Kinh Nghiệm Thiền Quán – Nghiệp Quả: Nghiệp Quả Tinh Tế

Kinh Nghiệm Thiền Quán

Nghiệp quả: Nghiệp quả tinh tế

Ý niệm và danh từ ngày càng trở nên thông dụng trong ngôn ngữ karma, tức nghiệp quả, càng và văn hóa của người Tây phuơng. Có lần tôi ngồi trên một chuyến phi cơ ở San Francisco, tôi bắt gặp một bao thơ đầy tiền trong túi ghế phía trước mặt. Khi tôi đến gặp một cô trong phi hành đoàn để giao trả lại số tiền ấy, cô ta cám ơn tôi và nói, “Ồ, ông đã tạo một karma thật tốt lành.” Thế cho nên, đối với đa số, dường như là danh từ karma có một ý nghĩa chung chung nào đó, hoặc là ta làm một hành động gì tốt hay xấu, hoặc khi ta kinh nghiệm một kết quả hạnh phúc hay khổ đau nào đó.

Nhưng thật ra luật nhân quả tinh tế và phức tạp hơn thế nhiều, và ta rất dễ hiểu lầm chúng. Đôi khi người ta cho rằng, luật nhân quả là một thuyết định mệnh hoặc thuyết tiền định mà ta không thể nào tránh khỏi, như là chúng ta bị trói buộc và bất lực trong một hệ thống hoàn toàn máy móc. Sự hiểu biết ấy không đúng, vì những hành động của ta không đem lại một kết quả tiền định nào hết. Thật ra, mỗi hành động của ta chỉ là một hạt giống, hạt giống ấy sẽ nở hoa kết trái, nhưng quả trái ấy là gì lại tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nữa, chúng hỗ tương nhau một cách tinh vi và phức tạp phi thường.

Thí dụ, một trong những điều kiện quyết định kết quả của việc làm trong quá khứ là tâm thức của ta trong giờ phút hiện tại, cùng với tình trạng và tập quán của nó. Khi tâm ta tương đối ít bị tham, sân, si thì những hành động bất thiện trong quá khứ cũng sẽ ít có cơ hội để kết thành quả. Chúng ta lúc nào, kể cả trong quá khứ, cũng được bảo vệ bởi vùng năng lượng của tâm thiện trong giờ phút hiện tại. Sự thanh tịnh của tâm ta sẽ ngăn chặn hoặc chuyển hóa được những nghiệp quả xấu. Và ngược lại cũng thế, nếu sự giận dữ, thù ghét, sợ hãi, tham lam hoặc si mê là thói quen của tâm, chúng sẽ tạo nên một môi trường xấu cho những việc làm bất thiện trong quá khứ nở hoa kết trái, và cũng sẽ ngăn chặn hoặc chuyển hóa những nghiệp quả tốt lành của ta.

 Cuộc sống của ta là một hệ thống biến động, tiến triển không ngừng, những việc làm của ta trong hiện tại luôn luôn cung cấp vào và thay đổi tiến trình khai mở của những điều kiện trong quá khứ. Chúng ta không bao giờ có thể biết được khi nào hạt giống mình gieo trồng sẽ sinh ra quả trái. Ta có thể kinh nghiệm được chúng ngay trong đời này, có khi là đời tới, hoặc bất cứ một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng những hành động của ta trong hiện tại có thể ảnh hưởng và quyết định được những hạt giống nghiệp báo nào sẽ có cơ hội kết thành quả trái.

 Sau đây là một câu chuyện cho thấy tiến trình nghiệp báo này phức tạp và tinh tế đến chừng nào. Muốn tin được câu chuyện này, có thể bạn cần phải cởi mở hoặc thay đổi cách nhìn của bạn về thực tại một chút. Nếu bạn cho rằng nó không đáng tin cũng không sao, vì bạn không cần phải chấp nhận bất cứ một khái niệm nào về vũ trụ quan của Phật giáo mới có thể giải thoát hoàn toàn được.

Vào thời Đức Phật, có một người đàn ông thường xuyên tỏ ra rất tàn ác và bất nhân. Hắn giết người, cướp của và lường lọc. Trong tâm hắn chất chứa những tâm thức ác độc, hắn lại có những lời nói, và hành động rất tàn nhẫn trong cuộc sống. Con người như vậy thì đúng là một ứng viên vẹn toàn cho sự tái sinh vào một thế giới khổ đau, có phải vậy không bạn? Thường thì đúng như vậy. Nhưng kẻ gian ác này lại xoay xở để có thể làm được một việc rất thiện trong cuộc đời hắn: hắn đã cúng dường thực phẩm cho ngài Xá-lợi-phất (Sariputra), một bậc giác ngộ và là một đại đệ tử của Đức Phật.

Sau một kiếp sống đầy những hành động bất nhân, cuối cùng chánh quyền đã bắt được và ra lệnh treo cổ vì những việc làm tàn ác của hắn ta. Khi tên tội phạm ấy bước lên giàn xử tử với giây thòng lọng quanh cổ, hắn chợt thấy một nhà tu đi ngang qua. Vị tăng ấy gợi cho hắn nhớ lại hành động cúng dường thực phẩm cho ngài Xá-lợi-phất ngày xưa, và khi hồi tưởng lại việc thiện của mình đối với một bậc an lạc như vậy, hắn cảm thấy vui sướng.

Vừa ngay chính giây phút đó, hắn bị treo cổ. Năng lực của giây phút cuối cùng ấy – sự tốt lành của một hành động thiện trong quá khứ và niềm vui phát khởi khi hồi tưởng lại – đã làm điều kiện cho giây phút kế tiếp, giây phút tái sinh, và hắn được sinh về một nơi mà hắn ta không bao giờ có thể ngờ được. Hắn được tái sinh vào thế giới của cõi trời, đây là cõi của những bậc thiên vương có rất nhiều hạnh phúc và gặp toàn những điều kiện tốt lành.

Bạn thử tưởng tượng đến sự ngạc nhiên của hắn. Tên tội phạm ấy đã sống một cuộc đời khốn nạn và hết sức tàn ác, vậy mà giờ đây hắn lại được tái sinh vào một thế giới hạnh phúc, với mọi việc đều tuyệt mỹ! Trong kinh nói rằng, các bậc thiên vương có khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ. Cho nên vì tò mò, hắn ta nhìn lại và thấy những việc làm bất thiện của mình, nhưng hắn cũng thấy được một việc thiện mà mình đã làm và sự hồi tưởng lại nó trong lúc chết. Hắn hiểu được kết quả nghiệp báo mãnh liệt của giây phút cuối cùng ấy.

May thay – cũng như nhiều câu chuyện khác trong thời Đức Phật bao giờ cũng có hậu – tên thiên vương tội phạm cũ này đã chịu phục tòng và tu theo Phật pháp. Anh ta đã tu tập thật siêng năng vì biết rằng, ngày nào mình vẫn còn ở cõi thiên thì những nghiệp báo kia sẽ không thể nào chạm đến được. Nghiệp báo không có khả năng đi đến cõi thiên. Nhưng chúng vẫn tồn tại, những kết quả của việc làm bất thiện của anh ta trong quá khứ mặc dù bất động, nhưng lúc nào cũng tiềm tàng mạnh mẽ.

Khi bàn về câu chuyện lý thú này, ngài Mahasi Sayadaw của Miến Điện, một trong những đại thiền sư và học giả của thế kỷ 20 đã viết rằng, những ai tận tâm tu tập, cho dù họ không giác ngộ trong đời này cũng sẽ được tái sinh vào cõi trời. Kết quả nghiệp báo của việc giữ năm giới và thực tập thiền quán sẽ mang lại cho ta phước lành này. Nhờ ở thân tỏa chiếu, tâm mẫn tiệp và trí thông minh sắc bén trong thế giới của cõi trời, những ai đã có căn bản thiền tập trong đời trước sẽ có thể đạt được giác ngộ rất mau chóng ở nơi đây.

Bạn hãy tự nhắn nhủ mình điều này những khi nào bạn cảm thấy ngã lòng, thối chí trong sự tu tập và muốn buông bỏ hết tất cả. Sự tinh tấn của bạn có một ảnh hưởng rất rộng lớn, hơn tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng được.

Thế cho nên, luật nhân quả thật vô cùng phức tạp. Nếu bạn cảm thấy lẫn lộn, bối rối vì sự phiền phức ấy, thì có một sự thật đơn giản mà bạn có thể luôn ghi nhớ: kết quả nghiệp báo của ta ra sao, tùy thuộc một phần lớn vào hoàn cảnh mà ta đang có ngay bây giờ, và vào tâm trạng của ta trong giờ phút hiện tại. Trong giây phút này, ta đang nuôi dưỡng tâm thức nào? Câu hỏi ấy rất trọng yếu, vì câu trả lời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự kết quả của những hành động trong quá khứ.