SƠ THIỀN TÂM – NGÀI HỘ TÔNG

SƠ THIỀN TÂM

NGÀI HỘ TÔNG

SƠ THIỀN TÂM 

Tôi xin đề xuất Phật ngôn trong kinh Visuddhimagga để làm căn bản theo Pālī dưới đây: “Etāvatā panesa viviceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ pathamajjhānaṃ upasampajja viharati”.

Nghĩa: hành giả phải có tâm yên lặng, phải dứt dục tình, phải xa lìa các ác pháp, mới là người nhập sơ thiền, vì có suy, sát, phỉ, và an phát sanh từ sự tịch mịch, có thiền tâm là như thế.

Chú thích: sơ thiền có 5 chi (sau khi đã diệt được 5 pháp cái) là: vitakka: … suy; vicāra:… sát; pīti: … phỉ; sukha: … an; ekaggatā: … định.

Sơ thiền, nói tóm tắt, cho thấy rõ là cần phải có tâm yên lặng khỏi dục tình, tránh xa dục tình v.v… Vì thế, các bậc trí tuệ có minh giải rằng: đắc sơ thiền là “các dục tình chẳng còn trong giờ hành giả nhập định” vì sơ thiền có đặc tính là dứt hẳn dục tình: dục tình là nghịch pháp của sơ thiền.

Vấn: thế nào là tâm yên lặng khỏi dục tình? Đáp: các dục tình là nghịch pháp của sơ thiền, hẳn thật. Có dục tình thì nhất định không có sơ thiền.

Dục tình và sơ thiền ví như tối tăm và ánh sáng: có tối thì không có sáng, có sáng thì không có tối. Đắc sơ thiền cũng vậy, nghĩa là có tối tăm tức là dục tình, thì không có ánh sáng tức là sơ thiền; khi có ánh sáng tức là sơ thiền, thì không có tối tăm tức là dục tình.

Dục tình và sơ thiền còn ví như bờ bên này và bờ bên kia. Người qua bờ bên kia là bỏ bờ bên này. Hành giả vượt đến bờ bên kia là đã bỏ hẳn bờ bên này, vậy.

Trong kinh “Vibhaṅga” Đức Phật có định nghĩa dục tình một cách bao quát rằng: chando: sự vừa lòng (trong dục tình) gọi là dục tình; rāgo: là lòng quyến luyến, ái mộ, thèm khát v.v… gọi là dục tình; chandarāgo: sự xúc dộng, cảm động, tình quyến luyến, gọi là dục tình; saṅkappo: sự chú tâm suy nghĩ về ngũ dục, gọi là dục tình; saṅkappārāgo: tâm ái mộ chú ý suy nghĩ trong dục tình, gọi là dục tình v.v… Tóm tắt lại, đó toàn là phiền não dục cả. Khi hành giả đắc thiền tâm, như đã giải, Đức Phật gọi có tâm yên lặng, khỏi dục tình.

Các pháp mà bậc sơ thiền đã trừ được có 5 là: 1) abhijjhā: là tham lam, mong mỏi được của người hoặc – kamacchanda: là tâm kích thích, thèm khát, mong nuốn vừa lòng v.v…

Trong vatthukāma (vật dục) và kilesakāma (phiền não dục). 2) thīnamiddha: hôn trầm lười biếng, dã dượi. 3) byāpāda: lòng oán ghét, ác tâm, ác cảm, tính làm tai hại kẻ khác. 4)uddhaccakukkucca: không để ý, xao lãng, quên lãng, phóng tâm, khó chú về đề thiền. 5)vicikicchā: hoài nghi, lòng không tin chắc.

so thien tam-ho tong