Phật Sử – Lịch Sử Đức Phật: Lịch Sử Đức Phật Kassapa

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Lịch Sử Đức Phật Kassapa

  1. Sau (đức Phật) Koṇāgamana, có bậc Toàn Giác, đấng Tối Thượng Nhân tên Kassapa là vị Pháp Vương tỏa sáng hào quang.
  1. Vị ấy sau khi biếu tặng vật thí là tài sản gia đình đã được xả bỏ và nhiều cơm ăn nước uống đến những người ăn xin và làm tròn đủ tâm ý, vị ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, ví như con bò mộng đã (được tự do sau khi) phá vỡ chuồng trại.
  1. Trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Kassapa đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của hai mươi ngàn koṭi (hai trăm tỷ) vị.
  1. Vào lúc đức Phật đi du hành ở thế gian trong bốn tháng, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của mười ngàn koṭi (một trăm tỷ) vị.
  1. Sau khi đã thể hiện sự biến hóa song thông, vị ấy đã giảng giải về bản thể của trí tuệ; đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của năm ngàn koṭi (năm mươi tỷ) vị.
  1. Ở tại thành phố của chư thiên Sudhammā xinh xắn, đấng Chiến Thắng đã giảng giải Giáo Pháp ở tại nơi ấy và đã giác ngộ ba ngàn koṭi (ba mươi tỷ) chư thiên.
  1. Trong lần thuyết giảng Giáo Pháp khác cho dạ-xoa Naradeva, sự lãnh hội của những người ấy là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
  1. Vị Thiên Nhân ấy của chư thiên đã có chỉ một lần hội tụ gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
  1. Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của hai mươi ngàn vị tỳ khưu là những vị đã vượt qua tham ái bằng sự hổ thẹn (tội lỗi) và giới hạnh như thế ấy.
  1. Vào lúc bấy giờ, ta là thanh niên Bà-la-môn nổi tiếng với tên Jotipāla, là người trì tụng, nắm vững chú thuật, thành thạo ba bộ Vệ Đà.
  1. Ta đã đạt đến sự toàn hảo về khoa tướng mạo, về truyền thuyết, và về các phận sự chánh yếu, là vị rành rẽ về trời đất, có trí tuệ đã được hoàn tất, thuần thục.
  1. Vị hộ độ của đức Thế Tôn Kassapa tên Ghaṭikāra (thợ làm đồ gốm), là người có sự tôn kính, có sự vâng lời, đã đạt Niết Bàn trong quả vị thứ ba (Bất Lai).
  1. Ghaṭikāra đã đưa ta đi đến gặp đấng Chiến Thắng Kassapa. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị ấy, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
  1. Sau khi đã khởi sự tinh cần và là người thông thạo trong các phận sự lớn nhỏ, ta không bỏ sót bất cứ điều gì và làm tròn đủ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
  1. Cho đến những gì đã được đức Phật nói lên tức là Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng gồm chín thể loại, sau khi học tập toàn bộ ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
  1. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở nơi ta, đức Phật ấy cũng đã chú nguyện rằng: “Trong kiếp Bhadda này, người này sẽ trở thành vị Phật.
  1. Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
  1. Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
  1. Ở tại bờ sông Nerañjarā, (đức Như Lai) thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
  1. Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề, bậc Vô Thượng Nhân, vị có danh tiếng vĩ đại, sẽ ngồi xuống vào tư thế kiết già và sẽ được giác ngộ ở chỗ ngồi giác ngộ tối thắng trong vị thế bất bại.
  1. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
  1. Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
  1. Khemā và Uppalavaṇṇā không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.
  1. Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
  1. Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
  1. Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy (nói rằng):
  1. Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
  1. Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
  1. Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
  1. Sau khi nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
  1. Như thế, sau khi đã trôi nổi (luân hồi) và trong khi tránh xa điều sai trái, ta có điều khó thực hành được đã được thực hành, và nguyên nhân chính là vì quả vị Giác Ngộ của ta.
  1. Thành phố có tên là Bārāṇasī, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Kikī. Tại nơi ấy, gia tộc vĩ đại của đấng Toàn Giác cư ngụ ở trong thành phố.
  1. Và vị Bà-la-môn Brahmadatta ấy đã là người cha của đức Phật. Người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Kassapa tên là Dhanavatī.
  1. Vị ấy đã sống ở giữa gia đình hai ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Haṃsa, Yasa, và Sirinanda.
  1. Có ba lần mười sáu ngàn (bốn mươi tám ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sunandā. Con trai tên là Vijitasena.
  1. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng tòa lâu đài và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
  1. Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Kassapa đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) ở tại Migadāya (vườn nai).
  1. Tissa và Bhāradvāja đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Kassapa tên là Sabbamitta.
  1. Anulā và Uruvelā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Nigrodha.”
  1. Sumaṅgala và Ghaṭīkāra đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Vijitasenā và Bhaddā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
  1. Đạt đến chiều cao hai mươi ratana (5 mét), đức Phật ấy tương tợ như lằn tia chớp ở trên bầu trời, như là mặt trăng được tròn đầy bởi quầng ánh sáng.
  1. Tuổi thọ của bậc Đại Ẩn Sĩ ấy là hai chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
  1. Sau khi đã tạo ra hồ nước Chánh Pháp, đã ban hành dầu thơm giới (đức), đã mặc vào tấm vải Chánh Pháp, đã phân phối tràng hoa Chánh Pháp,[6]
  1. sau khi đã thiết lập cho đại chúng tấm gương Giáo Pháp không tỳ vết, (vị ấy đã nói rằng): “Những ai mong mỏi Niết Bàn, hãy nhìn vào vật trang sức của ta.”
  1. Sau khi đã ban cho tấm áo giáp là Giới có tấm da chắn bảo vệ là Thiền phủ lên, sau khi đã trùm lên tấm da Giáo Pháp (là Niệm và Tỉnh Giác), sau khi đã ban cho tấm chiến bào tối thắng (là Tứ Chánh Cần).
  1. Sau khi đã ban cho tấm mộc che là Niệm, cây thương là Trí Tuệ sắc bén, sau khi đã ban cho cây gươm cao quý là Giáo Pháp và Giới nhằm mục đích trừ diệt sự gắn liền (với các phiền não).
  1. Sau khi đã ban cho vật tô điểm là ba Minh, vòng nguyệt quế là bốn Quả Vị, sau khi đã ban cho vật trang sức là sáu Thắng Trí và tràng hoa Giáo Pháp (là chín Pháp Siêu Thế).
  1. Sau khi đã ban cho chiếc lọng trắng Diệu Pháp ngăn chặn các điều sai trái, sau khi làm hiện ra bông hoa Vô Úy, vị ấy đã Niết Bàn cùng với các Thinh Văn.
  1. Chính vị này là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác không thể đo lường, khó thể đạt đến. Đây chính là Pháp Bảo đã khéo được thuyết giảng, hãy đến và thấy.
  1. Đây chính là Tăng Bảo đã thực hành đúng đắn và vô thượng; tất cả đều hoàn toàn biết mất; phải chăng tất cả các hành là trống không?
  1. Bậc Đạo Sư, đấng Chiến Thắng cao quý Mahākassapa, đã Niết Bàn tại tu viện Setavyā. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên có chiều cao một do-tuần ở ngay tại nơi ấy.

Lịch sử đức Phật Kassapa là phần thứ hai mươi bốn.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda