Tương Ưng Bộ V – Chương Iv: Tương Ưng Căn – Phẩm Sáu Căn

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ

PHẨM SÁU CĂN

I. Không Có Tái Sanh, hay Người Có Trí (Tạp 26.9, Ðại 2,182c) (S.v,203)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

4) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người..

II. Mạng (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Nữ căn, nam căn, mạng căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

III. Chánh Lý (Tạp 26.1, Ðại 2,182a) (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

IV. Nhứt Thắng Trí, hay Nhứt Chủng Tử (Tạp 26. 12, Ðại 1,183) (S.v,204)

1) …

2) — Có năm căn này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Vô hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Hữu hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Thượng lưu đạt tới Sắc cứu cánh thiên. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhứt chủng. Yếu nhẹ hơn là bậc gia gia (kolankolo). Yếu nhẹ hơn là bậc phải tái sanh lại nhiều nhất là bảy lần. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

V. Thanh Tịnh (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là sáu căn.

VI. Dòng Nước Hay Dự Lưu (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn căn này; khi ấy, vị Thánh đệ tử được gọi là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết định đạt tới Chánh Ðẳng Giác.

VII. A-La-Hán (1) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, được giải thoát, không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã gặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn diệt, chánh trí, giải thoát.

VIII. A-La-Hán hay Phật (2) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta chưa như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới nhận biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

IX. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,206)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

X. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,206)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết nhãn căn, không như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, không như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… không như thật rõ biết ý căn, không như thật rõ biết ý căn tập khởi, không như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Nhưng những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết nhãn căn, như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… như thật rõ biết ý căn, như thật rõ biết ý căn tập khởi, như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda