Tăng Chi Bộ Iv – Chương Mười Pháp – Phẩm Lớn

TĂNG CHI BỘ

CHƯƠNG MƯỜI PHÁP

PHẨM LỚN

(I) (21) Con Sư Tử

  1. – Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều, từ hang đi ra. Sau khi từ hang đi ra, nó duỗi chân; sau khi duỗi chân, nó nhìn xung quanh bốn phương, sau khi nhìn xung quanh bốn phương, nó rống lên ba lần tiếng rống con sư tử; sau khi rống ba lần tiếng rống con sư tử, nó ra đi tìm mồi. Vì sao? Nó rống với ý nghĩ: “Mong rằng ta không làm tàn hại các loài thú nhỏ đi lạc đường.” Này các Tỷ-kheo, con sư tử là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. “Này các Tỷ-kheo, Như Lai thuyết pháp trong hội chúng, đây chỉ cho tiếng rống con sư tử. Này các Tỷ-kheo, có mười Như Lai lực này của Như Lai, thành tựu những lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng và chuyển Pháp luân. Thế nào là mười?
  2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Như vậy, chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.
  3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này Các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết con đường đưa đến tất cả sanh thú. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết thế giới với nhiều giới, nhiều sai biệt. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết chí hướng sai biệt của các loài chúng sanh. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết những căn thượng hạ của các loại chúng sanh, loài Người. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền chứng về Thiền, về giải thoát, về định. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Như Lai nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người hạ liệt, kẻ cao sang, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Này Các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.

Này các Tỷ-kheo, đây là những Như Lai lực của Như Lai, chính nhờ thành tựu những lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng và chuyển Pháp luân.

(II) (22) Những Tuyên Bố về Pháp

  1. Bấy giờ có Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda, đang ngồi xuống một bên:
  2. – Này Ananda, phàm những pháp nào đưa đến sự chứng ngộ với thắng trí, các tuyên bố về giáo lý, này Ananda, ở đây, Ta vô úy tự nhận thuyết pháp về chúng, về chúng như thế ấy, như thế ấy khiến cho người nào như vậy, như vậy thực hành; nếu là có, sẽ biết là có; nếu là không có, sẽ biết là không có; nếu là hạ liệt, sẽ biết là hạ liệt; nếu là thù thắng, sẽ biết là thù thắng; nếu là có trên, sẽ biết là có trên; nếu là vô thượng, sẽ biết là vô thượng. Vì rằng, cái gì người ấy có thể biết, có thể thấy, có thể chứng ngộ, người đó sẽ biết được, sẽ thấy được, sẽ chứng ngộ, người đó sẽ biết được, sẽ thấy được, sẽ chứng ngộ được, sự kiện này có xảy ra. Này Ananda, cái này là vô thượng đối với các trí, chính là như thật trí đối với vấn đề này hay vấn đề khác. Và này Ananda, do vậy Ta tuyên bố rằng ngoài trí này, không có một trí nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn. Này Ananda, có mười Như Lai lực này của Như Lai, chính nhờ thành tựu những lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng con sư tử giữa các hội chúng và chuyển Pháp luân. Thế nào là mười?
  3. Ở đây, này Ananda, Như Lai như thật biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Như vậy, chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.
  4. Lại nữa, này Ananda, Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  5. Lại nữa, này Ananda, Như Lai như thật rõ biết con đường đưa đến tất cả sanh thú. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  6. Lại nữa, này Ananda, Như Lai như thật rõ biết thế giới với nhiều giới, nhiều sai biệt. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  7. Lại nữa, này Ananda, Như Lai thật rõ biết chí hướng sai biệt của các loài chúng sanh. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  8. Lại nữa, này Ananda, Như Lai như thật rõ biết những căn thượng hạ của các loài chúng sanh, loài Người. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  9. Lại nữa, này Ananda, Như Lai như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền chứng về Thiền, về giải thoát, về định. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  10. Lại nữa, này Ananda, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời… như vậy Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  11. Lại nữa, này Ananda, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ngài biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Ananda, Như Lai như thật rõ biết… (như trên)… và chuyển Pháp luân.
  12. Lại nữa, này Ananda, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Ananda, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp luân.

– Này Ananda, đây là những Như Lai lực của Như Lai, chính nhờ thành tựu những lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng và chuyển Pháp luân.

(III) (23) Với Thân

  1. – Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời. Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải với thân. Này các Tỷ-kheo, có những pháp cần phải đoạn tận không phải với thân, không phải với lời mà sau khi thấy cần phải đoạn tận với trí tuệ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có phạm điều bất thiện về thân, về một vấn đề gì. Sau khi suy xét về vấn đề ấy, các đồng Phạm hạnh có trí đã nói với vị ấy: “Tôn giả có phạm điều bất thiện về thân, về một vấn đề này. Thật tốt lành thay, nếu Tôn giả từ bỏ thân làm ác và tu tập thân làm thiện”. Vị ấy được các đồng Phạm hạnh có trí sau khi suy xét nói như vậy, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm thiện.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thân, không phải với lời.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải với thân?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phạm điều bất thiện với lời, về một vấn đề gì. Sau khi suy xét về vấn đề ấy, các đồng Phạm hạnh có trí đã nói vị ấy: “Tôn giả có phạm điều bất thiện về lời, về một vấn đề này. Thật tốt lành thay, nếu Tôn giả từ bỏ lời nói ác, tu tập lời nói thiện”. Vị ấy được các đồng Phạm hạnh có trí sau khi suy xét nói như vậy, đoạn tận lời nói ác. Tu tập lời nói thiện.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với lời, không phải về thân.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận?

  1. Tham, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận. Sân … Si … Phẫn nộ … Hiềm hận… Gièm pha … Não hại … Xan tham … Ác tật đố … Ác dục, này các Tỷ-kheo cần phải đoạn tận, không phải với thân, không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác tật đố?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người gia chủ, hay con người gia chủ, dồi dào phong phú về tài sản, về lúa gạo, về bạc hay vàng. Ở đây, một người nô tỳ hay người phục vụ khởi lên ý nghĩ như sau: “Ôi, sự dồi dào phong phú về tài sản, về lúa gạo, về bạc hay vàng thật sự không thuộc về người gia chủ hay con người gia chủ này.” Hay một Sa-môn, Bá-la-môn có được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ở đây, một Sa-môn, hay Bà-la-môn khác khởi lên ý nghĩ như sau: “Ôi, mong rằng vị Tôn giả này không nhận được các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ác tật đố.

Ác tật đố, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

  1. Này các Tỷ-kheo, ác dục cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác dục?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có lòng tin, lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta có lòng tin”; có ác giới hạn lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người nghe nhiều”; là người ưa thích hội chúng, lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người sống viễn ly”; là người biếng nhác lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người tinh tấn”; là người thất niệm lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người niệm được an trú”; là người không có định, lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người có định”; là người ác tuệ, lại muốn rằng: “Mong rằng họ biết ta là người có trí tuệ”; là người chưa đoạn tận các lậu hoặc lại muốn: “Mong rằng họ biết ta là người đã đoạn tận các lậu hoặc”.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ác dục.

Ác dục này, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận, không phải với thân, cũng không phải với lời mà sau khi thấy, sau khi thấy với trí tuệ, cần phải đoạn tận.

  1. Này các Tỷ-kheo, nếu tham chinh phục Tỷ-kheo và phát triển, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục chinh phục Tỷ-kheo và phát triển, vị ấy cần phải được hiểu như sau: “Tôn giả này không rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy tham chinh phục vị ấy và phát triển. Tôn giả này không rõ biết như thế nào để sân không có mặt… Tôn giả này không rõ biết như thế nào để si không có mặt… phẫn nộ không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt… não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt… Tôn giả không rõ biết như thế nào, để ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục chinh phục Tôn giả này và phát triển.”
  2. Nhưng, này các Tỷ-kheo, nếu tham không chinh phục và không phát triển, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục không chinh phục vị Tỷ-kheo và không phát triển, vị ấy cần phải được biết như sau: “Tôn giả này rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy, tham không chinh phục Tôn giả này và không phát triển. Tôn giả này rõ biết như thế nào để sân không có mặt… si… phẫn nộ… hiềm hận… gièm pha… não hại… xan tham… ác tật đố… ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục không có chinh phục vị Tôn giả này và không phát triển.”

(IV) (24) Maha Cunda

  1. Một thời, Tôn giả Mahàcunda trú giữa dân chúng Cetì tại Sahajàti. Tại đấy, tôn giả Mahàcunda gọi các Tỷ-kheo.

– Này các Hiền giả Tỷ-kheo.

– Thưa Hiền giả.

– Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahàcunda. Tôn giả Mahàcunda nói như sau:

  1. – Thưa các Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thuyết về trí nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này”. Nếu tham chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não lại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục chinh phục vị ấy và tồn tại, vị ấy cần phải được hiểu như sau: ” Tôn giả này không rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy tham chinh phục Tôn Giả ấy và tồn tại. Tôn giả này không rõ biết như thế nào để sân không có mặt… si không có mặt… phẫn nộ không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt… não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt… ác dục không có mặt. Như vậy, các ác dục chinh phục Tôn giả này và tồn tại.”
  2. Thưa các Hiền giả, nếu Tỷ-kheo thuyết về tu tập nói rằng: “tôi được tu tập về thân, được tu tập về giới, được tu tập về tâm, được tu tập về tuệ”. Thưa chư Hiền, nếu tham chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục chinh phục vị Tỷ-kheo ấy và tồn tại, vị ấy cần phải được hiểu như sau: “Vị Tôn giả này không rõ biết như thế nào để tham không có mặt, vì rằng tham chinh phục vị ấy và tồn tại. Vị Tôn giả này không rõ biết như thế nào để sân không có mặt… si không có mặt… phẫn nộ không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt… não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt…các dục không có mặt. Như vậy, các ác dục chinh phục Tôn giả này và tồn tại.”
  3. Và này chư hiền, Tỷ-kheo thuyết về trí và thuyết về tu tập, nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này, tôi được tu tập về tâm, tôi được tu tập về giới, tôi được tu tập về thân, tôi được tu tập về tuệ”. Này chư Hiền, nếu tham chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ…. nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu ác dục chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, Tỷ-kheo ấy cần phải được hiểu như sau: “Vị Tôn giả này không cần rõ biết như thế nào để tham không có mặt… sân không có mặt… si không có mặt… Như vậy, ác dục chinh phục Tỷ-kheo này và tồn tại”.
  4. Ví như, này chư Hiền, có người nghèo khổ có thể nói về giàu sang; không có tài sản có thể nói về tài sản; không có sở hữu có thể nói về sở hữu, nhưng khi có cơ hội tạo ra tài sản, vị ấy không có thể tạo thành tài sản, lúa gạo, bạc hay vàng. Người ta có thể biết về người ấy như sau: “Vị này, tuy nghèo khổ, lại nói về giàu sang; vị này, tuy không có tài sản, lại nói về tài sản; vị này tuy không có sở hữu, lại nói về sở hữu. Vì cớ sao? Vì rằng vị này, khi có cơ hội tạo ra tài sản, vị ấy không có thể tạo thành tài sản, lúa gạo, bạc hay vàng”. Cũng vậy, này chư hiền, vị Tỷ-kheo thuyết về trí và thuyết về tu tập, nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này, tôi được tu tập về thân, tôi được tu tập về giới, tôi được tu tập về tâm, tôi được tu tập về tuệ”. Này chư hiền, nếu tham chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại; nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, Tỷ-kheo ấy cần phải được hiểu như sau: “Vị này không rõ biết như thế nào để tham không có mặt… sân không có mặt… si không có mặt… Như vậy, ác dục chinh phục Tỷ-kheo này và tồn tại”.
  5. Này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết về trí nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này”. Này chư Hiền, nếu tham không chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận…nếu gièm pha… nếu não hại… nếu san tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục không chinh phục vị ấy và tồn tại, thời vị ấy cần phải được biết như sau: “Vị này rõ biết như thế nào để tham không có mặt… Như vậy, tham không chinh phục vị ấy và tồn tại… sân không có mặt… si không có mặt… phẫn nộ không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt…não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt… ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục không chinh phục vị này và tồn tại”.
  6. Này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết về tu tập nói rằng: “Tôi có tu tập về thân, tôi có tu tập về giới, tôi có tu tập về tâm, tôi có tu tập về tuệ”. Này chư Hiền, nếu tham không chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại… nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ.. nếu hiềm hận…. nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác đố… nếu ác dục không chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, vị ấy cần phải được biết như sau: “Vị này rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy tham không chinh phục vị này và tồn tại… sân không có mặt… si không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt… não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt… ác dục không có mặt… Như vậy, ác dục không chinh phục vị này và tồn tại”.
  7. Này chư hiền, Tỷ-kheo thuyết về trí và thuyết về tu tập, nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này. Tôi có tu tập về thân, tôi có tu tập về giới, tôi có tu tập về tâm, tôi có tu tập về tuệ. “Này chư Hiền, nếu tham không chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại… nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu hiềm hận… nếu gièm pha… nếu não hại… nếu xan tham… nếu ác tật đố… nếu ác dục không chinh phục Tỷ-kheo ấy và tồn tại, thời vị ấy cần phải được biết như sau: “Tôn giả này biết rõ như thế nào để được tham không có mặt. Như vậy tham không chinh phục vị ấy và tồn tại. Sân không có mặt… si không có mặt… phẫn nộ không có mặt… hiềm hận không có mặt… gièm pha không có mặt… não hại không có mặt… xan tham không có mặt… ác tật đố không có mặt… ác dục không có mặt. Như vậy, ác dục không chinh phục vị Tôn giả này và không tồn tại.”
  8. Này chư Hiền, ví như một người giàu sang có thể nói về giàu sang; một người có tài sản có thể nói về tài sản; một người có sở hữu có thể nói về sở hữu. Khi có cơ hội tạo ra tài sản, vị ấy có thể tạo thành tài sản, lúa gạo, bạc hay vàng. Và người ta có thể biết về người ấy như sau: “Có giàu sang, vị này nói về giàu sang; có tài sản, vị này nói về tài sản; có của cải, vị này nói về của cải. Vì sao? Vì rằng vị này, khi có cơ hôi tạo ra tài sản, vị ấy có thể tạo thành tài sản, lúa gạo, bạc hay vàng”. Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo thuyết về trí và thuyết về tu tập, nói rằng: “Tôi biết pháp này, tôi thấy pháp này. Tôi có tu tập về thân, tôi có tu tập về giới, tôi có tu tập về tâm, tôi có tu tập về tuệ”. Này chư Hiền, nếu tham không chinh phục vị ấy và tồn tại… nếu sân… nếu si… nếu phẫn nộ… nếu tật đố… nếu ác dục không chinh phục vị ấy và tồn tại, vị ấy cần phải được biết như sau: “Vị Tôn giả này rõ biết như thế nào để tham không có mặt. Như vậy tham không chinh phục vị này và tồn tại. Vị Tôn giả này rõ biết như thế nào để sân không có mặt… si… phẫn nộ… hiềm hận… gièm pha… não hại… xan tham… ác tật đố… ác dục không có mặt. Như vậy ác dục không chinh phục vị Tôn giả này và tồn tại”.

(V) (25) Thiền Án Xứ

  1. – Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này. Thế nào là mười?
  2. Một người tưởng tri Thiền án đất, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Một người tưởng tri Thiền án nước… một người tưởng tri Thiền án lửa… một người tưởng tri Thiền án gió… một người tưởng tri Thiền án xanh… một người tưởng tri Thiền án vàng… một người tưởng tri Thiền án đỏ… một người tưởng tri Thiền án trắng… một người tưởng tri Thiền án hư không… một người tưởng tri Thiền án thức, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng.

Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này.

(VI) (26) Kalì

  1. Một thời, Tôn giả Mahàkaccàna trú giữa dân chúng Avanti, ở Kuraraghara, tại một vực núi cao. Bấy giờ có nữ cư sĩ Kàlì, trú ở Kuraraghara, đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nữ cư sĩ Kàlì trú ở Kuraraghara thưa với Tôn giả Mahàkaccàna:
  2. – Thưa Tôn giả, Thế Tôn có nói như sau trong các câu hỏi của thiếu nữ:

“Ta đạt được mục đích, Tâm Ta được an tịnh, Sau khi đã chiến thắng, Ðội quân sắc khả ái, Ta thiền định một mình, Ðược an lạc Chánh giác. Do vậy, Ta không có, Làm bạn với quần chúng, Làm bạn với một ai, Không phải việc Ta làm.”

Thưa Tôn giả, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn cần phải được hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?

  1. – Này Nữ cư sĩ, có số Sa-môn, Bà-la-môn tối thượng thiện xảo trong sự chứng đạt Thiền án đất, có thể thực hiện được mục đích của họ. Này nữ tu sĩ, nhưng Thế Tôn đã được thắng tri tối thượng thiện xảo trong sự chứng đạt Thiền án đất, sau khi thắng tri như vậy, Thế Tôn đã thấy sự tập khởi, đã thấy sự nguy hại, đã thấy sự xuất ly, đã thấy tri kiến về đạo và phi đạo. Do nhân thấy được sự tập khởi, do nhân thấy được sự nguy hại, do sự thấy được sự xuất ly, do nhân thấy được tri kiến về đạo và phi đạo, Ngài rõ biết mục đích đã đạt được, tâm đã được an tịnh. Này Nữ cư sĩ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn tối thượng thiện xảo trong sự chứng đạt Thiền án nước… Thiền án lửa… Thiền án gió… Thiền án xanh… Thiền án vàng… Thiền án đỏ… Thiền án trắng… Thiền án hư không… Thiền án thức, có thể thực hiện được mục đích của họ. Này Nữ cư sĩ, nhưng Thế Tôn đã thắng tri tối thượng thiện xảo trong sự chứng đạt Thiền án thức, sau khi thắng tri như vậy, Thế Tôn đã thấy sự tập khởi, đã thấy sự nguy hại, đã thấy sự xuất ly, đã thấy tri khiến về đạo và phi đạo. Do nhân thấy được sự tập khởi, do nhân thấy được sự nguy hại, do nhân thấy được sự xuất ly, do nhân thấy được tri kiến về đạo và phi đạo, Ngài rõ biết mục đích đã đạt được, tâm đã được an tịnh. Do vậy, này nữ cư sĩ, Thế Tôn có nói như sau, trong các câu hỏi của thiếu nữ:

“Ta đạt được mục đích, Tâm Ta được an tịnh, Sau khi đã chiến thắng, Ðội quân sắc khả ái, Ta Thiền định một mình, Ðược an lạc Chánh giác. Do vậy, Ta không có Làm bạn với quần chúng Làm bạn với một ai, Không phải việc Ta làm.”

Này Nữ cư sĩ, lời vắn tắt này của Thế Tôn cần phải được thấy ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

(VII) (27) Những Câu Hỏi Lớn (1)

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ở khu vườn ông Anàthàpindika. Bấy giờ có rất nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Sàvatthi để khất thực. Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm để đi vào Sàvatthi khất thực. Chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”. Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

2.- Thưa các Hiền giả, Sa-môn Gotama thuyết pháp như sau cho các đệ tử: “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy thắng tri tất cả pháp; sau khi thắng tri, thắng tri tất cả pháp, hãy an trú.” Thưa các Hiền giả, chúng tôi cũng thuyết pháp như sau cho các đệ tử: “Hãy thắng tri tất cả pháp; sau khi thắng tri, thắng tri tất cả pháp, hãy an trú” .Ở đây, này chư Hiền, có sự đặc thù gì, có sự thù thắng gì, có sự thù thắng gì, có sự sai biệt gì giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, về thuyết pháp và thuyết pháp, hay về giáo giới và giáo giới?

  1. Rồi các Tỷ-kheo ấy, không hoan hỷ lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy, cũng không phỉ báng, không hoan hỷ, không phỉ báng, các vị ấy đứng dậy và ra đi, nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn”. Rồi các Tỷ- kheo ấy, sau khi đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

4.- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Rồi chúng con suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm để vào Sàvatthi khất thực, vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”. Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, chúng con nói với các du sĩ ngoại đạo những lời chào hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, chúng con ngồi xuống một bên. Bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với chúng con đang ngồi xuống một bên: “Thưa các Hiền giả, Sa-môn Gotama thuyết pháp như sau cho các đệ tử: “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy thắng tri tất cả pháp; sau khi thắng tri, thắng tri tất cả pháp, hãy an trú”. Thưa các Hiền giả, chúng tôi cũng thuyết pháp như sau cho các đệ tử: “Hãy đến, này chư Hiền, hãy thắng tri tất cả pháp; sau khi thắng tri, thắng tri tất cả pháp, hãy an trú”. Ở đây, này chư Hiền, có sự đặc thù gì, có sự sai biệt gì giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về thuyết pháp và thuyết pháp, hay về giáo giới và giáo giới? ” Rồi bạch Thế Tôn, chúng con không hoan hỷ lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy, cũng không phỉ báng, không hoan hỷ, không phỉ báng, chúng con đứng dậy và ra đi, nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của lời nói này của Thế Tôn”.

5 – Này các Tỷ-kheo, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy cần phải được nói như sau: “Này chư Hiền, một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời; hai câu hỏi, hai câu tuyên bố, hai câu trả lời; ba câu hỏi, ba câu tuyên bố, ba câu trả lời; bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố; bốn câu trả lời; năm câu hỏi, năm câu tuyên bố, năm câu trả lời; sáu câu hỏi, sáu câu tuyên bố, sáu câu trả lời; bảy câu hỏi, bảy câu tuyên bố, bảy câu trả lời; tám câu hỏi, tám câu tuyên bố, tám câu trả lời; chín câu hỏi, chín câu tuyên bố, chín câu trả lời; mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời”. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo ấy, sẽ không thể trả lời, hơn nữa sẽ rơi vào bối rối. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì vấn đề ấy vượt ngoài địa hạt của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, với chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, với tâm thích thú trả lời những câu hỏi này, trừ Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị này.

  1. Một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong một pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong một pháp?

— Tất cả chúng sanh đều tồn tại nhờ đồ ăn.

Trong một pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa, ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau.

Một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Hai câu hỏi, hai câu tuyên bố, hai câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong hai pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa, ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong hai pháp?

— Trong danh và trong sắc.

Trong hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Hai câu hỏi, hai câu tuyên bố, hai câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Ba câu hỏi, ba tuyên bố, ba câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong ba pháp?

— Trong ba thọ.

Trong ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Ba câu hỏi, ba câu tuyên bố, ba câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong bốn pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong bốn pháp?

— Trong bốn đồ ăn.

Trong bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Năm câu hỏi, năm câu tuyên bố, năm câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong năm pháp?

— Trong năm thủ uẩn.

Trong năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

  1. Sáu câu hỏi, sáu câu tuyên bố, sáu câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong sáu pháp?

— Trong sáu nội xứ.

Trong sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Sáu câu hỏi, sáu câu tuyên bố, sáu câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Bảy câu hỏi, bảy câu tuyên bố, bảy câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong bảy pháp?

— Trong bảy thức trú.

Trong bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Bảy câu hỏi, bảy câu tuyên bố, bảy câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Tám câu hỏi, tám câu tuyên bố, tám câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong tám pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong tám pháp?

— Trong tám thế gian pháp.

Trong tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

Tám câu hỏi, tám câu tuyên bố, tám câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy.

  1. Chín câu hỏi, chín câu tuyên bố, chín câu trả lời, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong chín pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau… Thế nào là trong chín pháp?

— Chín hữu tình cư.

Trong chín pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán… là người chấm dứt khổ đau.

  1. Mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong mười pháp này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh, nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa, ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là mười pháp?

— Trong mười thiện nghiệp đạo.

Trong mười pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa, ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau.

Mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời, được nói lên như vậy. Do duyên này, được nói đến như vậy.

(VIII) (28) Những Câu Hỏi Lớn (2)

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kajangalà, tại Trúc Lâm. Bấy giờ có rất nhiều nam cư sĩ ở Kajangalà đi đến Tỷ-kheo-ni trú ở Kajangalà, sau khi đến, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nhà cư sĩ ở Kajangalà nói với Ty-kheo-ni ở Kjangalà:
  2. – Thưa Ðại Tỷ, Thế Tôn có tuyên bố trong các câu hỏi lớn: “Một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời; hai câu hỏi, hai câu tuyên bố, hai câu trả lời; ba câu hỏi, ba câu tuyên bố, ba câu trả lời; bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời; năm câu hỏi, năm câu tuyên bố, năm câu trả lời; sáu câu hỏi, sáu câu tuyên bố, sáu câu trả lời; bảy câu hỏi, bảy câu tuyên bố, bảy câu trả lời; tám câu hỏi, tám câu tuyên bố, tám câu trả lời; chín câu hỏi, chín câu tuyên bố, chín câu trả lời; mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời.” Thưa Ðại Tỷ, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn ý nghĩa rộng rãi cần phải hiểu như thế nào?
  3. – Này các Hiền giả, tôi không được tận mặt nghe và tận mặt lãnh thọ từ Thế Tôn. Tôi cũng không được tận mặt nghe và tận mặt lãnh thọ từ các Tỷ-kheo có tu tập về ý. Tuy vậy, ở đây, vấn đề được trình bày với tôi như thế nào, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.

– Thưa vâng, Ðại tỷ.

Các nam cư sĩ ở Kajangalà vâng đáp Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà. Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà nói như sau:

4-5. – Một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy? (… Ở đây, giống như 4 câu hỏi đầu của kinh trước).

  1. Bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời được Thế Tôn nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong bốn pháp, này chư hiền, Tỷ-kheo chơn chánh khéo tu tập, tâm chơn chánh thấy được cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri mục đích, ngay trong hiện tại là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong bốn pháp?

— Trong bốn niệm xứ.

Trong bốn pháp này, này chư hiền, Tỷ-kheo chơn chánh khéo tu tập, chơn chánh… là người chấm dứt khổ đau.

Bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời, Thế Tôn đã nói như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.

7-8. Năm câu hỏi, năm câu tuyên bố, năm câu trả lời, Thế Tôn đã nói như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong năm pháp, này chư Hiền, Tỷ-kheo chơn chánh khéo tu tập tâm… là người chấm dứt khổ đau. Trong năm pháp gì?

— Trong năm căn…

Trong sáu pháp gì?

— Trong sáu xuất ly giới…

Trong bảy pháp gì?

— Trong bảy giác chi…

Trong tám pháp gì?

— Trong con đường Thánh có tám ngành…

Trong chín pháp gì?

— Trong chín hữu tình cư…

  1. Mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời, Thế Tôn đã nói như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Trong mười pháp, này chư Hiền, Tỷ-kheo chơn chánh khéo tu tập tâm, chơn chánh thấy được cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri mục đích, ngay trong hiện tại là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong mười pháp?

— Trong mười thiện đạo.

Trong mười pháp này, này chư Hiền, Tỷ-kheo chơn chánh tu tập tâm, chơn chánh thấy được cứu cánh, chơn chánh thắng tri mục đích, ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau.

Mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời, Thế Tôn đã nói như vậy. Do duyên này được nói như vậy.

  1. Như vậy, này chư Hiền, Thế Tôn đã nói đến trong các câu hỏi lớn: “Một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời…; mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời”. Này chư Hiền, lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Này chư Hiền, nếu muốn, các vị hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời các hiền giả như thế nào, hay như vậy thọ trì.

– Thưa vâng, Ðại tỷ.

Các nam cư sĩ ở Kajangalà sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà, thân phía hữu hướng về Tỳ kheo ni rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ ở Kajangalà, đem câu chuyện nói với Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà như thế nào, tất cả đều thuật lên Thế Tôn rõ.

  1. – Lành thay, lành thay, này các Gia chủ. Này các Gia chủ, có trí tuệ là Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà ! Này các Gia chủ, có trí tuệ là Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà ! Này các Gia chủ, nếu các Ông có đi đến Ta và hỏi ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như vậy, như Tỷ-kheo-ni ở Kajangalà đã trả lời.

Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy, hãy như vậy thọ trì.

(IX) (29) Người Kosalà

  1. – Này các Tỷ-kheo, xa trông như thế nào là nước Kàsi Kosalà, xa rộng như thế nào, là sự trị vì của vua Pasanadi nước Kosalà, trong phạm vi như vậy, vua Pasenadi nước Kosalà được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vua Pasenadi, nước Kosalà có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (vấn đề) ấy; do nhàm chán trong (vấn đề) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, xa cho đến mặt trăng, mặt trời di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương, cho đến như vậy là ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, có 1000 mặt trăng, có 1000 mặt trời, có 1000 vua núi Sineru, có 1000 cõi Diêm phù đề, 1000 Tây ngưu Hóa châu, 1000 Bắc-cu-lô-chân, 1000 Ðông thắng Thần châu, 4000 biển lớn, 4000 Ðại vương, 1000 Bốn đại Thiên vương, 1000 Tam thập tam thiên, 1000 Dạ-ma-thiên, 1000 Ðâu-suất thiên, 1000 Hóa lạc thiên, 1000 Tha hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm thiên giới. Này các Tỷ-kheo, xa rộng cho đến 1000 thế giới, Ðại phạm Thiên ở đấy được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ðại Phạm thiên có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (Ðại Phạm thiên) ấy, do nhàm chán trong (Ðại Phạm thiên) ấy, từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  3. Này các Tỳ-kheo, có một thời, đến thời ấy, thế giới này chuyển hoại, trong khi thế giới chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang âm thiên). Ở tại đấy, chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. Này các Tỷ-kheo, trong khi thế giới chuyển hoại, các Quang âm thiên được xem là tối thượng. Nhưng này các Tỷ-kheo, đối với chư Quang âm thiên, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong (chư Quang âm thiên) ấy; do nhàm chán trong (Quang âm thiên) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  4. Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này. Thế nào là mười?

Một người tưởng tri Thiền án đất, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Một người tưởng tri Thiền án nước… một người tưởng tri Thiền án lửa… một người tưởng tri Thiền án gió, một người tưởng tri Thiền án xanh… một người tưởng tri Thiền án vàng… một người tưởng tri Thiền án đỏ… một người tưởng tri Thiền án trắng… một người tưởng tri Thiền án hư không… một người tưởng tri Thiền án thức, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng.

Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong mười Thiền án xứ này, tức là Thiền án thức. Có người tưởng tri phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong ấy; do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này. Thế nào là tám?

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ nhất.

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thư hai.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, Ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ ba.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ tư.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta thấy, ta biết”. Ðó là thắng xứ thứ năm.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như bông kannikàra màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như lụa Ba-la-nại cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ sáu.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ – như bông bandhujìvaka màu đỏ, như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ,…ánh sáng đỏ. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ bảy.

Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong tám thắng xứ này, tức là có người tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng màu trắng, hình sắc màu trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nó gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này. Thế nào là bốn?

Con đường khổ thắng tri chậm; con đường khổ thắng tri mau; con đường lạc thắng tri chậm; con đường lạc thắng tri mau.

Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn con đường này, tức là con đường lạc thắng tri mau. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh thực hành như vậy. Ðối với các chúng sanh thực hành như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này. Thế nào là bốn?

Có người tưởng tri có hạn lượng. Có người tưởng tri đại hành. Có người tưởng tri vô lượng. Có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”.

Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này.

  1. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn tưởng này, tức là có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”. Này các Tỷ-kheo có những chúng sanh có tưởng như vậy. Ðối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến thoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
  2. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các thành kiến của các dị học, tức là: “Nếu ta không có trong lúc ấy, thời nay đã không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta”. Với người có tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có thể chờ đợi như sau: Sự không nhàm chán này đối với hữu sẽ không có đối với người ấy. Sự nhàm chán này đối với hữu diệt sẽ không có đối với người ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tri kiến như vậy. Ðối với chúng sanh có tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với các hạ liệt.
  3. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn… tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng.
  4. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng, tức là sự vượt qua một cách hoàn toàn Vô sở hữu xứ, sự chứng đạt và an trú Phi tưởng phi tưởng xứ. Họ thuyết pháp để thắng tri cái ấy, để giác ngộ cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, đối với các chúng sanh có nói như vậy, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với các hạ liệt.
  5. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Ba-la-môn… tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng.
  6. Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng, tức là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự chấm dứt vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của sáu xúc xứ, được giải thoát không có chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, Ta là người đã nói như vậy, đã tuyên bố như vậy. Và một số Sa-môn, Ba-la-môn xuyên tạc Ta với điều không thật là phi hữu, trống không, nói láo, nói rằng: “Sa-môn Gotama không tuyên bố sự liễu tri các dục, không tuyên bố sự liễu tri các sắc, không tuyên bố sự liễu tri các thọ”.
  7. Và này các Tỷ-kheo, ta tuyên bố sự liễu tri các dục, Ta tuyên bố sự liễu tri các sắc, ta tuyên bố sự liễu tri các thọ, Ta tuyên bố ngay trong hiện tại sự vô dục, tịch diệt, thanh lương không chấp thủ, Bát-niết-bàn.

(X) (30) Kosalà (2)

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala, từ một trận chiến trở về, thắng trận, mục đích đã đạt được. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến khu vườn. Xa cho đến đất có thể đi xe được, vua đi xe, rồi xuống xe đi bộ và vào khu vườn.
  2. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

– Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trú ở đâu? Thưa các Tôn giả, chúng tôi muốn yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Tâu Ðại vương, đây là ngôi tịnh xá, có cửa đóng. Ngài hãy đi đến ngôi nhà ấy, đừng có tiếng động, đừng có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ nơi then cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho Đại vương.

Rồi vua Pasenadi nước Kosalà, đi đến ngôi tịnh xá cửa đóng ấy, đi đến không có tiếng động, không có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ vào then cửa. Thế Tôn mở cửa. Rồi vua Pasenadi, nước Kosalàđi đi vào tịnh xá, đầu cúi rạp xuống trước chân Thế Tôn, miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa bóp, và nói lên tên mình:

– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà. Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà.

– Thưa Ðại vương, do Ðại vương thấy ý nghĩa lợi ích gì mà Ðại vương lại làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ lộ lòng kính mộ đối với cái thân này?

  1. Bạch Thế Tôn, để nêu rõ lòng biết ơn của con, để nói lên lòng cảm tạ của con đối với Thế Tôn, mà con làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ bày lòng từ ái đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, là vị đã an lập Thánh chánh lý cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh. Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ bày lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  2. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới; bạch Thế Tôn, vì con thấy ý nghĩa lợi ích này, mà con đã làm những cử hạ liệt quá mức như vậy và bày tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào được cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay là phước điền vô thượng ở đời. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ với Thế Tôn.
  6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng, khai mở tâm trí, ví như câu chuyện về ít dục, câu chuyện biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện như vậy, Thế Tôn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn tùy niệm nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời với các nét đại cương và các chi tiết. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhớ lại nhiều đời quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời sống với các nét đại cương và các chi tiết; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân…đều do hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn với thiên thanh nhãn tịnh siêu nhân, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  10. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.
  11. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công tác, có nhiều công việc phải làm.

– Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.

Rồi vua Pasanadi nước Kosalà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

-ooOoo-

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda