Kinh Bāhiya

KINH BĀHIYA

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời, đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, Bāhiya Dārucīriya cư ngụ tại Suppāraka, ở bờ biển, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Những ai là các bậc A-la-hán ở thế gian, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo, ta là một vị trong số các vị ấy.”
Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya Dārucīriya, có lòng thương tưởng, có sự mong mỏi điều lợi ích, sau khi bằng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Bāhiya Dārucīriya, đã đi đến gặp Bāhiya Dārucīriya, sau khi đến đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, ngươi hiển nhiên không phải là vị A-la-hán, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo. Thậm chí ở ngươi không có đường lối thực hành ấy, nhờ nó ngươi có thể trở thành vị A-la-hán, hoặc đạt đến A-la-hán đạo.” – “Vậy ở thế gian luôn cả chư Thiên, có vị nào là bậc A-la-hán hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo?” – “Này Bāhiya, ở những xứ sở phía bắc có thành phố tên là Sāvatthi. Ở nơi ấy, hiện nay có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy cư ngụ. Này Bāhiya, chính đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán, mà còn thuyết giảng Pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.”
Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya, bị làm cho chấn động bởi vị Thiên nhân ấy, ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka và đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika; toàn bộ cuộc hành trình chỉ trú lại một đêm. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài trời. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: “Thưa các ngài, hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ngụ ở đâu? Chúng tôi có ước muốn diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” – “Này Bāhiya, đức Thế Tôn đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
2. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya với vẻ vội vã đã rời khỏi Jetavana rồi đi vào thành Sāvatthi và đã nhìn thấy đức Thế Tôn, với vẻ đáng mến, khơi dậy niềm tin, có giác quan an tịnh, tâm ý an tịnh, đã đạt đến sự rèn luyện và tịnh lặng tối thượng, loài long tượng đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát, đang đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã cúi xuống đê đầu ở bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này: “Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ nhì, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ ba, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: ‘Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức.’ Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.
Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của Khổ.”
3. Khi ấy, với lời giảng Pháp tóm tắt này của đức Thế Tôn, ngay khi ấy tâm của Bāhiya Dārucīriya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Khi ấy, sau khi giáo huấn cho Bāhiya Dārucīriya với lời giáo huấn tóm tắt này, đức Thế Tôn đã ra đi.
Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của Bāhiya Dārucīriya.
Sau đó, đức Thế Tôn sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn, trong khi đi khất thực trở về cùng với nhiều vị tỳ khưu, sau khi đi ra khỏi thành đã nhìn thấy Bāhiya Dārucīriya đã từ trần, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, hãy mang thi thể của Bāhiya Dārucīriya đặt lên cáng khiêng đi và hỏa thiêu. Và hãy xây dựng bảo tháp cho vị này. Này các tỳ khưu, vị đồng Phạm hạnh của các ngươi đã từ trần.”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn, đã đặt thi thể của Bāhiya Dārucīriya lên cáng rồi khiêng đi và hỏa thiêu, và sau khi xây dựng bảo tháp cho vị này, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống ở một bên.
Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thi thể của Bāhiya Dārucīriya đã được hỏa táng, và bảo tháp đã được xây dựng cho vị này. Cảnh giới tái sanh của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là gì?”
“Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya là vị sáng suốt, đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya đã viên tịch Niết Bàn.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nơi nào nước và đất, lửa, gió không bám chắc,
nơi ấy các vì sao không lấp lánh, mặt trời không chói sáng,
nơi ấy mặt trăng không chiếu sáng, nơi ấy sự tối tăm không tìm thấy.
Và vào lúc bậc hiền trí, vị Bà-la-môn tự mình hiểu biết bằng trí tuệ,
khi ấy được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi hạnh phúc và khổ đau.”
Lời cảm hứng này đã được Thế Tôn nói lên, tôi đã nghe thế ấy.

Nguồn: Khuddakanikāya, Udānapāḷi, Bāhiya sutta
Dịch Việt Ngữ: Bhikkhu Indacanda

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.