Jhāna Và Định (samādhi) – Phân Tích Trọng Yếu Về Các Jhāna Trong Thiền Phật Giáo

Jhāna Và Định (Samādhi) 

Trích từ “Phân Tích Trọng Yếu Về Các Jhāna Trong Thiền Phật Giáo Nam Truyền” – Pháp Triều dịch từ tác phẩm của Thiền Sư Henepola Gunaratana

Trong ngôn ngữ của thiền Phật giáo, thuật ngữ jhāna được kết nối gần gủi với một thuật ngữ khác, samādhi, vốn thường được chuyển ngữ là “định”. Samādhi xuất nguồn từ một gốc từ với tiền tố saṃ-ā-dhā, có nghĩa là thu thập hoặc mang lại với nhau, tức là chỉ cho sự tập trung hay sự thống nhất của tâm trí. Hai thuật ngữ samādhi và samatha hầu như được dùng hoán đổi cho nhau, mặc dầu từ samatha có nghĩa là “sự tĩnh lặng” đến từ một gốc từ khác, sam (Skt. śam) mà có nghĩa là “trở nên tĩnh lặng”.

Trong các bài kinh (sutta), samādhi được định nghĩa là nhất tâm (cittass’ekaggatā) , và định nghĩa này được hỗ trợ theo sau một cách thông suốt và toàn diện với sự chính xác mang tính tâm lý học và chuyên môn trong Thắng Pháp (Abhidhamma).

Thắng Pháp (Abhidhamma) xem nhất tâm là một tâm sở (cetasika) riêng biệt, hiện hữu trong mọi trạng thái tâm thức. Nó là một tâm sở biến hành có chức năng làm thống nhất tâm trí trên đối tượng của nó, tức là đảm bảo rằng từng mỗi trạng thái tâm thức chỉ bắt duy nhất một đối tượng. Những trường hợp của nhất tâm vượt lên trên sự an định thông thường, tối thiểu hay đơn giản của tâm trí trên một đối tượng, để cung cấp cho tâm trí một mức độ vững chải và không phân tán thì đều được quy kết vào cái tên gọi samādhi. Do đó, Dhammasaṅgaṇi đồng nhất những dạng nổi trội của nhất tâm này với một chuỗi những từ đồng nghĩa mà bao gồm sự tĩnh lặng (samatha), định quyền (samādhindriya), và định lực (samādhibala).

Từ quan điểm tâm lý học chính xác nghiêm ngặt này, samādhi có thể có hiện hữu trong các trạng thái tâm thức bất thiện cũng như trong các trạng thái thiện và trung tính. Trong các trạng thái bất thiện, nó được gọi là “tà định” (micchāsamādhi), và trong các trạng thái thiện và trung tính, nó được gọi là “chánh định” (sammāsamādhi).

Tuy nhiên, khi được dùng như là một thuật ngữ trong các bài bình luận hay thuyết giảng về sự thực hành thiền, samādhi lại bị giới hạn chỉ dùng cho sự nhất tâm của loại thiện. Ngài Bhadantācariya Buddhaghosa, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), định nghĩa samādhi là sự nhất tâm mang tính thiện (kusalacittass’ekaggatā), và thậm chí ở đây, chúng ta có thể hiểu dựa vào ngữ cảnh rằng thuật ngữ samādhi được có ý muốn dùng để chỉ cho chính sự nhất tâm mang tính thiện có liên quan ở trong sự chuyển hóa có chủ ý của tâm trí lên tới một mức trầm tĩnh cao độ.

Ngài Buddhaghosa giải thích theo nguyên ngữ học thuật ngữ samādhi là “sự tập trung của tâm và các yếu tố tinh thần đồng sanh (ND: các tâm sở) của nó trên chỉ một đối tượng một cách ngang bằng và đúng đắn.” Ngài gọi nó là “cái trạng thái mà thông qua năng lực của nó, tâm và các yếu tố tinh thần đồng sanh (ND: các tâm sở) của nó được duy trì một cách ngang bằng và đúng đắn trên chỉ một đối tượng, không bị chi phối và không bị phân tán.”

Bất chấp tính rõ ràng và chính xác của định nghĩa này, thuật ngữ samādhi được dùng để miêu tả thiền trong văn chương Pāli với ý nghĩa đặc trưng ở nhiều mức độ khác nhau. Theo nghĩa hẹp nhất như ngài Buddhaghosa định nghĩa, nó chỉ cho cái tâm sở (cetasika) đặc biệt có tránh nhiệm cho việc tập trung của tâm ý, tức là tâm sở định hay tâm sở nhất tâm (ekaggatā).

Theo nghĩa rộng hơn, nó có thể chỉ cho các trạng thái tâm được nhất thống có được từ sức mạnh của sự tập trung, tức là những sự chứng đắc thiền và các giai đoạn dẫn đến các sự chứng đắc thiền. Và theo nghĩa rộng hơn nữa thì thuật ngữ samādhi có thể được dùng hay áp dụng cho phương pháp thực hành được sử dụng để tạo ra hay vun bồi cho những trạng thái tập trung tinh tế đó, tức là ở đây tương đương với sự phát triển thiền chỉ tịnh (samathabhāvanā).

Theo nghĩa thứ hai, hai thuật ngữ samādhi và jhāna là gần nhau nhất về ý nghĩa do có liên quan đến cùng chủ đề khá nhiều. Đức Phật dạy rằng chánh định (sammāsamādhi) là bốn jhāna, và chính điều này đã cho phép định (hay sự tập trung) bao hàm hay chứa đựng bên trong nó những sự chứng đắc thiền, và vốn là các jhāna. Tuy nhiên, mặc dầu jhāna và định (samādhi) có thể trùng lắp với nhau theo nghĩa rộng, nhưng những sự khác nhau về ý nghĩa của chúng trong các bối cảnh và những hàm ý ngăn cản việc nhận dạng hai thuật ngữ là một.

Thứ nhất, đằng sau việc Đức Phật sử dụng hệ thống jhāna để giải thích chánh định có bao gồm một sự lý giải mang tính chuyên môn về các thuật ngữ này. Theo sự lý giải này thì định (samādhi) có thể được làm hẹp lại để biểu thị cho chỉ một yếu tố, tức là yếu tố nổi trội nhất trong jhāna, đó là sự nhất tâm, trong khi chính jhāna phải được ghi nhận hay được xem là bao hàm hay chứa đựng toàn bộ trạng thái của tâm thức, hay ít nhất là toàn bộ nhóm những yếu tố tinh thần (ND: các tâm sở) tạo lập nên cái trạng thái thiền đó thành một jhāna.

Thứ hai, khi samādhi được xem xét trong ý nghĩa rộng hơn thì nó có liên quan đến nhiều vấn đề hơn là jhāna. Chú giải Pāli ghi nhận ba tầng cấp hay ba mức độ của định (samādhi). Thứ nhất là chuẩn (bị) định (parikammasamādhi), vốn có được do những nỗ lực khởi đầu của hành giả sơ cơ khi tập trung tâm trí của mình vào đề mục thiền. Thứ hai là cận định (upacārasamādhi), được đánh dấu với sự đè nén của năm triền cái, sự hiển thị của các chi thiền, và sự xuất hiện của quang tướng (paṭibhāganimitta), tức là hình ảnh sao chép chói sáng của đề mục thiền.

Thứ ba là an trú định (appanāsamādhi), tức là sự an trú hay ngập chìm hoàn toàn của tâm trí vào đối tượng của nó vốn là hiệu quả của sự trưởng thành chín mùi của các chi thiền (jhānaṅga). An trú định thì tương đương với tám sự chứng đắc, tức là bốn jhāna và bốn āruppa, và trong trường hợp này thì jhāna và định (samādhi) là giống hệt nhau. Tuy nhiên, định (samādhi) vẫn có tầm bao hàm rộng hơn jhāna, vì nó bao gồm không chỉ chính các jhāna mà còn cả hai mức độ tập trung ở giai đoạn chuẩn bị dẫn đến các jhāna.

Hơn nữa, định (samādhi) cũng còn bao gồm một loại tập trung khác nữa, được gọi là “sát-na định” (khaṇikasamādhi), tức là sự ổn định hay thăng bằng của tâm trí ở từng thời điểm được tạo ra trong quá trình quán minh sát trên dòng chảy của các pháp hành.

Trích từ “Phân Tích Trọng Yếu Về Các Jhāna Trong Thiền Phật Giáo Nam Truyền” – Pháp Triều dịch từ tác phẩm của Thiền Sư Henepola Gunaratana

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.