Nanda

NANDA

(Trích Bài giảng Kinh Tương Ưng,

Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Sư Toại Khanh giảng).

 

Ngài Nanda (Hoan Hỷ) là con trai của bà Gotami, em cùng cha khác mẹ với thái tử Tất Đạt. Bà Gotami là em gái ruột của bà Maya. Ngài Nanda gọi bà Maya là dì ruột. Ngài Nanda cũng trang lứa với thái tử Tất Đạt. Vua Tịnh Phạn cưới cùng lúc hai chị em ruột là bà Maya và bà Gotami. Khi bà Maya sinh thái tử Tất Đạt thì bà Gotami cũng sanh hoàng tử Nanda. Khi sanh thái tử Tất Đạt bảy ngày thì bà Maya mất, bà Gotami rất là thương con, nhưng thái tử Tất Đạt là người kế thừa ngai vua nên bà Gotami giao con mình cho các cung phi chăm sóc còn bà thì trực tiếp chăm sóc thái tử Tất Đạt. Về sau khi thái tử Tất Đạt xuất gia thành Phật trở về thì hoàng tử Nanda cũng lớn tuổi lắm rồi, lấy vợ trễ. Thái tử Tất Đạt lấy vợ năm 16 tuổi, còn hoàng tử Nanda ngoài ba mươi mới lấy vợ, vợ của hoàng tử Nanda là hoa hậu (janapadakalyāṇi).

Khi đó Đức Phật về hoàng cung Kapilavattu để độ quyến thuộc. Có một lần nhằm ngay ngày hôn lễ của hoàng tử Nanda. Ngày cưới thì trong lòng chú rể chỉ nghĩ đến cô dâu, nhưng hoàng tử Nanda dành cho Đức Phật một sự tôn kính đặc biệt. Khi lễ trai tăng cúng dường xong, Đức Phật thuyết pháp xong, ngài đi về khu vườn ở gần hoàng cung để ngự ở đó. Khi Đức Phật đi ra ngài thấy hoàng tử đứng kế bên, liền đưa bình bát cho hoàng tử Nanda ôm. Hoàng tử Nanda nghĩ ra đến sân thì Thế Tôn sẽ lấy bát lại. Không ngờ ra tới sân, ngài đi thẳng luôn, Nanda nghĩ chắc đi một đoạn ngài sẽ lấy bát lại, nhưng ngài cũng không lấy. Cuối cùng vì một lòng thương kính Phật, không dám trả bát. Một nhân cách vĩ đại như Đức Phật, ánh mắt của ngài, oai lực của ngài, tạo ra một không gian, từ trường độc đáo khiến người đối diện phải thay đổi kế hoạch.

Trước khi ra khỏi hoàng cung hoàng tử Nanda quay đầu lại nhìn lại cô dâu, một công nương tuyệt sắc, nàng ra dấu “có đi theo Đức Phật thì đi nhưng chàng nhớ về sớm”. Lòng như lửa đốt, Nanda ôm bát theo chân Đức Phật. Về đến chùa, Thế Tôn không nói gì ngoài một câu hỏi: Nanda có muốn xuất gia hay không. Vì lòng tôn kính tuyệt đối bậc đạo sư, Nanda như cái xác không hồn, trả lời: Dạ. Thế là nghi thức xuất gia được cử hành ngay lập tức. Cạo đầu liền, đắp y liền, xuất gia mà lòng chẳng yên.

Trong kinh có kể Đức Phật đưa Nanda lên cõi Đao Lợi, trên đường đi Đức Thế Tôn cố ý cho tôn giả Nanda nhìn thấy một đám cháy rằng và một con khỉ cái chạy không kịp nên bị phỏng lở đầy mình. Khỉ vốn đã không đẹp rồi còn bị phỏng thì còn xấu xí thảm hại cỡ nào. Lát sau nhìn thấy năm cô tiên nữ hầu Đế Thích rất đẹp, Đức Thế Tôn hỏi ngài Nanda: Năm trăm cô này có đẹp không? Ngài Nanda trả lời: Bạch Thế Tôn, vợ con mà so với năm trăm cô này thì cỡ như con khỉ khi nãy. Nghe phũ phàng hén. Đức Phật hỏi: Ngươi có muốn được năm trăm cô này không. Ngài Nanda thưa muốn. Đức Phật nói: Về tinh tấn tu hành thì Như Lai hứa là sẽ có.

Sau chuyến đi, ngài Nanda trở về trong trang phục y áo ủi phẳng phiu, bình bát bóng lưỡng. Lúc đó chưa có luật cấm ông sư trang điểm; đàn ông Ấn Độ cũng có dặm phấn tô son chút đỉnh. Theo chú giải, ngài Nanda suy nghĩ, Thế Tôn là bậc đạo sư của biết bao nhiêu người, ngài đẹp và chói sáng như vậy thì mình cũng phải như thế nào coi cho tương xứng, thế nên Nanda mới mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao như vậy. Chư tăng thấy vậy có lời dị nghị. Lời dị nghị đó đến tai Đức Phật và ngài gọi Nanda vào trách rằng chuyện đó không đáng. Sau khi Đức Phật trách, ngài Nanda quyết định từ nay về sau không như vậy nữa.

Kể từ sau buổi Đức Phật trách, tôn giả Nanda trở về tinh tấn tu hành và không bao lâu sau thì chứng quả La-Hán và trở thành bậc Ứng cúng cho chư thiên và loài người.

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.