ĐỨC PHẬT VÀ 45 NĂM HOẰNG PHÁP ĐỘ SINH TẬP V – TỲ KHƯU CHÁNH MINH
Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh
Tập V
Tỳ Khưu Chánh Minh
Lời nói đầu.
-o-o-oMỗi mảnh đời là một khung trời nhỏ, có những khung trời diễm ảo, rộn tiếng chim ca, hoa nở rợp trời, đường đi trải hoa, lót gấm, đóng khung bằng nhung lụa tuyệt vời. Có những khung trời lắm ngả rẽ bi thương, mỗi bước đi là tiếng hát đoạn trường, là những giòng suối lệ trào tuôn. Đường đi sao lắm nẻo quanh co, gập ghềnh, trắc trở, có nhiều khung cửa hẹp chắn lối.
Có những bậc Thánh nhân tuy đức hạnh tròn đầy khi tuổi vừa lên bảy, như Ngài Sīvali, Ngài Saṅkicca, Ngài Paṇḍita, Ngài Sukha, Ngài Revata … nhưng mảnh đời riêng khác nhau nhiều nổi.
Ngài Saṅkicca khi còn nằm trong thai bào, mẹ lại qua đời. Tuy ngọn lửa hồng không huỷ hoại thân xác hài nhi, nhưng đã huỷ diệt bóng hình người mẹ thân yêu, hài tử chưa một lần được nhìn thấy mẹ, chưa một lần được gọi lên hai tiếng “mẹ ơi”, chưa một lần được nếm những giọt sữa ngọt ngào thắm đượm thâm tình mẫu tử. Ngài Sīvali phải “bảy năm sống trong chiếc bình đầy máu, 7 ngày mê man trước khi chào đời”, cả `mẹ lẫn con đều oằn oại trong làn gió lốc ác nghiệp duyên.
Ngược lại, Ngài Paṇḍita, Ngài Sukha từ trong danh gia vọng tộc với đại tài sản lại muốn xuất gia, sau 8 ngày đã không còn “mang nợ tín thí”, là chủ nhân của 7 kho Thánh sản: Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ; thong dong tự tại vượt ra khỏi bến nước tử sinh.
Ngài Rādha lại gặt lấy nổi buồn phiền, bị gia đình bỏ rơi. Bị vợ con xem “như người xa lạ” khi tuổi đã “bóng ngã về chiều”, muốn xuất gia lại bị khước từ, buồn thay cho “thân già đơn lẻ”.
Thê lương hơn là Ngài Losakatissa, từ buổi sơ sinh đế lúc lúc mệnh chung, chỉ được no lòng một bữa cuối cùng.
Một Thánh nữ Alahán tương lai với “trí nhạy bén” cao tột, lại “thương nhớ gã tử tù quay quắt”, đến nỗi “chàng chết rồi, ta cũng chẳng tha thiết sống”.
Nhưng rồi “chính kẻ nàng thương, lại muốn giết nàng để đoạt lấy những trang sức vô tri”. Ôi !. Tình là đâu? Nghĩa là đâu? Thương yêu đó, giết nhau cũng đó. Kinh sợ thay “nghiệp quả luân hồi”, kinh cảm thay “phiền não luân hồi”, cuốn hút chúng sinh rơi vào hố sâu sinh sinh tử tử triền miên. Đọc những “mảnh đời riêng” của các bậc Thánh hiền, người có trí suy gẫm về “nhân quả và nghiệp báo”, đưa tâm lánh xa việc ác, trau dồi thiện nghiệp, tích cực hành pháp, để đường an lạc rộng mở thênh thang, đó là hành trang giúp kẻ lữ hành nhanh chóng đạt “đỉnh cao an toàn tuyệt đối”.
Tỳkhưu Chánh Minh cẩn bút.
Đức-Phật-và-45-Năm-Hoằng-Độ-Sinh-5