Tiểu Tụng – Giới Thiệu, Tam Quy & Các Bài Kinh – Ngài Indacanda Dịch Việt

Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Ngài Indacanda Dịch Việt

TIỂU TỤNG

KHUDDAKAPĀṬHAPĀḶI

-ooOoo-

 

KHUDDAKAPĀṬHAPĀḶI – TIỂU TỤNG – GIỚI THIỆU

Tập Kinh Khuddakapāṭhapāḷi – Tiểu Tụng, tập Kinh thứ nhất thuộcKhuddakanikāya – Tiểu Bộ, được ghi nhận là tập Kinh ngắn nhất trong toàn bộ Tam Tạng Pāḷi. Nội dung của tập Kinh gồm 9 phần, 4 phần đầu trình bày những kiến thức Phật học căn bản gồm có: 3 sự nương nhờ (tam quy), 10 giới của vị Sa-di, 32 phần của cơ thể (32 đề mục tham thiền về thể trược), và một số câu hỏi đáp liên quan đến phần giáo lý. Kế đến là 5 bài Kinh (sutta) thường được dùng để đọc tụng hàng ngày. Chín phần này còn được tìm thấy ở những văn bản khác thuộc Tam Tạng Pāḷi. Ở các nước quốc giáo, tập Kinh này là phần kiến thức căn bản cần phải học thuộc lòng dành cho các giới tử trước khi thọ giới Sa-di. Các tựa đề của 9 phần ấy như sau:  

  1.   Saraṇagamanaṃ – Việc Đi Đến Nương Tựa
  2.   Dasasikkhāpadaṃ – Mười Điều Học
  3.   Dvattiṃsākāraṃ – Ba Mươi Hai thể
  4.   Kumārapañhā – Các Câu Hỏi Dành Cho Thiếu Niên
  5.   Maṅgalasuttaṃ – Kinh Điềm Lành
  6.   Ratanasuttaṃ – Kinh Châu Báu
  7.   Tirokuḍḍasuttaṃ – Kinh Bên Ngoài Vách Tường
  8.   Nidhikaṇḍasuttaṃ – Kinh Phần Của Cải Để Dành
  9.   Mettasuttaṃ – Kinh Từ Ái.

Chú Giải của tập Kinh này có tên là Paramatthajotikā, đã được thực hiện tại đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka) vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 theo Tây lịch do công sức của Chú Giải Sư Buddhaghosa thuộc phái Mahāvihāra (Đại Tự).


TẠNG KINH – TIỂU BỘ

TIỂU TỤNG 

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

 

1. VIỆC ĐI ĐẾN NƯƠNG NHỜ

Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật,

Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp,

Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng.

Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật lần thứ nhì,

Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp lần thứ nhì,

Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng lần thứ nhì.

Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật lần thứ ba,

Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp lần thứ ba,

Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng lần thứ ba.

Việc Đi Đến Nương nhờ.[1]

*****

2. MƯỜI ĐIỀU HỌC

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc giết hại sinh mạng.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc lấy vật không được cho.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc phi Phạm hạnh (hành dâm).

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc nói dối.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc ăn sái giờ.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc múa, hát, đờn, và xem trình diễn.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa trường hợp đeo vòng hoa, thoa vật thơm, và tô điểm bằng đồ trang sức.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa chỗ nằm ngồi cao và rộng lớn.

Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc thọ lãnh vàng bạc.

Mười Điều Học.

*****

3. BA MƯƠI HAI THỂ

Ở thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, não bộ ở đầu.

Ba Mươi Hai Thể.

*****

4. CÁC CÂU HỎI DÀNH CHO THIẾU NIÊN

Một là gì? Tất cả chúng sanh có sự tồn tại nhờ vào vật thực.

Hai là gì? Danh và sắc.

Ba là gì? Ba cảm thọ.

Bốn là gì? Bốn Chân Lý cao thượng.

Năm là gì? Năm thủ uẩn.

Sáu là gì? Sáu xứ thuộc nội phần.

Bảy là gì? Bảy chi phần đưa đến giác ngộ.

Tám là gì? Thánh Đạo tám chi phần.

Chín là gì? Chín trú xứ của chúng sanh.[2]

Mười là gì? Vị hội đủ mười chi phần được gọi là ‘A-la-hán.’[3]

Các Câu Hỏi Dành Cho Thiếu Niên.

*****


5. KINH ĐIỀM LÀNH

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã bạch với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:

  1. “Nhiều chư Thiên và nhân loại, trong khi mong mỏi các điều hưng thịnh, đã suy nghĩ về các điềm lành, xin Ngài hãy nói về điềm lành tối thượng.”
  1. “Không thân cận những kẻ ác, thân cận các bậc sáng suốt, và cúng dường các bậc xứng đáng cúng dường, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Cư ngụ ở địa phương thích hợp, tính cách đã làm việc phước thiện trong quá khứ, và quyết định đúng đắn cho bản thân, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Kiến thức rộng và (giỏi) nghề thủ công, khéo học tập rèn luyện, và lời nói được khéo nói, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Phụng dưỡng mẹ và cha, cấp dưỡng các con và vợ, các nghề nghiệp không có xung đột (thuần là công việc), điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Bố thí và thực hành Giáo Pháp, trợ giúp các thân quyến, những việc làm không bị chê trách, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Sự kiêng cữ, xa lánh điều ác, tự chế ngự trong việc uống các chất say, và không xao lãng trong các (thiện) pháp, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Sự cung kính, khiêm nhường, tự biết đủ, và biết ơn, sự lắng nghe Giáo Pháp vào đúng thời điểm, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Sự nhẫn nại, trạng thái người dễ dạy, và việc yết kiến các bậc Sa-môn, sự bàn luận Giáo Pháp lúc hợp thời, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Sự khắc khổ, và thực hành Phạm hạnh, sự nhận thức các Chân Lý Cao Thượng, và việc chứng ngộ Niết Bàn, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian, không sầu muộn, có sự xa lìa bợn nhơ, được an ổn, điều này là điềm lành tối thượng.
  1. (Những người) đã thực hành những điều như thế này thì không bị thất bại ở mọi nơi, đi đến mọi nơi một cách hưng thịnh; đối với họ (những) điều ấy là điềm lành tối thượng.”

Kinh Điềm Lành.

*****

6. KINH CHÂU BÁU

  1.   Các hạng sanh linh[4] nào đã tụ hội nơi đây,

là các hạng ở địa cầu, hoặc các hạng nào ở hư không,

mong rằng toàn thể tất cả sanh linh đều được hoan hỷ,

rồi xin hãy nghiêm trang lắng nghe lời nói này.

  1.   Chính vì thế, hỡi các sanh linh, mong rằng tất cả hãy lắng tai,

xin các vị hãy thể hiện tâm từ đến dòng dõi nhân loại,

là những người ngày và đêm mang lại vật phẩm cúng tế,

chính vì thế xin các vị hãy hộ trì những người ấy, không xao lãng.

  1.   Bất cứ của cải nào ở đời này hoặc đời sau,

hoặc loại châu báu hảo hạng nào ở các cõi Trời,

thật vậy, không có gì sánh bằng đức Như Lai.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.   Sự diệt trừ, sự xa lìa tham ái, sự Bất Tử hảo hạng,

bậc Hiền Trí dòng Sakya, (với tâm) định tĩnh, đã chứng đắc điều ấy,

không có bất cứ cái gì sánh bằng Pháp ấy.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.   Điều mà đức Phật tối thắng đã ca ngợi là trong sạch,

Ngài đã nói điều ấy là định cho quả không bị gián đoạn,

pháp sánh bằng định ấy không được biết đến.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.  Tám hạng người nào đã được các bậc thiện nhân ca tụng,

các vị này là bốn cặp;[5]

họ là các đệ tử của đấng Thiện Thệ, xứng đáng cúng dường,

các sự bố thí ở các vị này có quả báu lớn lao.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.   Các vị nào đã khéo gắn bó với tâm ý vững chãi,

không còn dục vọng, theo lời dạy của đức Gotama,

các vị ấy đã đạt được sự chứng đạt, sau khi đã thể nhập Bất Tử,

các vị đã đạt được không nhọc sức, đang thọ hưởng trạng thái Tịch Diệt.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.   Giống như cột trụ đá được nương vào lòng đất,

sẽ không bị lay động bởi các cơn gió từ bốn phương,

với sự so sánh như thế Ta nói về bậc chân nhân,

là vị nào nhìn thấy rõ ràng bốn Chân Lý Cao Thượng.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1.   Các vị nào hiểu rõ về bốn Chân Lý Cao Thượng

đã khéo được thuyết giảng bởi tuệ thâm sâu,

dầu cho các vị ấy thường xuyên bị xao lãng,

các vị ấy cũng không nhận lấy kiếp sống thứ tám.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Đối với vị này, nhờ thành tựu về nhận thức,

có ba pháp được từ bỏ:

sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi,

giới và phận sự, hoặc thậm chí bất cứ điều gì có liên quan,

và (vị này) được thoát khỏi bốn khổ cảnh,[6]

không thể nào gây nên sáu tội nghiêm trọng.[7]

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Ngay cả khi vị ấy tạo nên bất cứ nghiệp gì ác xấu,

bằng thân, bằng khẩu, hoặc bằng ý,

vị ấy không thể nào che giấu điều ấy,

tính chất không thể của vị chứng đạt Niết Bàn đã được nói đến.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Giống như cây cối ở trong rừng đã được trổ hoa ở ngọn

trong cái nóng ở tháng đầu tiên của mùa hạ,

với sự so sánh như thế, Ngài đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý,

có khả năng dẫn đến Niết Bàn, tối thắng về lợi ích.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Bậc cao quý, biết pháp cao quý, thí pháp cao quý, đem lại pháp cao quý,

đấng Vô Thượng đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Nghiệp cũ đã được cạn kiệt, nguồn sanh khởi mới không có,

với tâm không còn luyến ái vào sự hiện hữu ở tương lai,

các vị ấy có mầm giống đã cạn kiệt, mong muốn tăng trưởng không còn,

các bậc sáng trí tịch diệt, giống như ngọn đèn này vậy.

Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;

do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

  1. Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái đức Phật đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Giáo Pháp đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Tăng Chúng đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.

Kinh Châu Báu.

*****

7. KINH BÊN NGOÀI VÁCH TƯỜNG

  1. “(Các ngạ quỷ) đứng bên ngoài các vách tường và ở các ngã tư ngã ba đường, chúng trở về căn nhà của mình rồi đứng ở các trụ cửa ra vào.
  1. Khi nhiều thức ăn nước uống vật thực cứng mềm được bày ra, bởi vì duyên nghiệp của các chúng sanh nên không ai nhớ đến họ.
  1. Những người nào có lòng thương tưởng, (những người ấy thường) ban phát thức ăn nước uống tinh khiết, hảo hạng, phù hợp, đúng thời đến các quyến thuộc như vầy:
  1. ‘Vật thí này hãy thuộc về các quyến thuộc, mong rằng các quyến thuộc được an vui.’ Và các ngạ quỷ quyến thuộc ấy đã đi đến tụ hội ở chỗ ấy.
  1. Họ tùy hỷ một cách trân trọng về các thức ăn nước uống dồi dào rằng: ‘Mong rằng các quyến thuộc của chúng tôi được sống lâu. Nhờ vào các thân quyến mà chúng tôi được thọ hưởng. Việc cúng dường đến chúng tôi đã được thực hiện, các thí chủ không phải là không có quả báo.’
  1. Bởi vì nơi ấy không có trồng trọt, việc chăn nuôi bò ở nơi này không được biết đến, việc thương mại ví như việc buôn bán bằng vàng là không có; các ngạ quỷ ở nơi ấy, những người đã chết, duy trì sự sống với vật đã được bố thí từ nơi đây.
  1. Giống như nước mưa rơi xuống ở nơi cao chảy xuống chỗ thấp, tương tự y như thế, vật được bố thí từ nơi đây đem lại lợi ích cho các ngạ quỷ.
  1. Giống như các dòng sông được tràn ngập thì làm đầy biển cả, tương tự y như thế, vật được bố thí từ nơi đây đem lại lợi ích cho các ngạ quỷ.
  1. ‘Họ đã cho ta, họ đã làm cho ta, họ là các quyến thuộc, thân hữu, bạn bè của ta,’ trong khi nhớ lại việc đã làm trước đây, nên ban phát sự cúng dường đến các ngạ quỷ.
  1. Sự khóc lóc, và sầu muộn, hay sự than vãn khác là không nên, bởi vì điều ấy không đem lại lợi ích cho hàng ngạ quỷ, (cho dầu) các thân quyến duy trì (hành động) như vậy.
  1. Quả vậy, việc cúng dường đã được dâng cúng này, được khéo thiết lập ở Tăng Chúng, lập tức thành tựu lợi ích lâu dài đến ngạ quỷ ấy.
  1. Việc ấy là bổn phận đối với thân quyến, và điều này đã được chỉ bảo. Việc cúng dường cao quý đến các ngạ quỷ đã được làm. Và sức lực đã được trao đến các vị tỳ khưu. Phước báu được tạo ra bởi quý vị không phải là ít.

Kinh Bên Ngoài Vách Tường.

*****

8. KINH PHẦN CỦA CẢI ĐỂ DÀNH

  1. Con người chôn cất của cải để dành[8] ở nơi sâu thẳm, gần mé nước (nghĩ rằng): ‘Khi nhu cầu, công việc cần làm sanh khởi, nó sẽ đem lại lợi ích cho ta.
  1. Trong việc thoát khỏi lời kết tội từ đức vua, khỏi việc bị hành hạ bởi giặc cướp, hay khỏi nợ nần, khi có nạn đói kém, hoặc trong những lúc rủi ro; vì mục đích này, ở thế gian vật gọi là của cải để dành được đem chôn cất.
  1. Trong khi đã được chôn cất cẩn thận ở nơi sâu thẳm, gần mé nước đến như vậy, toàn bộ (của cải để dành ấy) không hẳn luôn luôn thành tựu lợi ích cho người ấy.
  1. Của cải chôn cất di chuyển khỏi vị trí, hoặc sự nhận biết của người này bị rối loạn, hoặc các loài rồng dời đi, hoặc các Dạ-xoa mang vật ấy đi.
  1. Hoặc những kẻ thừa tự không được yêu thích đào lên một cách lén lút, khi nào có sự chấm dứt phước báu thì toàn bộ của cải chôn cất bị tiêu hoại.
  1. Của cải để dành được chôn cất cẩn thận cho người nữ hoặc người nam do việc bố thí, do giữ giới, do tự chế ngự, và do việc rèn luyện của người ấy …
  1. … ở nơi bảo tháp, hoặc ở Tăng Chúng, hoặc ở cá nhân, hoặc ở những người khách, ở người mẹ, hoặc luôn cả ở người cha, rồi ở người anh trưởng.
  1. Của cải để dành ấy là được chôn cất cẩn thận, không bị chiếm đoạt, là vật đồng hành. Trong số các vật phải ra đi do sự từ bỏ (vào lúc từ trần), người ra đi mang theo của cải để dành này.
  1. Của cải để dành (này) không san sẻ đến những người khác, không thể mang đi bởi những kẻ trộm cướp. Người sáng trí nên thực hành các việc phước báu, việc này là của cải để dành, là vật đồng hành.
  1. Việc (phước báu) ấy ban cho chư Thiên và nhân loại mọi điều ước muốn. Bất cứ điều nào mà họ ước nguyện, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
  1. Trạng thái có làn da xinh đẹp, trạng thái có giọng nói thanh tao, trạng thái có tướng mạo thanh tú và có dáng vóc xinh xắn, địa vị thủ lãnh và đám tùy tùng, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
  1. Quyền cai quản địa phận, vương quyền cả nước, hạnh phúc của địa vị Chuyển Luân yêu quý, luôn cả quyền cai quản chư Thiên ở các cõi Trời, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
  1. Sự thành đạt thuộc về cõi người, sự vui sướng ở thế giới chư Thiên, và sự chứng đạt Niết Bàn, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
  1. Nhờ vào sự thành tựu về bạn hữu và của việc thực hành đúng phương pháp mà có được năng lực của Minh và Giải Thoát, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
  1. Các tuệ phân tích, các pháp giải thoát,[9] và sự toàn hảo của bậc Thinh Văn, quả vị Độc Giác, và lãnh địa của đức Phật (Toàn Giác), tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.  
  1. Việc ấy có lợi ích lớn lao như vậy, tức là sự thành tựu về phước báu. Vì thế, các bậc sáng trí, các bậc sáng suốt ngợi khen trạng thái của người có phước báu đã được tạo lập.

Kinh Phần Của Cải Để Dành.

*****

9. KINH TỪ ÁI

  1. Việc cần làm bởi vị thiện xảo trong việc thực hành

sau khi đã thấu hiểu về vị thế an tịnh ấy là:

có khả năng, ngay thẳng, chánh trực,

dễ dạy, hòa nhã, và không ngã mạn thái quá.

  1. Là người tự biết đủ, và dễ cấp dưỡng,

ít bận rộn công việc, và có lối sống nhẹ nhàng,

có giác quan an tịnh, và chín chắn,

không hỗn xược, không tham đắm theo các gia tộc.

  1. Và không nên thực hành bất cứ điều gì nhỏ nhặt

mà các bậc hiểu biết khác đã khiển trách.

Mong rằng tất cả chúng sanh có được sự an lạc, có được sự an toàn.

Mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.

  1. Bất cứ những chúng sanh nào dầu là:

yếu hoặc mạnh (tất cả) không bỏ sót,

(có thân hình) dài hoặc to lớn,

trung bình hoặc ngắn, nhỏ bé hay mập.

  1. Được nhìn thấy, hoặc không được nhìn thấy,

cư ngụ ở nơi xa và không xa,

đã được hiện hữu hoặc đang tầm cầu sự thành hình,

mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.

  1. Người này không nên lường gạt kẻ khác,

không nên khi dễ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu.

Do sự giận dữ, do ý tưởng bất bình,

không nên mong mỏi sự khổ đau cho lẫn nhau.

  1. Giống như người mẹ đối với đứa con trai của mình

nên bảo vệ đứa con trai độc nhất đến trọn đời,

cũng như vậy, đối với tất cả các sanh linh,

nên phát triển tâm ý vô hạn lượng.

  1. Và tâm từ ái ở tất cả thế giới,

nên phát triển tâm ý vô hạn lượng,

bên trên, bên dưới, và chiều ngang,

không bị ngăn trở, không thù oán, không đối nghịch.

  1. Trong khi đứng, trong khi đi, hoặc khi đã ngồi xuống,

hoặc trong khi nằm, cho đến khi nào sự buồn ngủ được xa lìa,

nên chuyên chú vào niệm này,

ở đây việc này được gọi là sự an trú cao thượng.

  1. Và sau khi không đeo đuổi tà kiến,

là người có giới, được thành tựu về nhận thức,

sau khi xua đi sự thèm khát ở các dục,

thì chắc chắn không đi đến thai bào lần nữa.

Kinh Từ Ái.

TIỂU TỤNG ĐƯỢC CHẤM DỨT.

–ooOoo–

 

[1] Cụm từ “đi đến nương tựa” đã được dịch là “quy y” ( Quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng).

[2] Chín trú xứ của chúng sanh (sattāvāsā): Xem phần Chín Pháp của bài Kinh Saṅgītisuttaṃ (Kinh Thập Thượng, Trường Bộ 3).

[3] Vị hội đủ mười chi phần được gọi là ‘A-la-hán’: tức là mười pháp của bậc Vô Học, gồm có: vô học chánh kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh cần, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát (Xem phần Mười Pháp, cũng ở bài Kinh đã trích dẫn ở trên).

[4] Các hạng sanh linh (bhūtāni): nói đến các hàng chư Thiên (amanussesu) không có phân biệt (KhpA. 166).

[5] Tức là các bậc Thánh nhân, gồm có bốn Đạo và bốn Quả (ND).

[6] Bốn khổ cảnh (apāyā): địa ngục, súc sanh, quỷ đói, và A-tu-la (KhpA. 189).

[7] Sáu tội nghiêm trọng (abhiṭhānāni): gồm có: giết mẹ, giết cha, giết bậc Thánh A-la-hán, làm chảy máu thân Phật, chia rẽ Hội Chúng, tuyên bố vị khác là bậc đạo sư (Sđd.).

[8] nidhi: nghĩa chính là ‘của cải chôn cất,’ tuy nhiên một vài chỗ đã được ghi theo nghĩa ‘của cải để dành’ để tiện cho việc hành văn (ND).

[9] Các pháp giải thoát (aṭṭha vimokkhā): xem lời giải thích về ‘tám giải thoát’ ở Saṅgītisuttaṃ (Kinh Phúng Tụng, Trường Bộ 3).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Tiểu Tụng“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Tiểu Tụng” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.