Kinh Nghiệm Thiền Quán – Giải Thoát Tâm Thức: Tư Tưởng
MAIN CONTENT
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Giải thoát tâm thức: Tư tưởng
Thiền quán không phải là suy nghĩ về một việc gì. Chúng ta đã quá quen sử dụng tư tưởng, suy luận trong mọi lãnh vực của đời sống. Phần lớn hoặc có thể là trọn cuộc đời của ta đều nằm nơi đó, cho dù ta có ý thức được điều ấy hay không.
Nhưng thiền quán là một tiến trình hoàn toàn khác biệt, vì nó không dính dáng gì đến những suy luận hoặc tư tưởng của mình. Thiền quán không phải là suy nghĩ về một việc gì. Qua tiến trình liên tục quán chiếu trong thinh lặng, một loại hiểu biết mới, sâu xa hơn sẽ phát sinh.
Trong mục tiêu của thiền quán thì không có gì là thực sự đáng để cho ta suy nghĩ đến cả: không phải tuổi thơ của ta, những mối tương quan của ta, cũng không phải là một quyển tiểu thuyết đồ sộ nào đó mà ta muốn viết… Nhưng việc ấy không có nghĩa là những tư tưởng ấy sẽ không khởi lên. Sự thật thì chúng sẽ xảy đến rất thường xuyên. Nhưng ta không cần phải chống lại, tranh đấu với chúng, hay là phê phán làm gì. Ta chỉ cần giản dị không chạy theo những tư tưởng ấy, một khi vừa ý thức được rằng chúng đang khởi lên. Càng ý thức được mình đang suy nghĩ sớm bao nhiêu, ta càng thấy được cái tự tính rỗng không của tư tưởng nhanh bấy nhiêu.
Tư tưởng của ta nhiều khi có một sức quyến rũ vô cùng. Giờ thiền tập sẽ trôi qua rất nhanh những khi chúng ta ngồi mơ mộng, có khi chưa kịp hay biết gì thì thời gian đã hết. Có thể giờ ngồi thiền hôm đó rất thú vị, nhưng đó không phải là thiền tập. Trên con đường tu tập, chúng ta cần để ý đến những sự lạc hướng này, nếu có. Bạn nên nhớ rằng tuệ giác mà chúng ta muốn được phát khởi một cách tự nhiên và bằng trực giác từ một chánh niệm tĩnh lặng.
Mặc dù thiền quán không phải là suy nghĩ, nhưng thiền quán vẫn có thể là ý thức rõ ràng về sự suy nghĩ của mình. Tư tưởng có thể là một đối tượng rất hữu ích trong thiền quán. Chúng ta có thể tập trung năng lượng của sự quán chiếu vào chính tư tưởng để thấy được tự tính của nó. Nhờ vậy mà ta sẽ ý thức được tiến trình của suy nghĩ thay vì bị vướng mắc vào nội dung của chúng.
Trong giáo lý nhà thiền, chúng ta thường hay đề cập đến sự nguy hiểm của việc nhận những hiện tượng đang xảy ra làm mình. Sự nhận diện sai lầm ấy sẽ giam giữ ta trong khuôn khổ tình trạng của chính mình. Muốn hiểu được điều này, bạn hãy quan sát sự khác biệt giữa khi ta bị vướng mắc vào tư tưởng và khi ta có một chánh niệm rõ ràng về chúng.
Những khi chúng ta bị lạc trong sự suy nghĩ của mình thì sự nhận diện sai lầm này rất là kiên cố. Chỉ chừng một khoảnh khắc thôi, tư tưởng sẽ có thể tràn ngập và lôi cuốn ta trôi xa thực tại hàng ngàn dặm. Chúng ta nhảy lên một chuyến xe của sự liên tưởng mà không hề ý thức được mình đã lên xe, và dĩ nhiên cũng không biết nó sẽ đưa mình về chốn nào. Rồi đến một lúc, ta giật mình tỉnh dậy và thấy rằng ta đang suy nghĩ miên man, rằng ta đã chu du đến một nơi xa xôi nào đó… Khi ta “xuống xe”, có thể nơi ấy là một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác biệt với lúc ta khởi hành. Bạn thấy không, khi ta không ý thức được rằng mình đang suy nghĩ, tư tưởng sẽ mang ta phiêu du qua biết bao nhiêu thế giới xa lạ!
Như thế, tư tưởng là gì? Vì lý do gì mà khi ta không ý thức được về nó thì nó lại có một mãnh lực điều kiện hóa cuộc sống của ta đến thế? Và nó lại hoàn toàn biến mất trong khoảnh khắc ta vừa chú ý đến? Chúng ta phải đối phó với những tư tưởng diễu hành liên tục trong tâm này như thế nào?
Bây giờ, bạn hãy bỏ ra vài phút và nhìn thẳng vào những tư tưởng nào đang có mặt trong tâm, ngay giây phút này. Đây là một bài tập, cho nên bạn có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng như mình đang ngồi trong một rạp hát và nhìn lên một màn ảnh trống không. Chỉ đơn giản chờ những tư tưởng khởi lên. Vì bạn chẳng làm gì khác hơn là chờ đợi, nên bạn sẽ nhanh chóng ý thức được những tư tưởng nào sinh khởi. Chúng thực sự là gì? Sau khi ghi nhận được chúng thì việc gì sẽ xảy ra? Tư tưởng cũng giống như những món đồ của một nhà ảo thuật, chúng có vẻ rất thật khi ta bị lôi cuốn, mê hoặc, nhưng vừa khi ta khám xét kỹ lưỡng thì chúng lập tức biến mất!
Nhưng còn những tư tưởng mạnh có khả năng chi phối ta thì sao? Trong khi ngồi thiền ta theo dõi, theo dõi và theo dõi chúng, rồi đột nhiên – vụt một cái – mất hết, ta bị mắc kẹt vào một ý nghĩ. Thế là nghĩa lý gì? Những tâm thức nào, những loại ý nghĩ nào lại có khả năng bắt dính ta hết lần này đến lần khác, và khiến ta quên rằng chúng chỉ là những hiện tượng trống rỗng đi ngang qua mà thôi?
Đức Phật dạy rằng chúng ta được tạo nên, uốn nắn và sai xử bởi chính ý nghĩ của mình. Nếu đó là sự thật thì chúng ta cần theo dõi chúng một cách cẩn thận, xem ta mắc kẹt chỗ nào, cái gì đã quyến rũ ta, bắt ta nhận chúng làm mình để rồi tạo nên khổ đau? Một điều bất ngờ là chính ta đã vô tình ban cho những tư tưởng ấy một quyền hạn vô cùng, chúng bắt ta phải “làm cái này, nói như thế này, nhớ đến điều này, tính toán như thế này, phê phán như thế kia…” Nhiều khi có thể làm ta điên lên được!
Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào và bị chúng sai xử ra sao, việc ấy tùy thuộc vào sự hiểu biết của ta về những gì đang xảy ra. Nếu chúng ta có thể an trú trong hiện tại và nhìn thấy được sự sinh diệt của tư tưởng, thì bất cứ loại tư tưởng nào xảy lên cũng không quan hệ. Vì bản chất của chúng là trống rỗng, là vô ngã, và đôi khi chúng ta còn có thể nhìn thấy được tự tính vô thường của chúng nữa. Từ đó, cái mãnh lực có thể làm rung chuyển cả thế giới, mà đã từng tạo nên và sai khiến ta, sẽ trở thành một năng lượng nhỏ nhoi, không còn đủ sức để tạo nổi một gợn sóng lăn tăn trong ta. Chúng như những hạt sương buổi sáng sẽ tan nhanh dưới ánh mặt trời.
Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, đâu phải lúc nào ta cũng có thể ngồi yên theo dõi tư tưởng của mình. Chúng ta có thể bị dính mắc hoặc bắt buộc phải suy nghĩ để quyết định một việc gì trước khi hành động. Trong cả hai trường hợp, điều chủ yếu là chúng ta phải nhận thức rõ ràng được giữa tư tưởng thiện và bất thiện, để biết những việc nào nên thực hiện và việc nào không. Vì tư tưởng bao giờ cũng có một ảnh hưởng nghiệp quả rất lớn. Chúng là đầu mối dẫn dắt ta. Ý nghĩ sẽ đưa đến hành động, rồi từ hành động sinh ra mọi hậu quả. Chúng ta nên đầu tư vào những loại tư tưởng nào? Công việc của ta là nhận diện chúng rõ ràng để có thể chọn những điều nào nên thực hiện và những điều nào hãy để yên.
Việc nhận diện tư tưởng đòi hỏi một năng lượng chánh niệm lớn, vì ý nghĩ khó nắm bắt vô cùng. Nếu ta theo dõi chúng chỗ này, chúng sẽ len lỏi biến sang một nơi khác. Nhưng khi sự tu tập của ta tiến triển, có hai điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thứ nhất, tâm ta sẽ thực sự trở nên tĩnh lặng hơn. Thay vì như một dòng nước lũ cuồn cuộn chảy, những tư tưởng sẽ khởi lên ít hơn, và nhờ vậy mà ta sẽ có được một cảm thọ an tĩnh và thanh thản hơn. Thứ hai, khả năng quán chiếu của ta sẽ trở nên bén nhạy và kiên cố hơn. Ta có thể nhận diện những tư tưởng một cách rõ ràng hơn và ít bị chúng lôi đi một cách vô ý thức. Khi thôi nhận tư tưởng làm mình và không còn ban cho chúng chủ quyền nữa, tâm ta sẽ an trú trong một trạng thái thanh thản, giản dị và an lạc.