ÐẠI NIỆM XỨ – THIỀN SƯ U SILANANDA
Ðại Niệm Xứ – Thiền sư U Silananda
Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch Việt
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ 1999
Lời Giới Thiệu của Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện
Những bài kinh Phật không có bài nào là không hay. Có miệt mài trên những trang kinh xưa mới cảm được sự vang động của suối nguồn trí tuệ. Lời kinh là những tiếng sấm rền vang chấn động tâm thức chúng sanh đang chới với giữa những làn sóng ưu phiền trong biển sanh tử. Kinh nghiệm giác ngộ của bậc toàn giác được trao truyền ròng rã trong suốt 45 năm để lại một kho tàng tư tưởng giải thoát, một sự trưởng thành tột cùng của trí thông minh và cảm thức con người. Mỗi lần đọc kinh là mỗi lần cảm nhận được sức mạnh của phước báu đã cho tâm thức bay lượn một khoảng không gian khá rộng trong bầu trời siêu thoát mênh mông.
Tuy nhiên đối với thiền sinh hay ít ra những ai đang hướng về chân trời rực rỡ ánh hồng giải thoát, có thể nói Kinh Ðại Niệm Xứ là bài kinh thỏa thích nhất hay đúng hơn là bài kinh tối cần, gần gũi nhất. Tối cần như cốt tủy và gần gũi như máu chảy khắp châu thân. Những lời kinh như những lời thiên thu gọi hãy dũng mãnh lên đường hướng về bến bờ giải thoát cho chính mình. Trong phần mở đầu, Ðức Phật dạy:
“Này chư tỳ kheo, đây là con đường độc nhất để đem lại sự thanh bình cho chúng sanh, vượt thoát sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ”.
Lời dạy thật minh bạch, rõ ràng như bầu trời xanh trong muà hạ trắng không một áng mây. Ðây là con đường và là con đường độc nhất. Con đường an lạc ẩn dấu tự nghìn xưa này đã được Ðức Phật phơi bày ra cho tất cả chúng sanh và tồn tại qua bao tháng trầm của lịch sử nhân loại.
Phải có phước báu lớn mới sinh vào thời kỳ Ðức Phật còn hiện tiền để được tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài hay để được Ngài diễn giải những lời kinh, nhiều khi tưởng dễ lãnh hội nhưng đi sâu vào là cả một vấn đề. Bao nhiêu thế hệ đã qua đi, và ngày nay chúng ta còn may mắn sống trong ánh đạo vàng rạng ngời của Ðức Thế Tôn. Ðể hiểu những lời kinh cho chính xác hầu tu tập, chúng ta phải nương tựa vào các bậc chân tu thông hiểu giáo pháp và đầy kinh nghiệm thực chứng để thấy rõ con đường thanh bạch cao thượng. Những vị này thật quá hiếm hoi trong thời đại văn minh cơ khí ngày nay, một thời đại mà khoa học đã đạt đến đỉnh cao nhưng sự đau khổ trầm kha vẫn triền miên không hề thuyên giảm.
Như Lai Thiền Viện có duyên lành theo học với Ngài Hòa thượng Thiền Sư U Silananda từ năm 1987. Ngài thọ giới Tỳ kheo hơn năm mươi năm, hoàn mãn văn bằng Phật học cao cấp nhất tại Miến Ðiện và đã từng dạy tại đại học ở đó. Trong kỳ Kiết Tập Kinh Ðìển Phật Giáo lần thứ sáu tại Miến Ðìện vào năm 1954, Ngài là vị lãnh đạo việc soạn thảo tự điển Miến-Pali và cũng là trưởng ban kiết tập Kinh Ðiển Pali, Chú Giải, và Phụ Chú Giải lúc Ngài mới vừa 26 tuổi. Ngài là tác giả cuả nhiều sách viết bằng tiếng Miến và tiếng Anh, trong đó có cuốn “The Four Foundations of Mindfulness” (Tứ Niệm Xứ), một cuốn sách căn bản giảng dạy đầy đủ về Thiền Tứ Niệm Xứ. Năm 1979, Ngài được sư phụ là cố Ðại lão Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi Sayadaw, một thiền sư lỗi lạc bậc nhất tại Miến Ðiện, lựa chọn đi hoằng pháp tại các nước ngoài, đặc biệt là Mỹ Quốc.
Nay bản dịch đã hoàn thành chu đáo, Như Lai Thiền Viện xin được đa tạ Hòa Thượng Thiền Sư U Silananda và Ðại Ðức Khánh Hỷ đã cho thiền viện được đặc ân ấn tống bản dịch sách giải thích Kinh Ðại Niệm Xứ. Như Lai Thiền Viện rất lấy làm vinh dự được giới thiệu sách dịch đến quí thiền sinh và Phật tử. Mong rằng quí vị sẽ tìm được nơi sách những ánh sáng soi tỏ con đường tu chứng. Hãy là những người lữ hành đơn độc tinh tấn bước đi trên con đường độc nhất để khỏi uổng phi kiếp người quý báu hi hữu có được trong dòng thời gian dài lê thê của kiếp luân hồi. Với tâm nguyện lấy trí tuệ làm sự nghiệp, Thiền Viện cầu mong quý vị đến được chân trời thênh thang đầy hoa thơm và cỏ lạ và ghi dấu tâm chứng trên dòng hiện sinh.
Nguồn: thienquantam
Dai_Niem_Xu_Silananda