Tiểu Sử Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Xiv Bhaddanta Vīriyānanda Xiv

TIỂU SỬ TÓM TẮT NGÀI ĐẠI TRƯỞNG LÃO TAM TẠNG XIV BHADDANTA VĪRIYĀNANDA – TIPIṬAKADHARA TIPIṬAKAKOVIDA

Ngai Tam Tang 14

Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng thứ XIV Bhaddhanta Vīriyānanda sinh vào ngày thứ tư, 21 tháng 1 năm 1970, trong một gia đình có tín tâm sâu sắc đối với Tam Bảo. Thân phụ của Ngài là ông Ba Kyaw, thân mẫu là bà Tin Kyi. Quê Ngài ở vùng phía Bắc tiểu bang Shan của Myanmar, cách thành phố Yangon khoảng 620 km về phía Đông Bắc.

Quy y Tam Bảo và xuất gia thọ giới sa-di từ nhỏ, lên 20 tuổi Ngài thọ giới tỳ-khưu vào ngày thứ tư, 10 tháng 5 năm 1989, tại Phật học viện Kyaik-ka-hsan, Yangon, do Ngài Khemindābhivaṃsa làm thầy tế độ, và thí chủ hộ độ tứ sự là gia đình ông Oun Maung và bà Than Yi.

tipitaka sayadaws
Từ trái sang phải: U Indacariya, U Abhijātābhivaṁsa, U Indabāla, U Sundara, U Sīlakkhandhābhivaṁsa, U Vaṁsapālālaṅkāra, U Gandhāmālaṅkāra, U Vāyāmindābhivaṁsa

Từ nhỏ Ngài đã học các chương trình Phật học căn bản và nâng cao với nhiều giảng sư uyên thâm Phật Pháp ở nhiều Phật học viện. Khi tham gia chương trình học thi Tam Tạng, Ngài đã học Tam Tạng dưới sự chỉ dạy của nhiều vị Tam Tạng như Ngài Mingun Sayadaw (Ngài Đệ nhất Tam Tạng, đã viên tịch), Ngài Kosalla (Ngài Tam Tạng III , đã viên tịch), Ngài Vāyāmindābhivaṃsa (Ngài Tam Tạng VI), Ngài Sīlakkhandhābhivaṃsa (Ngài Tam Tạng VII), và Ngài Kumārābhivaṃsa – Tăng Thống đương nhiệm của Giáo Hội Phật Giáo tại Myanmar.

Ngai Tam Tang 335

Sau đây là hành trình tu tập Pháp học Phật giáo của Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng thứ XIV Bhaddhanta Vīriyānanda Sayadaw:

– Sau khi hoàn tất các chương trình Phật học Tiểu đẳng (Pathama-nge), Trung đẳng (Pathama-lat) và Cao đẳng (Pathama-kyi). Ngài đạt được danh hiệu Dhammācariya (Giảng viên Pháp học) năm 1992, khi Ngài 22 tuổi,
– Ngài đạt được danh hiệu Ubhatovibhaṅga-dhara (Thông thuộc 2 quyển đầu của Tạng Luật), năm 1993, lúc Ngài 23 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Vinaya-dhara (Thông thuộc Tạng Luật), năm 1995, lúc Ngài 25 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Ubhatovibhaṅga-kovida (Thấu suốt 2 quyển đầu của Tạng Luật), năm 1996, lúc Ngài 26 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Vinaya-kovida (Thấu suốt Tạng Luật), năm 1997, lúc Ngài 27 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Dīghabhāṇaka (Thông thuộc Trường Bộ Kinh), năm 1998, lúc Ngài 28 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Dīghanikāya-kovida (Thấu suốt Trường Bộ Kinh), năm 1999, lúc Ngài 29 tuổi và trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng – Tạng Luật (Vinaya-piṭaka) và Tạng Kinh (Suttanta-piṭaka).
– Ngài đạt được danh hiệu Mūla-ābhidhammika (Thông thuộc phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp), năm 2001, lúc Ngài 31 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Mūla-abhidhamma-kovida (Thấu suốt phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp), năm 2004, lúc Ngài 34 tuổi.
– Ngài đạt được danh hiệu Ābhidhammika (Thông thuộc Tạng Vi Diệu Pháp), trở thành Bậc thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara), năm 2009, lúc Ngài 39 tuổi.
– Năm nay, 2017, Ngài đạt được danh hiệu Abhidhamma-kovida (Thấu suốt Tạng Vi Diệu Pháp), trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng (Tipiṭaka-kovida) lúc Ngài 47 tuổi và trở thành Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng thứ XIV Bhaddhanta Vīriyānanda Sayadaw

Ngai Tam Tang 333

Ngoài các chương trình Phật học căn bản và nâng cao cũng như chương trình học thi Tam Tạng do chính phủ tài trợ, Ngài Đại Trưởng Lão Thông Thuộc Tam Tạng Vīriyālaṅkāracòn học và thi đỗ các chương trình Phật học khác do các hội Phật học phi chính phủ bảo trợ.

Thật diễm phúc cho những ai được diện kiến, đảnh lễ, cúng dường, hộ độ, nghe pháp, hành thiền và thân cận với một Bậc Đa văn xuất chúng như vậy.

Chúng con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Viriyananda – Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida XIV.

Nguồn: Sư Thiện Đức Kusalaguṇa

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.