Sự An Lạc Thanh Tịnh Của Bậc Đã Đoạn Tận Lậu Hoặc

SỰ AN LẠC THANH TỊNH CỦA BẬC ĐÃ ĐOẠN TẬN LẬU HOẶC

Đức Phật luôn duy trì cuộc sống du phương trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cách giảng dạy này, người nghe, người học sẽ tiếp thu tốt hơn, hiểu pháp nhanh hơn và thực hành đạt kết quả hơn qua sự tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Rất nhiều bài kinh diễn tả, ngay sau khi nghe pháp, thính chúng tại pháp hội ấy chứng quả Thánh, có lẽ phần nào nhờ vào cách tiếp cận dân chúng trong tinh thần hòa đồng này. Chỉ cần thấy Ngài trong tư thái thong dong của một bậc giải thoát, lòng người đủ an tịnh rồi. Với oai lực nhiệm mầu, với tâm từ ái vô biên, với khả năng thấu hiểu mọi trình độ căn cơ của thính chúng, lời dạy của Ngài có tác dụng rất lớn trong việc đánh động tâm thức người nghe. Do đó, chỉ bằng cách du phương hóa đạo, Ngài mới tạo được nhiều cơ hội cho dân chúng gặp gỡ Ngài.
Là một bậc giáo chủ, Đức Phật vẫn mãi đi giữa dòng đời, chịu vất vả nhiều mặt. Thời ấy có một số tịnh xá, nổi tiếng nhất là Kỳ Viên (Jetavana) và Trúc Lâm (Veḷuvana), có điều kiện sinh hoạt rất phù hợp cho đời sống thanh bần của người xuất gia, Ngài cũng chỉ trú lại đây trong các mùa mưa an cư mà thôi. Một khi ra đi, những tiện nghi trong sinh hoạt lắm lúc không sẵn có. Có khi Ngài tạm lưu trú trong trong một lều cỏ, có lúc tiện đâu ngả lưng đấy. Có lần Ngài lưu lại trên một thảm cỏ trải trong nhà làm đồ gốm của ngoại đạo Bhāradvāja. (Trích Kinh Trung bộ, tập II, số 75: Kinh Magandiya) Dịp khác, khi Ngài đang ở Kapilavatthu, Ngài không tìm được chỗ ngụ, đành trải một tấm vải trên nền đất trong am của du sĩ Bharanda để nghỉ đỡ qua đêm (Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 13, mục 124: Bharandu) Thường thì Ngài nghỉ đêm trong các vườn xoài như những vườn xoài ở miền Bắc Ấn chúng ta thấy hiện nay. Có dạo ở Alavi, thấy Ngài nghỉ trong cảnh màn trời chiếu đất, lót lá trong rừng nghỉ lưng như vậy trong tiết mùa đông lạnh giá, hoàng tử Hattaka tình cờ gặp đã hỏi Ngài có cảm thấy an lạc không. Ngài đáp: “Đúng, ta sống rất an lạc, ta rất hài lòng. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy” (Kinh Tăng Chi, tập I, chương 3 pháp, phẩm 4, mục 34: Về Alavī) Những gì Đức Phật nói và làm chứng tỏ Ngài vui với tâm thanh thoát, tâm không nhuốm dòng đời. Tâm Ngài an lạc thì có sá gì cái không tiện nghi của điều kiện bên ngoài, cái khó khăn về vật chất. Cái khổ của tham ái, cái khổ nhiệt não cột trói chúng sanh vào vòng sanh tử mới thật là khổ. Khổ không thấy được bản chất như thật của vạn pháp để rồi trôi lăn trong vòng luân hồi vô tận mới là đáng nói. Do đó, dù đang trong tiết mùa đông, tuyết rơi phủ đất, Ngài chỉ lót lá đơn sơ vừa đủ cho một chỗ nằm. Gió lùa từng cơn, từng cơn trong rừng thưa lá, với tấm vải cà sa mỏng manh, Đức Phật vẫn sống an lạc vì Ngài có cái an của giải thoát, cái lạc của nội tâm không bị tham ái thiêu đốt và đó là hạnh phúc tối thượng ở đời. Còn đối với những người sống trong nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường, nằm trên nệm êm gối ấm, kẻ hầu người hạ, vợ đẹp con xinh, thì có vui gì đâu khi bị tham sân si đốt cháy suốt ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ?
Chính nếp sống vân du, thanh bần, giản dị này có sức cảm hóa mãnh liệt, là bài pháp sống động cho mọi người. Những lời đối đáp của Đức Phật với hoàng tử Hattaka là tiếng chuông đánh thức, không chỉ cho người trực tiếp nghe Ngài trả lời mà cho tất cả chúng ta. Khái niệm “khổ”, “vui” theo cái nhìn của phàm phu thật giới hạn, nhỏ hẹp trong các nhu cầu vật chất thế gian và những thú vui trần tục. Chỉ có những bậc giải thoát giác ngộ mới hướng đến sự an lạc thật sự của nội tâm. Do đó, Ngài từng nói, đời sống gia chủ đầy những chướng ngại, đời sống xuất gia phóng khoáng như gió thoảng hư không (Kinh Trường bộ, tập I, số 2: Kinh Sa môn quả)
Quan điểm “ra đi vì sự an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông” là sợi chỉ thắm xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Ngài trong suốt 45 năm hành đạo không có một phút giây ngơi nghỉ. Ngài biết mọi người cần sự có mặt của Ngài, cả gia chủ cư sĩ và Tăng Ni xuất gia, nhất là những người mới nhập đạo. Ngài thường cân nhắc: “Ta đã củng cố được chúng Tỳ-kheo vững mạnh. Tuy nhiên, có một số Tỳ-kheo mới xuất gia, sống trong Pháp và Luật chưa được bao lâu. Nếu những người này không thấy ta, tâm họ có thể thay đổi, như con bê, nếu không thấy mẹ, có thể thay đổi; như hạt giống non, nếu không có nước, có thể thay đổi. Trước đây ta đã từng giúp đỡ chúng Tỳ khưu thế nào, thì nay đối với những vị mới vào đạo này, ta cũng sẽ giúp đỡ như vậy.”(Kinh Tương Ưng Bộ, tập III, mục 8: Người khất thực) Do đó, Ngài thường xuyên lui tới, nhắc nhở những vị Tỳ khưu mới. Những vị mới xuất gia chưa có duyên may diện kiến Đức Phật rất khát khao được thấy Ngài. (Kinh Phật Tự Thuyết, phẩm 5,mục 6 (Ud. 57)) Chư Tỳ khưu lâu ngày không được gặp Ngài, họ cũng mong mỏi không kém. Hễ có cơ hội là họ cùng nhau đến đảnh lễ Ngài. Có khi một nhóm đông đến 500 vị Tỳ khưu đi từ đường xa đến yết kiến Ngài (Kinh Trung bộ, tập II, số 67: Kinh Catuma)
Không lúc nào ngừng nghỉ, Ngài vẫn tiếp tục ra đi, ngày đi đêm nghỉ. Có khi Ngài đi qua một vùng, sau một thời gian lâu, lắm lúc mấy năm, Ngài mới có dịp quay trở lại. Do đó, mỗi lần dân chúng được gặp Ngài, họ vui mừng hơn cả trời nắng hạn nhiều năm có được cơn mưa. Khi Ngài sắp ra đi, họ buồn rầu không biết khi nào Ngài quay trở lại để được gặp Ngài, nghe pháp. Họ trông mong được nhìn thấy hình bóng an tịnh của Ngài, bất cứ khi nào, ở đâu. Một lần, có hai người thợ mộc, khi nghe tin Ngài sắp đi, họ đến thưa: Khi Thế Tôn sắp rời khỏi Savatthi để du hành đến xứ Kosala, chúng con cảm thấy không hoan hỷ, buồn rầu, nghĩ rằng: Thế Tôn sẽ ở xa chúng con. Khi Ngài đi khỏi, chúng con cũng buồn rầu vì Ngài đã ở xa chúng con (Kinh Tương Ưng, tập V, Chương 11: Tương ưng dự lưu, mục 6: Các người thợ mộc)
Có khi nhiều nhóm người từ những nơi xa đến viếng Đức Phật. Có một lần khi Đức Phật đang ở tại Vesālī, một nhóm bà la môn từ Magadha, một nhóm khác từ Kosala, có cả người Licchavi cùng đến yết kiến Đức Phật. Gặp lúc Ngài đang chỉ tịnh, họ đợi đến khi yết kiến được Đức Phật, nghe được pháp rồi mới chịu đi.(Kinh Trường bộ, tập I, số 6: Kinh Mahali) Ngài đến rồi đi như cánh chim ngàn, lắm lúc người ta không biết chính xác Ngài đang ở đâu. Trong Kinh Tậpkể câu chuyện 16 người đệ tử của du sĩ Bavari, đang trú tại miền Bắc Ấn, muốn diện kiến Đức Phật. Ban đầu, họ nghe tin Đức Phật đang trú tại Savatthi, họ “bện tóc, mặc áo da thú”, băng qua Kosambi và Saketa, thẳng đến đó để yết kiến Ngài. Đến nơi, họ biết Đức Phật vừa rời khỏi Savattthi. Họ lần theo lộ trình Ngài đi, qua Setavya, Kapilavatthu, Kusināra, Pāvā và Vesālī. Cuối cùng họ gặp được Ngài ở đền thờ Pasanaka. Niềm vui mừng của họ khi gặp Ngài được diễn tả “giống như người khát nước gặp được nguồn nước trong mát; giống như người đi buôn được món lời lớn; giống như đang trên đường nóng bức gặp được tàng cây mát.” (Kinh Tập, chương 5, phẩm Con đường đến bờ kia, kệ 1006-1014)
Dấn thân đi giữa dòng đời, Đức Phật đã thiết thực đem lại lợi ích an vui cho nhiều người. Chính cách du hành tùy duyên hóa đạo như thế, Ngài đã làm chiếc cầu nối cảm thông cho bao con người đau khổ tìm về nẻo sáng. Chính sự vân du đây đó như mây ngàn gió nội, Ngài là ánh dương chiếu rọi nhân gian cho ánh sáng ngập tràn, giúp bao người thoát khỏi rừng mê u ám. Ngài là hiện thân của trí tuệ và từ bi đi vào cuộc đời để đưa bao người qua biển khổ trầm luân. Chính sự dấn thân, coi thường gian khó, Ngài đã san bằng được những hố thẳm bất công trong xã hội mà chiếc gông phân biệt giai cấp đã nghiệt ngã đè lên đầu người dân Ấn Độ vào thời bấy giờ. Ngay từ lúc thành đạo đến giây phút cuối cùng trước khi vào Niết-bàn, Ngài luôn trên bước đường du hóa, thực hiện chu toàn sứ mạng cứu khổ ban vui cho đời. Gương hạnh của Ngài, vượt không gian vô tận, thời gian vô cùng, luôn tỏa sáng trên vạn nẻo. đường từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.