PHÁP CÚ ĐỐI CHIẾU – ĀNANDAJOTI BHIKKHU
Pháp Cú Đối Chiếu
Ānandajoti Bhikkhu
Nguyễn Quốc Bình Dịch Và Chú
Văn bản Pāḷi với các bản tương đương tiếng Prakrit Sanskrit hóa,
cùng Bài nghiên cứu về bộ Pháp Cú.
Ānandajoti Bhikkhu
Nguyễn Quốc Bình dịch và chú
Email: nguyenquocbinh.lhp@gmail.com
Ghi chú của người dịch: Nếu như trong dịch thuật ta có thể dễ cảm nhận ý nghĩa của nhận định rằng “không có một bản dịch hoàn hảo”, thì trong việc truy tầm các tài liệu cổ, như trong trường hợp của Phật giáo sơ kì, ta cũng có thể đổi hướng của nhận định này thành “không có một bản gốc hoàn hảo”. Việc ghi chép kinh điển thành văn bản được thực hiện bởi những bộ phái khác nhau mãi một thời gian dài sau khi Đức Phật diệt độ. Thêm vào đó, việc lưu truyền qua nhiều thế hệ đến thời chúng ta ngày nay chẳng thể tránh khỏi những thiếu sót chủ quan lẫn khách quan. Văn bản gốc, vì vậy, trong ngữ cảnh như vầy, chỉ được hiểu theo một nghĩa xác suất nào đó. Nhưng có một điều khả dĩ có thể nâng cao xác suất ấy lên là củng cố chúng bằng các bằng chứng đối sánh. Nói một cách đơn giản, nếu hai nguồn tài liệu độc lập nhau cùng nói về một sự kiện theo cách như nhau thì nhiều khả năng hơn rằng sự kiện đó đã được diễn ra theo cách như vậy. Lĩnh vực đối sánh văn bản do vậy là rất cần thiết nếu muốn đào sâu tri thức về thời quá khứ. Và đây chỉ là một tác dụng dễ thấy nhất của phương pháp này.
Trong công trình này, Bhikkhu Ānandajoti đã so sánh nhiều dị bản kinh Pháp Cú trong ngôn ngữ gốc của chúng về mặt văn bản học, từ đó rút ra được khá nhiều nhận định thú vị về bản kinh quen thuộc này. Các nhận định đó cũng gợi mở về cách nhìn về phương thức kết tập kinh điển nói chung trong thời kì đầu. Về mặt phương pháp, công trình này cũng khá thú vị vì không chỉ đơn thuần là so sánh 2 văn bản với nhau mà là so sánh nhiều văn bản cùng lúc. Tác giả chọn văn bản Pāḷi là trục để so sánh các bản còn lại nhưng điều đó, như ta sẽ thấy trong bài viết, không có nghĩa là xem bản Pāḷi như chuẩn mực chính xác tuyệt đối. Có một điểm nhỏ nữa nhưng cũng cần phải lưu tâm thêm là trong việc đối chiếu, cần phải đánh tham chiếu theo cách logic, như tác giả đã dùng ở đây. Nếu đối chiếu các bộ kinh dài mà chỉ được tham chiếu theo cách vật lý (chẳng hạn như số trang) thì rất khó trong việc thao tác.
Công trình này được lưu hành dưới dạng điện tử lẫn bản in, và tất nhiên cũng có những điểm dị biệt giữa 2 bản này, chẳng hạn bản in thì tương đối chính xác hơn về phần văn bản còn bản điện tử thì lại có phần chính xác hơn về phần chỉ mục. Trong lúc dịch chúng tôi cũng đã so sánh và ghi lại các điểm cần thiết trong phần cước chú. Trong bài viết có bản đồ về địa điểm tìm thấy các dị bản này, chúng tôi giữ nguyên các chữ trên phần hình ảnh này. Riêng về các bài kệ rắn (Uraga) tuy có nhắc tới trong bài
nhưng xin được trình bày ở dịp sau.
Trong bản gốc, tác giả có dùng màu và định dạng chữ để định dạng văn bản trong lúc đối chiếu. Tuy khi soạn lại chúng tôi vẫn giữ các quy ước này nhưng có thể trong bản in trắng đen chỉ có thể thể hiện màu sắc thông qua độ đậm nhạt. Trong bản dịch, chúng tôi dịch chữ Pháp Cú cho những phần nói chung về bản kinh này. Các chỗ liên quan cụ thể tới từng dị bản cụ thể thì để nguyên theo phiên âm theo ngôn ngữ của nó, chẳng hạn Dhammapada, Dharmapada… Ngoài ra, để tiện cho độc giả Việt Nam theo dõi, trong bản dịch chúng tôi có dùng bản Việt dịch của ngài Minh Châu để ghi chú thêm tên tiếng Việt cho các phẩm cũng như các bài kệ trong bản Pāḷi để cơ sở nhận dạng.
Cùng với các công trình nghiên cứu/phân tích về Pháp Cú đã có trong nước tiêu biểu như “Nghiên cứu so sánh văn bản kinh Pháp Cú chữ Hán và chữ Pāli” của Thích Nữ Nguyệt Chiếu (2000), Kinh Pháp Cú (Phân tích từ ngữ Pāḷi) của Đức Hiền (2009), hay gần đây là bản dịch Pháp Cú Hán Tạng của Thích Nhất Hạnh dưới nhan đề Kết Một Tràng Hoa (2014)… hy vọng bài “Pháp Cú đối chiếu” này sẽ tiếp tục gợi mở nhiều giá trị thú vị cho bộ kinh này.
Comparative-Dhammapada-Viet