ĐỨC PHẬT VÀ 45 NĂM HOẰNG PHÁP ĐỘ SINH TẬP IV – TỲ KHƯU CHÁNH MINH

Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh

Tập IV

Tỳ Khưu Chánh Minh

Lời nói đầu
-00-
Ngày tháng trải dài giúp năm nâng cao bề dầy lịch sử, dòng thời gian vẫn êm trôi, nhưng âm thầm tàn phá tất cả, cho dù đó là những kỳ quan tuyệt hảo hay những phố xá điêu tàn; cho dù đó là vùng tuyết phủ quanh năm hay chốn sa mạc khô cằn sức sống với bảo cát loạn cuồng thét gầm hung hản.

Biên niên sử Phật giáo vượt quá 25 thế kỷ, lịch sử còn đó nhưng “dấu chân lịch sử thì:

– Có những dấu chân vẫn in hằn trên núi đá.
– Có những dấu chân nhạt nhoà theo khói bụi thời gian.
– Có những dấu chân mong manh sương khói như bóng chim cuối bãi trời xa.

Tìm lại được “những dấu chân cát lấp” là việc thật không dễ dàng, còn nói gì đến “những dấu chân trong sương khói của chiều nhạt nắng”. Như đại hồ trên đỉnh núi cao, sâu thẳm vô biên mênh mông bạt ngàn. Từ đại hồ hằng trăm dòng nước tuôn chảy tạo thành những dòng sông lớn, rồi lại phân hướng thành những nhánh sông con, len lỏi khắp chốn mang sức sống đến cho vạn loài.

Cũng vậy, từ Đức Thế Tôn, hằng trăm Thánh Đại đệ tử vươn mình đứng dậy, từ các Thánh Đại đệ tử, các vị Thánh thinh văn xuất hiện, các vị Bồtát hiện bày. Dấu chân các Ngài len lỏi khắp sơn cùng thủy tận, gieo ánh đạo vàng đến khắp nhân thiên cùng sinh chúng, để rồi các Ngài tự tại ra đi như cánh hạc cuối trời, không lưu lại địa điểm, thời gian.
Danh tự của các Ngài vẫn còn đọng hương thơm trong trang sử Phật gia với niềm kỉnh trọng cao tột trong tâm người con Phật.

Nhưng chính xác về thời điểm hoằng pháp độ sinh của các Ngài thì khó tìm chính xác.

Lịch sử hờ hửng, người lại vô tình không ghi chép thời gian cùng địa điểm mà các Ngài đã “hoằng pháp độ sinh”, chỉ vài nét ghi nhận sự kiện gọi là.

Trong sự nghiệp “hoằng pháp độ sinh” của Đức Phật, các Ngài đã góp phần không nhỏ vào việc lành thiêng liêng ấy, nhưng các Ngài nào màng “sử tích lưu danh”, chỉ cần “tế độ chúng sinh” là đủ.

Các vị Thánh hiền:
Đã ném tài hoa xuống ruộng dâu.
Sông buồn suối thảm biển vương sầu.
Thịnh suy chiếc lá bên khung cửa.
Danh vọng vầng mây bến bạc đầu.
Cao quý thay, kỉnh phục thay, trang trọng thay những tấm gương lành không vết rạn, không chút nhiễm ô bởi bụi trần gian.

Khi tìm thấy những “dấu chân” của các Ngài qua “sự kiện lịch sử”, nhưng lại là “dấu chân sương khói”, chúng tôi băn khoăn rất nhiều.

Bỏ qua thì cảm thấy nao nao, đành lòng sao để “nước trôi xuôi hờ hửng”? Ghi chép lại thì không tìm ra “cột mốc thời gian”.

Có những chi tiết về cuộc đời các vị Thánh hiền “giá đáng ngàn vàng”, những bảo vật ấy nằm rải rác trong kho tàng dử liệu đồ sộ của Phật giáo, không thể phí phạm, không thể bỏ rơi, không thể xem là nhỏ.

Chúng tôi thỉnh ý các vị tôn túc Trưởng lão trong hệ phái, các Ngài dạy:
– Sư hãy ghi chép lại những chi tiết ấy, đừng nên bỏ qua.

Kính tri ân các vị tôn túc Trưởng lão đã sách tấn, đã khích lệ, đã ban cho chúng tôi lời dạy quý báu tuyệt vời, xem như cẩm nang trên hành trình trở về nguồn cội, “tìm lại những dấu chân xưa”.

Do vậy, trong bộ sách “Đức Phật và 45 năm Hoằng pháp độ sinh”, chúng tôi không còn đóng khung trong khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi cố gắng mở rộng khung trời quá khứ trong khả năng của mình có được. Xem như đây là “tủ sách tư liệu” nhỏ nhoi trong kho tàng Biên niên sử Phật giáo.

Giờ đây, chúng tôi chỉ còn biết sưu tầm, gom góp lại, để kết nối cho liền lạc với “sự kiện lịch sử”, chúng tôi chỉ còn biết viết và viết, bao giờ ý cạn lực mòn thì phải đành kết thúc. Có thế thôi.

Kính các bậc cao đức bao dung, mong chư độc giả hoan hỷ và thông cảm cho nỗi niềm của chúng tôi.

Tỳ khưu Chánh Minh cẩn bạch.

Đức-Phật-và-45-Năm-Hoằng-Độ-Sinh-4