Tập Yếu Ii – Tăng Theo Từng Bậc: Nhóm Bốn

Tập Yếu II

Tăng Theo Từng Bậc

Nhóm Bốn

Có loại tội vi phạm do lời nói của bản thân, thoát khỏi (tội) do lời nói của người khác; có loại tội vi phạm do lời nói của người khác, thoát khỏi (tội) do lời nói của bản thân; có loại tội vi phạm do lời nói của bản thân, thoát khỏi (tội) do lời nói của bản thân; có loại tội vi phạm do lời nói của người khác, thoát khỏi (tội) do lời nói của người khác.[75]

Có loại tội vi phạm do thân thoát khỏi (tội) do khẩu, có loại tội vi phạm do khẩu thoát khỏi (tội) do thân,[76] có loại tội vi phạm do thân thoát khỏi (tội) do thân, có loại tội vi phạm do khẩu thoát khỏi (tội) do khẩu.

Có loại tội vi phạm khi ngủ thoát khỏi (tội) khi thức, có loại tội vi phạm khi thức thoát khỏi (tội) khi ngủ, có loại tội vi phạm khi ngủ thoát khỏi (tội) khi ngủ, có loại tội vi phạm khi thức thoát khỏi (tội) khi thức.

Có loại tội vi phạm vô ý thức thoát khỏi (tội) có ý thức, có loại tội vi phạm có ý thức thoát khỏi (tội) vô ý thức, có loại tội vi phạm vô ý thức thoát khỏi (tội) vô ý thức, có loại tội vi phạm có ý thức thoát khỏi (tội) có ý thức.[77]

Có loại tội trong lúc vi phạm thì sám hối, trong lúc sám hối thì vi phạm, có loại tội trong lúc vi phạm thì thoát khỏi (tội), trong lúc thoát khỏi (tội) thì vi phạm.[78]

Có loại tội vi phạm do hành sự (của hội chúng) thoát khỏi (tội) không do hành sự (của hội chúng), có loại tội vi phạm không do hành sự thoát khỏi (tội) do hành sự, có loại tội vi phạm do hành sự thoát khỏi (tội) do hành sự, có loại tội vi phạm không do hành sự thoát khỏi (tội) không do hành sự.[79]

Bốn sự phát biểu không thánh thiện:[80] không thấy nói đã thấy, không nghe nói đã nghe, không cảm giác nói đã cảm giác, không nhận thức nói đã nhận thức.

Bốn sự phát biểu thánh thiện: không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không cảm giác, không nhận thức nói không nhận thức.

Bốn sự phát biểu không thánh thiện khác nữa: đã thấy nói không thấy, đã nghe nói không nghe, đã cảm giác nói không cảm giác, đã nhận thức nói không nhận thức.

Bốn sự phát biểu thánh thiện khác nữa: đã thấy nói đã thấy, đã nghe nói đã nghe, đã cảm giác nói đã cảm giác, đã nhận thức nói đã nhận thức.

Bốn điều pārājika của các tỳ khưu là chung với (có liên quan đến) các tỳ khưu ni. Bốn điều pārājika của các tỳ khưu ni là không chung với (không có liên quan đến) các tỳ khưu.

Bốn loại vật dụng: có loại vật dụng nên được bảo quản, nên được gìn giữ, nên xem là của mình, nên được sử dụng; có loại vật dụng nên được bảo quản, nên được gìn giữ, nên xem là của mình, không nên được sử dụng; có loại vật dụng nên được bảo quản, nên được gìn giữ, không nên xem là của mình, không nên được sử dụng; có loại vật dụng không nên được bảo quản, không nên được gìn giữ, không nên xem là của mình, không nên được sử dụng.[81]

Có loại tội vi phạm với sự hiện diện, thoát khỏi (tội) với sự vắng mặt; có loại tội vi phạm với sự vắng mặt, thoát khỏi (tội) với sự hiện diện; có loại tội vi phạm với sự hiện diện, thoát khỏi (tội) với sự hiện diện; có loại tội vi phạm với sự vắng mặt, thoát khỏi (tội) với sự vắng mặt.[82]

Có loại tội vi phạm trong khi không biết, thoát khỏi (tội) trong khi biết; có loại tội vi phạm trong khi biết, thoát khỏi (tội) trong khi không biết; có loại tội vi phạm trong khi không biết, thoát khỏi (tội) trong khi không biết; có loại tội vi phạm trong khi biết, thoát khỏi (tội) trong khi biết.[83]

Vị vi phạm tội với bốn cách biểu hiện: vi phạm do thân, vi phạm do khẩu, vi phạm do thân do khẩu, vi phạm do tuyên ngôn hành sự. Vị vi phạm tội với bốn cách biểu hiện khác nữa: ở giữa hội chúng, ở giữa nhóm, trong sự hiện diện của cá nhân, do sự xuất hiện của phái tính.[84]

Vị thoát khỏi tội với bốn cách biểu hiện: thoát khỏi (tội) do thân, thoát khỏi (tội) do khẩu, thoát khỏi (tội) do thân do khẩu, thoát khỏi (tội) do tuyên ngôn hành sự.

Vị thoát khỏi tội với bốn cách biểu hiện khác nữa: ở giữa hội chúng, ở giữa nhóm, trong sự hiện diện của cá nhân, do sự xuất hiện của phái tính.[85] Với sự đạt được, vị (ấy) từ bỏ (giới tính) trước đây, được xác định trong (giới tính) sau này, các sự yêu cầu được thâu hồi, các điều quy định được hủy bỏ. Với sự đạt được, vị (ấy) từ bỏ (giới tính) sau này, được xác định trong (giới tính) trước đây, các sự yêu cầu được thâu hồi, các điều quy định được hủy bỏ.

Bốn sự cáo tội: vị cáo tội với sự hư hỏng về giới, vị cáo tội với sự hư hỏng về hạnh kiểm, vị cáo tội với sự hư hỏng về quan điểm, vị cáo tội với sự hư hỏng về nuôi mạng.

Bốn hình phạt parivāsa: hình phạt parivāsa có che giấu, hình phạt parivāsa không có che giấu, hình phạt parivāsa từ mốc trong sạch, hình phạt parivāsa kết hợp.

Bốn hình phạt mānatta: hình phạt mānatta có che giấu, hình phạt mānatta không có che giấu, hình phạt mānatta nửa tháng, hình phạt mānatta kết hợp.

Bốn sự đứt đêm của vị tỳ khưu hành mānatta: sự cư ngụ chung, sự cư ngụ tách rời, sự không trình báo, vị thực hành ở nhóm không đủ (tỳ khưu).[86]

Bốn pháp dung hòa.[87]

Bốn vật dụng được thọ lãnh: vật dùng đến hết ngọ, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng đến suốt đời.

Bốn vật dơ có tính quan trọng là: phân, nước tiểu, tro, và đất sét.[88]

Bốn loại hành sự: hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ nhì, hành sự có lời đề nghị đến lần thứ tư.

Bốn loại hành sự khác nữa: hành sự theo nhóm sai pháp, hành sự hợp nhất sai pháp, hành sự theo nhóm sai pháp, hành sự hợp nhất đúng pháp.[89]

Bốn sự hư hỏng: sự hư hỏng về giới, sự hư hỏng về hạnh kiểm, sự hư hỏng về quan điểm, sự hư hỏng về sự nuôi mạng.

Bốn sự tranh tụng: sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, và sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.[90]

Bốn điều làm ô uế tập thể: vị tỳ khưu giới hạnh tồi có ác pháp là điều làm ô uế tập thể, vị tỳ khưu ni giới hạnh tồi có ác pháp là điều làm ô uế tập thể, vị nam cư sĩ giới hạnh tồi có ác pháp là điều làm ô uế tập thể, vị nữ cư sĩ giới hạnh tồi có ác pháp là điều làm ô uế tập thể.

Bốn điều làm rạng rỡ tập thể: vị tỳ khưu có giới có thiện pháp là điều làm rạng rỡ tập thể, vị tỳ khưu ni có giới có thiện pháp là điều làm rạng rỡ tập thể, vị nam cư sĩ có giới có thiện pháp là điều làm rạng rỡ tập thể, vị nữ cư sĩ có giới có thiện pháp là điều làm rạng rỡ tập thể.

Có loại tội vị vãng lai vi phạm vị thường trú không (vi phạm), có loại tội vị thường trú vi phạm vị vãng lai không (vi phạm), có loại tội vị vãng lai luôn cả vị thường trú đều vi phạm, có loại tội vị vãng lai luôn cả vị thường trú đều không vi phạm.[91]

Có loại tội vị xuất hành vi phạm vị thường trú không (vi phạm), có loại tội vị thường trú vi phạm vị xuất hành không (vi phạm), có loại tội vị xuất hành luôn cả vị thường trú đều vi phạm, có loại tội vị xuất hành luôn cả vị thường trú đều không vi phạm.

Có sự khác biệt về sự việc không có sự khác biệt về tội vi phạm, có sự khác biệt về tội vi phạm không có sự khác biệt về sự việc, có sự khác biệt về sự việc và có sự khác biệt về tội vi phạm, không có sự khác biệt về sự việc và không có sự khác biệt về tội vi phạm.[92]

Có sự giống nhau về sự việc không có sự giống nhau về tội vi phạm, có sự giống nhau về tội vi phạm không có sự giống nhau về sự việc, có sự giống nhau về sự việc và có sự giống nhau về tội vi phạm, không có sự giống nhau về sự việc và không có sự giống nhau về tội vi phạm.

Có loại tội thầy tế độ vi phạm đệ tử không (vi phạm), có loại tội đệ tử vi phạm thầy tế độ không (vi phạm), có loại tội thầy tế độ luôn cả đệ tử đều vi phạm, có loại tội thầy tế độ và đệ tử đều không vi phạm.[93]

Có loại tội thầy dạy học vi phạm học trò không (vi phạm), có loại tội học trò vi phạm thầy dạy học không (vi phạm), có loại tội thầy dạy học luôn cả học trò đều vi phạm, có loại tội thầy dạy học và học trò đều không vi phạm.

Bốn duyên cớ của việc đứt mùa (an cư) mưa không phạm tội: hoặc là hội chúng bị chia rẽ, hoặc là có những người có ý định chia rẽ hội chúng, hoặc là có nguy hiểm đến mạng sống, hoặc là có nguy hiểm đến Phạm hạnh.[94]

Bốn ác hạnh về khẩu: lời nói dối, lời nói đâm thọc, lời nói dữ tợn, lời nói nhảm nhí.

Bốn thiện hạnh về khẩu: lời nói thật, lời nói không đâm thọc, lời nói nhỏ nhẹ, lời nói có mục đích.

Có (trường hợp) trong khi lấy đi vi phạm tội nặng trong khi ra lệnh vi phạm tội nhẹ,[95] có (trường hợp) trong khi lấy đi vi phạm tội nhẹ trong khi ra lệnh vi phạm tội nặng, có (trường hợp) trong khi lấy đi lẫn trong khi ra lệnh vi phạm tội nặng, có (trường hợp) trong khi lấy đi lẫn trong khi ra lệnh vi phạm tội nhẹ.

Có người xứng đáng việc đảnh lễ không xứng đáng việc đứng dậy, có người xứng đáng việc đứng dậy không xứng đáng việc đảnh lễ, có người xứng đáng việc đảnh lễ và xứng đáng việc đứng dậy, có người không xứng đáng việc đảnh lễ cũng không xứng đáng việc đứng dậy.[96]

Có người xứng đáng với chỗ ngồi không xứng đáng việc đảnh lễ, có người xứng đáng việc đảnh lễ không xứng đáng với chỗ ngồi, có người xứng đáng với chỗ ngồi và xứng đáng việc đảnh lễ, có người không xứng đáng với chỗ ngồi cũng không xứng đáng việc đảnh lễ.

Có loại tội vi phạm lúc đúng thời không (vi phạm) lúc sái thời, có loại tội vi phạm lúc sái thời không (vi phạm) lúc đúng thời, có loại tội vi phạm lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời, có loại tội không vi phạm lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời.[97]

Có vật thọ lãnh được phép lúc đúng thời không (được phép) lúc sái thời, có vật thọ lãnh được phép lúc sái thời không (được phép) lúc đúng thời, có vật thọ lãnh được phép lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời, có vật thọ lãnh không được phép lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời.[98]

Có loại tội vi phạm trong các quốc độ ở biên địa không (vi phạm) ở trung tâm, có loại tội vi phạm trong các quốc độ ở trung tâm không (vi phạm) ở biên địa, có loại tội vi phạm trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm, có loại tội không vi phạm trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm.[99]

Có việc được phép trong các quốc độ ở biên địa không (được phép) ở trung tâm, có việc được phép trong các quốc độ ở trung tâm không (được phép) ở biên địa, có việc được phép trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm, có việc không được phép trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm.

Có loại tội vi phạm ở bên trong không (vi phạm) ở bên ngoài, có loại tội vi phạm ở bên ngoài không (vi phạm) ở bên trong, có loại tội vi phạm ở bên trong luôn cả ở bên ngoài, có loại tội không vi phạm ở bên trong luôn cả ở bên ngoài.

Có loại tội vi phạm ở bên trong ranh giới không (vi phạm) ở bên ngoài ranh giới, có loại tội vi phạm ở bên ngoài ranh giới không (vi phạm) ở bên trong ranh giới, có loại tội vi phạm ở bên trong ranh giới luôn cả ở bên ngoài ranh giới, có loại tội không vi phạm ở bên trong ranh giới luôn cả ở bên ngoài ranh giới.

Có loại tội vi phạm ở làng không (vi phạm) ở rừng, có loại tội vi phạm ở rừng không (vi phạm) ở làng, có loại tội vi phạm ở làng luôn cả ở rừng, có loại tội không vi phạm ở làng luôn cả ở rừng.[100]

Bốn sự cáo tội: do thấy rõ sự việc, do thấy rõ tội vi phạm, khước từ việc đồng cộng trú, khước từ phận sự đúng đắn.

Bốn nhiệm vụ đầu tiên.[101] Bốn thời điểm thích hợp.[102] Bốn tội pācittiya không vì nguyên nhân khác.[103] Bốn sự đồng ý của các tỳ khưu.[104]

Bốn sự thiên vị: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi.

Bốn sự không thiên vị: không thiên vị vì thương, không thiên vị vì ghét, không thiên vị vì si mê, không thiên vị vì sợ hãi.

Vị tỳ khưu vô liêm sỉ chia rẽ hội chúng có bốn yếu tố: trong khi thiên vị vì thương, trong khi thiên vị vì ghét, trong khi thiên vị vì si mê, trong khi thiên vị vì sợ hãi.

Vị tỳ khưu hiền thiện làm hợp nhất hội chúng đã bị chia rẽ có bốn yếu tố: trong khi không thiên vị vì thương, trong khi không thiên vị vì ghét, trong khi không thiên vị vì si mê, trong khi không thiên vị vì sợ hãi.

Không nên hỏi về Luật (ở) vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi.

Vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi không nên hỏi về Luật.

Không nên trả lời về Luật cho vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi.

Vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi không nên trả lời về Luật.

Không nên ban cho sự thẩm vấn (về Luật) đến vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi.

Không nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có bốn yếu tố: thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi.

Có loại tội vị bị bệnh vi phạm vị không bị bệnh không (vi phạm), có loại tội vị không bị bệnh vi phạm vị bị bệnh không (vi phạm), có loại tội vị bị bệnh luôn cả vị không bị bệnh đều vi phạm, có loại tội vị bị bệnh và cả vị không bị bệnh đều không vi phạm.[105]

Bốn sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha sai pháp. Bốn sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha đúng pháp.[106]

Dứt Nhóm Bốn.

*****

Tóm lược phần này

Do lời nói của bản thân, do thân, khi ngủ, và vô ý thức, trong khi vi phạm, và do hành sự, bốn sự phát biểu là tương tợ.

Của các tỳ khưu và của các tỳ khưu ni, vật dụng, và có sự hiện diện, vào thời điểm không biết, và ở giữa (hội chúng), vị thoát tội, có hai cách tương tợ.

Sự đạt được, và sự cáo tội, và các hình phạt parivāsa được đề cập đến, vị hành mānatta, (bốn) pháp dung hòa, (bốn) sự thọ lãnh.

(Bốn) vật dơ quan trọng, các hành sự, lại thêm các hành sự, và các sự hư hỏng, các sự tranh tụng, và các hạng có giới hạnh tồi, các điều làm rạng rỡ, và với vị vãng lai.

Vị (tỳ khưu) xuất hành, có sự khác biệt về sự việc, và có sự giống nhau, với vị thầy tế độ, thầy dạy học, và duyên cớ, ác hạnh, thiện hạnh.

Trong khi lấy, và nhân vật, và các vị xứng đáng với chỗ ngồi, và lúc đúng thời, luôn cả điều được phép, được phép ở các xứ ở biên địa.

Ở bên trong, và ở trong ranh giới, ở làng, và về việc cáo tội, nhiệm vụ đầu tiên, thời điểm được thích hợp, không vì nguyên nhân khác, và với các sự đồng ý.

Thiên vị, và luôn cả không thiên vị, vị vô liêm sỉ, và với vị hiền thiện, cả hai phần nên vấn, hai phần nên đáp là tương tợ, việc thẩm vấn, và thảo luận, vị bị bệnh và với sự đình chỉ.

–ooOoo–

[75] Có tội vi phạm do lời nói của bản thân là phạm tội do khẩu, thoát tội do lời nói của bản thân là do việc sám hối, có tội vi phạm do lời nói của người khác là tội có tuyên ngôn nhắc nhở, thoát tội do lời nói của người khác là thoát tội do tuyên ngôn hành sự trong việc giải tội saṅghādisesa (VinA. vii, 1328-1329).

[76] Thoát khỏi tội do thân là cách dùng cỏ che lấp của pháp dàn xếp tranh tụng (Sđd. 1329).

[77] Có tội vi phạm vô ý thức là vị vi phạm tội không có sự liên quan của tâm, thoát tội có ý thức là vị thoát khỏi tội có sự liên quan của tâm, có tội vi phạm có ý thức là vị vi phạm tội có sự liên quan của tâm, thoát tội vô ý thức là cách dùng cỏ che lấp (Sđd.).

[78] Tội trong lúc sám hối thì vi phạm: Liên quan việc các tỳ khưu phạm tội giống nhau, ví dụ tội pācittiya, như vậy trong lúc sám hối tội pācittiya thì vi phạm tội dukkaṭa, trong lúc vi phạm tội dukkaṭathì thoát khỏi tội pācittiya, trong lúc thoát khỏi tội pācittiya thì vi phạm tội dukkaṭa (Sđd.).

[79] Có tội vi phạm do hành sự: ví dụ như việc không chịu từ bỏ tà kiến ác với sự nhắc nhở của hội chúng, thoát tội không do hành sự: như trong lúc sám hối. Có tội vi phạm không do hành sự: như việc làm xuất ra tinh dịch, thoát tội do hành sự như việc thực hành hành phạt parivāsa, v.v… (Sđd.). Phần còn lại nên được giải thích tương tợ.

[80] Xem điều học pācittiya thứ nhất về việc cố tình nói dối (Pācittiyapāḷi Bhikkhuvibhaṅga – Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2, TTPV 02, trang 5).

[81] Bốn loại vật dụng: Vật dụng của bản thân là loại thứ nhất, vật dụng của hội chúng là loại thứ nhì, vật dụng dùng ở bảo tháp là loại thứ ba, vật dụng của hàng tại gia là loại thứ tư (VinA. vii, 1329-1330).

[82] Ở đây là với sự hiện diện hoặc với sự vắng mặt của hội chúng. Được giải thích tương tợ phần [b] ở trên (Sđd. 1330).

[83] Được giải thích tương tợ phần [c] của trang 37 về tội vi phạm vô ý thức và có ý thức (Sđd.).

[84] Là sự thay đổi giới tính của vị tỳ khưu hoặc vị tỳ khưu ni. Ngủ chung chỗ trú ngụ là tội được đề cập đến (Sđd.).

[85] Thoát khỏi tội do sự xuất hiện của phái tính: Khi thay đổi giới tính, những tội thuộc loại quy định riêng đã vi phạm thì được thoát tội (Sđd.).

[86] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương II, trang 189.

[87] Được ghi lại nghĩa Việt theo Chú Giải: ‘cattāro sāmukkaṃsāti cattāro mahāpadesā’ (VinA. vii, 1330). Xem chi tiết về bốn pháp dung hòa ở Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương VI, trang 107.

[88] Xem thêm điều học pācittiya 40 về tăm xỉa răng (Pācittiyapāḷi Bhikkhuvibhaṅga – Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2, TTPV 02, trang 251); và bốn loại vật dơ có tính quan trọng (Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương VI, trang 17).

[89] Xem Mahāvagga – Đại Phẩm tập 2, TTPV 05, chương IX, trang 247.

[90] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 1, TTPV 06, chương IV, trang 377.

[91] Các tội do không thực hành phận sự của vị vãng lai là phần thứ nhất, các tội do không thực hành phận sự của vị thường trú là phần thứ nhì, các tội do không thực hành các phận sự khác, các tội được quy định riêng cho một hội chúng thì vị vãng lai luôn cả vị thường trú đều không vi phạm (VinA. vii, 1331). Nhóm bốn kế tiếp được giải thích tương tợ.

[92] Có sự khác biệt về sự việc không có sự khác biệt về tội vi phạm: Ví dụ như bốn tội pārājika có sự khác biệt về sự việc không có sự khác biệt về tội vi phạm. Có sự khác biệt về tội vi phạm không có sự khác biệt về sự việc: Ví dụ như việc xúc chạm cơ thể, tỳ khưu phạm saṅghādisesa còn tỳ khưu ni phạm pārājika; hoặc việc nhai tỏi, tỳ khưu phạm dukkaṭa, còn tỳ khưu ni phạm pācittiya. Có sự khác biệt về sự việc và có sự khác biệt về tội vi phạm: là khi so sánh các nhóm tội này với nhóm tội khác. Không có sự khác biệt về sự việc và không có sự khác biệt về tội vi phạm: là các tội quy định chung cho các tỳ khưu và các tỳ khưu ni (Sđd.). Nhóm bốn kế tiếp về ‘có sự giống nhau và không có sự giống nhau’ nên được giải thích tương tợ.

[93] Có tội thầy tế độ vi phạm đệ tử không (vi phạm): là phận sự của thầy tế độ. Có tội đệ tử vi phạm thầy tế độ không (vi phạm) là phận sự của đệ tử. Có tội thầy tế độ luôn cả đệ tử đều vi phạm là các phận sự còn lại. Có tội thầy tế độ và đệ tử đều không vi phạm là các tội được quy định riêng cho một hội chúng, còn hội chúng kia không vi phạm. Nhóm bốn kế tiếp về thầy dạy học và học trò nên được giải thích tương tợ (Sđd. 1331-1332).

[94] Xem chi tiết ở Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương III, các trang 373-379.

[95] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Trong khi tự tay lấy đi (bước đi) một bước hoặc hơn một bước vi phạm tội nặng, trong khi ra lệnh vị khác với lời chỉ thị rằng: ‘Hãy mang đi chưa tới một bước’ vi phạm tội nhẹ. Ba phần còn lại nên được hiểu theo phương thức này” (VinA. vii, 1332).

[96] Về người xứng đáng và không xứng đáng về việc đảnh lễ và việc đứng dậy: Trường hợp vị đang thọ thực trong nhà ăn không thể đứng dậy đối với vị thâm niên hơn là trường hợp thứ nhất, vị mới tu đối với vị thâm niên hơn đang thực hành parivāsa là trường hợp thứ nhì, vị mới tu đối với vị thâm niên hơn là trường hợp thứ ba, và ngược lại là trường hợp thứ tư. Nhóm bốn kế được giải thích tương tợ (Sđd.).

[97] Tội vi phạm lúc đúng thời không (vi phạm) lúc sái thời: là sau khi đã ngăn vật thực rồi lại thọ dụng thêm. Tội vi phạm lúc sái thời không (vi phạm) lúc đúng thời: là thọ dụng vật thực sái thời. Tội vi phạm lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời: là các tội còn lại. Tội không vi phạm lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời: là trường hợp thứ tư liên quan đến các điều đã được quy định riêng cho một hội chúng (Sđd.).

[98] Vật thọ lãnh được phép lúc đúng thời không được phép lúc sái thời: như là vật thực thọ lãnh trước bữa ăn. Thức uống là vật được phép thọ lãnh vào lúc sái thời và không được phép lúc đúng thời khi đã để qua ngày hôm sau. Vật thọ lãnh được phép lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời như là vật dùng trong bảy ngày hoặc vật dùng đến suốt đời. Vật thọ lãnh không được phép lúc đúng thời luôn cả lúc sái thời ví dụ như loại thịt không được phép (Sđd.).

[99] Tội vi phạm trong các quốc độ ở biên địa không (vi phạm) ở trung tâm: như việc kết ranh giới ở trên biển. Tội vi phạm trong các quốc độ ở trung tâm không (vi phạm) ở biên địa: ví dụ như cho tu lên bậc trên với nhóm năm vị, tắm rửa thường xuyên, đồ trải lót bằng da thú, dép có nhiều lớp, v.v… (Xem Mahāvagga – Đại Phẩm tập 1, TTPV 04, chương V, các trang 513-515). Tội vi phạm trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm: là các tội còn lại. Tội không vi phạm trong các quốc độ ở biên địa luôn cả ở trung tâm là các tội quy định riêng cho một hội chúng, hội chúng kia dầu có thực hiện cũng không vi phạm (VinA. vii, 1332-1333). Nhóm bốn kế tiếp được giải thích tương tợ.

[100] Tội vi phạm ở làng không (vi phạm) ở rừng: là các điều học sekhiya. Tội vi phạm ở rừng không (vi phạm) ở làng: như vị tỳ khưu ni đang chờ đợi trời sáng. Tội vi phạm ở làng luôn cả ở rừng: như tội nói dối, v.v… Tội không vi phạm ở làng luôn cả ở rừng: là các tội quy định riêng cho một hội chúng, hội chúng kia không phạm (Sđd. 1333).

[101] Bốn nhiệm vụ đầu tiên là đề cập đến các nhiệm vụ trong ngày Uposatha hoặc Pavāraṇā như quét dọn, đèn, nước, chỗ ngồi; hoặc bốn nhiệm vụ đầu tiên khác là việc đem lại sự tùy thuận và bày tỏ sự trong sạch, tính đếm mùa tiết, tính đếm số lượng tỳ khưu, và việc giáo giới (Sđd.).

[102] Bốn thời điểm thích hợp là: vào ngày lễ Uposatha, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự đã đến, các vị không phạm đồng tội, các nhân vật phạm tội không hiện diện (Sđd.).

[103] Là các tội pācittiya 16, 42, 77, 78 vì có câu ‘etadeva paccayaṃ karitvā anaññaṃ pācittiyaṃ’ nghĩa là: ‘Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác thì phạm tội pācittiya ’ (Sđd.).

[104] Bốn sự đồng ý của các tỳ khưu: là đề cập đến việc không phạm các tội nissaggiya pācittiya 2, 14, 29 và tội pācittiya 9 do đã có được sự đồng ý của hội chúng tỳ khưu (Sđd.).

[105] Có tội vị bị bệnh vi phạm: là trường hợp vị bị bệnh cần loại dược phẩm này lại yêu cầu loại khác. Có tội vị không bị bệnh vi phạm: là trường hợp vị không bị bệnh yêu cầu dược phẩm. Có tội vị bị bệnh luôn cả vị không bị bệnh đều vi phạm: ví dụ như tội nói dối, v.v… Có tội vị bị bệnh và cả vị không bị bệnh đều không vi phạm: là các tội quy định riêng cho một hội chúng (Sđd.).

[106] Xem Cullavagga – Tiểu Phẩm tập 2, TTPV 07, chương IX, các trang 437-453.