Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Tình Thương Và Hiểu Biết
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Tình thương và hiểu biết
Tình thương và hiểu biết là đôi cánh lớn của Phật pháp. Cho dù ta đang ở giữa cuộc sống quay cuồng bận rộn hoặc ở nơi tĩnh lặng thâm sâu của một khóa tu, tâm thức sáng tỏ và trái tim rộng mở bao giờ cũng là những sức mạnh tối thượng mà ta cần phải trau luyện. Chúng vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh của sự tu tập.
Những phẩm tính huyền diệu này của tâm và trí, không phải là những đức hạnh đặc biệt dành riêng cho các bậc thiền sư. Chúng là những năng lực rất phổ thông, và nhiều khi xuất hiện ở những nơi mà chúng ta ít ngờ đến nhất. Nhiều khi cuộc sống hoạt động của người cư sĩ cũng có thể đem đến cho ta những cơ hội liên tục, không chỉ nuôi dưỡng, mà còn để biểu lộ tình thương và tuệ giác nữa.
Một trong những vị thầy đầu tiên của tôi đã dung hợp được tình thương và hiểu biết một cách rất đặc biệt. Bà Dipa Ma, một người phi thường đã sống và dạy ở Calcutta. Bà sinh ra vào đầu thế kỷ này và mất năm 1989. Theo phong tục của quê hương và thời đại của bà, bà lấy chồng vào năm còn rất trẻ, khoảng chừng mười bốn tuổi, và có được ba người con. Chồng bà qua đời một cách đột ngột, sau đó hai người con của bà cũng mất theo, bỏ lại bà với nỗi sầu khổ khôn cùng. Nỗi ưu sầu ấy làm bà suy nhược đến độ phải nằm liệt trên giường hơn mấy năm trời.
Khi chồng con của bà qua đời, Dipa Ma đang sống tại Miến Điện, nơi chồng bà làm việc với một cơ quan dân sự. Sau những năm tháng bệnh tật và suy nhược, bà hiểu rằng, trừ khi bà làm một việc gì để chữa lành vết thương tinh thần của mình, bà chắc chắn sẽ chết. Nghĩ vậy, bà tìm đến một tu viện Phật giáo tại Miến Điện và bắt đầu thực tập thiền quán. Mặc dù bà Dipa Ma có một thân hình nhỏ bé và đã kiệt quệ, nhưng bà mang một tâm hồn và ý chí rất sắt đá. Chỉ trong thời gian hết sức ngắn ngủi, bà đã đạt được một trình độ tuệ giác khá cao và một định lực rất thâm sâu.
Sự thành công của bà Dipa Ma trong lãnh vực tâm linh là một việc rất phi thường. Nhưng đặc điểm của cuộc đời bà, sau khi đã bắt đầu tu tập, là phẩm tính giản dị vô cùng của con người ấy. Từ sự đơn sơ đó, tỏa phát ra một sự phối hợp nhiệm mầu giữa tuệ giác về cái không, tình thương bao la và niềm an lạc tĩnh lặng. Có một lần, khi người ta hỏi Dipa Ma trong tâm bà chứa đựng những gì, bà đáp: “Tĩnh lặng, an lạc và từ bi. Có bấy nhiêu thôi.”
Câu trả lời của bà cho ta thấy được sự huyền diệu của việc hợp nhất ấy. Có được an lạc là nhờ ta bứng nhổ tận gốc rễ những điều bất thiện như là tham, sân, si, đã từng tạo sóng gió và khổ não trong tâm. Mà ta nhổ được gốc rễ của chúng là nhờ vào năng lực của chánh niệm. Bà Dipa Ma thường sử dụng phép quán từ bi để đạt đến những trạng thái thiền định thâm sâu, và rồi bà dùng định lực ấy để phát triển minh triết và tuệ giác, qua sức mạnh của chánh niệm.
Nơi bà Dipa Ma, những phẩm tính mà bà đạt được trong sự tu tập nuôi dưỡng lẫn nhau. Từ bi nuôi dưỡng trí tuệ. Trí tuệ trở thành nền tảng của giải thoát, giúp ta tránh được những điều bất thiện. Và từ sự tự do ấy, tâm ta được an định hơn, nó lại giúp cho năng lực của từ bi trở nên vững mạnh hơn. Nhìn thấy sự hoà hợp ấy nơi bà Dipa Ma là một hình ảnh thật đẹp. Mỗi khi có sự hiện diện của bà, người ta cảm thấy được tình thương và tuệ giác đã hội nhập lại thành một.
Dipa Ma bao giờ cũng là một mẫu mực cho tôi và những người khác noi theo, vì bà đã mang sự tu tập dũng mãnh ấy đi vào cuộc đời, qua vai trò của một người chủ gia đình, một người mẹ, một bà ngoại. Bà luôn tinh tấn, không bao giờ giải đãi trong việc đạt đến mục tiêu cuối cùng, mặc dù sự tu tập của bà lúc nào cũng cởi mở, từ bi và vị tha. Vì vậy, nếu lần sau bạn có cảm thấy công việc của mình, bổn phận làm cha mẹ của mình, hoặc một mối tương quan nào khác, hay một sự dính mắc trần tục nào, đã làm ngăn trở sự tu tập của bạn, hãy nhớ đến bà Dipa Ma và biến những trở ngại ấy thành chính sự tu tập của mình.