Tiểu Phẩm I – Chương Dàn Xếp: Việc Phán Xử Theo Tội Đã Được Thừa Nhận

Tiểu Phẩm I

Chương Dàn Xếp

Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực hiện các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, và án treo đối với các tỳ khưu không có sự thừa nhận. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại thực hiện các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, và án treo đối các tỳ khưu không có sự thừa nhận?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo không nên thực hiện đối với các tỳ khưu không có sự thừa nhận; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như vầy là sai Pháp, như vầy là đúng Pháp. Và này các tỳ khưu, thế nào là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là sai Pháp? – Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội pārājika?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội saṅghādisesa.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội saṅghādisesa. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là sai Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội pārājika?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội thullaccaya. ―(như trên)― tội pācittiya. ―(như trên)― tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― tội dukkaṭa. ―(như trên)― tội dubbhāsita.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dubbhāsita. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là sai Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội saṅghādisesa. ―(như trên)― tội thullaccaya. ―(như trên)― tội pācittiya. ―(như trên)― tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― tội dukkaṭa. ―(như trên)― tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội dubbhāsita?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã không phạm tộidubbhāsita, tôi đã phạm tội pārājika.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pārājika. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là sai Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội dubbhāsita?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã không phạm tội dubbhāsita, tôi đã phạm tội saṅghādisesa.―(như trên)― tôi đã phạm tội thullaccaya. ―(như trên)― tội pācittiya. ―(như trên)― tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― tội dukkaṭa.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dukkaṭa. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là sai Pháp. Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như thế gọi là sai Pháp.

Này các tỳ khưu, thế nào là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp? – Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội pārājika?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã phạm tội pārājika.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pārājika. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội saṅghādisesa. ―(như trên)― tội thullaccaya. ―(như trên)― tội pācittiya. ―(như trên)― tội pāṭidesanīya. ―(như trên)― tội dukkaṭa. ―(như trên)― tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: ‘Có phải vị đại đức đã phạm tội dubbhāsita?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã phạm tộidubbhāsita.’ Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dubbhāsita. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như thế gọi là đúng Pháp.”

–ooOoo–

Thuận theo số đông

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sống có nảy sinh các sự xung đột giữa hội chúng, có nảy sinh các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, và làm tổn thương lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng. Họ không thể giải quyết sự tranh tụng ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng có hình thức như thế thuận theo số đông.

Vị tỳ khưu có năm yếu tố nên được chỉ định làm vị phân phát thẻ: Là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, và là vị biết (thẻ) đã được nhận hay đã không được nhận. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ. Đây là lời đề nghị.

 Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phát thẻ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Này các tỳ khưu, đây là mười sự phân phát thẻ sai Pháp, mười (sự phân phát thẻ) đúng Pháp.

Thế nào là mười sự phân phát thẻ sai Pháp? – Khi sự tranh tụng là việc nhỏ nhặt, chưa đến mức phải xử lý,[3] không được nhớ lại hoặc (không được) làm cho nhớ lại, (vị phân phát thẻ) biết rằng: ‘Các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,’ (nghĩ rằng): ‘Có lẽ các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,’ biết rằng: ‘Hội chúng sẽ bị chia rẽ,’ (nghĩ rằng): ‘Có lẽ hội chúng sẽ bị chia rẽ,’ các vị nhận lãnh thẻ không được hợp lệ, các vị có sự chia phe nhóm khi nhận lãnh thẻ, các vị nhận lãnh không theo quan điểm (của bản thân). Đây là mười sự phân phát thẻ sai Pháp.

Thế nào là mười sự phân phát thẻ đúng Pháp? – Khi sự tranh tụng không phải là việc nhỏ nhặt, đã đến mức phải xử lý, được nhớ lại hoặc (được) làm cho nhớ lại, (vị phân phát thẻ) biết rằng: ‘Các vị nói đúngPháp là nhiều hơn,’ (nghĩ rằng): ‘Có lẽ các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,’ biết rằng: ‘Hội chúng sẽ không bị chia rẽ,’ (nghĩ rằng): ‘Có lẽ hội chúng sẽ không bị chia rẽ,’ các vị nhận lãnh thẻ một cách hợp lệ, các vị có sự hợp nhất khi nhận lãnh thẻ, các vị nhận lãnh theo quan điểm (của bản thân). Đây là mười sự phân phát thẻ đúng Pháp.”

–ooOoo–