Tương Ưng Bộ Iv – Chương Ii: Tương Ưng Thọ – Phẩm Có Kệ 

TƯƠNG ƯNG BỘ IV

CHƯƠNG II: TƯƠNG ƯNG THỌ

PHẦN MỘT – PHẨM CÓ KỆ 

I. Thiền Ðịnh (S.iv,204)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ðây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.

1) Vị đệ tử đức Phật,
Ðịnh, tỉnh giác, chánh niệm,
Hiểu rõ ràng các thọ,
Và xuất ly các thọ.

2) Chỗ này, chúng đoạn diệt,
Con đường đến đoạn diệt,
Tỷ-kheo đoạn các thọ,
Không khát ái, tịch tịnh.

II. An Lạc (S.iv,204)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ðây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.

1) Lạc thọ hay khổ thọ,
Cùng bất khổ bất lạc,
Nội thọ và ngoại thọ,
Phàm có cảm thọ gì.

2) Biết được: “Ðây là khổ”,
Hư ngụy và biến hoại,
Thấy xúc, xúc biến diệt,
Ở đây, sống ly tham.

III. Ðoạn Tận (S.iv,205)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

4) Này các Tỷ-kheo, tham tùy miên đối với lạc thọ cần phải đoạn tận. Sân tùy miên đối với khổ thọ cần phải đoạn tận. Vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ cần phải đoạn tận.

5) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, đoạn tận sân tùy miên đối với khổ thọ, đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ; thời này các Tỷ-kheo, sự từ bỏ tham tùy miên của Tỷ-kheo được gọi là chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn (sammà mànabhisamayà), vị ấy đoạn tận khổ đau.

1) Nếu cảm giác lạc thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi tham tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.

2) Nếu cảm giác khổ thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi sân tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.

3) Với bất khổ bất lạc,
Bậc Ðại trí thuyết giảng,
Nếu hoan hỷ thọ ấy,
Không thoát được khổ đau.

4) Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Tỉnh giác, không cuồng trí,
Ðối với tất cả thọ,
Bậc Hiền trí liễu tri.

5) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Thân hoại, bậc Pháp trú
Ðại trí vượt ước lường.

IV. Vực Thẳm (Pàtàla) (S.iv,206)

1-2) …

3) — Kẻ vô văn phàm phu nói như sau: “Ở giữa biển lớn, có vực thẳm”. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đối với việc không có, không xẩy ra, lại nói: “Ở giữa biển lớn, có vực thẳm”.

4) Này các Tỷ-kheo, đồng nghĩa với các khổ thọ về thân là vực thẳm này.

5) Kẻ vô văn phàm phu, khi cảm giác khổ thọ về thân, thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu không đứng lên trên vực thẳm, không đạt tới chỗ chân đứng.

6) Còn bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác khổ thọ về thân, không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc Ða văn Thánh đệ tử đã đứng lên trên vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng.

1) Ai không chịu đựng nổi,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc khiến run rẩy.
Ai than vãn, khóc lóc,
Suy nhược, thiếu kiên cường,
Không đứng trên vực sâu,
Không đạt chỗ chân đứng.

2) Ai có thể chịu đựng,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc không run rẩy,
Vị ấy vượt vực sâu,
Ðạt tới chỗ chân đứng.

V. Cần Phải Quán Kiến (S.iv,207)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ, này các Tỷ-kheo, cần phải thấy là khổ. Khổ thọ cần phải thấy là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải thấy là vô thường.

4) Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy được lạc thọ là khổ, thấy được khổ thọ là mũi tên, thấy được bất khổ bất lạc thọ là vô thường; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo có chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn, vị ấy đoạn tận khổ đau.

1) Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Với bất khổ bất lạc,
Thấy thọ là vô thường,
Tỷ-kheo ấy chánh kiến,
Liễu tri các cảm thọ.

2) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Mạng chung, bậc Pháp trú,
Ðại trí vượt ước lường.

VI. Với Mũi Tên (S.iv,207)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.

4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

6) — Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

7) — Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn với mũi tên, rồi họ bắn người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ cả hai mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ; thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Cảm xúc bởi khổ thọ ấy, người ấy cảm thấy sân hận (patigha). Do cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ được tồn chỉ tùy miên (anuseti). Cảm xúc bởi khổ thọ, người ấy hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không tìm thấy một sự xuất ly khổ thọ nào khác, ngoài dục lạc. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại. Người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, nên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc (sannutto). Nếu người ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ.

9) Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm.

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ; vị ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Vị ấy không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy. Do không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ không có tồn tại. Cảm xúc bởi khổ thọ, vị ấy không hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì bậc Ða văn Thánh đệ tử có tuệ tri một sự xuất ly khác đối với khổ thọ, ngoài dục lạc. Vì vị ấy không hoan hỷ dục lạc, tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, đối với bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên không có tồn tại. Nếu vị ấy cảm thọ lạc thọ, vị ấy cảm thọ lạc thọ như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ão. Ta nói rằng vị ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.

11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là thù thắng, đây là sự sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.

1) Bậc Trí tuệ Ða văn,
Lạc khổ không chi phối,
Giữa kẻ trí, phàm phu,
Thiện sai biệt rất lớn.

2) Bậc Ða văn, Tầm pháp,
Thấy đời này, đời sau,
Ái pháp không phá tâm,
Không ái, không sân hận.

3) Tùy thuận hay đối nghịch,
Tiêu tán, diệt, không còn,
Vị ấy biết con đường,
Ðường không cấu, không sầu,
Chánh trí, đoạn tái sanh,
Ðến được bờ giác ngộ.

VII. Tật Bệnh (S.iv,210)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, Ðại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến gian phòng chữa bệnh; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến (khi mệnh chung). Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm. Sống quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

4) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay, đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.

5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm tỉnh giác khi thời đã đến. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

6) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này, nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong (vaya). Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt.

7) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khổ thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khổ thọ này khởi lên nơi ta. Khổ thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời khổ thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và khổ thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và khổ thọ của vị ấy, nên sân tùy miên đối với thân và khổ thọ được đoạn diệt.

8) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, bất khổ bất lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Bất khổ bất lạc thọ này khởi lên nơi ta. Bất khổ bất lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, thời bất khổ bất lạc thọ được khởi lên làm sao sẽ thường trú được?” Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và bất khổ bất lạc thọ của vị ấy, nên vô minh tùy miên đối với thân và bất khổ bất lạc thọ được đoạn diệt.

9) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy tuệ tri: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không chấp trước thọ ấy”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không hoan hỷ thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm thọ khổ thọ… Nếu vị ấy cảm thọ bất khổ bất lạc thọ, vị ấy tuệ tri: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không chấp trước thọ ấy”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không hoan hỷ thọ ấy”.

10) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc.

11) Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng”. Vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, một cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.

12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim bấc, một ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc khô cạn, cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm, ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng”. Vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.

VIII. Tật Bệnh (2) (S.iv,213)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, tại rừng Ðại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.

2) Rồi Thế Tôn vào buổi chiều…

3-5) — Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?… (như kinh trước cho đến hết số 5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông…

6) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy rõ biết như sau: “Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy khởi lên có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên xúc này. Nhưng xúc này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên xúc khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao có thể thường trú được?”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với xúc và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với xúc và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với xúc và lạc thọ bị đoạn diệt.

7-11) (Giống như kinh trước, từ số 7 đến số 11, chỉ khác ở đây là duyên xúc, chớ không phải thân này như kinh trước) “… Ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.

12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu… sẽ đi đến lắng dịu. (như kinh trước).

IX. Vô Thường (S.iv,214)

1-2) …

3) — Có ba thọ này, này các Tỷ-kheo, vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.

4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

5) Ba thọ này, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.

X. Căn Bản Của Xúc (S.iv,215)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên.

4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

5) Do xúc được cảm thọ là lạc, này các Tỷ-kheo, lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.

6) Do xúc được cảm thọ là khổ, này các Tỷ-kheo, khổ thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.

7) Do xúc được cảm thọ là bất khổ bất lạc, này các Tỷ-kheo, bất khổ bất lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai khúc gỗ cọ xát nhau, đem đến gần nhau, nên sức nóng sanh ra, lửa được hiện hữu. Khi hai khúc gỗ ấy bị phân ly tuyệt duyên, thời sức nóng khởi lên do duyên ấy được đoạn diệt, được tịnh chỉ.

9) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên, do duyên xúc tương ứng, các thọ tương ứng, tương ứng, khởi lên. Do sự đoạn diệt của xúc tương ứng, tương ứng các thọ tương ứng, tương ứng được đoạn diệt.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.