Tỳ Khưu Ni Prakirti – Phần I

TỲ KHƯU NI PRAKIRTI – PHẦN I

*Tóm tắt về đại đức Ānanda: Là con trai của đức thân vương Amitodana – em ruột của đức vua Suddhodana – ngài có tướng mạo vô cùng tuấn mỹ và có một trí nhớ phi thường. Khi làm lễ tắm rửa và đặt tên, các thầy bà-la-môn rành thông tướng pháp khen ngợi, tán dương không hết lời. Họ nói rằng, vương tử có một đầu óc siêu phàm, bất cứ môn học nào, chỉ cần liếc mắt qua hoặc thoáng nghe qua là nhớ, là thuộc lòng ngay tức khắc.

Sau khi thành đạo, Đức Phật về thăm quê hương lần thứ hai, Ānanda đã cùng với các ông hoàng Anuruddha, Kimbila, Bhaddiya, Bhagu, Devadatta và người thợ cạo Upāli đồng xuất gia. Tôn giả là bậc học rộng, nghe nhiều. Mà nếu không có ngài với trí nhớ ưu việt, thông bác thì có lẽ Tam Tạng kinh điển sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay. Ngài còn là thị giả của Đức Phật suốt 25 năm trường, khéo léo và tế nhị phục dịch Đức Đạo Sư; và dường như không có một khiếm khuyết nào về bổn phận, đức hạnh cũng như sự mẫn cán, tinh cần. Ngài cũng là người đã ba lần thỉnh cầu tha thiết xin Đức Phật thu nhận nữ giới vào giáo hội; và nếu không có ngài thì ni chúng tỳ-khưu-ni không biết có hiện hữu trên thế gian này hay không!

Ngoài tướng hảo quang minh, một mỹ nam tử – chỉ có thua Đức Phật – tính tình ngài lại mềm mỏng, dịu dàng, đoan nghiêm, phúc hậu… lại dạt dào tình cảm với huynh đệ, hai hàng cận sự nam nữ – nên trong hàng tứ chúng, ai ai cũng quý kính, tôn trọng và cảm mến ngài. Chẳng có ai gặp ngài mà không mang một ấn tượng tốt, một hảo cảm đặc biệt, nhất là nữ giới… vì vậy, mới có chuyện sau đây xảy ra…
Một ngày kia, đại đức Ānanda du hành ở phương xa, trên đường trở về tịnh xá Kỳ Viên, ngài đi trì bình khất thực quanh xóm làng ngoại ô rồi nghỉ dưới một gốc cây để độ thực. Dùng ngọ xong, đại đức ôm bát đi theo lối mòn tìm nước uống nơi một xóm nhà nghèo nàn ven chân núi. Thấy một cô thiếu nữ bên đường đang múc nước giếng, bước đến gần, ôm bình bát trong tay, ngài lặng lẽ đứng một bên, đưa mắt nhìn xuống.

Cô gái ấy tên là Prakirti, nàng vốn là hạng tiện dân Candala thấp kém ở ngoài rìa xã hội, thấy một “vị bà-la-môn” tướng cách cao sang, quý phái đến đứng lặng lẽ gần bên thì vô cùng sợ hãi; nàng cúi đầu xuống, hỏi lí nhí trong cổ họng:
– Thưa ngài, ngài cần gì không ạ?

Đại đức Ānanda, vẫn với tầm mắt nhìn xuống, nói rõ mục đích của mình:
– Thưa cô, vui lòng cho tôi xin chút ít nước.

Nghe người lạ thuộc đẳng cấp thượng lưu lại nói lời “thưa cô”, cô gái càng sợ hãi hơn:
– Cháu là kẻ thấp hèn.
– Tôi chỉ cần chút ít nước thôi.
– Cháu là dân thấp hèn, hạ liệt. Không có ai uống nước của chúng cháu cả.
– Tôi chỉ cần chút ít nước uống cho hết khát thôi. Nước là dùng để mà tắm rửa, giặt giũ, giải khát; nước có phân biệt giai cấp gì đâu, thưa cô!

Nghe người lạ nói một câu kỳ lạ là không phân biệt giai cấp, cô gái bây giờ mới mạnh dạn ngước đầu lên, mới dám trả lời cho rõ ràng:
– Cháu là con gái giống nòi hạ đẳng Candala. Nước giếng này vốn trong và ngọt, nhưng đối với những người ở giai cấp trên, họ xem nước của chúng cháu không sạch, nó dơ bẩn. Nước này chỉ có chúng cháu uống. Các giai cấp trên trước họ chê là ô uế, họ không uống đâu; cho chí rửa tay, họ cũng không dám!
– Tôi không hề hỏi cô thuộc giai cấp, đẳng cấp nào mà! Tôi chỉ xin nước uống thôi mà.
– Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này, nói đại lược là có hai giai cấp, giai cấp cao sang và giai cấp hạ liệt. Cháu thuộc hạng người thấp thỏi, hèn kém nhất trong xã hội loài người.
– Tôi đâu cần biết giai cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống thôi, thưa cô!
– Làm sao cháu có thể tùy tiện dâng nước cho ngài được? Cháu là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài to lớn, cao sang trong kinh thành, họ thuộc giai cấp trên trước. Còn những người hèn hạ như cháu, chúng cháu không có được cả cái quyền nhìn họ nữa là. Ngay cả cái bóng của chúng cháu, họ cũng ghê tởm không dám dẫm lên. Khi chúng cháu đến gần, họ tránh ra xa. Nếu bắt buộc phải nhìn thấy chúng cháu, họ phải rửa mặt tẩy uế với nước tẩm hương hoa, vừa cau mày vừa than: “Thần thánh ôi! Ta vừa nhìn thấy cái gì vậy kìa! Bọn dân hạ tiện!”. Thế thì làm sao cháu dám dâng nước cho ngài được? Làm sao cháu dám đến gần ngài để dâng nước? Nếu chiếc bóng của cháu có dính trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện mất thôi!

Đại đức Ānanda cảm thấy bất bình về định kiến tệ hại của xã hội, xót thương cho hạng tiên dân sống trong hoàn cảnh bất công, tủi nhục nên muốn nói rõ cho cô gái biết quan niệm bình đẳng giữa người và người trong giáo pháp của Đức Tôn Sư:
– Tôi không để ý gì đến cái gọi là giai cấp cao và thấp ấy. Tôi chỉ biết rằng cô cũng là một con người như tôi thôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói giai cấp có thể tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác. Tôi không chấp nhận ý tưởng, quan điểm cổ hủ, mọi rợ và lệch lạc ấy. Tất cả mọi người trong chúng ta, ai cũng có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt và một cái mũi. Có thể nào mặt trời lại mọc ở phương Tây đối với người thuộc giai cấp dưới? Có thể nào mặt trời lại mọc ở phương Đông chỉ để dành cho giai cấp thượng lưu? Còn nữa, cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ thì ai cũng giống nhau, có ai khác với ai đâu? Khi ăn, bụng ai cũng đầy, cũng nở ra; khi đói thì bụng ai cũng cồn cào và nó teo tóp lại! Vậy thì họ khác nhau ở chỗ nào, thưa cô?

“Giữa con người với con người thì ai cũng giống nhau”- Prakirti nắm bắt được ngay quan điểm vượt ngoài giai cấp rất bình đẳng, rất cởi mở, thông thoáng của người lạ, nhưng cô cũng muốn hiểu cho rõ hơn:
– Bề ngoài thì không có gì khác nhau lắm đâu, đúng như ngài đã nói. Nhưng những người ở giai cấp trên, họ nhờ có phước báu nên mới xứng đáng sinh vào dòng dõi thượng lưu ấy được. Còn chúng cháu thì do vô phước, nhiều tội lỗi nên phải sinh vào dòng dõi thấp hèn này. Họ được diễm phúc sinh ra từ miệng, từ vai Đại Phạm Thiên (Mahā Brāhmā). Còn chúng cháu thì “bị” sinh ra từ bàn chân, gót chân của đấng ấy. Tất cả chúng cháu đều không được phép học kinh Vệ Đà. Do vậy chúng cháu ngu dốt, thấp kém, thua thiệt đủ mọi bề, mọi thứ. Chúng cháu không được đặt vào bất cứ một giai cấp nào, là hạng người ở tận cùng cái đáy của xã hội, thưa ngài.

Bây giờ thì cả hai người đã bắt đầu nói chuyện một cách khá tự nhiên. Cô gái khẽ nhìn người lạ, thấy ông ta đẹp đẽ và oai nghiêm quá, cô lại cúi đầu xuống, tim đập thình thình, đôi má chợt đỏ lựng lên.

Đại đức Ānanda vô tâm không để ý, tiếp tục cuộc đối thoại, giải thích cho cô gái rõ hơn một tí nữa:
– Bậc Đạo Sư của tôi không dạy như vậy, không giảng như thế đâu. Ngài dạy rằng, tất cả chúng ta đều bình đẳng, không có giai cấp trong giọt máu và trong giọt nước mắt. Máu ai cũng đỏ và giọt nước mắt ai cũng mặn. Cô có thể nghe tôi đọc câu này, là của đạo sư tôi dạy đó:
“No jaccā vasalo hoti
Na jaccā hoti brāhmaṇo
Kammanā vasalo hoti
Kammanā hoti brāhmaṇo”.
Nghĩa là: Không ai sinh ra đã thành hạ tiện. Không ai sinh ra đã thành bà-la-môn. Chính do hành động, do nghiệp (kamma) mới thành hạ tiện, chính do hành động, do nghiệp mới thành bà-la-môn!

Cô gái nghe như uống cả vào lòng, mát rười rượi. Cô len lén đưa mắt ngó quanh xem thử có ai thấy không. Vừa sợ hãi vừa thẹn thùa, cô cúi xuống, với bàn tay run run, đưa gàu kề miệng bát để rót nước. Khi thấy nước vừa đủ dùng, đại đức Ānanda bưng bát uống một hơi dài.
Sau đó, ngài còn chịu khó, dịu dàng giải thích thêm cho cô gái, đại ý là: Phải biết giá trị con người trong cộng đồng loài người, đừng tự ti mặc cảm, đừng sống theo quy định, áp đặt của xã hội; phải biết tôn trọng giá trị con người trong con người của mình, để vươn lên, để đứng thẳng, để giữ vẹn phẩm chất cao quý của con người – là như thế nào! Con người vốn bình đẳng và tự do! Không luật pháp nào, định chế nào, xã hội nào, con người nào có quyền tức đoạt cái quyền bình đẳng và tự do ấy.

Thấy cô gái im lặng lắng nghe có vẻ rất chăm chú, ngài từ tốn nói lời cám ơn cô gái rồi ôm bát bước đi.

Cô thiếu nữ sững sờ đưa mắt nhìn theo cho đến khi ngài Ānanda khuất dạng phía xa xa…

Đăm đắm nhìn theo chiếc bóng của vị sa môn, cô gái như còn nghe văng vẳng bên tai: “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Lời nói sao mà ngọt ngào, mát dịu lạ lùng! “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Lời nói sao mà dịu dàng, khiêm tốn đến vậy! Ồ, vị này là ai, ở đâu mà vừa cao sang quý phái, vừa đẹp đẽ, đôn hậu quá chừng chừng! Chẳng lẽ không có một giếng nước nào khác ở trong kinh đô Sāvatthi này? Chẳng lẽ chỉ có nước duy nhất ở cái giếng này thôi? Tại sao người ấy lại tìm đến ngay mình đây để xin nước? Chẳng lẽ mình là người con gái duy nhất tại kinh đô Sāvatthi? Quả thật người ấy chỉ đến để xin nước, chẳng cần quan tâm rằng mình là hạng con gái thấp hèn? Lẽ ra người ấy phải biết chứ! Nhìn qua cách ăn mặc thì trẻ con cũng biết mình là dân bần cùng, hạ tiện. Người đàn ông đẹp đẽ, cao sang, quý phái, khiêm tốn, dịu dàng, khả ái kia là ai vậy kìa? Ông ta từ đâu đến? Cám ơn trời đất, thánh thần trên đầu trên cổ đã đưa người ấy đến cái giếng nước “định mệnh” này. Nhờ người ấy, tôi mới biết được rằng tôi cũng là một con người, lại là một thiếu nữ son trẻ như ai kia vậy. Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ mình không phải con người, chỉ là một động vật hạ liệt dơ dáy không hơn không kém. Ôi, gương mặt người ấy sao mà quyến rũ! Ôi, đôi mắt người ấy sao mà tràn ngập nhân từ! Ôi, dáng dấp người ấy sao mà thanh nhã, trẻ trung, sáng chói, đẹp đẽ đến vậy! Làm sao mình có thể gặp lại người ấy một lần nữa bây giờ? Làm sao mình có thể nghe lại giọng nói ngọt ngào kia một lần nữa? Sống để mà làm gì nếu không thấy lại được người ấy? Ôi, giá như ngày nào mình cũng được dâng nước cho người! Ngày nào mình cũng được nói với người ấy vài lời, vài lời thôi! Nếu người ấy lại đến, thì nhất quyết mình không để cho người ấy đi. Tôi sẽ mang người ấy về nhà và giữ rịt người ấy lại. Nếu được ngắm người ấy, mình sẽ không cần ăn, không cần uống. Cứ nhìn người ấy là đủ no rồi, đủ hạnh phúc rồi. “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”, “Vui lòng cho tôi xin chút nước!” Ôi! Tiếng lời dịu dàng ấy đã khắc sâu vào tận đáy lòng, khắc sâu vào trái tim của mình mất rồi!

Mẹ cô thiếu nữ hạ tiện thấy con mình đi múc nước quá lâu không về, sốt ruột, bà gọi ơi ới:
– Prakirti! Prakirti! Con ở đâu? Mẹ tìm con nãy giờ sao không thấy? Con gái tôi đi đâu rồi? Đã có chuyện gì xảy đến với con thế? Con đã mọc rễ bên bờ giếng rồi hay sao vậy? Lần nào đi lấy nước cũng cứ trò chuyện mải miết với bọn con gái thôi! Prakirti! Prakirti!
– Thưa mẹ, con đây!
– Ở đâu thế?
– Ở đây! Bên giếng nước chớ đâu!
– Trời đã trưa trợt rồi. Đất đã nóng bỏng cả chân rồi đó. Tất cả con gái nhà người ta đi múc nước đều đã về cả rồi. Tại sao con còn làm gì ở đấy một mình vậy?
– Mẹ ơi, cái giọng nói kia sao mà ngọt ngào quá: “Vui lòng cho tôi xin chút nước!”
– Vui lòng xin chút nước? Cái gì vậy? Cái gì nước? Ai đã xin con nước?
– Một người đàn ông trẻ trung, đẹp đẽ vô song! Ông ta có cái đầu cạo trọc, mình khoác chiếc y màu vàng, tay thì bưng bình bát. Ấy là một chàng trai thanh niên có dáng dấp thanh cao, khả ái, thưa mẹ.
– Cạo trọc đầu? Làm sao một người đàn ông trẻ, đầu cạo trọc mà có thể gọi là đẹp được? Chẳng lẽ con không biết, họ cạo trọc đầu là để mà phá tướng? Là để mà xua đuổi cái đẹp đi?
– Con không biết điều đó. Mà con cũng không cần biết, không thèm biết. Con chỉ thấy, chỉ biết người đàn ông cạo trọc ấy đẹp tuyệt trần. Toàn thân người ấy sáng rực ánh vàng như dát vàng. Cặp mắt người ấy nhân từ, dịu dàng. Phong thái người ấy thanh cao nhưng bình dị. Là hiện thân của nhân từ và bình dị đó, mẹ ơi!
– Người ấy có cùng đẳng cấp với mình không con?
– Dạ thưa có! Người ấy nói là ở cùng một giai cấp với chúng ta!
– Giai cấp gì vậy con?
– Là con người! Cùng một “giai cấp con người” đấy mẹ ạ!
– Chắc con lại giở trò ma lanh che giấu cái dòng hạ tiện của mình khi nói chuyện với người ta chứ gì? Biết bao nhiêu tiện dân ở xứ này không muốn để lộ thân phận nô lệ của mình cho người khác biết. Thái độ ấy thật là nhục nhã. Nếu trong chúng ta ai cũng hãnh diện, tự hào về chỗ mình đang đứng, bằng lòng cái kiếp cỏ rác hèn mọn của mình thì làm gì, có ai dám chê chúng ta là thấp hèn, là hạ liệt nữa nào! Có lẽ con không nói cho người ta biết con là con gái hạ tiện, phải không?
– Không, con có nói! Con có nói con thuộc về hạng tiện dân. Nhưng người ấy không chịu nhận như vậy. Người ấy chỉ nói hoài, nói mãi là “chỉ xin nước uống thôi”. Người ấy còn đọc một câu kệ, có lẽ là do đạo sư của người ấy dạy: “Một người trở thành bà-la-môn hay hạ tiện không phải do sinh ra mà do hành động, do nghiệp tạo thành!”
– Người ấy còn nói gì nữa không?
– Người ấy còn nói cái gì có vẻ cao siêu lắm mà con không hiểu hết ý nghĩa.
– Vậy sao? Thế con có nhớ được một câu, một đoạn nào, nói lại cho mẹ nghe xem nào!
– Không nhớ mới lạ! Nó như khắc in ở trong óc con đó!
– Vậy con nói lại đi!
– Chàng nói:“Đừng làm trái với cái bản chất tự do mà ta vốn có như là người, và là của con người. Chối bỏ bản chất người của mình, bằng cách nghĩ rằng mình có một bản chất riêng, bản chất riêng ấy là thấp thỏi, là hạ liệt, là đáng khinh miệt và không bao giờ thay đổi được. Nghĩ thế và làm thế là tai hại, là nguy hại còn hơn là giết chết bản chất thật của mình nữa. Thiếu sự tôn trọng mình là một thái độ thấp hèn còn hơn cả hủy diệt bản chất người của mình. Người ấy nói như vậy. Mọi con người sinh ra trên trái đất này đều là những con người tự do” Người ấy còn nói rằng: “Sau khi sinh ra như vậy, tự do như vậy, nhưng lần hồi tự do ấy bị thu hẹp lại vì những hàng rào chướng ngại như chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đạo sư, giáo sĩ, cổ lệ…” Thưa mẹ! Người ấy nói thấm thía quá. Lại như thắp một ngọn đèn cho cái suy nghĩ của con. Trong đầu con, bấy lâu, con cứ nghĩ về con như là một người cam chịu thấp hèn, bị ràng buộc tất định bởi tập tục xã hội, trong giáo điều đâu đó có sẵn. Con cứ nghĩ về con, thân phận của con có khác gì con chó hoang bất hạnh, sục sạo, bới móc tìm kiếm thức ăn thừa, rơi vãi nơi đầu đường, xó chợ. Người ấy đã mang ánh sáng đến cho con, mẹ ơi! Con cảm tưởng như con từ đây bắt đầu một đời sống mới. Chỉ cho đến ngày hôm nay con mới học hiểu được rằng, con là thành viên mới, là một con người trong xã hội loài người. Người ấy là ánh sáng. Người ấy là ánh sáng của con. “Vui lòng cho tôi xin một chút nước”, “Vui lòng cho tôi xin một chút nước”. Lời nói ấy sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào đến vậy hở mẹ!
– Mặc dù người ấy không muốn đề cập về hạng người ở ngoài rìa xã hội, nguyên nhân nghèo đói và sự bị nguyền rủa, bị khinh miệt của chúng ta; nhưng con ơi, mẹ biết. Con người ta sinh ra thế này hay thế kia, giàu hay nghèo, quý hay tiện đều là kết quả của hành động, đều là do nghiệp.
– Vậy những người ở đẳng cấp cao đã làm gì mà được sinh ra như vậy ?
– Họ cũng thế! Đó là kết quả của hành động, của nghiệp từ quá khứ vậy.
– Dù thế nào chăng nữa, người ấy nói với con rằng người ta không trở thành cấp cao hay cấp thấp vì sinh ra như thế. Người ấy nói: “Dù là vua chúa, dù là bà-la-môn, dù là đạo sĩ, dù sa-môn – nếu sát sinh hại vật, nếu trộm cắp của người, nếu tà dâm, tà hạnh nếu nói điều ác độc, điêu xảo, nếu rượu chè rượu say sưa thì đều được coi là người thấp thỏi, hạ liệt hết”.
– Đúng vậy! Người ấy nói chí lý. Đó là điều mà mẹ vừa nói với con: Là kết quả của nghiệp!
– Mẹ ơi! Không phải bất cứ điều gì xảy ra cũng đổ vấy cho nghiệp cả. Con không tin. Mình là dân hạ tiện không phải vì nghiệp mà là vì xã hội đưa ra điều lệ, quy định ác độc và ngu ngốc như thế. Con không thể chấp nhận những áp đặt vô nghĩa lý ấy. Mà thôi mẹ ạ! Mình nói chuyện khác. Nói hoài chuyện ấy cũng không đi đến đâu, ai cũng đã chịu đựng, cúi đầu nhục nhã và đớn hèn từ lâu lắm rồi. Hãy nói chuyện về chàng trai xin nước. Chàng trai xin con chút nước kia có tên là gì vậy? Đó là điều mà con muốn biết. Người ấy làm gì? Con chỉ muốn biết chuyện ấy mà thôi.
– Mẹ không biết!
– Mẹ biết mà! Mẹ hay đi đây đi đó, mẹ biết mà! Dường như hồi nãy mẹ có nói chuyện với người hàng xóm?
– Ừ, thôi được rồi! Mẹ biết! Người hàng xóm thấy con nói chuyện với trai nên báo cho mẹ biết! Mẹ cũng thoáng thấy dáng dấp của ông ta rồi. Ông ta tên là Ānanda, là đệ tử của Đức Phật, thuộc dòng dõi Sakyā quý tộc.
– Người ấy làm gì vậy mẹ?
– Làm một vị tu sĩ. Ông ta đã từ bỏ đời sống thế tục và đã trở thành một vị tỳ khưu!
– Ồ, mẹ ơi! Người ấy là một người đàn ông tốt nhất trên đời này. Con chẳng cần biết ông ta là ai. Con chỉ muốn được nhìn ngắm người ấy mãi hoài thôi. Con không thể sống mà không có người ấy. Con cần có Ānanda. Nếu con không có được người ấy, con sẽ nhịn đói cho đến chết. Mẹ ơi! Mẹ có học chú thuật, mẹ biết làm phù phép; vậy mẹ hãy dùng hết khả năng phù phép của mẹ để mang Ānanda đến với con. Nếu không, mẹ sẽ không bao giờ còn nhìn thấy đứa con gái độc nhất của mẹ nữa đâu. Con sẽ nhịn đói cho đến khi mẹ mang Ānanda lại cho con.
– Đức vua Kosala của chúng ta là người rất kỉnh mộ Đức Phật. Đức vua đến hầu Đức Phật mỗi ngày. Liệu hồn đấy! Nếu biết con yêu Ānanda, đức vua sẽ đốt nhà, đốt xóm chúng ta đó. Đức vua sẽ cấm tiệt dân hạ tiện chúng ta sống trong xứ này. Lúc ấy là chết. Con làm hại mọi người trong giai cấp thấp hèn của chúng ta đấy, con có biết không?
– Con không biết! Mẹ hãy đọc thần chú (mantra) ngay bây giờ đi. Mẹ mà đọc thần chú thì Ānanda sẽ đến ngay lập tức. Con mà không có Ānanda thì con không thể sống được đâu.
– Đức Phật là người không còn dục vọng nên thần chú của ông ta ghê gớm, cao siêu lắm. Mà Ānanda thì biết thần chú của Phật, chắc hẳn vậy. Nghe nói “Phật chú” diệt hết tất thảy mọi thần chú trên đời này! Mẹ chịu thôi!
– Được mà! Thần chú của mẹ cao diệu lắm mà! Mẹ không giúp con thì con chết!

Thấy con năn nỉ và có vẻ đau khổ quá, không cam tâm được, bà mẹ bèn gật đầu:
– Thôi được! Vì thương con, mẹ sẽ cố gắng, nhất tâm đọc thần chú cho con. Còn nước thì còn tát.

Người mẹ lúi húi lượm phân bò khô, cỏ khô, thêm củi, lá rác vào và đốt lên cho lửa rực cháy. Bà kiếm thêm hoa ở đâu đó rồi từ từ từng cánh, từng cánh rứt ném vào lửa, miệng lâm râm đọc thần chú:
“Amale, vimale, kunkume sumane, yena baddhasi vidyut icchaya devo varsati, vidyotati garjati, vismayan, Maharajasya, samabhi vardhayitum, devebhyo manushyebhyo gandharvebhyah shikigraha deva, visikhigraha grahadeva, Ānandasyagamanaya, Samgamanaya, kramanaya, grahanaya juho svaha.”

Trong khi người mẹ đọc thần chú nhiều lần như vậy, như ma quỷ gọi hồn, đại đức Ānanda ở trong tịnh xá cảm thấy đầu óc bị xáo trộn, rối loạn, không còn làm chủ được tâm trí mình nữa. Như bị ai điều khiển, ngài rời tu viện và mê man đi thẳng đến nhà mẹ con cô thiếu nữ hạ tiện. Thấy đại đức từ xa đi đến, người mẹ bảo cô con gái sửa soạn giường gối. Ānanda bước vào nhà, đứng lại, lặng yên. Trong mơ hồ, ngài cũng thấy cô thiếu nữ Prakirti trang điểm duyên dáng và có vẻ gì đó rất vui sướng. Đại đức thầm biết mình đang gặp nạn, bèn nghĩ đến đức Phật, và bằng ý tưởng, ngài cầu xin đức Phật hộ trì. Bằng thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Đức Phật thấy Ānanda đang ở trong tình trạng nguy khốn, ngay tức khắc, sử dụng năng lực thù thắng của tâm, ngài đọc một đoạn mantra chuyển tải qua không gian một thông điệp siêu linh:
“Sthi racyutith sunitih svastih sarva pranibhyah sarah prasannam nirdosham prashantam sarvatobhayam itayo yatra shamyanti sarva siddhasca yoninani etena satya vakyena svasty Ānandaya bhiksave”.

Do “Phật chú” có năng lực thù thắng, thần chú của bà mẹ tan biến giữa hư không. Đại đức Ānanda tỉnh trí lại, như vừa ra khỏi cơn mộng, thở ra một hơi thở nhẹ rồi cúi đầu cất bước, trở về lại Kỳ Viên tịnh xá…

Prakirti hoảng hốt khi thấy đại đức Ānanda bỏ đi, cô bảo mẹ làm sao cho “ông ta” quay lại.

Bà mẹ thở dài:
– Mẹ biết mà!“Phật chú” dẹp tan mọi thần chú trên đời này. Chắc Ānanda đã học chú thuật của ông Phật Gotama rồi. Mẹ không có khả năng thắng họ được.

Đại đức Ānanda thoát được phù phép của người mẹ, vào đảnh lễ Phật và cung kính đứng hầu một bên.

Đức Phật nói: – Ānanda! Ông phải nghe và ghi nhớ bài kinh Sadaksara Vidyā này. Đây là bài kinh sẽ hộ trì cho tất cả tăng, ni cùng cận sự nam nữ hai hàng. Bài kinh Sadaksara Vidyā này đã được minh thuyết bởi sáu vị Phật, được hộ trì bởi Tứ Đại thiên vương, bởi Đại Phạm Thiên Sahampati, và bây giờ, bởi Như Lai là Sakyā Muni. Vậy này Ānanda! Ông phải nhớ, phải suy gẫm cho thật kỹ. Nó là những mẫu tự kết dệt lên nhau có âm vang rất huyền bí – tuy nó có nghĩa nhưng không cần thiết phải giải thích. Hãy nghe:
“Andare pandare karande keyurerci haste svara grive Bandhumati, viramati, dhara vidha cilimile, vilodaya, visani loke visa cala golamati gandavile cili mile satimimena yatha samvibhaketa golamati ganda vilayai svaha”.

Rồi Ngài dạy tiếp:
– Ānanda hãy ghi nhớ! Người nào đọc kinh Sadaksara Vidyā này, người ấy sẽ được gỡ thoát, được tự do nếu bị tra tấn, hành hạ. Sẽ được miễn hình, giải phóng nếu bị ai đó ra lệnh trừng phạt. Nếu người ấy khiếp sợ thì sẽ được chấm dứt mọi khiếp sợ. Này Ānanda! Người nào được kinh Sadaksara Vidyā này che chở, bảo trợ sẽ không bao giờ bị một năng lực nào vùi dập, bức hại được – ngoại trừ kết quả của nghiệp kiếp trước đã gieo.

Đại đức Ānanda thoát khỏi phù phép của mẹ cô gái. Nhưng Prakirti, cô thiếu nữ kia, vẫn cứ thầm yêu trộm nhớ ngài không nguôi khuây được.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.