Ngữ Nguyên Của Từ Jhāna – Phân Tích Trọng Yếu Về Các Jhāna Trong Thiền Phật Giáo
Ngữ Nguyên Của Từ Jhāna
Trích từ “Phân Tích Trọng Yếu Về Các Jhāna Trong Thiền Phật Giáo Nam Truyền” – Pháp Triều dịch từ tác phẩm của Thiền Sư Henepola Gunaratana
Ngài Bhadantācariya Buddhaghosa, nhà chú giải vĩ đại của Phật Giáo, đã truy gốc của thuật ngữ jhāna (Sanskrit là dhyāna) thông qua hai dạng động từ. Dạng xuất phát đúng theo ngữ nguyên học là động từ jhāyati, có nghĩa là suy nghĩ hay trầm tư. Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Các hành giả trầm tư suy nghĩ do bởi hay thông qua phương cách này, cho nên nó được gọi là jhāna…
Điều này có nghĩa là các hành giả nhận biết một đối tượng cụ thể.” (Wr. tr.) Ngài cũng đưa ra thêm một dạng xuất phát khác mang tính khôi hài của thuật ngữ jhāna, với mục đích làm rõ chức năng của nó hơn thay vì là nguồn gốc từ. Dạng xuất phát này cho rằng thuật ngữ jhāna đến từ động từ jhāpeti, mà có nghĩa là “đốt cháy” do vì: “Nó đốt cháy các trạng thái đối nghịch, cho nên nó được gọi là jhāna.” (Wr. tr.)
Mục đích hay ý nghĩa của nguồn gốc thứ hai này là jhāna “đốt cháy” hay loại bỏ những sự che mờ vốn làm ngăn cản sự phát triển của an tịnh và minh sát. Liên quan đến vấn đề này, ngài Ācariya Mahānāma, một nhà chú giải Pāḷi thuộc thế hệ sau, có giải thích về jhāna siêu thế với lời ghi chú như sau: “Người mà có jhāna này sanh lên trong bản thân mình thì đốt cháy hết những khát vọng; do đó, ông ta hủy diệt và tẩy trừ chúng. Do đó, trạng thái này (tức là jhāna siêu thế (lokuttara jhāna)) được gọi là jhāna theo nghĩa ‘đốt cháy’.”
Ngài Buddhaghosa nói rằng jhāna có dấu hiệu nổi bật là sự trầm tư suy tưởng, hay quán tưởng (upanijjhānalakkhaṇa). Ngài tuyên bố rằng, quán tưởng thì có hai loại: quán tưởng về đối tượng (ārammaṇūpanijjhāna) và quán tưởng về các đặc tính của các hiện tượng (lakkhaṇūpanijjhāna). Loại quán tưởng thứ nhất được tiến hành hay được thực hiện thông qua tám sự chứng đắc an tịnh cùng với dạng cận định của chúng, vì những trạng thái này quán tưởng đối tượng hay đề mục mà được bắt làm nền tảng cho sự phát triển sự tập trung hay định. Vì lý do này, những sự chứng đắc này, đặc biệt là bốn tầng mức đầu tiên, được đặt tên cho là “jhāna” trong nền văn học Pāḷi chính thống về thiền.
Tuy nhiên, ngài Buddhaghosa cũng cho phép thuật ngữ này được nới rộng để bao gồm luôn của minh sát, các đạo và các quả (ND: siêu thế), dựa trên lý do hay nền tảng rằng những trạng thái tinh thần phía sau này thực hiện công việc quán chiếu các đặc tính. Ngài giải thích như sau:
Ở đây, minh sát quán tưởng các đặc tính của sự vô thường, [khổ và vô ngã]. Công việc quán chiếu của minh sát được làm hoàn thiện bởi đạo; do đó, đạo được gọi là sự quán tưởng các đặc tính. Quả (ND: siêu thế) quán tưởng đặc tính thật sự của sự hủy diệt (ND: tức là Níp-bàn); do đó, nó được gọi là sự quán tưởng các đặc tính. (Wr. tr.)
Nói tóm lại, hai ý nghĩa “quán chiếu” và “đốt cháy” có thể được minh chứng là có kết nối với tiến trình thiền định như sau. Thông qua việc gắn chặt tâm trí của mình vào đối tượng hay vào đề mục, hành giả làm giảm thiểu hay loại bỏ những đặc tính tinh thần thấp kém hơn như năm triền cái và làm thúc đẩy sự thăng tiến của những đặc tính tinh thần cao quý hơn như các chi thiền (jhānaṅga). Khi hiển thị, những trạng thái này gắn chặt vào đối tượng với năng lực gia tăng, dẫn đến việc tâm trí thẩm thấu hay an trí hoàn toàn vào đối tượng. Rồi, thông qua việc quán tưởng các đặc tính của các pháp bằng tuệ minh sát, hành giả cuối cùng đạt đến jhāna siêu thế của bốn đạo. Với loại jhāna này, hành giả đốt cháy những phiền não và chứng đắc sự trải nghiệm giải thoát của các quả (siêu thế).