SỨC MẠNH CỦA CHÁNH NIỆM – THIỀN SƯ NYANAPONIKA
THE POWER OF MINDFULNESS
Đại trưởng lão Thiền sư Nyanaponika
Sư Tâm Pháp dịch
Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, năm 2012
LỜI GIỚI THIỆU
Chánh niệm tự thân nó có thực sự là một sức mạnh như tên của cuốn sách này hay không? Nhìn từ góc độ của cuộc sống đời thường, thì hình như không phải là như vậy. Ở góc nhìn ấy, chánh niệm, hay sự chú ý, chỉ đóng một vai trò rất khiêm tốn giữa biết bao những phẩm chất tâm dường như quan trọng hơn để đạt được những mong ước đa dạng của con người. Ở đó, chánh niệm chỉ có nghĩa là “quan sát bước đi của mình” để không bị va vấp hay đánh mất cơ hội khi theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống. Chỉ trong trường hợp phải thực hiện một số kỹ năng hay nhiệm vụ nhất định nào đó thì đôi khi con người ta mới chủ động tập luyện chánh niệm đôi chút, nhưng ngay cả khi đó chánh niệm cũng chỉ được coi là vai trò thứ yếu, phạm vi và năng lực rộng lớn của chánh niệm vẫn chưa được con người biết đến và công nhận.
Ngay cả khi tìm về với giáo lý của Đức Phật, nhìn qua một lượt những sự sắp xếp và phân loại, danh sách các tâm sở mà chánh niệm có mặt trong đó, thì người ta vẫn có xu hướng cho rằng phẩm chất tâm này cũng chỉ là “một trong số rất nhiều” phẩm chất tâm khác mà thôi. Và một lần nữa, người ta lại có ấn tượng rằng nó chỉ đóng một vai phụ và dễ dàng bị các phẩm chất tâm khác vượt trội.
Thực tế, nếu có thể nhân cách hóa, thì chánh niệm là một nhân vật rất khiêm tốn. So sánh với nó thì các tâm sở (phẩm chất) như tín (đức tin), tấn (tinh tấn), định (định tâm) hay tuệ chắc chắn là những nhân vật nổi bật hơn, gây tác động mạnh và ngay lập tức đối với người khác và tới các tình huống. Sự chinh phục của chúng đôi khi rất nhanh chóng và mạnh mẽ, mặc dù thường bấp bênh. Chánh niệm, ngược lại, thường kín đáo và ít phô trương.
Những công dụng của chánh niệm tỏa sáng vào bên trong, và trong cuộc sống thường ngày, hầu hết những thành quả của nó được chuyển giao cho các thể loại tâm khác – chúng thường nhận hết phần
danh dự. Chúng ta phải hiểu rõ chánh niệm và luyện tập thành thục trước khi có thể nhận ra được giá trị và những ảnh hưởng xuyên thấu thầm lặng của nó.
Chánh niệm tiến triển một cách chậm chạp và có chủ ý, và nhiệm vụ hàng ngày của nó được thực hiện một cách đều đặn, thầm lặng. Tuy nhiên, nơi nào chánh niệm đã đặt chân đến, nó không dễ bị mất chỗ đứng, và sẽ thực sự làm chủ lĩnh vực đang phụ trách.
Những năng lực tâm linh như vậy, cũng như những con người có thể loại cá tính tương tự, lại thường hay bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp. Chánh niệm cần đến một thiên tài như Đức Phật để phát hiện ra được “tài năng bị dấu kín” ẩn dưới vẻ bề ngoài khiêm tốn, và phát triển sức mạnh vĩ đại vốn có của hạt giống tiềm năng ấy. Thực ra, dấu hiệu của một thiên tài thực sự lại chính là khả năng nhận ra và khai thác được sức mạnh của những cái tưởng chừng như là nhỏ bé ấy. Ở đây, thực sự đúng là “cái bé nhỏ đã trở thành vĩ đại”. Các giá trị đã được đánh giá lại. Tiêu chuẩn để phân định giữa sự vĩ đại và cái nhỏ bé đã thay đổi. Từ cái tâm siêu việt của Đức Phật, cuối cùng chánh niệm đã được bộc lộ ra như một điểm chốt nơi luân hồi đau khổ bị nhổ bật khỏi hai mỏ neo là vô minh và ái dục.
Nguồn: Thienquantam
Suc_Manh_Cua_Chanh_Niem