Con Đường Hạnh Phúc – Đối Trị Tam Chướng
ĐỐI TRỊ TAM CHƯỚNG
Chúng ta thường nghe người Phật tử phát nguyện rằng: “Nguyện tiêu trừ chướng ngại phiền não, nguyện chứng đắc chánh trí giác ngộ…”. Như vậy chướng ngại là gì? Phiền não là gì? Và trí tuệ có tác dụng như thế nào?
Có ba chướng ngại được gọi là tayokincanaa trong phạn ngữ Pàli:. Ba điều ấy là tham, sân và si. Tam chướng đôi khi còn được gọi là bất thiện căn. Chính ba điều chướng ngại này là nguyên nhân của mọi khổ đau, khiến cho chúng sinh chìm đắm trong vòng luân hồi sinh tử. Bản thân tam chướng là phiền não và hậu quả gây ra bởi tam chướng lại làm dày thêm phiền não. Chỉ có trí tuệ thấu triệt được thực tánh pháp mới có thể tiêu diệt được tam chướng và khử trừ được phiền não.
Tham, sân, si hiện hành trong mỗi chúng ta dưới hai hình thức: Thô và tế. Vậy chúng ta hãy lần lượt phân tích từng hình thức của mỗi bất thiện căn và cách diệt trừ.
1. Trước hết là tham chướng: Dưới hình thức thô tướng, tham biểu lộ ra ngoài bằng nhiều cử chỉ hay thái độ khác nhau, khiến cho người khác có thể thấy được, như hành động trộm cắp, rượu chè, tà hạnh. Dưới hình thức vi tế, tham trở thành một tiềm thức ngủ ngầm trong tâm khảm của mỗi chúng ta, thường được gọi là tùy miên (anusaya). Chúng ta khó có thể nhận biết được tiềm năng vi tế của tham tuỳ miên, chính vì thế mà nó đã tạo ra những chướng ngại có ảnh hưởng bất lợi cho sự an lạc giải thoát.
Muốn diệt trừ thô tướng của tham, người Phật tử phải trì giới và bố thí. Khi giữ giới không trộm cắp, không tà hạnh v.v. chúng ta đã ngăn ngừa không để cho tham bộc phát ra ngoài bằng cử chỉ thái độ thô thiển. Tích cực hơn, chúng ta tập san sẻ bố thí để phát triển tâm rộng rãi vị tha, nhờ đó mà tham càng ngày càng được đoạn giảm.
Chúng ta có thể trộm cắp của người giàu mà ích kỷ để bố thí cho người nghèo mà lương thiện được không? Điều nầy mới nghe có vẻ hiệp nghĩa, được người đời ca ngợi, nhưng quả thật không đáng khuyến khích, vì muốn phát triển vị tha đến chỗ quảng đại, vô lượng thì không thể chủ quan thiên vị, không trái luật nhân quả nghiệp báo tự nhiên để cố gắng làm hài lòng người nầy bằng cách làm phiền khổ kẻ khác. Vì vậy, trong khi bố thí và trì giới chúng ta nên có một định hướng rõ rệt là đoạn trừ và viễn ly tham ái như mục đích tối hậu.
Đối với tham vi tế, chúng ta phải dùng đến thiền định để chế phục và thiền tuệ để đoạn diệt tận gốc chướng ngại nầy.
2. Thứ hai là sân chướng: Dưới hình thức thô tướng, sân bộc lộ ra ngoài bằng những hành động, lời nói hay sắc diện của mỗi người khiến kẻ khác có thể thấy được, như nét mặt xám lại, tim đập nhanh và mạnh, bắp thịt co lại và hiếu động; vì thế mà lúc nóng giận thường hay cãi vả, đánh đập, phá phách…
Dưới hình thức vi tế, sân tiềm ẩn trong dạng tuỳ miên. Đôi lúc chúng ta cảm thấy chán nản buồn bực mà không biết vì nguyên cớ gì. Đó chính là sân vi tế. Những tình cảm này thường xuất hiện một cách mơ hồ không lộ diện rõ nét hay nói cách khác chúng hoạt động như những khuynh hướng xung động vô thức khó có thể nhận biết được. Vì thế phải đến khi đắc quả A-na-hàm mới có thể diệt trừ sân chướng một cách hoàn toàn được.
Muốn đối trị thô tướng của sân, ta phải giữ giới, nhất là giới sát sanh, ác ngữ, tập tính nhẫn nại và từ bi.
Nhẫn nại không phải là nhịn nhục vì một áp lực từ bên ngoài, mà là một thái độ sáng suốt, phát xuất từ nội tâm biết cách tự chế, trầm tĩnh và thản nhiên trước những lời thách đố, chỉ trích, mắng nhiếc, hay những hành động gây tổn thương của kẻ khác.
Mặt khác, chúng ta còn phải phát triển lòng từ ái. Đức Phật đã dạy cho chúng ta một chân lý không thể chối cải được: “Sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận, chỉ có lòng khoan từ mới thắng được tâm sân”.
Đối với sân vi tế, chúng ta phải phát triển thiền định đề mục tâm từ, tức là rải tâm trong lành, hiền hòa, mát mẻ, dịu dàng đến kẻ khác, mong cho kẻ khác được an vui, ngay những kẻ thù địch với chúng ta cũng được hạnh phúc. Rốt ráo hơn, ta phải dùng đến pháp quán tâm, phương cách nội quán của Phật giáo để thấy rõ những hoạt động sâu kín nhất của tâm giới, vạch trần những sân niệm vi tế nhất để loại trừ,
3. Cuối cùng là si chướng: Dưới hình thức thô tướng, si biểu hiện qua hành động và lời nói của kẻ thiểu trí, thường phát xuất từ tâm thái trạo cử bất an hoặc là hôn trầm dã dượi. Những người này thường bảo thủ ý kiến của mình, bướng bỉnh, thành kiến, cố chấp, lãnh hội chậm, và có vẻ mặt đần độn si mê. Ý kiến của họ thường là tà kiến, nghĩa là phản lại với chân lý.
Dưới hình thức vi tế, si là thiếu tỉnh thức, thiếu chú tâm, lơ là, chểnh mảng nên không đủ sáng suốt để nhận chân được thực tánh pháp. Si cũng thường tiềm ẩn dưới dạng tuỳ miên, có gốc rễ sâu kín trong kiếp trầm luân. Nó vừa là động lực vừa là hậu thuẫn cho tham và sân. Si hỗ trợ cho tham ái (bám víu trong dục lạc) đưa đến thường kiến, si hỗ trợ cho sân hận (đối kháng với đau khổ) đưa đến đoạn kiến, đồng thời tham ái và sân hận lại củng cố cho si thêm sâu dày trong luân hồi sinh tử.
Đối với si thô tướng, chúng ta cần cải thiện nhận thức bằng cách nghiên cứu, học hỏi, nghe pháp, tư duy, chiêm nghiệm. Nhờ vậy chúng ta có thể loại dần tình trạng mê mờ, trì trệ của những nhận thức thô thiển, bảo thủ và thành kiến.
Đối với si vi tế, chúng ta cần phát triển trí tuệ bằng cách quan sát, lắng nghe, thể nghiệm pháp một cách trung thực, nghĩa là thường chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại thân tâm khi tiếp xúc với ngoại giới, không để cho thân tâm bị điều động một cách vô thức. Nói theo ngôn ngữ phân tâm học là hữu thức hoá vô thức để những khuynh hướng xung động nội tại không kích hoạt một cách vô thức.
Tham, sân, si là căn bản bất thiện, đôi khi gọi là tam độc vì có thể làm cho chúng ta bị ô nhiễm và làm nền tảng cho những phiền não khác phát sinh như tà kiến, nghi hoặc, ngã mạn, trạo cử, thụy miên, không biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi, đôi khi gọi là tam chướng vì có thể ngăn trở chúng ta trên hành trình giác ngộ giải thoát.
Muốn diệt tận ba bất thiện căn này, chúng ta cần phải tinh tấn hành trì giới định tuệ không bao giờ lùi bước. Một phi thuyền không gian phải trải qua một hành trình xa xăm, hiểm trở, nếu các phi hành gia không khéo léo điều khiển, các nhà bác học tính toán sai một ly một khắc thì không những phi thuyền không đi tới đích, nhà khoa học không đạt tới mục tiêu mà còn thiệt hại tài sản và tính mạng nữa. Tuy thế, vẫn chưa nguy hiểm và khó khăn bằng những người đi từ bờ mê đến bến giác. Họ phải vượt qua một cuộc hành trình lâu dài không tính được bằng thời gian, phải đối đầu với biết bao thử thách cam go từ bên ngoài cũng như từ chính bản thân họ. Vì vậy, nếu họ không quyết tâm bền chí, không tinh tấn chuyên cần để giữ vững con thuyền giới định tuệ thì không thể nào vượt qua khỏi bể khổ trầm luân đầy phong ba bão tố.
Chông gai hiểm trở thường làm chùn bước những kẻ thiếu quyết tâm, nhưng là chất liệu nung đúc tinh thần những người bền chí. Ví như bùn nhơ làm cho hương sen thêm tinh khiết, sỏi đá làm cho vị nho thêm ngọt ngào. Đừng than rằng: “Bông hồng kia sao quá nhiều gai, chỉ sợ trên những gai kia không có được đóa hồng”. Bản chất của cuộc đời đúng là đau khổ. Nhưng điều quan trọng là không vì khổ đau mà để cho phiền não tham sân si tăng trưởng, chúng ta cần phải biết biến khổ đau thành bài học từ bi và trí tuệ.
Tóm lại, muốn tiêu trừ nghiệp chướng và phiền não, muốn đạt được trí tuệ chơn chánh liễu tri pháp tánh, chúng ta phải tinh tấn thực hành giới, định, tuệ, con đường duy nhất đưa chúng ta vượt khỏi bến mê đến bờ giác ngộ.
-ooOoo-