Tập Yếu I – Phần Quy Định Tại Đâu: Chương Pāṭidesanīya

Tập Yếu I

Phần Quy Định Tại Đâu

Chương Pāṭidesanīya

Do đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy trong khi biết trong khi thấy, điều pāṭidesanīya đến vị tự tay thọ lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến đã đi vào xóm nhà, rồi thọ thực đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Sāvatthi.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến vị tỳ khưu nọ.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, vị tỳ khưu nọ đã thọ lãnh vật thực từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến đã đi vào xóm nhà.

– Có một điều quy định.

– Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do hai nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân, không do khẩu không do ý; có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu. ―(như trên)―

Điều pāṭidesanīya đến vị không ngăn cản vị tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ rồi thọ thực đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Rājagaha.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến các tỳ khưu nhóm Lục Sư.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã không ngăn cản vị tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ.

– Có một điều quy định.

– Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do hai nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do khẩu, không do ý; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Điều pāṭidesanīya đến vị tự tay thọ lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học rồi thọ thực đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại thành Sāvatthi.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, nhiều vị tỳ khưu đã thọ lãnh không biết chừng mực.

– Có một điều quy định, có hai điều quy định thêm.

– Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do hai nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân, không do khẩu không do ý; có thể sanh lên do thân và do ý, không do khẩu. ―(như trên)―

Điều pāṭidesanīya đến vị tự tay thọ lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm chưa được báo tin trước trong khuôn viên tu viện ở những chỗ trú ngụ trong rừng rồi thọ thực đã được quy định tại đâu? – Đã được quy định tại xứ Sakka.

Liên quan đến ai? – Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu.

Về sự việc gì? – Trong sự việc ấy, nhiều vị tỳ khưu đã không thông báo về bọn trộm cướp đang ẩn náu trong tu viện.

– Có một điều quy định.

– Trong sáu nguồn sanh tội, điều ấy sanh lên do hai nguồn sanh tội: có thể sanh lên do thân và do khẩu, không do ý; có thể sanh lên do thân, do khẩu, và do ý. ―(như trên)―

Dứt bốn điều pāṭidesanīya.

*****

Tóm lược phần này

Không phải là thân quyến, vị đang chỉ bảo bày thức ăn, và bậc Thánh Hữu học, với vị ngụ ở rừng, bốn điều pāṭidesanīya đã được giảng giải bởi đấng Toàn Giác.