Tỳ Khưu Devadatta Cố Giết Ðức Phật

Tỳ Khưu Devadatta Cố Giết Đức Phật

Sau lần âm mưu ra lệnh cho các xạ thủ giết chết Ðức Phật không thành, Tỳ khưu Devadatta rất căm tức muốn tự mình giết Ðức Phật. Một hôm, Ðức Thế Tôn đang đi kinh hành dưới chân núi Gijjhakūta, Tỳ khưu Devadatta nghĩ đây là cơ hội tốt nhất để giết Ðức Phật, ông liền mò leo lên đỉnh núi, quan sát đường lăn tảng đá xuống, rồi dùng cây làm đòn bẩy bật một tảng đá lớn lăn xuống chỗ Ðức Phật đang đi kinh hành với tác ý ác tâm giết Ðức Phật. Tảng đá lớn lăn nhanh xuống. Thật phi thường thay! Có hai tảng đá lớn hơn gấp bội đồng nghiêng đầu chụm lại, ngăn chặn tảng đá kia làm vỡ ra một mảnh nhỏ văng trúng nhằm bàn chân của Ðức Phật làm cho bàn chân Ngài bầm máu và sưng lên.

Ðức Phật quở trách Tỳ khưu Devadatta:

– Này Devadatta, con người vô dụng! Con có ác tâm muốn giết Như Lai, nhưng mà đối với Như Lai chỉ bị bầm máu mà thôi, như vậy, con đã tạo ác trọng nghiệp lớn rồi!

Ðức Phật gọi chư Tỳ khưu dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, Devadatta đã phạm tội, có ác tâm muốn giết Như Lai, nhưng mà không thể giết Như Lai được, chỉ làm bầm máu ở bàn chân của Như Lai. Như vậy, lần đầu tiên Tỳ khưu Devadatta đã phạm trọng tội lớn là làm bầm máu bàn chân (lohituppādaka) của Như Lai thuộc ngũ vô gián nghiệp.

Vết thương của Ðức Phật, nhờ vị lương y Jìvaka tận tâm cứu chữa, mổ xẻ lấy máu bầm ra và thoa thuốc nên không bao lâu, bàn chân của Ngài đã bình phục.

Chư Tỳ khưu được biết Tỳ khưu Devadatta có ác tâm muốn giết Ðức Thế Tôn, vì vậy, chư Tỳ khưu chia từng nhóm canh gác bảo vệ Ðức Phật, có nhóm học kinh, tụng kinh; có nhóm đi kinh hành chung quanh Gandhakuti nơi Ðức Phật đang ngự. Ðức Thế Tôn nghe tiếng tụng kinh bèn hỏi Ðại Ðức Ànanda, Ðại Ðức Ānanda bạch với Ðức Thế Tôn là chư Tỳ khưu chia thành từng nhóm canh gác, bảo vệ Ðức Thế Tôn, không để Tỳ khưu Devadatta đến làm hại Ngài.

Ðức Phật bèn dạy Ðại Ðức Ānanda gọi chư Tỳ khưu mà dạy rằng:

“Atthānametam Bhikkhave anavakāso, yaṁ parūpakkamena Tathāgataṁ jìvitā voropeyya.
Anupakkamena Bhikkhave Tathāgatā parinibbāyanti…”.

“Này chư Tỳ khưu, điều chẳng bao giờ xảy ra là việc giết hại Ðức Phật do sự cố gắng của người khác. Này chư Tỳ khưu, chư Phật tịch diệt Niết Bàn hoàn toàn không phải do sự cố gắng của một ai cả. Này chư Tỳ khưu, các con nên trở về chỗ ở của mình. Không một ai có thể làm hại được Như Lai. Các con chớ bận tâm bảo vệ sanh mạng của Như Lai…” (Vinayapitaka, Cūlavagga).

Đức Phật cũng giải thích nguyên nhân là:

Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình giàu sang, có một người em trai cùng cha khác mẹ. Khi cha mẹ qua đời, để lại một gia tài lớn. Hai anh em mỗi người có một đám gia nhân tùy tùng riêng; vì nghe lời xúi giục của đám gia nhân ấy, nên hai anh em gây gỗ, sát hại lẫn nhau, để chiếm đoạt toàn bộ tài sản của cải về mình. Đức Bồ Tát là anh có sức mạnh hơn người em, xô đẩy người em té xuống hốc đá, rồi dùng đá lăn đè chết người em trai.

Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác sát sanh cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài nhiều ngàn năm, cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục.

Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, còn Tỳ khưu Devadatta cùng trong dòng dõi là con trai bà cô và ông cậu, cũng là hoàng huynh của Công chúa Yasodharā.

Tiền kiếp của Tỳ khưu Devadatta và tiền kiếp của Đức Bồ Tát Siddhattha là hai người buôn bán nữ trang được tóm lược như sau:

Thuở quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật, là người buôn bán nữ trang lương thiện, và tiền kiếp của Tỳ khưu Devadatta cũng là người buôn bán nữ trang, nhưng có tánh tham lam và gian ác. Một gia đình trước kia là phú hộ, nhưng bây giờ tất cả tài sản đều bị khánh kiệt, chỉ còn cái mâm bằng vàng ròng bị bụi bám đầy. Thừa kế gia đình ấy chỉ còn một bà ngoại già và đứa cháu gái, họ không hề biết gì về giá trị của chiếc mâm vàng ấy.

Một hôm, có người buôn bán nữ trang (tiền kiếp của Tỳ khưu Devadatta) từ xa đến, đi ngang nhà, cô cháu gái thấy, liền năn nỉ xin bà ngoại mua cho mình một món nữ trang.

Bà ngoại già âu yếm bảo với cháu gái rằng: “Này cháu yêu quý! Ngoại không tiếc gì cho cháu cưng đâu. Hiềm một nỗi gia đình mình hiện nay nghèo quá, cơm áo không đủ dùng, thì lấy đâu có tiền bạc mà mua nữ trang cho cháu. Chỉ còn cái mâm cũ kỹ kia, để ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu không”.

Bà liền gọi người lái buôn vào, đưa cái mâm cũ kỹ cho y xem. Sau khi săm soi kỹ, với con mắt nhà nghề, người lái buôn biết rõ là cái mâm bằng vàng ròng quý giá, mà hai bà cháu không hề biết được giá trị của nó. Tánh vốn tham lam và gian ác, y tự nghĩ: “Ta phải chiếm đoạt cái mâm vàng này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang nho nhỏ không đáng giá”. Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném cái mâm xuống đất rồi nói:

– Cái mâm cũ kỹ này chẳng có giá trị gì cả, nó không đáng giá 12 xu rưỡi! Lấy đâu để đổi lấy một món nữ trang?

Nói xong, người lái buôn tham lam và gian ác kia liền bỏ đi nơi khác.

Ngày hôm sau, người lái buôn lương thiện (Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật) đi ngang nhà, cô cháu gái khóc lóc năn nỉ đòi nữ trang cho bằng được. Vì rất thương yêu và muốn vừa lòng cháu, bà gọi người lái buôn vào nhà, lại đem cái mâm cũ kỹ kia đưa cho người lái buôn này xem. Lần này, thì bà kể lể về hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn nghe, với hy vọng đổi được món nữ trang nhỏ nào đó cho cháu.

Nhà lái buôn lương thiện cầm cái mâm, lau chùi lớp bụi, phát hiện ra cái mâm này không chỉ là một cái mâm bằng vàng ròng tinh chất quý giá, mà còn chạm trổ những phù điêu, hoa văn tinh tế, công phu, thật là một nghệ thuật tuyệt vời.

Đức Bồ Tát hai tay nâng niu cái mâm và từ tốn thưa rằng:

– Thưa mẹ, cái mâm này không những bằng vàng ròng tinh chất, mà còn là một cổ vật quý giá, ít nhất khoảng trên 100 ngàn Kahāpana (đồng tiền vàng Ấn Độ thời xưa). Tất cả giá trị nữ trang và tiền bạc của con mang theo bên người chưa bằng được một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy.

Bà ngoại già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thật của người lái buôn lương thiện, chân thành nói:

– Này con, chính tấm lòng chân thật của con quý hơn cả cổ vật này. Hôm trước có người lái buôn nữ trang như con đã chê cái mâm này. Y nói cái mâm này chưa đáng giá 12 xu rưỡi. Khi đi, y còn ném cái mâm xuống đất và thốt lên những lời hằn học nữa. Nếu quả thật, nó bằng vàng quý giá như con nói, thì đó chính là quả phước của con. Vậy, con hãy lấy đi rồi cho cháu ta một món nữ trang nào cũng được, con đừng ái ngại.

Sau nhiều lần từ chối không được, Đức Bồ Tát đành trao lại tất cả số nữ trang và trọn số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1.000) đồng tiền vàng cho hai bà cháu, chỉ xin lại tám đồng để chi phí dọc đường.

Đức Bồ Tát đã đem cái mâm vàng ra đi. Sau đó, thì người lái buôn tham lam gian ác trở lại tìm bà cụ, y bảo:

– Này bà già, hãy đem cái mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ bố thí cho cháu bà một món nữ trang nho nhỏ!

Bà cụ nhìn thấy y, con người gian giảo đáng khinh bỉ, bà bảo:

– Này ông kia, cái mâm vàng của tôi đáng giá 100 ngàn đồng, sao trước đây ông chê, cho rằng nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi? Tôi đã bán cho một người lái buôn nữ trang lương thiện, ông ấy đã trao cho tôi trọn số tiền 500 đồng của mình và tất cả số nữ trang còn lại. Tôi đã trao cái mâm vàng cho người ấy mang đi xa rồi.

Nghe nói vậy, người lái buôn tham lam và gian ác cảm thấy vô cùng tiếc rẻ gào lên:

– Ôi! Ta đã bị thiệt hại quá lớn rồi! Tên lái buôn kia đã cướp cái mâm bằng vàng đáng giá 100 ngàn đồng của ta rồi!

Gào thét đến khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, tên lái buôn nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, như người điên, y xả bỏ quần áo, đồ nữ trang vung vãi, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo Đức Bồ Tát. Lúc ấy, Ngài đã qua quá nửa dòng sông, vẫn nghe văng vẳng tiếng gào thét của y: “Hãy trở lại! Hãy trở lại!”. Ngài bảo người lái đò chèo thẳng qua bên kia sông.

Bên bờ sông này, quá thất vọng và tiếc của, quá uất hận, cơn nóng giận cực độ làm cho người lái buôn máu trào ra miệng, lăn ra chết ngay tại chỗ. Trước khi tắt thở, với tâm sân hận y thốt ra lời nguyền độc địa kết oan trái với Đức Bồ Tát: “Ta sẽ kết oan trái với ngươi dù bất cứ ở địa vị nào”. Đó là lần kết oan trái đầu tiên giữa tiền kiếp của Tỳ khưu Devadatta với tiền kiếp của Đức Phật.

Bởi vậy, trong suốt khoảng thời gian tử sinh luân hồi, hễ mỗi khi hai người gặp lại nhau, ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, hậu kiếp của người lái buôn tham lam gian ác kia cũng tìm cách giết hại hoặc làm khổ Đức Bồ Tát; dù ở địa vị làm cha, Đức Bồ Tát làm con, thì người cha ấy cũng tìm đủ lý do để giết hại Đức Bồ Tát. Thậm chí cho đến kiếp cuối cùng; hậu kiếp của người lái buôn nữ trang lương thiện trước kia, nay là Thái tử Siddhattha, đã chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác, và hậu kiếp của người lái buôn tánh tham lam gian ác trước kia, nay là Hoàng tử Devadatta dòng Sakya (thân quyến của Thái tử Siddhattha) xuất gia trở thành Tỳ khưu Devadatta, đệ tử của Đức Phật; Tỳ khưu Devadatta tìm đủ mọi mưu mô thâm độc để giết hại Đức Phật. Nhưng do oai lực của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, cho nên không một ai trên thế gian có khả năng giết hại được Ngài.

Do năng lực nghiệp ác cũ sát sanh của Đức Phật ấy còn dư sót chút đỉnh, nên khiến Tỳ khưu Devadatta leo lên núi Gijjhakūṭa xô tảng đá lăn xuống, trên đường Đức Phật đi kinh hành, tảng đá bị ngăn lại, chỉ vỡ một mảnh đá nhỏ rơi xuống đụng phải đầu ngón chân cái của Đức Phật, làm bầm máu mà thôi. Như vậy, Tỳ khưu Devadatta phạm phải một trong năm trọng nghiệp vô gián.

Tỳ khưu Devadatta đã tạo 2 ác nghiệp vô gián: Ác nghiệp vô gián chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng và ác nghiệp vô gián làm bầm máu bàn chân của Đức Phật. Đó là 2 loại ác nghiệp vô gián nặng thứ nhất và thứ nhì. Đến khi bị lâm bệnh nặng gần chết, Tỳ khưu Devadatta mới biết ăn năn hối lỗi, muốn đến hầu Đức Thế Tôn, thành tâm sám hối tội lỗi của mình trước khi chết.

Tỳ khưu Devadatta nằm trên chiếc giường, nhờ nhóm đệ tử khiêng đến ngôi chùa Jetavana. Nhóm đệ tử đặt chiếc giường xuống gần hồ nước để tắm rửa Tỳ khưu Devadatta cho sạch sẽ trước khi vào hầu Đức Thế Tôn. Tỳ khưu Devadatta vừa đặt hai bàn chân xuống mặt đất, thì mặt đất nứt ra làm 2 phun ngọn lửa lên hút Tỳ khưu Devadatta vào trong lòng đất. Khi ấy, Tỳ khưu Devadatta còn kịp thốt lên một bài kệ rằng:

“Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,
Devātidevaṃ naradammasārathiṃ.
Samantacakkhuṃ satapuññalakkhanaṃ,
Pāṇehi Buddhaṃ saraṇaṃ upemi”

Phút cuối cùng con hết lòng thành kính,
Xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật,
Là Bậc Vô Thượng nhất trong nhân loại,
Bậc Phạm thiên cao nhất trong Phạm thiên,
Bậc Vô Thượng giáo hóa mọi chúng sinh,
Bậc có tuệ nhãn toàn tri tuyệt vời,
Bậc có đầy đủ hằng trăm phước tướng.
Con thành kính cúng dường bằng sinh mạng,
Bằng bộ xương gầy còn lại của con.

Thốt xong bài kệ tán dương Đức Phật với tấm lòng tôn kính sâu sắc và xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật xong, cùng lúc ấy Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào lòng đất.

Do nhờ thiện tâm trong sạch xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật trong lúc lâm chung ấy, tuy ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu 100 ngàn đại kiếp trái đất, nhưng sau khi mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy; trong thời vị lai, nhờ thiện nghiệp ba-la-mật đã từng tích lũy trải qua 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trong những kiếp quá khứ sẽ làm phận sự tái sinh làm người, sẽ chứng đắc thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu là “Đức Phật Độc Giác Aṭṭhissara” rồi tịch diệt Niết Bàn (Đức Phật Gotama thọ ký).

Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:

Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai đã giết người em trai cùng cha khác mẹ, vì nguyên nhân tranh đoạt gia tài của cha mẹ để lại, Như Lai đã xô em trai xuống hốc đá, rồi lăn đá đè chết.

Do quả của nghiệp ác cũ ấy, kiếp chót này, Như Lai bị Tỳ khưu Devadatta xô tảng đá lăn xuống, nhưng tảng đá bị ngăn lại, chỉ vỡ một mảnh đá nhỏ văng ra đụng vào ngón chân cái của Như Lai.

Do Đức Thế Tôn là bậc Toàn Giác, ngài có sự thấy biết về quá khứ, vị lai là bất khả tư nghì. Ngài thấy biết rằng, nếu Devadatta mà sống đời tại gia thì y sẽ tạo ác nghiệp với khổ báo không thể nghĩ lường. Devadatta xuất gia, được gieo duyên với giáo pháp, được phước báu thanh tịnh hỗ trợ; nên khi bị trả quả chia rẽ Tăng, ông ta chỉ thọ báo quả địa ngục a-tỳ (Avīci) lâu chừng một kiếp, sau đó ông ta sẽ đắc quả Độc Giác Phật hiệu là Atthisara. Trái lại, nếu Devadatta không tu tỳ khưu thì ông ta sẽ bị thiêu, bị nấu từ địa ngục này sang địa nguc khác; hết khổ địa ngục, ông ta rơi vào hàng trăm kiếp làm ngạ quỉ, rồi làm Atula với thời gian không đếm được. Do đó, được thiện báo thọ sanh làm người đã khó khăn huống hồ chứng quả Phật? Đức Phật cho phép Devadatta xuất gia, biết chia rẽ Tăng sẽ đọa địa ngục nhưng để cho Devadatta chịu đau khổ chút ít mà ngăn ngừa được khổ báo nặng nề nếu ông ta sống đời tại gia, Giới và định trong thời gian Devadatta xuất gia sẽ giúp cho ông ta sớm thoát khỏi khổ ách và sẽ thành Phật Độc Giác trong ngày vị lai.

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.