Đại Phẩm Ii – Chương Dược Phẩm: Tụng Phẩm Thứ Nhất

Đại Phẩm II

Chương Dược Phẩm

Tụng Phẩm Thứ Nhất

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, điều gì khiến các vị tỳ khưu trong lúc này lại ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân vậy?”

– “Bạch ngài, trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.”

Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép các vị tỳ khưu loại dược phẩm gì mà chính loại dược phẩm ấy tuy được quy định là dược phẩm ở thế gian, lại có thể dùng theo mục đích của thức ăn, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía là các loại dược phẩm tuy được quy định là dược phẩm ở thế gian và được dùng theo mục đích của thức ăn, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?”

Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng ta có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: ‘Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép loại dược phẩm gì cho các tỳ khưu mà chính loại dược phẩm ấy tuy được quy định là dược phẩm ở thế gian, lại có thể dùng theo mục đích của thức ăn, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?’

Này các tỳ khưu, ta đây đã khởi ý điều này: ‘Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía là các loại dược phẩm tuy được quy định là dược phẩm ở thế gian và được dùng theo mục đích của thức ăn, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?’ Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời.”[1]

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị ấy, không những đã bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu ấy, lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy các vị càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân thêm hơn nữa.

Đức Thế Tôn đã nhận thấy các vị tỳ khưu ấy càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân thêm hơn nữa, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, trong lúc này điều gì khiến các vị tỳ khưu càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân thêm hơn nữa?”

– “Bạch ngài, lúc này các vị tỳ khưu nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị ấy, không những đã bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu ấy, lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy các vị càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân thêm hơn nữa.”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm này và thọ dụng đúng thời luôn cả phi thời.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại mỡ (thú vật). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng chung với dầu ăn các dược phẩm là các loại mỡ (thú vật) như mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, đã được trộn chung đúng thời. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh phi thời, đã được nấu phi thời, đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm ba tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm hai tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời, vị thọ dụng (vật ấy) vô tội.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các rễ cây như củ nghệ, củ gừng, rễ cây vacaṃ, rễ cây vaca trắng, rễ cây ngải cứu, rễ câykaṭukarohiṇī, rễ loại cây có mùi thơm usīra, rễ loại cỏ có mùi thơm bhaddamuttaka, hoặc có các dược phẩm là các rễ cây khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm dạng bột là các loại rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối đá xay và cối đá xay loại nhỏ.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại nước sắc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các loại nước sắc như nước sắc của cây nimba, nước sắc của cây kuṭaja, nước sắc của loại dưa dài paṭola, nước sắc của loại dây leo phaggava, nước sắc của cây nattamāla, hoặc có các dược phẩm là các loại nước sắc khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại lá cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các loại lá cây như lá cây nimba, lá cây kuṭaja, lá cây của loại dưa dài paṭola, lá cây húng quế, lá cây bông vải, hoặc có các dược phẩm là các loại lá cây khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các loại trái cây như trái cây vilaṅga, hạt tiêu dài, hạt tiêu đen, trái cây harīṭaka, trái cây vibhīṭaka, trái cây āmalaka, trái cây goṭṭha hoặc có các dược phẩm là các loại trái cây khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại nhựa cây làm dược phẩm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại nhựa cây làm dược phẩm như hiṃgu, nhựa cây hiṃgu, mủ cây hiṃgu, các loại sản phẩm từ mủ cây là taka, takapatti, takapaṇṇi, nhựa thông, hoặc có các dược phẩm là các loại nhựa cây khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại muối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các loại muối như muối biển, muối đen, muối ở đá, muối nấu ăn, muối mỏ, hoặc có các dược phẩm là các loại muối khác nữa (tuy) thuộc về vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm, sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ. Vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Belaṭṭhisīsa có bệnh ghẻ sần sùi. Các y của vị ấy bị dính vào thân vì chất máu mủ. Các vị tỳ khưu liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra.

Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?” – “Bạch ngài, đại đức này có bệnh ghẻ sần sùi. Các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra.”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các dược phẩm là các loại bột tắm đến vị có ghẻ ngứa, hoặc có nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc có ghẻ sần sùi, hoặc cơ thể có mùi hôi; và phân bò, đất sét, chất màu đã được nấu đến vị không bị bệnh. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối giã và chày.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm là các loại bột tắm đã được rây mịn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bột tắm.” Có nhu cầu về hạt rất mịn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bằng vải.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh liên quan đến phi nhân. Các vị thầy dạy học và thầy tế độ, trong khi chăm sóc vị ấy, đã không thể làm khỏi bệnh. Vị ấy sau khi đi đến lò mổ heo đã ăn thịt sống và đã uống máu tươi. Bệnh liên quan đến phi nhân ấy của vị ấy đã giảm bớt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thịt sống (và) máu tươi ở bệnh liên quan đến phi nhân.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ở mắt. Các tỳ khưu đã khiêng vị ấy và đưa ra bên ngoài cho việc đại tiện cũng như tiểu tiện.

Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy đang khiêng vị tỳ khưu ấy đưa ra bên ngoài cho việc đại tiện cũng như tiểu tiện, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?” – “Bạch ngài, đại đức này có bệnh ở mắt. Chúng con khiêng vị này và đưa ra bên ngoài cho việc đại tiện cũng như tiểu tiện.”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi: thuốc bôi màu đen, thuốc bôi loại tinh chất, thuốc bôi vào tai, bột phấn đỏ, muội đèn.” Có nhu cầu về bột mịn để làm thuốc bôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) gỗ đàn hương, gỗ có mùi hương tagara, gỗ trầm, gỗ cây tālīsa, loại cỏ có mùi thơmbhaddamuttaka.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu để các loại thuốc bôi được nghiền nát ở trong các tô nhỏ và trong các chén. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp chứa thuốc bôi.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các hộp chứa thuốc bôi đủ loại làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các hộp chứa thuốc bôi đủ loại; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (hộp chứa thuốc bôi) làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, làm bằng ống sậy, làm bằng tre, làm bằng gỗ, làm bằng nhựa cây, làm bằng trái cây, làm bằng đồng, làm bằng vỏ sò.”

Vào lúc bấy giờ, các hộp chứa thuốc bôi không được đậy lại. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.” Nắp đậy bị rơi xuống. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (nắp đậy) với sợi chỉ rồi buộc vào hộp chứa thuốc bôi.” Hộp chứa thuốc bôi bị bung ra. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng sợi chỉ.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu dùng ngón tay bôi thuốc. Các con mắt bị đau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) que bôi thuốc.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các que bôi thuốc đủ loại làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các que bôi thuốc đủ loại; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ―(như trên)― làm bằng vỏ sò.”

Vào lúc bấy giờ, que bôi thuốc bị rơi trên mặt đất và trở nên sần sùi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp đựng que bôi thuốc.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo hộp chứa thuốc bôi và que bôi thuốc bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các hộp chứa thuốc bôi.” Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha bị nóng ở đầu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (bôi) dầu ở trên đầu.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc chữa trị ở mũi.” Mũi bị chảy nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các muỗng đặt ở mũi đủ loại làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các muỗng đặt ở mũi đủ loại; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, ―(như trên)― làm bằng vỏ sò.” (Hai lỗ) mũi đã không được nhỏ đồng đều. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi loại kép.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép hít khói.” Các vị sau khi đốt cháy sợi bấc rồi hít khói vào. Cổ họng bị (lửa) đốt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ống dẫn khói.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các ống dẫn khói đủ loại làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các ống dẫn khói đủ loại; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, ―(như trên)― làm bằng vỏ sò.”

Vào lúc bấy giờ, các ống dẫn khói không có nắp đậy, các sinh vật nhỏ đi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo các ống dẫn khói bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các ống dẫn khói.” Chúng bị cọ xát với nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đôi.” Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha bị bệnh gió. Các thầy thuốc đã nói như vầy: – “Dầu cần được nấu.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc nấu dầu.” Rượu mạnh cần được thêm vào trong dầu nấu ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thêm rượu mạnh vào trong dầu nấu.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nấu các loại dầu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Các vị uống các thứ ấy và bị say. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên uống dầu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh; vị nào uống thì nên được hành xử theo Pháp.[2] Này các tỳ khưu, trong loại dầu nấu nào (đã được thêm vào rượu mạnh) mà màu sắc, mùi, và vị của rượu mạnh không nhận ra được, ta cho phép uống dầu được thêm vào rượu mạnh loại như thế.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có nhiều dầu nấu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên thực hành như thế nào với các thứ dầu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép xác định làm thuốc thoa.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha có nhiều dầu đã được nấu. Đồ chứa dầu không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bình chứa: bình chứa bằng đồng, bình chứa bằng gỗ, bình chứa làm bằng trái cây.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha bị phong thấp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc điều trị bằng hơi nóng.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hơi nóng của nhiều loại lá cây.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nhiều hơi nóng.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước nấu của nhiều loại lá cây (rắc lên thân).” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) bể nước lớn (để ngâm mình).”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha bị thấp khớp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu rồi lấy ra bằng ống sừng.”

Vào lúc bấy giờ, các bàn chân của đại đức Pilindivaccha bị nứt nẻ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi bàn chân.” (Vị ấy) không thể chịu đựng nổi. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép áp dụng phương pháp phòng ngừa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị mụt nhọt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc mổ xẻ.” Có nhu cầu về nước làm đông máu. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước làm đông máu.” Có nhu cầu về thuốc cao làm từ mè. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc cao làm từ mè.” Có nhu cầu về vải cầm máu. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải cầm máu.” Có nhu cầu về vải băng vết thương. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải băng vết thương.” Vết thương gây ngứa. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép rắc lên với bột mù-tạt.” Vết thương bị làm mủ. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc xông khói.” Thịt ở vết thương bị lồi lên (như cây gai). ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt bằng mảnh sứ tẩm muối.” Vết thương không liền lại. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dầu xức vết thương.” Dầu bị chảy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải và tất cả các cách chữa trị vết thương.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị rắn cắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí bốn loại vật dơ có tính quan trọng là: phân, nước tiểu, tro, và đất sét.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “(Bốn vật này) là không (cần phải) được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh nếu có người làm thành được phép, nếu không có người làm thành được phép thì tự mình thu nhặt và thọ dụng.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị uống nhằm thuốc độc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống phân.” Khi ấy, các vị tỳ khưu khởi ý điều này: “(Phân) là không (cần phải) được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?”Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ấy thọ lãnh trong khi làm ra vật ấy (trong khi đại tiện), khi việc thọ lãnh ấy đã được thực hiện không cần phải bảo thọ lãnh lại lần nữa.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh yểm bùa (bệnh gây ra bởi do người vợ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước bùn lấy từ đất dính ở lưỡi cày vừa mới cày đất lên.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh trĩ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước tro của cơm khô.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh vàng da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống (hợp chất) nước tiểu và tráiharīṭaka.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ngoài da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) mỡ có mùi thơm.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có cơ thể bị tiết ra dịch chất dơ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống thuốc xổ.” Có nhu cầu về nước cháo trắng. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước cháo trắng.” Có nhu cầu về nước đậu mugga chưa lược bỏ xác. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước đậu mugga chưa lược bỏ xác.” Có nhu cầu về nước đậu mugga đã lược bỏ xác. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước đậumugga đã lược bỏ xác.” Có nhu cầu về nước luộc thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước luộc thịt.”

54 Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi ở thành Rājagaha. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindivaccha rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: – “Thưa ngài, ngài trưởng lão cho làm cái gì vậy?” – “Tâu đại vương, tôi có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi.” – “Thưa ngài, ngài có nhu cầu về người giúp việc tu viện không?” – “Tâu đại vương, người giúp việc tu viện chưa được cho phép bởi đức Thế Tôn.” – “Thưa ngài, chính vì việc đó ngài hãy hỏi đức Thế Tôn rồi báo cho trẫm biết.” – “Tâu đại vương, xin vâng.” Đại đức Pilindivaccha đã đáp lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

Khi ấy, đại đức Pilindivaccha đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Pilindivaccha chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Pilindivaccha, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đại đức Pilindivaccha đã phái sứ giả đi đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng): – “Bạch ngài, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha có ý muốn ban cho người giúp việc tu viện. Bạch ngài, vậy nên thực hành như thế nào?” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép người giúp việc tu viện.”

Đến lần thứ nhì, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindivaccha rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: – “Thưa ngài, người giúp việc tu viện có được đức Thế Tôn cho phép không?” – “Tâu đại vương, đã được rồi.” – “Thưa ngài, như vậy thì trẫm sẽ ban cho ngài người giúp việc tu viện.”

Sau đó, khi đã hứa với đại đức Pilindivaccha về người giúp việc tu viện, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã không ghi nhớ. Một thời gian sau, khi đã phục hồi lại ký ức đức vua đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng: – “Này khanh, người giúp việc tu viện đã được trẫm hứa với ngài đại đức, người giúp việc tu viện ấy đã được ban cho chưa?” – “Tâu bệ hạ, người giúp việc tu viện chưa được ban đến ngài đại đức.” – “Này khanh, tính đến nay là đã bao lâu rồi ?” Khi ấy, viên quan đại thần ấy sau khi tính đếm số lượng đêm rồi đã tâu với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu bệ hạ, năm trăm đêm.” – “Này khanh, như vậy thì hãy ban cho ngài đại đức năm trăm người giúp việc tu viện.” – “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi vị quan đại thần ấy đã vâng lệnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha và dâng đến đại đức Pilindivaccha năm trăm người giúp việc tu viện. Một ngôi làng riêng biệt đã được thiết lập. Họ đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng của những người giúp việc tu viện.” Họ cũng đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng Pilindi.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha là vị thường hay tới lui trong ngôi làng ấy. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Pilindivaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindi để khất thực.

Vào lúc bấy giờ, trong ngôi làng ấy có lễ hội. Những đứa trẻ nhỏ được trang điểm, đeo vòng hoa, và chơi đùa. Khi ấy, trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindi, đại đức Pilindivaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.

Vào lúc bấy giờ, đứa bé gái con của người đàn bà giúp việc tu viện ấy nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên đã oà khóc: – “Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.” Khi ấy, đại đức Pilindivaccha đã nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này: – “Vì sao đứa bé gái này khóc vậy?” – “Thưa ngài, đứa bé gái này nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên oà khóc: ‘Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.’ Chúng tôi lâm cảnh khó khăn, lấy đâu ra vòng hoa, lấy đâu ra đồ trang sức?”

Khi ấy, đại đức Pilindivaccha đã nhặt lấy một nắm cỏ nọ rồi nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này: – “Vậy hãy đội nắm cỏ này lên đầu đứa bé gái kia đi.” Khi ấy, người đàn bà giúp việc tu viện ấy đã cầm lấy nắm cỏ ấy rồi đội lên đầu đứa bé gái ấy. Vòng cỏ ấy đã trở thành vòng hoa bằng vàng ròng, đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của đức vua cũng không có được vòng hoa bằng vàng ròng như thế ấy. Dân chúng đã trình báo lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rằng: – “Tâu bệ hạ, trong nhà của người giúp việc tu viện kia có vòng hoa bằng vàng ròng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của bệ hạ cũng không có được vòng hoa bằng vàng ròng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cho lệnh bắt giữ gia đình người giúp việc tu viện ấy.

Đến lần thứ nhì, vào buổi sáng đại đức Pilindivaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindi để khất thực. Trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindi, đại đức Pilindivaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã hỏi những người hàng xóm rằng: – “Gia đình người giúp việc tu viện này đã đi đâu?” – “Thưa ngài, bọn họ đã bị đức vua ra lệnh bắt giữ vì nguyên nhân vòng hoa bằng vàng ròng ấy.”

Sau đó, đại đức Pilindivaccha đã đi đến ngự viện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindivaccha rồi ngồi xuống một bên. Khi đức vua đã ngồi xuống một bên, đại đức Pilindivaccha đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu đại vương, vì sao gia đình người giúp việc tu viện lại bị ra lệnh bắt giữ?” – “Thưa ngài, trong nhà của người giúp việc tu viện ấy có vòng hoa bằng vàng ròng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của trẫm cũng không có được vòng hoa bằng vàng ròng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.”

Khi ấy, đại đức Pilindivaccha đã chú nguyện rằng: “Cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha là vàng ròng;” cung điện ấy đã trở thành hoàn toàn làm bằng vàng ròng. – “Tâu đại vương, do đâu bệ hại lại có nhiều vàng ròng đến thế này?” – “Thưa ngài, trẫm đã hiểu rồi. Việc này là năng lực thần thông của ngài đại đức,” rồi đã ra lệnh thả gia đình người giúp việc tu viện ấy. Dân chúng (đồn rằng): “Nghe nói ngài đại đức Pilindivaccha đã phô bày điều kỳ diệu của thần thông là pháp thượng nhân ở triều thần có cả đức vua nữa!” nên đã hoan hỷ, có niềm tin cao độ, rồi đã đem đến dâng đại đức Pilindivaccha năm loại dược phẩm như là: “Bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía.”

Và theo lẽ tự nhiên, đại đức Pilindivaccha trở thành người thọ lãnh năm loại dược phẩm. Đại đức phân phát cho hội chúng vật đã được thọ lãnh. Và hội chúng của vị ấy trở nên dư dả. Họ chứa đầy vật đã được thọ lãnh vào các hũ và các chum rồi cất đi. Họ chứa đầy các túi lọc nước và các túi xách rồi treo lên ở các cửa sổ. Các dược phẩm ấy đã bị rỉ xuống chảy ra và vẫn còn y nguyên. Các trú xá đã có các con chuột xuất hiện rải rác rồi tràn ngập. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này là những người tích trữ đồ đạc trong nhà giống như là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha vậy.”

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu lại chấp nhận sự thặng dư như thế này?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu chấp nhận sự thặng dư như thế ấy, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, các loại dược phẩm thích hợp cho các tỳ khưu bị bệnh như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía, sau khi thọ lãnh chúng nên thọ dụng trong thời hạn tích trữ tối đa là bảy ngày; nếu vượt quá thời hạn ấy thì nên được hành xử theo Pháp.”[3]

Tụng phẩm về ‘dược phẩm đã được cho phép’ là phần thứ nhất.

–ooOoo–

[1] Trong trường hợp liên quan đến vật thực, đúng thời là trước ngọ, phi thời là sau ngọ cho đến rạng đông của ngày kế (ND).

[2] Liên quan đến tội pācittiya 51 (ND).

[3] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya 23 (ND).

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)