Kinh Nghiệm Thiền Quán – Vô Ngã: Sự Chào Đời Của Ngã

Kinh Nghiệm Thiền Quán

Vô ngã: Sự chào đời của ngã

Như ta đã thấy, sự chấp trước vào ý niệm sẽ tạo nên niềm tin về một cái “ngã”. Ngoài ra còn có một tiến trình khác nữa cũng giúp phát sinh cái cảm tưởng về “ngã” này. Mặc dù ta đã thấy được tự tính duyên hợp của các kinh nghiệm, biết rằng không có một yếu tố siêu hình nào để gọi là “tôi”, nhưng chúng ta vẫn còn có một thói quen nhận những yếu tố khác nhau của kinh nghiệm thay đổi ấy làm mình. Và chính sự nhận diện này đã sinh ra cái ngã.

Những khi ta nhận những tư tưởng khởi lên làm mình, hoặc bị chúng lôi cuốn và trói buộc, ta sẽ có một ý tưởng rằng: “Tôi đang suy nghĩ” hoặc “Đây là những ý nghĩ của tôi.” Tiến trình đó có thể xảy ra với tư tưởng, cảm thọ, cảm xúc hoặc những hình ảnh sinh lên trong tâm ta. Những kinh nghiệm ấy tự chúng sinh lên rồi sẽ diệt đi, không thuộc về ai cả. Nhưng khi ta chấp vào nó là ta đã tạo nên một cảm nhận về ngã, một khối ảo tưởng đồ sộ trong tâm tưởng của mình.

Mặc dù ta đã chịu tập quán lâu đời bởi ảo giác này, nhưng với một chánh niệm sáng tỏ, ta sẽ có thể cho phép tiến trình nhận thức được những kinh nghiệm khác nhau ấy, cùng có mặt ngay trong lúc đó. Năng lực của chánh niệm trong giây phút hiện tại sẽ giải thoát tâm ta ra khỏi sự mê chấp sai lầm ấy. Một tư tưởng khởi lên, nó đến rồi sẽ đi. Nó không thuộc về tôi. Nó chỉ là một hiện tượng mà không hề có một cá nhân nào đứng phía sau đó. Nếu giây phút này sang giây phút kế, ta biết sống trong sự vô chấp và vô ngã, ta sẽ được tự tại.

 Khi chánh niệm được vững mạnh, ta sẽ học được qua kinh nghiệm trực tiếp rằng, bất cứ một hình thái nào có sinh thì phải có diệt. Trong mỗi giây phút sẽ có một đối tượng khác nhau – hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm thọ, tư tưởng – xuất hiện và được ghi nhận. Ý thức được sự biến đổi này rồi, ta sẽ thấy rằng đối tượng nào sinh lên rồi cũng sẽ diệt đi. Chúng không phải là “tôi”, không phải là ngã, vì khi ta vừa ghi nhận thì chúng lập tức biến mất. Chúng không có đủ sự liên tục để tạo thành một cái “ngã”. Ngược lại, cũng vì ta không nhìn thấy được tính chất tạm bợ của những hiện tượng, vì không thấy được sự thật về tự tính biến đổi này, mà tà kiến đã nhảy vào và tuyên bố: “Vâng, kinh nghiệm này chính thật là tôi, nó là con người của tôi.”

Bạn hãy chú ý đến những lúc tâm bạn bị lạc trong ý nghĩ, nó sẽ dựng nên những màn kịch, vở tuồng bằng sự chấp trước. Rồi bạn hãy ghi nhận những khi có chánh niệm, ta có thể nhìn thấy rõ ràng sự đến và đi của ý nghĩ, vì không bị kẹt vào chúng. Hai tướng trạng ấy có thể đem lại một sự khác biệt rất lớn: một không gian nhỏ hẹp hoặc một không gian thênh thang trong tâm thức của ta. Và một khi ta tự nhiên thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng rồi, sẽ không còn gì để ta chấp trước nữa, tất cả đều là vô ngã.