Tương Ưng Bộ Ii – Chương Vii: Tương Ưng Rāhula – Phẩm Thứ Nhất
TƯƠNG ƯNG BỘ II
CHƯƠNG VII: TƯƠNG ƯNG RĀHULA
PHẨM THỨ NHẤT
1. Mắt
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi Tôn giả Rāhula đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràahula bạch Thế Tôn:
—Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con để sau khi nghe, con có thể sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần!
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
—Là khổ, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu xem cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Lưỡi là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
—Là khổ, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng, khi xem cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán mắt, nhàm chán tai, nhàm chán mũi, nhàm chán lưỡi, nhàm chán thân, nhàm chán ý.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành; những gì nên làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa”.
2. Sắc
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Pháp là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc … nhàm chán pháp.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
3. Thức
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Nhĩ thức … Tỷ thức … Thiệt thức … Thân thức …
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Ý thức là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán nhãn thức, nhàm chán nhĩ thức, nhàm chán tỷ thức, nhàm chán thiệt thức, nhàm chán thân thức, nhàm chán ý thức.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
4. Xúc
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Nhãn xúc là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Nhĩ xúc … Tỷ xúc … Thiệt xúc … Thân xúc … Ý xúc là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán nhãn xúc, nhàm chán nhĩ xúc, nhàm chán tỷ xúc, nhàm chán thiệt xúc, nhàm chán thân xúc, nhàm chán ý xúc …
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
5. Thọ
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Thọ do nhãn xúc sanh là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Thọ do nhĩ xúc sanh … Thọ do tỷ xúc sanh … Thọ do thiệt xúc sanh … Thọ do thân xúc sanh … Thọ do ý xúc sanh là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán thọ do nhãn xúc sanh, nhàm chán thọ do nhĩ xúc sanh, nhàm chán thọ do tỷ xúc sanh, nhàm chán thọ do thiệt xúc sanh, nhàm chán thọ do thân xúc sanh, nhàm chán thọ do ý xúc sanh …
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
6. Tưởng
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc tưởng là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Thanh tưởng … Hương tưởng … Vị tưởng … Xúc tưởng … Pháp tưởng là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc tưởng, nhàm chán thanh tưởng, nhàm chán hương tưởng, nhàm chán vị tưởng, nhàm chán xúc tưởng, nhàm chán pháp tưởng …
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
7. Tư
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc tư là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Thanh tư … Hương tư … Vị tư … Xúc tư … Pháp tư là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc tư, nhàm chán thanh tư, nhàm chán hương tư, nhàm chán vị tư, nhàm chán xúc tư, nhàm chán pháp tư.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
8. Ái
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc ái là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Thanh ái … Hương ái … Vị ái … Xúc ái … Pháp ái là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc ái, nhàm chán thanh ái, nhàm chán hương ái, nhàm chán vị ái, nhàm chán xúc ái, nhàm chán pháp ái.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
9. Giới
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Ðịa giới là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn …
—Thủy giới … Hỏa giới … Phong giới … Không giới … Thức giới là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán địa giới, nhàm chán thủy giới, nhàm chán hỏa giới, nhàm chán phong giới, nhàm chán không giới, nhàm chán thức giới.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
10. Uẩn
—Này Rāhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Thọ … Tưởng … Hành … Thức là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn. …, …
—Thấy vậy, này Rāhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, nhàm chán tưởng, nhàm chán hành, nhàm chán thức.
Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành; những gì nên làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa”.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ II“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ II” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda