Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Học Văn Tự
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Học văn tự
Vì Phật pháp chú trọng vào một kinh nghiệm trực tiếp không qua một trung gian, tiếp xúc ngay với tự tính của thực tại, cho nên đôi khi người ta không biết có phải nên tìm đọc thêm kinh điển hay không! Ta có cần thiết phải đọc và học kinh điển thì mới có thể đạt được một tuệ giác thâm sâu hay không? Câu trả lời hiển nhiên là không! Biết bao nhiêu những vị thiền sư, thánh tăng trong quá khứ đã tu tập mà không cần học văn tự, có vị mù chữ mà vẫn đạt đến một sự giác ngộ uyên thâm.
Nhưng học kinh điển có giúp ích gì không? Đối với đa số chúng ta, câu trả lời hiển nhiên là có!
Văn tự trong kinh là những lời dạy của Đức Phật, hoặc của các vị Tổ trong nhiều truyền thống khác nhau của Phật giáo. Chúng chỉ thẳng vào tự tính của tâm, tự tính của khổ đau và tự tính của giải thoát. Những lời dạy này không phải để cho ta chấp nhận như những tín điều, nhưng phải được sử dụng như la những mũi tên chỉ cho ta thấy được kinh nghiệm trực tiếp của chính mình. Như khi có ai đưa ngón tay lên chỉ mặt trăng, giá trị của hành động ấy nằm ở chỗ ta thấy được mặt trăng, chứ không phải để ta nhìn chăm chăm vào ngón tay ấy. Cũng vì lý do đó, đọc văn tự không nhất thiết phải là một sự nghiên cứu lý thuyết. Những giáo lý thâm thúy này không phải chỉ đơn giản là những hệ thống ý niệm, và cũng không phải là một nhóm tín điều. Chúng bình dị, căn bản và thiết yếu hơn thế nhiều. Chúng soi sáng cho ta thấy bản tâm của mình, tự tính của thực tại là gì, và làm sao để có thể trau luyện được một tri giác sáng suốt.
Trước khi bắt đầu tu tập thiền quán, đọc và học hỏi kinh luận có thể làm sáng tỏ thêm giáo lý và khuyến khích người ta bước thêm một bước nữa trên hành trình tu tập. Và đọc lại kinh xưa sau một thời gian tu tập chuyên cần, có thể mở thêm những cánh cửa mới của tuệ giác. Khi bạn học kinh giữa một nội tâm và ngoại cảnh thích nghi – khi tâm ta an ổn, tĩnh lặng và định – những lời xưa có thể bừng sống dậy trong ta một cách rất mầu nhiệm. Thế nên, nếu bạn đã có ngồi thiền, và nếu cảm thấy có một sự thúc đẩy, bạn sẽ nhận thấy khi ta trở lại với cội nguồn, điều đó có thể mở rộng thêm tầm nhìn của ta trên con đường Đạo.
Có nhiều bản dịch kinh điển sang Anh ngữ không được rõ ràng cho lắm. Đa số kinh điển, những lời dạy của Đức Phật, chứa đựng rất nhiều sự lặp đi lặp lại, vì chúng đã được truyền miệng qua hàng mấy thế kỷ trước khi được ghi chép. Nếu bạn chỉ muốn đọc để giải trí thì tôi nghĩ tìm đọc sách của Robert Ludlum là tốt hơn cả. Nhưng khi bạn thực sự đọc một cách từ tốn và cẩn thận, như là một sự chỉ thẳng vào hiện hữu, và bỏ thì giờ để suy ngẫm, để nếm mùi vị chân tính của thực tại, thì kinh điển có thể làm sáng tỏ kinh nghiệm của bạn một cách đáng kể, và điều đó sẽ vạch rõ cũng như giúp cho sự tu tập của bạn được thâm thuý hơn.