hành, Đức Thế Tôn thông báo đến các Tỳ khưu trước 15 ngày, để các vị Tỳ khưu sửa soạn các tư cụ samôn mang theo như Y bát, đồ lọc nước … để thuận lợi trong chuyến du hành.

Vào đầu hạ tuần tháng Phagguna (đầu tháng 3 ÂL), Đức Thế Tôn cùng 20.000 vị Tỳ khưu Arahán (10 ngàn vị xuất thân từ những gia tộc danh giá của xứ Aṅga và xứ Magadha; 10 ngàn vị xuất thân từ kinh thành Kapilavatthu) khởi hành từ thành Rājagaha đến thành Kapilavatthu.

Đức Thế Tôn cùng chư Tăng đi vân du chậm rãi mỗi ngày khoảng một do tuần (khoảng 20 km), điều này gọi là aturita (nhàn du). Đây là thông lệ của các Đức Phật khi vân du, không cần thiết phải vội vã. Hơn nữa, nhằm để hoàng tộc Sākya có đủ thời gian chuẩn bị, tổ chức lễ tiếp rước Đức Thế Tôn và Tăng chúng được long trọng và chu đáo.

*Vua Suddhodana cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn:

Ngài Kāḷudāyi suy nghĩ: “Đây là thời điểm thích hợp, ta hãy đến báo tin cho vua Suddhodana,tiếp rước Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng”.

Ngài Kāḷudāyi dùng thần thông bay trên hư không đến Hoàng cung của vua Suddhodana, từ hư không, Ngài hạ thân xuống trước mặt vua Suddhodana.

Đức vua Suddhodana sau giây phút kinh ngạc, định thần lại thấy vị Samôn trước mặt chính là Kāḷudāyi, vua Suddhodana hân hoan rằng:

– Xin chào Ngài Samôn Kāludāyi thân yêu. Xin thỉnh Ngài hãy ngồi nơi chỗ dành cho những vị quí tộc.

Rồi Đức vua Suddhodana dâng lên Ngài Kāḷudāyi những vật thực thượng vị dành riêng cho mình. Ngài Kāludāyi tỏ dấu hiệu ra đi, vua Suddhodana nói rằng:
– Xin Ngài Samôn hãy thọ thực nơi bảo toạ dành riêng cho ta.

– Thưa Đại vương, tôi sẽ thọ thực trước mặt Đức Thế Tôn.

– Thưa Ngài Samôn Kāḷudāyi thân yêu, Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu?

– Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn cùng 20 ngàn vị Thánh Arahán đang trên đường trở về thăm đại vương.

Nghe được tin vui này, vua Suddhodana hân hoan rằng:
– Kính thưa Ngài Samôn Kāludāyi thân yêu. Xin Ngài hãy thọ thực đi, tôi sẽ nhờ Ngài dâng vật thực đến Đức Thế Tôn mỗi ngày, cho đến khi nào Đức Thế Tôn ngự về đến hoàng cung.

Ngài Kāḷudāyi im lặng nhận lời, khi Ngài Kāḷudāyi thọ thực xong, vua Suddhodana thỉnh chiếc bát, cho người rửa sạch bát bằng nước thơm, rồi đặt vào đó đầy những loại vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Tự thân vua Suddhodana trao bát đến tận tay Ngài Kāḷudāyi nói rằng:
– Kính xin Ngài hãy thay ta cúng dường vật thực này đến Đức Thế Tôn.

Ngài Kāḷudāyi đưa bát đi vào hư không rồi Ngài theo sau như người hộ tống chiếc bát trước sự kinh ngạc và thán phục của vua Suddhodana cùng các quan Đại thần. Ngài Kāḷudāyi hạ thân xuống trước Đức Thế Tôn, dâng bát vật thực đến Đức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, đây là vật thực do vua Suddhodana cúng dường đến Ngài.

Đức Thế Tôn tiếp nhận bát vật thực và thọ dụng vật thực ấy.

Từ đó mỗi ngày, Ngài Kāḷudāyi đều đi đến Hoàng cung của dòng Sākya báo tin cho vua Suddhodana biết về quãng đường còn lại của Đức Thế Tôn. Đồng thời Ngài thọ thực nơi Hoàng cung rồi mang vật thực của vua Suddhodana cúng dường đến Đức Thế Tôn về dâng lên Đức Thế Tôn. Sở dĩ Ngài Kāḷudāyi làm như thế để tạo niềm tin cho Hoàng tộc Sākya, trước khi họ được diện kiến Đức Thế Tôn.

Vua Suddhodana lập tức cho họp hội đồng bộ tộc Sākya, thông báo rằng:
“Đức Thế Tôn sẽ ngự về kinh thành Kapilavatthu cùng với 2 vạn Tăng chúng, chúng ta hãy tổ chức lễ nghênh đón Đức Thế Tôn. Trước khi xuất gia Ngài là vị vua của quốc độ Sākya này, đồng thời cũng là họ hàng của chúng ta”.

Hoàng tộc Sākya lập phương án lễ tiếp rước Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng thật long trọng. Điều quan trọng là tìm nơi thanh vắng để Đức Thế Tôn cùng 2 vạn Tăng chúng có chỗ trú ngụ.

Sở dĩ trong kinh thành Kapilavatthu không có một tự viện nào cả, vì trước đây vua Suddhodana e ngại Thái tử Siddhattha xuất gia khi thấy hình ảnh vị Samôn, nên các vị xuất gia không được phép đi vào kinh thành Kapilavatthu.

Vua Suddhodana biết rằng: “Đức Thế Tôn khi trở về kinh thành, Ngài sẽ không ngự trú nơi Hoàng cung. Vì Ngài là bậc xuất gia, nên Ngài sẽ trú ngụ nơi thanh vắng và an tịnh”.

Một vương tử giòng Sākya là Nigrodha hiến khu vườn cây của mình đến hội đồng bộ tộc, hội đồng bộ tộc chọn vườn cây của vương tử Nigrodha là nơi nghênh tiếp Đức Thế Tôn. Vườn cây của vương tử Nigrodha là nơi thích hợp và khả ái nhất để Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng trú ngụ. Trong vườn có rất nhều cây cao bóng mát, nước thì nơi nào cũng có, vườn cây không cách xa kinh thành Kapilavatthu lắm, cảnh trí lại thanh tao nho nhã .

Tự viện nhanh chóng được kiến tạo, có liêu thất, đường kinh hành , nơi ngồi ban ngày, nơi ngồi ban đêm ….Đây là khu vườn của vương tử Nigrodha thuộc giòng Sākya, vì trong khi hội đồng bộ tộc Sākya nhóm họp, tìm địa điểm thích hợp để đón tiếp Đức Thế Tôn trở về kinh thành Kapilavatthu sau 7 năm xa cách. Nhiều địa điểm được nêu ra nhưng không thích hợp do những nhược điểm như: quá xa hoặc quá gần kinh thành, ồn ào náo nhiệt , nóng bức …. cuối cùng Hội đồng bộ tộc đề cập đến khu vườn rộng Nigrodha là nơi thích hợp để đón tiếp Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng.

Vương tử Nigrodha hiến dâng khu vườn Nigrodha của mình đến Hoàng tộc Sākya. Ngôi tự viện được nhanh chóng xây cất để Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng khi trở về kinh thành Kapilavatthu có nơi trú ngụ, vì vương tử Nigrodha dâng khu vườn nên tự viện có tên là Nigrodha (Nigrodhārāma).

Lại nữa khu vườn này không được rộng lớn lắm nên chỉ được gọi là ārāma (tự viện), không thể gọi là vihāra (đại tự), nhưng với số lượng chư Tăng là 20.000 vị, có khả năng các Ngài phải lưu trú ở những vùng phụ cận chung quanh khu vườn Nigrodha.

Tại Nigrodhārāma (tự viện Nigrodha), Đức Thế Tôn thị hiện thần thông song hành (yamakapāṭihāriya) thể hiện uy lực của Đấng Chánh giác để nhiếp phục sự tự cao của giòng tộc Sākya.

Ngài Sāriputta cùng với 500 vị Tỳ khưu từ núi Gijjhakūṭa (Kên kên) đi trên hư không đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, hỏi Đức Thế Tôn về công hạnh của một vị Phật Chánh giác, do nhân này Đức Thế Tôn đã thuyết lên bộ bộ Buddhavaṃsa (Phật sử) và Cariyapiṭaka (Hạnh Tạng).

Sau khi thuyết lên bộ Buddhavaṃsa (Phật sử), một trận mưa rơi xuống chỉ làm ướt đến những ai muốn ướt và nhân đó Đức Thế Tôn thuyết lên về chuyện Đức Bồ Tát Vessantara (Vessantarajātaka).

Cũng tại nơi đây, di mẫu Mahāpajāpaṭī Gotamī đã ba lần đến xin Đức Thế Tôn cho nữ giới được xuất gia trong Giáo pháp, nhưng Đức Thế Tôn đã từ chối, rồi Đức Thế Tôn đi đến Mahāvana (Đại lâm) gần kinh thành Vesāli.

Đức Thế Tôn trở về kinh thành Kapilavatthu nhiều lần và trú ngụ nơi tự viện Nigrodha này, nơi đây Đức Thế Tôn chế định nhiều học giới cho các Tỳ khưu.

Nhiều cư sĩ đến yết kiến Đức Thế Tôn ở tự viện Nigrodha như Thích tử Mahānāma (sau khi luận bàn với Thích tử Mahānāma, Đức Thế Tôn thuyết lên kinh Tiểu khổ uẩn – Cūḷadukkakkhandhasutta), Godha, Sarakāṇi, Nandiya và Vappa.

*Đức Thế Tôn dùng song thông lực nhiếp phục dòng họ Sākya:

Đức Thế Tôn cùng 20.000 vị Tỳ khưu vân du mỗi ngày một do tuần; sau hai tháng vào ngày đầu hạ tuần tháng Vesakha (Tháng 5 ÂL), Đức Thế Tôn cùng chư Tỳkhưu Tăng đến thành Kapilavatthu.

Ngài Kāḷudāyi thông báo đến vua Suddhodana rằng:
– Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn cùng 20.000 vị Tỳ khưu chỉ còn cách kinh thành Kapilavatthu một do tuần. Ngày mai Đức Thế Tôn sẽ ngự đến kinh thành vào buổi chiều.

– Lành thay, lành thay, thưa Tôn giả.

Vài ngày trước Đức vua Suddhodana cho trang hoàng lại thành phố thật xinh đẹp, thông báo đến cư dân trong và ngoại thành Kapilavatthu rằng: “Hãy chuẩn bị đón chào Đại vương Siddhattha, Ngài đã đắc thành Bậc Chánh giác, Ngài đang trên đường trở về kinh thành Kapilavatthu”.

Cư dân thành Kapilavatthu hân hoan đón chào Đức Thế Tôn trở về sau 7 năm xa vắng. Hoàng tộc Sākya vốn rất tự cao tự đại, các vị Trưởng lão trong hội đồng bộ tộc bàn luận với nhau rằng: “Thái tử Siddhattha tuổi còn trẻ so với chúng ta chỉ là con cháu, mặt khác, trong bộ tộc của dòng Sākya lại là vai con hay cháu. Chúng ta không thể đảnh lễ Thái tử Siddhattha, nhưng nếu vậy thì sự long trọng không được thể hiện. Vậy chúng ta hãy cho các công nương cùng vương tử trẻ tuổi đứng phía trước để đảnh lễ Thái tử Siddhattha, còn chúng ta sẽ đứng phía sau những công nương cùng các vương tử ấy. Như thế chúng ta không phải đảnh lễ, đồng thời sự long trọng của lễ chào đón Thái tử Siddhattha trở về quê hương sẽ không bị giảm sút”.

Khi Đức Thế Tôn đến thành Kapilavatthu, Ngài cùng 20.000 vị Tỳkhưu đến thẳng vườn Nigrodha. Khi ấy cư dân thành Kapilavatthu đã chuẩn bị sẵn sàng, họ đi đến vườn Nigrodha thành từng đoàn, trên tay cầm hương hoa để cúng dường đến Đức hế Tôn và Tăng chúng.

Hội đồng bộ tộc sắp xếp cung đón Đức Thế Tôn và Tăng chúng như sau:
Vòng đai đầu tiên là những thanh niên thiếu nữ con của những gia tộc trưởng giả trong thành Kapilavatthu, tiếp theo là vòng đai của các thanh niên thanh nữ con của các quan đại thần, vòng đai thứ ba là các công nương và vương tử trẻ tuổi, sau cùng là các trưởng lão trong bộ tộc. Tất cả đều cầm hương hoa cùng vật thơm dùng những cánh hoa nhúng vào những chậu hương thơm cúng dường đến Đức Thế Tôn và Tăng chúng.

Khi đến vườn Nigrodha, Đức Thế Tôn ngồi vào chỗ đã được soạn sẵn, các vị Tỳ khưu ngồi phía sau Ngài tuỳ theo hạ lạp. Các vương tử cùng các công nương trẻ tuổi đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng, riêng các vị bô lão trong tộc họ Sākya vẫn đứng yên lặng phía sau các vương tử trẻ tuổi.

Trông thấy hiện cảnh này, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Dòng dõi Sākya rất tự hào về giòng dõi Khattiya (Sátđếlỵ) của mình. Hiện họ đang tự hào về tuổi tác, nên không bày tỏ sự cung kính Như Lai, chính vì không hiểu biết uy lực của Đức Phật Chánh Giác nên họ tự kiêu về giòng tộc cùng tuổi tác một cách vô ích như thế. Vậy Như Lai sẽ cho quyến thuộc của Như Lai biết rõ uy lực của Đấng Chánh Giác, có thế mới nhiếp phục được tính tự kiêu về dòng tộc cùng tuổi tác của họ; Như Lai sẽ thể hiện Song thông lực tại nơi này”.

Ý định thể hiện Song thông lực của Đức Thế Tôn đã làm cho trái đất rung động, các vị Phạm thiên cùng thiên nhân thấy quả đất chuyển động, đưa tâm quán xét biết được ý định của Đức Thế Tôn nên hân hoan tán thán rằng: “Lành thay, lành thay” lan rộng khắp 10 ngàn thế giới.

Đức Thế Tôn an trú tâm vào Tứ thiền với Odātakasina (màu trắng trong sạch hay còn gọi là đề mục trắng), khi xuất khỏi Tứ thiền, Đức Thế Tôn quyết định: “Cả 10 ngàn thế giới này sáng rực lên, tất cả chúng sinh đều có thể thấy rõ từ cõi Phạm thiên Akaniṭṭha (Sắc Cứu cánh) đến tận cõi Avīciniraya (Atỳ điạ ngục)”, Đức Thế Tôn lại nhập vào Tứ thiền với đề mục trắng, rồi xuất khỏi Tứ thiền, lập tức 10 ngàn thế giới xuất hiện rõ ràng trước mắt của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trông thấy cảnh tượng này chúng sinh nhân loại, chư thiên cùng Phạm thiên tán thán vang dội: “Lành thay, lành thay”.

Trong khi chúng sinh đang hân hoan, Đức Thế Tôn lại an trú tâm vào tứ thiền với đề mục pathavīkasina (đề mục đất), xuất ra khỏi Tứ thiền, Đức Thế Tôn quyết định: “Hư không hãy trở nên rắn chắc như đất”, sau khi quyết định, Đức Thế Tôn nhập vào Tứ thiền với đề mục đất, rồi xuất khỏi Tứ thiền, hư không trở nên rắn chắc, từ chỗ ngồi Đức Thế Tôn đứng dây đi vào hư không như đi trên đất bằng.

Từ trên hư không Đức Thế Tôn lại an trú tâm vào Tứ thiền cùng một lúc với hai đề mục: Lửa (tejo) và nước (āpo), khi xuất khỏi Tứ thiền, Đức Thế Tôn quyết định: “Nước và lửa hãy phun ra từ thân của Như Lai”, rồi Đức Thế Tôn lại nhập vào Tứ thiền với hai đề mục trên, xuất khỏi tứ thiền, điều quyết định của Đức Thế tôn trở thành hiện thực (diễn đạt thì lâu như thế, nhưng diễn tiến những sự kiện này chỉ xảy ra trong chớp mắt).

Nước và lửa cùng một lúc phún ra từ thân của Đức Thế Tôn theo 12 nơi như sau:

1 – Phần trên thân và phần dưới thân (nghĩa là phần trên thân của Đức Thế Tôn phun ra nước thì phần dưới thân phun ra lửa hay phần trên thân phun ra lửa thì phần dưới thân phun ra nước. Cứ như thế mà xoay vòng, những tia lửa không trộn lẫn vào nước, những tia nước không trộn lẫn vào lửa).

2 – Phía trước thân và phía sau thân (nghĩa là phía trước thân phun ra lửa thì phía sau thân phun ra nước, hay phía trước thân phun ra lửa thì phía sau thân phun ra nước, cứ thế mà xoay vòng. Những phần sau cũng tương tự như thế).

3 – Ở mắt phải và mắt trái.
4 -Ở lỗ tai phải và lỗ tai trái.
5 – Ở lỗ mũi phải và ở lỗ mũi trái.
6 – Ở vai phải và vai trái.
7 – Ở tay phải và tay trái.
8 – Ở cạnh sườn phải và cạnh sườn trái.
9 – Ở chân phải và chân trái.
10 – Ở các ngón tay, kẽ tay, ngón chân và kẽ chân (như ngón tay phun ra lửa thì ngón chân phun ra nước rồi ngược lại; hoặc ngón tay phun ra lửa thì kẽ tay phun ra nước rồi ngược lại; hoặc ngón chân phun ra lửa thì kẽ chân phun ra nước rồi ngược lại; hoặc kẽ tay phun ra lửa thì kẽ chân phun ra nước rồi ngược lại).
11 – Ở mỗi sợi lông.
12 – Ở các lỗ chân lông.

Nước và lửa ấy tựa như đám bụi từ thân Đức Thế Tôn rơi xuống đại chúng rồi tan biến ngay, hào quang toả ra từ nước và lửa xen lẫn vào với nhau rất xinh đẹp tựa như hàng vạn tinh tú rơi xuống bất tận.

Tiếp theo, Đức Thế Tôn thể hiện song thông lực bằng cách khác: Hào quang xanh và đỏ từ thân của Ngài phun ra (cũng từ 12 nơi như nước và lửa), hào quang vàng và trắng từ thân Ngài phun ra …

Trên đường kinh hành lại xuất hiện một vị hoá Phật giống như Đức Thế Tôn, không một chúng sinh nào có thể phân biệt: Đây là hiện Phật, đây là hoá Phật. Khi hiện Phật đi thì hoá Phật ngồi hay nằm hoặc đứng; khi hiện Phật đứng thì hoá Phật ngồi hay nằm … Rồi hào quang sáu màu từ Phật thân rực chiếu: Sáu màu đó là: Màu xanh (da trời), vàng, đỏ, trắng, cam và màu chói sáng do 5 sắc hoà lại với nhau.

*Vua Suddhodana đảnh lễ Đức Thế Tôn:

Nhìn thấy uy lực của Bậc Chánh Giác, vua Suddhodana kính cẩn cúi mình xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, nói rằng:
– Kính bạch Thế Tôn, khi Ngài sinh ra được ba ngày, vị Đại tiên Kāḷadevila đến viếng thăm, trong lúc tôi chấp tay hướng về Đạo sĩ Kāḷadevila để tỏ sự tôn kính vị ấy. Bấy giờ bàn chân của Ngài đã duỗi ra đặt lên búi tóc của Đạo sĩ Kāḷadevila, Đạo sĩ Kāḷadevila đã đảnh lễ Ngài, theo đó tôi cũng đã đảnh lễ Ngài. Đây là lần thứ nhất tôi đảnh lễ Ngài.

Khi Ngài được 7 tuổi, vào buổi lễ Hạ điền của dòng tộc Sākya, Ngài được đặt ngồi nơi gốc cây trâm, trong khi chúng dân vui chơi lễ hội, Ngài trầm tư trong thiền tịnh. Những cây cao khác bóng ngả về chiều, riêng bóng cây trâm nơi Ngài ngự vẫn đứng thẳng như che mát cho Ngài, thấy thế, tôi đã đảnh lễ Ngài. Đó lần thứ hai tôi đảnh lễ Ngài.

Giờ đây, được chứng kiến uy lực của Đấng Chánh giác, tôi kính đảnh lễ Ngài lần thứ ba.

Khi vua Suddhodana đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn, tất cả những người trong bộ tộc Sākya đều quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Bấy giờ Đại Phạm thiên Sahampati chắp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn, thỉnh cầu rằng:
” – Brahmā ca lokādhipatī sahampatī; katañjalī anadhivaraṃ ayācatha.
Santīdha sattāpparajakkhajātikā; desehi dhammaṃ anukampimaṃ pajaṃ’’.
““Ở đây có những chúng sinh có bản chất ít ô nhiễm, xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn thuyết giảng Giáo pháp đến các chúng sinh này”.

Đức Thế Tôn quán xét thế gian bằng Phật nhãn thấy rằng:
“Na hete jānanti sadevamānusā, buddho ayaṃ edisako naruttamo.
Iddhibalaṃ paññābalañca edisaṃ; buddhabalaṃ lokahitassa edisaṃ.
“Bởi vì chư thiên và đám người này không biết được Đức Phật là đấng Tối Thượng Nhân (naruttaro) này là như thế này, không biết được năng lực của thần thông và năng lực của trí tuệ là như thế này, không biết được Phật lực của đấng tế độ chúng sinh là như thế này”

“Handāhaṃ dassayissāmi; buddhabalamanuttaraṃ.
Caṅkamaṃ māpayissāmi; nabhe ratanamaṇḍitaṃ”
“Vậy Như Lai sẽ thị hiện Phật lực tối thượng. Ta sẽ làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung”.

Đức Thế Tôn nhập vào Tứ thiền khi xuất ra khỏi Tứ thiền Đức Thế Tôn quyết định: “Một con đường kinh hành bằng ngọc báu bắt từ Đông sang Tây giữa 10 ngàn thế giới hãy khởi lên”.

Ngài lại nhập vào tứ thiền rồi xuất khỏi Tứ thiền, lập tức một con đường kinh hành bằng ngọc báu xuất hiện đúng theo ý của Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, Ngài bước lên con đường kinh hành làm bằng ngọc báu và đi kinh hành trên con đường ấy.

Ngài Buddhadatta trong tập Sớ giải Phật sử (Buddhavaṃsa – Atthakathā) có mô tả “Con đường kinh hành châu báu” như sau:

Con đường kinh hành châu báu lấy thế giới này là trung tâm, điểm giữa con đường kinh hành chính là đỉnh núi Sineru (TuDi) của luân vi (cakkavāla) này, trên đỉnh núi Sineru là một cột bằng vàng chống đỡ con đường kinh hành.

Từ điểm giữa này chạy thẳng về hướng Đông, trên những đỉnh núi Sineru của các luân vi khác là những trụ cột bằng vàng chống đỡ con đường kinh hành. Tương tự như thế về phương Tây.

Con đường kinh hành châu báu này có hai tầng: Tầng trên gọi là “trên đường kinh hành”, tầng dưới gọi là “dưới đường kinh hành”.

Ở hai bên (trên hay dưới đường kinh hành) được giới hạn bởi lan can bằng vàng thuần chất với những hoa văn trang trí rất mỹ thuật và xinh đẹp, các mối nối kết giữa hai tầng được chạm trổ hoa văn xinh đẹp.

Mặt đường là những tấm ván bằng vàng, trên sàn đường được khảm vô số châu ngọc, ngọc maṇi, ngọc trai được nghiền nhỏ như cát mịn trải lên trên mặt đường Đức Thế Tôn đi trên lớp châu báu rất êm chân. Ánh sáng phát ra từ những loại ngọc báu liên kết với nhau từng cặp rất sinh động tuyệt đẹp.

Ánh sáng từ con đường kinh hành châu báu toả lan rộng khắp 10 phương, Đấng Như Lai đi kinh hành trên đường châu báu tựa như toàn thân của Ngài phát ra ánh sáng cùng khắp 10 phương hướng.

Tất cả Phạm thiên (trừ Phạm thiên cõi Vô sắc và cõi Vô tưởng) trong 10.000 thế giới vận y phục trắng tinh khiết đứng chấp tay qua khỏi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, tán thán rằng:
“Đức Thế Tôn, Ngài là bậc đã chiến thắng ngũ ma.
Đức Thế Tôn, Ngài là bậc mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Đức Thế Tôn, Ngài là bậc bảo vệ hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.
Đức Thế Tôn là bậc có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh”.

Các thiên nhân trong 10.000 thế giới hân hoan đi đến con đường kinh hành cúng dường hương hoa. Những thiên nhân không đến được con đường kinh hành do uy lực thấp kém thì ở nơi trong thiên cung của mình, chắp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Thiên nhân mang những cánh hoa trời như Mandārava (Mạnđàla), hoa Paricchattaka (hoa San hô) cúng dường, ngoài ra còn có các loài rồng, Kim xí điểu (Garuda) cùng đến đảnh lễ cúng dường hương hoa đến Đức Thế Tôn.

Con đường kinh hành châu báu ngập tràn mọi hương hoa của 10 ngàn thế giới.

Các Thiên thần nhạc sĩ cùng nhau tấu lên những khúc thiên âm thù diệu bằng các loại nhạc cụ như: Trống da, trống con, tùvà, đàn vinā, đàn 7 dây… để cúng dường Đức Thế Tôn, các thiên nữ vũ công với thiên y sặc sỡ múa hát bằng những vũ khúc điêu luyện, trên không trung những cờ phướn chư thiên tung bay khắp nơi cúng dường đến Đức Thế Tôn.

Dù con đường kinh hành trải dài khắp 10 ngàn thế giới, nhưng Đức Thế Tôn đi đến hết con đường (khi đi chưa hết con đường, Đức Thế Tôn không hề quay lại) rồi quay trở lại với thời gian nhanh chóng như đi trên con đường dài 4 hắc tay.

Tuy con đường kinh hành rộng lớn nhưng Đức Thế Tôn đi kinh hành trên con đường ấy, tựa như đang đi trên con lộ nhỏ, đó là năng lực của vị Chánh Đẳng Giác.

Thật vậy, Phật giới (Buddhavisaya) thì không thể bàn luận thấu đáo được, có bốn điều không thể bàn cho đến tận cùng được, đó là:
– Buddhavisaya acinteyya: Phật giới không thể nghĩ, bàn luận cho hết được.
– Jhānavisaya acinteyya: Thiền giới không thể nghĩ, bàn luận cho hết được
– Kammavipāka acinteyya: Nghiệp quả không thể nghĩ, bàn luận cho hết được.
– Lokacintā acinteyya: Thế gian (vũ trụ) không thể nghĩ, bàn luận cho hết được([52]).

Trong bộ Buddhavaṃsa (Phật sử), Đức Thế Tôn có dạy:
“Cattāro te asaṅkheyyā; koṭi yesaṃ na nāyati.
Sattakāyo ca ākāso; cakkavāḷā canantakā.
Buddhañāṇaṃ appameyyaṃ; na sakkā ete vijānituṃ.
“Có bốn điều không thể tính đếm được và không biết được điểm tận cùng của các điều ấy.
Tập hợp các chúng sinh, bầu không gian, các cõi thế giới vô biên, trí tuệ vô lượng của chư Phật.
Những điều này là không thể biết rõ”.

Chính do năng lực không thể luận bàn cho hết được của một vị Phật, nên chúng sinh từ cõi Phạm thiên Akaniṭṭha (Sắc cứu cánh) cho đến cõi thấp nhất là Avīciniraya (Atỳ địa ngục) đều thông suốt, không bị bất kỳ vật gì ngăn che tựa như một dãi đất bằng phẳng, nhân loại có thể nhìn thấy chư Thiên, Phạm thiên và ngược lại.

Tất cả nhìn thấy Đức Thế Tôn đang đi kinh hành trên con đường kinh hành bằng châu báu như nhìn thấy vị Samôn đang đi trên đường trước nhà của mình.

Đức Thế Tôn đi kinh hành trong tư thế tự tại, tâm Ngài an trú vào Thánh quả định (phalasamāpatti). Chư thiên, Phạm thiên, nhân loại tán thán “sādhu, sādhu: Lành thay, lành thay” vang dội.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.