Lần Đầu Gặp Vua Bimbisāra

LẦN ĐẦU GẶP VUA BIMBISĀRA

Đức Bồ Tát sau khi xuất gia, Ngài nguyện thọ trì bát giới thanh tịnh đến trọn đời là: Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dục lạc, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói ác, từ bỏ nói chia rẽ, từ bỏ nói vô ích và nuôi mạng sống trong sạch. Như trong Kinh Pabbajjāsutta tả rằng:
“Pabbajitvāna kāyena,
Pāpakaṃmmaṃ vivajjayi.
Vacīduccaritaṃ hitvā,
Ājivaṃ parisodhayi”
(Sau khi đã xuất gia;
Thân làm ác xa lánh.
Lời nói ác đã bỏ;
Sống trọn vẹn trong sạch)

Theo Bộ chú giải Phật Tông và chú giải kinh Bổn sanh, Bồ Tát trú ngụ tại rừng xoài Anupiya 7 ngày để hưởng hương vị đời sống xuất gia, rồi Ngài vượt đường dài 30 do tuần chỉ trong một ngày.
Sau đó, Ngài đi vào thành Rājagaha khất thực theo từng nhà (như vậy Đức Bồ Tát vào thành Rājagaha nhằm ngày thứ 9 sau khi xuất gia).
Theo Bộ Suttanipāta Atthakathā thì sau khi nguyện thọ trì bát giới thanh tịnh đến trọn đời, Bồ Tát đi từ bờ sông Anomā đến thành Rājagaha dài 30 do tuần mất 7 ngày. Vào ngày thứ 8 Ngài đi khất thực trong thành Rājagaha.

Khi đứng trước cổng phía Đông thành Rājagaha, một ý nghĩ khởi lên trong tâm Bồ Tát:
“Nếu ta cho người nhắn tin đến vua Bimbisāra biết rằng Thái tử Sĩddhatha đã xuất gia, đang đi khất thực trong thành Vương Xá, Đức vua sẽ gửi vật thực thượng vị đến cúng dường. Là vị Samôn trong sạch không nên làm như thế, Ta hãy đi khất thực theo từng nhà”. Như trong Kinh trích:
“Agamā rājagahaṃ Buddho, magadhānaṃ giribbajaṃ. Piṇḍāya abhihāresi, ākiṇṇa varalakkhaṇo”
“Phật đến thành Vương Xá; trong xứ Magadha, nơi có núi vây quanh, Ngài khất thực nuôi mạng. Mang theo sự thanh tịnh, cùng tướng tốt rực sáng” (sđd).
Bồ Tát có ý nghĩ đó vì thân phụ của hai vị Vương gia là bạn với nhau, ngay cả hai vị Vương gia cũng là bạn hữu, tuy cả hai chưa biết mặt, chỉ giao tình qua tặng vật cùng thư từ. (Vua Bimbisāra kém hơn Đức Bồ Tát 5 tuổi)
Đức Bồ Tát đắp lại chiếc y Paṅsukūla do Phạm thiên Ghatikāra dâng cúng, Ngài mang bát đi vào cổng thành, theo từng nhà để khất thực.

Bảy ngày trước, dân thành Vương Xá có tổ chức lễ hội để vui chơi, đến ngày thứ tám vua Bimbisāra cho đánh trống báo hiệu “lễ hội chấm dứt”, đó cũng là lúc Đức Bồ Tát đi vào thành để khất thực.
Khi ấy dân chúng vẫn còn tụ tập ở quảng trường, nơi diễn ra lễ hội trước hoàng cung. Đức vua Bimbisāra mở cánh cửa có chạm trổ hình sư tử ở lầu cao bước ra để ban huấn thị đến dân chúng, Ngài đưa mắt nhìn chung quanh, chợt trông thấy vị Samôn đang khất thực theo từng nhà, các quyền (indriya) của vị Samôn rất trong sáng và thanh tịnh.
Khi thấy vị Samôn xinh đẹp đang lần bước khất thực, Đức vua kinh ngạc tựa như nhìn thấy voi chúa Nālāgiri đi vào thành phố, hoặc kinh ngạc khi thấy chúa Atula Vepacitti tiến vào thành phố chư thiên ở cõi Đao Lợi làm náo động chư thiên trong kinh thành Sudassana.
Bồ Tát với phong cách uy nghi như voi chúa Chaddanta đi dạo trong rừng, Ngài lần bước theo từng nhà, mắt Ngài nhìn thẳng phía trước với khoảng cách độ một tầm lưỡi cày 1f60a 2m).
Thị dân trong thành Vương Xá nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt thế cùng phong cách nghiêm trang của Bồ Tát, họ chỉ biết lặng người để chiêm ngưỡng với tâm ngập tràn niềm hoan hỷ.
Rồi một người trong họ đã nói: “Đây là “mặt trăng” xuất hiện cõi nhân loại, khi chạy trốn hiểm họa của vua Atula Rāhu”.
Một người khác chế giễu rằng: “Này bạn, bạn có thấy mặt trăng từng đến cõi người chưa? Đó không phải là mặt trăng, vị ấy chính là thần Kāma (Kāmadeva), hoan hỷ với Đại vương cùng lễ hội của chúng ta, nên mang ngọn lửa an lạc đến để thắp sáng lễ hội này”.
Một người khác lại chế giễu rằng: “Này bạn, bạn có tỉnh táo không? Thần Kāma có thân hình đen đủi do bị thiêu đốt bởi ngọn lửa thịnh nộ của thần Siva, đâu có thân hình xinh đẹp như thế này. Vị ấy chính là vua trời Đế Thích có ngàn mắt, hoan hỷ với lễ hội của chúng ta, vị ấy ngỡ là thành phố chư thiên Amarapura đang vui lễ hội, nên đến đây tham dự lễ hội với chúng ta.
Một người khác lại phản đối rằng bằng nụ cười chế nhạo: “Này bạn, bạn nói gì thế? Bạn cho là Trời Đế Thích có ngàn mắt, vậy ngàn mắt của vị ấy đâu? Lại nữa, vũ khí là chày sấm sét của vị ấy đâu? Con voi Erāvaṇa của vị cưỡi ở đâu? Không thể nghi ngờ gì nữa, đây là Phạm thiên – vị Sáng tạo chủ thế gian, vì biết rõ tính lười nhác của các Bàlamôn, nên hiện xuống để khuyến khích các Bàlamôn siêng năng học kinh Veda và Vedanta (kệ tán tụng để hành lễ Tế đàn của Bàlamôn giáo)”.
Và mọi người bàn cãi bảo lưu ý kiến của mình một cách sôi nổi, một người có trí trong nhóm đã nói rằng:
“Đây không phải là mặt trăng, không phải là thần Kāma, không phải là Trời Đế Thích cũng không phải là Đấng Phạm Thiên. Vị ấy là một Sa môn, là một con người cao quý nhất trong nhân loại (acchariya manussa)”.
Trong khi dân thành Vương Xá đang bàn cãi hăng say về lai lịch “vị Sa môn kỳ diệu” xuất hiện trong kinh thành khi lễ hội vừa chấm dứt thì quan giữ thành Vương Xá đã kịp thời báo lên Đức vua Bimbisāra rằng:
– Thua Đại vương, hiện đang xuất hiện một vị Samôn, chúng dân đang bàn luận xôn xao về con người này. Thưa Đại vương, vị ấy có thể là “một chư thiên”, “một Gandhabba”, “một Long vương” hay “một Dạ-xoa (Yakkha)” hóa thân, đang đi khất thực trong thành Vương Xá này.
Vua Bimbisāra đứng trên lầu cao nhìn thấy bậc Đại nhân đang từng nhà khất thực, tâm Ngài rộn lên niềm phỉ lạc và đầy ngạc nhiên.
Khi nghe quan giữ thành trình tấu như vậy, Đức vua dạy quan giữ thành rằng:
– “Hãy cho người theo dõi vị Sa môn ấy, vị ấy không phải là Dạ-xoa vì Dạ-xoa không có bóng. Nếu là Hương thần thì khi ra khỏi cổng thành vị ấy sẽ biến mất, nếu là Đế Thích thì sẽ bay lên hư không, nếu là long vương thì sẽ chui xuống đất. Nếu là người, vị ấy sẽ tìm nơi thích hợp để thọ dụng vật thực tìm được”.

Khi tìm được vật thực dùng để nuôi mạng vừa đủ, Đức Bồ Tát quay gót trở ra cổng thành phía Đông, tìm nơi thích hợp để ngồi thọ thực. Ngài đi đến núi Paṇḍava gần thành Vương Xá, ngồi trên tảng đá, mặt hướng về phía Đông dưới bóng mát của núi Paṇḍava. Sở dĩ Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, vì triền phía Đông núi Paṇḍava là nơi cư trú của nhiều vị ẩn sĩ.
Đức Bồ Tát quán tưởng vật thực vừa tìm được, chúng trộn lẫn vào nhau, chỉ nhìn thấy chúng thôi màNgài đã muốn nôn mửa. Từ nhỏ đến lớn, Ngài được nuôi dưỡng chu đáo, dùng những loại vật thực thượng vị, nay nhìn loại vật thực trộn lẫn vào nhau, Ngài phát sinh kinh tởm loại vật thực vừa tìm được. Khi loại vật thực này được đưa vào miệng, mùi và vị vật thực khiến Ngài muối ói trở ra. Ngài dạy tâm rằng: “Này Siddhatha, có phải vì kinh sợ già, bệnh, chết nên khi thấy vị Sa môn, ngươi quyết định từ giã vương quyền, xuất gia thành vị Sa môn, mặc y cũ rách, sống bằng loại vật thực do ngươi đi khất thực tìm được, để tầm cầu pháp giải thoát sinh tử. Ước nguyện thành tựu bậc xuất gia, ngươi đã đạt được rồi, chẳng lẽ ngươi lại muốn quay về với đời sống thế tục sao? Chặng đường phía trước của ngươi còn nhiều cam go, vật thực thô xấu này chỉ là chướng ngại nhỏ nhoi mà ngươi đã thối chí sao? Như vậy làm sao ngươi có thể chứng ngộ quả Vô thượng Chánh giác? Làm sao ngươi có thể trở thành bậc mang hạnh phúc đến cho nhân thiên?”.
Sau khi dạy tâm như thế rồi, Ngài kham nhẫn thọ dụng loại vật thực thô xấu ấy với một nỗ lực dũng mãnh, áp chế cơn buồn nôn đang dâng trào, dần dần Ngài quen thuộc với loại vật thực ấy và thản nhiên dùng vật thực không chút khó nhọc.
Nhóm trinh sát của vua Bimbisāra thấy Bồ Tát ngồi dưới chân núi Paṇḍava thọ thực, một người trở về báo cho vua Bimbisāra biết, những người khác tiếp tục theo dõi bước du hành của Đấng Đại sĩ.
– Thưa Đại vương, vị Sa môn khất thực đang ngồi thọ thực an lạc dưới rặng núi Paṇḍava, ở một lối vào hang động, Vị ấy xoay mặt về hướng Đông rặng núi, điềm tĩnh như sư tử chúa trong hang bước ra, hay như hổ vương hoặc như “bò chúa” dũng mãnh.
Nghe báo vị Sa môn ban sáng là người, không phải là chư thiên, Dạ xoa hay Long vương chi cả; vua Bimbisāra vị chúa tể anh minh của xứ Magadha thịnh vượng, cùng đoàn tùy tùng đi đến nơi Bồ Tát trú ngụ với cổ xe tứ mã dành cho Đức vua. Khi xe không thể đi được nữa, vua Bimbisāra xuống xe đi bộ đến nơi Bồ Tát đang ngồi thọ thực.
Đến nơi Đức vua ngồi trên tảng đá mát lạnh, tâm đức vua tràn đầy hoan hỷ khi thấy dung mạo Sa môn của bậc Đại sĩ, Đức vua hoan hỷ nói rằng:
– Này hiền hữu, hiền hữu còn trẻ tuổi, dung sắc lại xinh đẹp, thân hình khỏe mạnh oai dũng, phong cách của Tôn giả thật tao nhã. Ta nghĩ rằng “hiền hữu thuộc giai cấp Kshastriya cao quý”, ta muốn trao tặng vương quyền đến cho hiền hữu, hiền hữu sẽ là vị lãnh tụ xứ Magadha hoặc xứ Aṅga tùy thích. Nhưng hiền hữu hãy cho ta biết về gia thế của hiền hữu.
Bồ Tát suy nghĩ: “Nếu ta muốn làm vua, chúa chư thiên như Tứ Đại Thiên Vương hay vua trời Đế Thích sẽ mang an lạc đến cho ta. Nếu ta tiếp tục sống trong hoàng cung, ta sẽ trở thành vua Chuyển Pháp Luân rồi. Vì không biết những điều này, nên vua Bimbisāra yêu cầu ta làm vua, ta sẽ cho vua Bimbisāra biết gia thế cùng ước vọng của ta”.
Ngài duỗi cánh tay phải chỉ về hướng mà từ đó Ngài đến kinh thành Vương Xá, nói lên kệ ngôn rằng: “Ujuṃ janapado rāja, himavantassa passato. Dhanavīriyena sampanno, kosalesu niketino. Ādiccā nāma gottena, sākiyā nāma jātiyā. Tamhā kulā pabbajitomhi, na kāme abhipatthayaṃ. Kāmesvādīnavaṃ disvā, nekkhamma daṭṭhu khemato. Padhānāya gamissāmi, ettha me rañjati mano’ti
Thưa Đại vương, có quốc độ chính trực, ở núi Tuyết sơn, Có đầy đủ tài sản cùng dũng mãnh, thuộc xứ Kosala”. Tôi sinh ra từ giòng dõi “Thái dương”, tên gọi là Sakya.. Lìa bỏ gia tộc ấy tôi xuất gia, không ước ao dục lạc”. Đã thấy nguy hại các dục lạc, buông bỏ chúng là an ổn. Với nỗ lực tôi ra đi, cùng ý vui thích.
Khi nghe như vậy, vua Bimbisāra nghĩ: “Ồ! Đây là người bạn thân của ta, ý chí của vị này thật dũng mãnh”. Vua Bimbisāra nói với Bồ Tát rằng: -Thưa Hiền hữu, tôi được nghe vua Suddhothana có người con là Thái tử Siddhatha, người ấy là bạn của tôi, nay tôi mới được tận mặt.
Rồi vua Bimbisāra cố gắng thỉnh cầu Bồ Tát ở lại để cùng Đức vua cai trị quốc độ hùng mạnh Magadha.
Bồ Tát kiên quyết từ chối rằng; – Thưa Đại vương, tôi không ước ao vương vị, cho dù đó là ngôi vua Chuyển luân. Tôi xuất gia để tầm cầu pháp giải thoát khỏi “già, bệnh, chết”, tôi chỉ mong chứng đạt quả Vô Thượng Chánh Giác”.
– Ý chí của Hiền hữu thật kiên định và dũng mãnh, chắc chắn ước nguyện của Ngài sẽ thành hiện thực. Tôi thỉnh cầu Ngài, khi Ngài giác ngộ hãy trở lại kinh thành Vương Xá này để tế độ tôi.
Bồ Tát im lặng nhận lời, sau khi nói lời từ giả Bồ Tát, Đức vua Bimbisāra lên xe trở về Hoàng cung.
Quốc độ Magadha
Đây là một địa bàn rất quan trọng của Phật giáo, sự hưng thịnh hay suy yếu của Phật giáo gắn liền vào sự hưng thịnh hay suy vong của các vị vua xứ Magadha.
Trong thời Đức Phật có 16 quốc độ là:
1’- Aṅga có kinh đô là Campā, ở phía Đông Magadha.
2’- Magadha có kinh đô là Vương Xá, kinh đô Vương Xá còn có tên là Giribbaja (Núi vây quanh).
3’- Kāsī, kinh đô là Bārāṇasī.
4’- Kosala, kinh đô là Sāvatthī.
5’- Vajjī, kinh đô là Vesāli, Vajjī là nước Công hòa gồm 8 bộ tộc trong đó có hai bộ tộc chính là Licchavī và Videhā. Bộ tộc Licchavī lớn mạnh, khi nói đến Vajjī người ta thường đề cập đến Licchavī. Vesāli nằm trong xứ Licchavī, kinh đô của xứ Videhā là Mitthilā.
6’- Mallā, vương quốc Mallā được tách ra làm hai nên có hai kinh đô là Pāvā và Kusinārā.
Người ở Pāvā được gọi là Pāveyyaka; người ở Kusinārā được gọi là Kosināraka. Vì thế, khi Đức Phật viên tịch vua xứ Pāvā đến Kusinārā để chia phần Xá lợi.
7’- Cetī còn gọi là Cetiya, có kinh đô là Sotthivati.
8’- Vaṅgā (còn gọi là Vaṃsā hay Vacchā), nằm về phía Nam của Kosala, kinh đô là Kosambī nằm trên bờ sông Yamunā. Phía Nam Vaṃsā là vương quốc Avantī.
9’- Kuru có kinh đô là Nidapatta.
1o’- Pañcālā ở phía Đông xứ Kuru, có hai kinh đô là Dakkhinā Pañcālā (Nam Pañcālā) và Uttarā Pañcālā (Bắc Pañcālā) được ngăn cách bởi dòng sông Bhāgīrathi.
11’- Macchā ở phía Nam xứ Kuru, kinh đô là Virāṭanagara.
12’- Surasenā ở hướng Tây nam xứ Macchā, kinh đô là Mathurā.
13’- Assakā ở dọc bờ sông Godhāvarī, nằm giữa xứ Avantī và Surasenā. Có kinh đô là Potana.
14’- Avantī có kinh đô là Ujjenī.
15’- Gandhārā kinh đô là Takkasilā
16’- Kambojā.
Magadha là một trong bốn đại quốc hùng mạnh nhất trong thời ấy, ba vương quốc kia là: Kosala, Vạṃsa và Avanti.
Ngài Buddhaghosa cho rằng: “Chữ Magadha có nhiều cách giải thích, mang tính huyền thoại (bahudhā papañcanti) như:
*Khi vua Cetiya sắp bị đất rút, đã bị những người đứng chung quanh khiển trách: “Mā gadhaṃ pavisa” (đừng xiết chặc).
*Lại có câu chuyện: Có nhóm đào đất nhìn thấy vua Cetiya bị đất rút và vua Cetiya đã nói với họ: “Mā gadhaṃ karotha” (đừng gây trói buộc).
Cách giải thích được Ngài Buddhaghosa chấp nhận là: “Nơi cư trú của “những chủ ruộng” Madagha (Madaghakhettiyā).
Madagha là “sinh quán” của một bộ tộc Kshastriya nên được gọi là Magadha”.
Magadha là đọc tắt của Magadhakhetta, đồng ruộng ở Magadha rất rộng, lại là “ruộng bậc thang”.
Từ hang Indasāla trong thành Vương Xá có thể nhìn thấy những cánh đồng này.
Thấy những cánh đồng xứ Magadha, Đức Phật dạy Đức Ānanda theo hình ảnh này, may chiếc y của chư Tỳkhưu và Đức Ānanda đã may chiếc y có những thửa ruộng đúng theo ý của Đức Thế Tôn.
Trong Suvaṇṇakakkata Jātaka có nói đến một cánh đồng rộng một ngàn karīsa (tương đương 800 mẫu) trong làng Bàlamôn Sālindiya nằm về phía Đông của thành Vương Xá
Trong thời Đức Phật, xứ Aṅga bị vua Bimbisāra thôn tính, nên vua Bimbisāra cai trị cả 2 vương quốc Magadha và Aṅga. Quốc độ Magadha (bao gồm cả Aṅga) có 8o làng, có chu vi khoảng 300 dotuần, có kinh đô là Vương Xá.
Trong thời Đức Phật, vương quốc Magadha Đông giáp sông Campā, Nam giáp dãy núi Vindhyā, Tây giáp sông Soṇa, và Bắc giáp sông Hằng. Bên kia sông Hằng là xứ của dân tộc Licchavī; hai bên cùng chia nhau quyền lợi của con sông này. Sông Campā chảy giữa 2 xứ Aṅga và Magadha, được xem là ranh giới thiên nhiên giữa hai quốc độ.
Đến đời vua Ajātasattu, xứ Magadha được mở rộng, xứ Kosala sáp nhập vào Magadha, xứ Vajjī bị vua Ajātasattu thôn tính. Kinh thành Vương Xá không còn là kinh đô xứ Magadha, kinh đô xứ Magadha được dời về thành Pātaliputta, về sau là kinh đô của Ấn Độ trong thời vua Asoka.
Dân xứ Aṅga và Magadha có tục lệ tổ chức lễ tế đàn Đại Phạm thiên hằng năm rất trọng thể; trong lễ tế này họ nhóm ngọn lửa rực ngời bằng sáu mươi xe củi đốt, họ tin tưởng rằng những gì cúng dường cho lửa (liệng vào lửa) sẽ đem lại lợi lạc gấp ngàn lần. Magadha được xác định là miền Nam Behar hiện nay

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.