Tiểu Phẩm Ii – Chương Phận Sự: Phận Sự Của Vị Ngụ Ở Rừng
Tiểu Phẩm II
Chương Phận Sự
Phận sự của vị ngụ ở rừng
Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu cư ngụ ở trong rừng. Các vị ấy không dự trữ nước uống, không dự trữ nước rửa, không dự trữ lửa, không dự trữ vật tạo lửa, không biết về các vị trí của những ngôi sao, không biết phương hướng và khu vực. Bọn trộm cướp sau khi đi đến nơi ấy đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: – “Thưa ngài có nước uống không?”
– “Anh bạn à, không có.”
– “Thưa ngài, có nước rửa không?”
– “Anh bạn à, không có.”
– “Thưa ngài, có lửa không?”
– “Anh bạn à, không có.”
– “Thưa ngài, có vật tạo lửa không?”
– “Anh bạn à, không có.”
– “Thưa ngài, có các vị trí của những ngôi sao không?”
– “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”
– “Thưa ngài, có phương hướng và khu vực không?”
– “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”
– “Thưa ngài, hôm nay liên quan đến điều gì?”
– “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”
– “Thưa ngài, hướng này là hướng gì?”
– “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”
Khi ấy, bọn trộm cướp ấy (nghĩ rằng): ‘Những người này không có nước uống, không có nước rửa, không có lửa, không có vật tạo lửa, không biết các vị trí của những ngôi sao, không biết phương hướng và khu vực; những người này là trộm cướp, những người này không phải là các tỳ khưu’ nên đã đánh đập rồi bỏ đi. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu ở rừng, các tỳ khưu ở rừng nên thực hành như thế.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ngụ ở rừng sau khi thức dậy vào lúc sáng sớm nên để bình bát vào trong túi xách, đeo lên vai, khoác y lên người, mang dép vào, thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung lại, đóng cửa lớn và cửa sổ, rồi rời chỗ trú ngụ (nghĩ rằng): ‘Bây giờ, ta sẽ đi vào làng.’ Nên tháo dép ra, để ở chỗ thấp, giũ sạch, rồi bỏ vào túi xách, đeo lên vai, nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, nên buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, nên thắt lại dây buộc, nên rửa bình bát rồi cầm lấy, nên đi vào làng một cách nghiêm trang không hấp tấp. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.
Trong khi đi vào tư gia nên suy xét rằng: ‘Ta sẽ đi vào lối này, ta sẽ đi ra bằng lối này.’ Không nên đi vào quá vội vã. Không nên đi ra quá vội vã. Không nên đứng quá xa. Không nên đứng quá gần. Không nên đứng lại quá lâu. Không nên quay đi quá lẹ. Khi đứng nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí vật thực hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) ngưng công việc, hoặc từ chỗ ngồi đứng dậy, hoặc đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Trong khi được dâng vật thực, nên dùng bàn tay trái vén y hai lớp lên, dùng bàn tay phải mở nắp bình bát, rồi dùng hai tay ôm bình bát và thọ lãnh vật thực. Và không nên nhìn mặt người nữ thí chủ bố thí vật thực. Nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí xúp hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Khi vật thực đã được bố thí, nên dùng y hai lớp che bình bát lại rồi quay đi một cách nghiêm trang không hấp tấp. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. ―(như trên)― Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.
Sau khi đi ra khỏi làng, nên để bình bát vào trong túi xách, đeo lên vai, cuốn tròn y lại, đội lên đầu, mang dép vào, rồi đi về.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ngụ ở rừng nên dự trữ nước uống. Nên dự trữ nước rửa. Nên dự trữ lửa. Nên dự trữ vật tạo lửa. Nên dự trữ cây gậy để chống. Nên học về các vị trí của những ngôi sao toàn bộ hoặc một phần. Nên rành rẽ về các phương hướng. Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu ở rừng, các tỳ khưu ở rừng nên thực hành như thế.”
*****