Kinh Nghiệm Thiền Quán – Nghiệp Quả: Chánh Niệm, Gốc Rễ Của Hạnh Phúc

Kinh Nghiệm Thiền Quán

Nghiệp quả: Chánh niệm, gốc rễ của hạnh phúc

Đôi khi người ta lại nghĩ rằng, giác ngộ chỉ đến khi nào ta trả hết nghiệp quả của mình. Theo quan niệm này thì chúng ta cứ ngồi yên và lãnh chịu hết kết quả của tất cả những hành động trong quá khứ, cho đến khi nào chúng hoàn toàn được giải tỏa. Và khi nào nghiệp quả của ta tiêu tan hết thì giác ngộ sẽ đến.

 Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, vì tất cả chúng ta đều đang lê bước trong một núi nghiệp quả của quá khứ cao như Thái sơn và nhiều vô tận. Đức Phật nói rằng, trong vòng tròn bất tận của sinh, lão, bệnh, tử, ta không thể nào tìm được điểm bắt đầu. Mỗi người chúng ta đã sống qua vô số kiếp, tạo nên một số lượng nghiệp quả thiện và bất thiện không thể nghĩ bàn! Vì vậy, giải tỏa hết được những nghiệp quả của mình là một chuyện không thể được, và cũng không phải là con đường mà ta đang theo đuổi.

Chìa khóa mở cánh cửa giải thoát của ta gồm có hai phần trọng yếu. Thứ nhất, chúng ta cố gắng ngăn chặn những lời nói và hành động bất thiện, để thôi tạo nên những nghiệp xấu mới, và khỏi chịu hậu quả khổ đau. Thứ hai, trong giờ phút hiện tại này, chúng ta tập tiếp xúc với những nghiệp quả của quá khứ một cách khôn ngoan.

Thí dụ, một cảm thọ đau đớn trong thân là nghiệp báo của một hành động bất thiện nào đó trong quá khứ. Nếu chúng ta đáp lại bằng sự ghét bỏ hoặc lòng thù hận, ta sẽ chỉ gieo thêm những hạt giống bất thiện, để rồi chúng lại kết thành những hoa trái xấu khác trong tương lai. Nhưng nếu ta biết tiếp xúc với cảm thọ đau ấy bằng chánh niệm, bằng chấp nhận, dịu dàng và cởi mở, thì mặc dù ta vẫn kinh nghiệm kết quả đau đớn của việc mình làm trong quá khứ, nhưng ta không hề tạo thêm một nghiệp bất thiện nào nữa. Cũng vậy, khi ta có những cảm thọ vui sướng nhờ nghiệp báo tốt lành, ta có thể tập sống với chúng nhưng không hề chấp trước hoặc bị dính mắc. Bằng cách giữ chánh niệm về cảm thọ, chúng ta sẽ ngăn chặn được tiến trình tái lập điều kiện này. Sự tự tại của chúng ta tùy thuộc vào khả năng ý thức được những hiện tượng thay đổi này mà không phản ứng theo chúng và không bị vướng mắc.

Nếu ta có thể tự cởi mở, cho phép mình cảm nhận bất cứ việc gì đang có mặt mà tâm không phản ứng, thì không có gì là vấn đề cả. Ta có thể sống trọn vẹn với bất cứ chuyện gì đang xảy ra mà không sợ những yếu tố nghiệp báo bất thiện của tham, sân và si. Và từ đó chúng ta sẽ tạo được hạnh phúc cho mình.

Nhưng khi ta cởi mở, đặc biệt là với những tập quán lâu đời lâu kiếp và có chánh niệm về chúng, điều đó mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Chánh niệm ấy không phải là một ý thức nông cạn và tầm thường. Nó không phải chỉ là một nhận thức sơ sài: “Ồ phải rồi, tôi có thấy thói quen ấy.” Sức mạnh của chánh niệm nằm ở việc ý thức được những gì đang có mặt mà không bị đồng hóa, và cũng không chấp trước rằng ý thức ấy là ta. Giải thoát nằm ở nơi đó.

vậy, trong mỗi giây phút ta phải biết thực tập ý thức về hơi thở, tư tưởng, cảm giác, cảm xúc và trạng thái của tâm mình. Đa số những kinh nghiệm xảy đến với ta trong hiện tại là kết quả của những việc ta đã làm trong quá khứ. Bất cứ đó là một kinh nghiệm gì, hạnh phúc hay khổ đau, cũng đều tốt cả, nếu ta biết phát triển một chánh niệm để có thể nhìn thấy nó, cảm nhận nó, sống với nó mà không nắm bắt, không xua đuổi và cũng không chấp trước.

Sau khi Đức Phật giác ngộ, ngài cùng tăng đoàn của ngài được mời đến cư ngụ tại một ngôi làng cho hết mùa mưa. Không may, nơi ấy có một nạn đói dữ dội đang xảy ra. Trong suốt ba tháng trời, Đức Phật và tăng đoàn của ngài chỉ được cúng dường bằng thực phẩm của ngựa. Tình trạng túng thiếu hết sức nghiêm trọng. Hoàn cảnh ấy là kết quả của những việc làm xấu nào đó trong quá khứ, mặc dù đối với một người đã được giải thoát hoàn toàn như Đức Phật cũng không thoát khỏi. Nhưng nhờ tuệ giác và sự an lạc của Đức Phật, tình trạng khó khăn ấy đã chẳng gây nên một khổ tâm nào cho ngài hết.

Khi chúng ta đáp lại với những nghiệp quả của quá khứ bằng sự bình thản, không phản ứng, ta sẽ mang lại cho tâm mình một sự quân bình rất lớn. Giác ngộ không phải xảy ra sau khi chúng ta đã giải trừ được một số nghiệp quả nào đó. Nó xảy ra khi tâm ta cắt xuyên qua được vô minh. Và sự kiện ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì nó không có một thời điểm đặc biệt nào hết.

Trong một chương trước, tôi có nhắc đến câu chuyện của một nhân vật vào thời Đức Phật tên là Aṅgulimāla, “xâu chuỗi ngón tay.” Mặc dù trong quá khứ Aṅgulimāla đã giết 999 người một cách rất tàn ác, nhưng sau đó ông đã tu tập với một tấm lòng hết sức chân thành, và chỉ trong một thời gian ngắn ông đã đạt được giải thoát hoàn toàn.

Thay vì đi giải tỏa hết những hậu quả đau đớn của việc mình làm ngày xưa, Aṅgulimāla đã cắt xuyên qua tấm màn vô minh trong tâm và đạt được tự do hoàn toàn. Mặc dù đã được giác ngộ viên mãn, những khi Aṅgulimāla đi vào làng khất thực người ta vẫn thường ném gậy, đá vào ông. Ông chịu đủ mọi thứ thương tích vì kết quả của những hành động trong quá khứ. Nhưng trong trường hợp của Aṅgulimāla, ông ta đã chịu đựng với một sự bình thản và tĩnh lặng, vì tâm ông đã được giải thoát.

Tôi thích câu chuyện ấy lắm, vì nó đem lại cho tôi một niềm tin những khi tôi lo âu về các hành động bất thiện của mình trong quá khứ. Sự giác ngộ của ta không hề tùy thuộc vào việc giải tỏa hết những nghiệp báo của mình. Nó chỉ tùy thuộc vào phẩm chất của chánh niệm, của sự quân bình và tuệ giác của ta trong giờ phút hiện tại này mà thôi.