Hoàng Hậu Sāmāvatī Và Pháp Sư Thị Nữ Khujjuttarā Lưng Gù (phần Cuối)

HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ VÀ PHÁP SƯ THỊ NỮ KHUJJUTTARĀ LƯNG GÙ (Phần cuối)

Tại giảng đường vườn rừng Ghositārāma, biết là chư Tăng đang bị nhiều mối nghi ở trong lòng, Đức Phật liền vén mở bức màn quá khứ đã bị che lấp liên hệ đến những sự việc xảy ra tại hoàng cung đức vua Udena.
– Này chư tỳ khưu! Một thuở rất xa xưa, dưới triều đại đức vua Brāhmadatta, vào thời không xuất hiện một vị Phật Chánh Đẳng Giác nào, có tám vị Phật Độc Giác trú cư tại núi non thuộc kinh thành Bārāṇasī, và các ngài thường vào thành phố để trì bình khất thực. Lâu lâu, đức vua lại triệu thỉnh họ vào cung, lệnh cho hoàng hậu, thứ hậu, thứ phi, cung nga thể nữ thay phiên nhau đặt bát cúng dường và nghe một vài pháp thoại. Cả tám vị đều được đức vua tôn kính, trọng vọng; là chỗ nương tựa tinh thần của đức vua, họ được ngài coi như là linh hồn của quốc độ vậy.
Hôm ấy, sau khi đi bát xong, có bảy vị quăng bát qua hư không để lên Hymalaya. Chỉ còn một vị đến bờ sông Gaṇgā thọ thực, sau đó vào một lùm cây rậm thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả.
Đức vua trị vì Bārāṇasī hôm ấy nhã hứng cùng chư hậu, chư phi, cung nga thể nữ du lãm ở ngoại thành, bày cuộc vui săn bắn, sau đó họ nghỉ ngơi tại hành cung ven bờ sông.
Như những cánh chim được xổ lồng, có một bà phi dẫn năm trăm cung nữ đi dạo chơi ven sông, sau đó tha hồ nhởn nhơ ngụp lặn, bơi lội, đùa giỡn thỏa thích trong dòng sóng nước.
Lúc họ lên bờ thì trời trở lạnh. Ai cũng run lẩy bẩy. Bà phi sáng ý chạy đến lùm cây, gom lá khô, rác khô, cành khô rồi đốt lửa sưởi ấm. Vô tình, ngọn lửa lớn cháy lan đến lùm cây có vị Độc Giác đang trú định. Vì do cây cháy nên lộ ra hình tướng vị Độc Giác quen thuộc, và có lẽ vì ngài đang an trú diệt thọ tưởng định nên chẳng hề hay biết chuyện gì xảy ra xung quanh.
– Chết rồi! Bà phi chợt la lên – Đây là bậc thầy của đức vua. Nếu ông ta tiết lộ chuyện này chắc chị em ta không thoát khỏi tội chém đầu! Thôi, một liều ba bảy cũng liều, chúng ta hãy phi tang, hãy chất thêm rác khô, củi khô đốt cháy ông ta luôn đi. Sau khi chỉ còn tro tàn thì trời không biết, đất chẳng hay!
Thế là năm trăm cung nữ làm theo lời bà phi. Mỗi người chỉ cần gom lượm một bó nhẹ, cả năm trăm người như thế thì đã thành một ngọn núi nhỏ vây quanh vị Độc Giác Phật. Khi thấy lửa đã bốc cháy rần rật họ mới bỏ đi, yên trí với việc làm kín đáo của mình. Tuy nhiên, đức Độc Giác Phật sau bảy ngày trú định diệt thọ tưởng đã không thể bị chết cháy, y bát và vật dụng bên mình đều được bảo toàn do năng lực tối thượng của định này; ngài xả thiền, đi trì bình khất thực rồi như cánh chim ưng, nhẹ nhàng bay về Tuyết Sơn.
Kể đến ngang đây, đức Phật kết luận:
– Đốt lửa lần đầu do vô tâm, vô ý, không có tư tác giết nên không có tội nhân không có tội quả. Đốt lửa lần hai là có cố ý, có chủ tâm, có tư tác (cetanā) nên có tội nhân có tội báo. Bà phi thuở xưa, hiện nay là hoàng hậu Sāmāvatī, là kẻ chủ mưu trong việc thiêu cháy Phật Độc Giác; năm trăm cung nữ thuở xưa là kẻ tòng phạm, chính là năm trăm cung nữ hiện nay. Chủ mưu hoặc tòng phạm tạo tác một nghiệp ác chung, bây giờ bị trả quả cộng nghiệp là lẽ đương nhiên vậy. Hoàng hậu Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bị trả quả thiêu đốt cả hằng trăm, hằng ngàn kiếp rồi, và cái quả báo hiện tại chỉ là cái nghiệp dư sót mà thôi vậy. Lạnh lùng thay là nghiệp. Công bằng thay là nghiệp. Mà phân minh thay cũng là nghiệp vậy!
Sau khi biết rõ sự thật, cả pháp đường ai cũng rùng mình, lặng người.
Đức Phật còn giảng thêm rằng:
– Hoàng hậu Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bên cạnh sự chết nhưng nhờ không phóng dật, chuyên cần chú niệm nên đã đặt chân được ở cõi bất tử. Do vậy, bậc thiện trí kiên cố nhiếp tâm, hoan hỷ trong pháp sẽ nếm thưởng hương vị cảnh giới an lạc của thánh nhơn. Người chuyên niệm, tinh tấn vững vàng, cởi bỏ, vượt thoát mọi trói buộc, sẽ thành tựu Niết Bàn tối thượng.
Rồi ngài đọc liên tiếp ba câu kệ:
“- Con đường phóng dật: Nguy nan!
Con đường tỉnh thức: Vinh quang đời đời
Buông lung là kẻ chết rồi
Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên!”
“- Trí nhân thấy rõ cơ duyên
Nhiếp tâm kiên định lên thuyền sang sông
An vui, hoan hỷ tự lòng
Dự vào cảnh giới thanh trong thánh mầu!”
“- Trí nhân tinh tấn thiền hành
Kiên trì nỗ lực duyên sanh Niết-bàn
Ma vương khó buộc, khó ràng
Tự do tối thượng thênh thang bến bờ!”
Đại đức Ānanda chợt phát biểu:
– Bạch Đức Thế Tôn! Người phóng dật, giải đãi dầu còn sống nhưng xem như đã chết rồi! Người chú niệm, tinh cần, dẫu chết rồi nhưng vẫn bất tử! Ý nghĩa ấy chúng đệ tử lãnh hội rồi! Ôi! Cái vòng nhân quả báo ứng này, ngoài sự kiện nổi bật, gây nhân thiêu cháy nên bị trả quả thiêu cháy, nó còn hé lộ cho ta thấy rõ hai hiện tượng nhân quả phân minh nữa: Một, bà phi thuở xưa do đặt bát cúng dường nên hiện nay do phước bảo trợ sinh làm hoàng hậu với danh phận, địa vị, sắc đẹp được bảo toàn. Hai, lại do nhân được nghe pháp thuở xưa nên kiếp này bà là người đầu tiên nghe pháp rồi sau đó sống trong pháp. Năm trăm cung nữ theo hầu đều được giải thích tương tợ thế. Không biết kiến giải của đệ tử như vậy có trùng khít với sự thật nhân duyên, nhân quả nhiều đời không?
Đức Phật gật đầu:
– Nó như vậy đấy! Tuy nhiên, trong cái riêng có cái chung và trong cái chung vẫn có cái riêng nên không phải lúc nào họ cũng gặp gỡ nhau, chung sống với nhau như chủ và tớ. Vẫn có hằng trăm, hằng ngàn kiếp họ thất lạc nhau trong luân hồi, tương tợ một trận bão, một cơn lốc cuốn đi qua một cánh rừng, nó bứt tung những ngọn lá bay tản mác mấy phương trời vô định vậy. Hiện tại, họ gặp nhau lại do phúc duyên đã chín vàng nên khi ra đi, một số đắc Bất Lai, nhiều hơn là Nhất Lai, số còn lại đều được vào Nhập Lưu cả.
Cả giảng đường như đồng thanh tán thán: Sādhu, lành thay!
Đại đức Ānanda chợt hỏi:
– Còn Cô thị nữ lưng gù? Nhân duyên quá khứ của cô gái đa văn này như thế nào mà lạ lùng vậy, thưa đức Đạo Sư?
– Ừ! Cô ta không ở trong số năm trăm cung nữ thuở trước nên được thoát chết. Cô ta chỉ cùng chung cộng nghiệp bố thí, cúng dường cho tám vị Độc Giác Phật, nhưng riêng cô ta thì nghe pháp nhiều hơn, chăm chú tư tác nhiều hơn. Có điều đặc biệt nữa, là có lần, khi họ dâng bát vật thực còn nóng sốt đến tám vị Độc Giác Phật, các ngài vừa đưa tay ra thì phát giác là bát còn nóng. Cô gái này, tiền thân thị nữ Khujjuttarā, mau mắn, lanh trí lấy từ hai cổ tay ra tám chiếc vòng ngọc dâng cho quý ngài rồi nói rằng: “Đệ tử kính dâng luôn tám vòng ngọc này để quý ngài ngăn bát trên tay cho đỡ nóng!” Do phước báu của cái nhân này nên bao giờ cô ta cũng vượt trội trong chúng về thông hiểu giáo pháp, trí thông minh cũng như sắc tướng!
Ở đâu đó có tiếng cười nhẹ rồi có tiếng hỏi:
– Còn cái lưng gù là tại sao, bạch Đức Thế Tôn?
Đức Phật cũng mỉm cười:
– À, cái cô ấy thiệt là quá quắt, thiệt là tinh nghịch! Số là trong tám vị Độc Giác ấy có một vị có cái lưng hơi gù! Hôm ấy, giữa mấy trăm chị em rỗi việc, cái cô này lấy một tấm chăn giả làm y, một cái bát vàng giả làm bát khất thực, rồi cô gù lưng xuống, ôm cái bát đi tới đi lui, nói rằng:“Ngài Độc Giác của chúng ta đi tới như vầy, đi lui như vầy, khi đứng thì cái lưng trông như cái vòng cung như vầy”. Nói thế xong cô ta cười ngặt nghẽo. Do nhân ấy, cô ta bị trả quả gù lưng như vậy đó!
Đại đức Ānanda thay mặt đại chúng hỏi tiếp:
– Vậy vì cái nhân gì mà cô ta phải làm thị nữ (đầy tớ, người hầu) bạch Đức Thế Tôn?
– Đấy là nghiệp riêng của cô ta. Chỉ mới đây thôi, vào thời Đức Phật Kassapa, cô ấy là một tiểu thư con một bậc trưởng giả kinh thành Bārāṇasī. Cả đại gia đình đều là đệ tử thuần thành của Đức Phật Kassapa. Ngôi trang viên này là giếng nước giữa ngã tư đường cho chư Tăng Ni đến và đi. Họ đặt bát cúng dường thường xuyên cho chư Tăng Ni của giáo hội. Chiều hôm ấy, khi cô đang ngồi kẻ lông mày thì có một vị Thánh Ni đến nhà viếng thăm có việc với gia đình trưởng giả. Do quá quen biết nên vị Thánh Ni ngồi xuống một bên. Vì bận trang điểm bằng cả hai tay, cô ta nói:
“- Sư cô cho phép đệ tử được đảnh lễ sư cô bằng lời nói. Tiện thể, nhờ sư cô lấy giúp cái hộp phấn màu nằm phía bên tay trái của sư cô đó!”
Vị thánh ni suy nghĩ:
“- Nếu ta không lấy cái hộp trang điểm theo lời yêu cầu của cô gái thì nghịch ý cô ta, có thể đưa đến sự phiền giận. Mà phiền giận theo tính khí ưng gì được nấy đã thành nếp của cô ta, đôi khi tạo oan trái đến một người đã vô lậu giải thoát như ta thì cô ta sẽ bị quả báo rất nặng, có thể đọa địa ngục. Còn ví bằng, ta thuận lấy để trao cho cô ta, như vậy là cô ta đã sai bảo một vị thánh lậu tận; thế là sau này cô ta sẽ mang lấy những kiếp tôi đòi, hầu hạ người khác. Thôi ta đành để cho cô ta mang thân phận thấp kém còn hơn là nghiệp báo oan trái đọa địa ngục!”
Do cân phân hai tội nặng và nhẹ như vậy nên vị Thánh Ni lấy hộp trang điểm cho cô gái. Và bởi nhân xưa như thế nên đã nhiều kiếp rồi, cô Khujjuttarā phải mang thân phận thấp hèn, làm nô lệ cho người.
Thế là nhân và quả, người và vật của toàn bộ câu chuyện xảy ra tại hoàng cung đức vua Udena đã được đức Phật vén mở từ trong mù sương của quá khứ, ai nấy đều nghe biết rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ, thắc mắc gì nữa. Tất thảy phàm Tăng đều kinh hãi khi chứng kiến sự diễn tiến lạnh lùng nhưng phân minh của nhân quả nghiệp báo.
Kinh sách cũng có nói rằng, cô Khujjuttarā có một mong muốn là trở thành một vị đứng đầu giữa hàng nữ giới về học vấn trong lúc nhìn thấy một người tín nữ tương tợ được thực hiện trong thời Đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara. Tương truyền rằng, những bài kinh Khujjuttarā đã học từ Đức Phật và sau đó đã lặp lại cho hoàng hậu Sāmāvatī và những cung nga thể nữ nghe. Bởi vì những bài kinh này được thuyết ở Kosambī và được cô giảng nói lại sau đó. Cô thị nữ lưng gù Khujjuttarā lại còn được đề cập đến nhiều lần như là người gương mẫu giữa những đệ tử nữ tại gia. Cô đã sở hữu Paṭisambhidā (Tuệ phân tích) trong khi còn là người nữ gia chủ, nhưng đó mới tuệ phân tích của người hữu học (sekha).
Ngoài ra, trong nhiều kiếp sinh tử trước đây, cô Khujjuttarā được nhận biết là người nữ tỳ trong túc sanh truyện Ugara và trong túc sanh truyện Bhisa, người y tá trong túc sanh truyện Culla-Sutasoma và người lưng gù trong chuyện Kusa…
Sau khi hoàng hậu Sāmāvatī qua đời, do cái chết của bà rất bi thương, thê thảm; có hai người bạn đều có tên là Sāmā, rất đau buồn, từ bỏ tất cả để xuất gia, sau trở thành hai vị trưởng lão Ni.
Hoàng hậu Sāmāvatī được công nhận là một trong những người nữ đệ tử tại gia xuất sắc nhất của đức Phật, và được ngài công bố là người có tâm từ bi rộng lớn hàng đầu (Aggaṃ mettāvihāriyaṃ), vì năng lực của bà có thể bảo vệ khỏi mũi tên được bắn bởi vua Udena, và chuyện này cũng thường được tham khảo đến trong các chú giải.
Riêng Khujjuttarā, sau khi mất đi người chủ hiền đức, cô đã dành tất cả thời gian còn lại trong đời cho Phật sự bằng cách nghe Pháp và thuyết pháp cho mọi người. Đức Phật đã xác nhận cô ta là một người lỗi lạc giữa hàng nữ tại gia vì sự nghe nhiều học rộng của cô (bahussutānaṃ) và có cả tài thuyết pháp lỗi lạc trong hàng cận sự nữ nữa.
Cả hoàng hậu Sāmāvatī và cô pháp sư thị nữ lưng gù đều là những nhân cách lỗi lạc trong hàng cận sự nữ, còn rọi sáng dịu dàng cho đến ngày hôm nay.

Nguồn: Mahāthera Giới Đức (Sīlaguṇo Bhikkhu)

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.