Chân Đế Và Tục Đế – Chương Ii – Thân Và Tâm, Hay Danh Và Sắc

9. Thân và Tâm, hay Danh và Sắc

 

1) Đây là khúc gỗ và đây là một cục bông gòn.

 

Nếu sờ vào khúc gỗ, ta cảm thấy cứng. Sự cứng của gỗ là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy cứng. Sự cứng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất đất (pathavi dhatu).

 

Nếu sờ vào bông gòn, ta cảm thấy mềm. Sự mềm của bông gòn là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy mềm. Sự mềm của cơ thể là vô tri, là vật chất, là đất (pathavi dhatu).

 

Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận cứng là đất, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận mềm cũng là đất. Mềm thật sự cũng là đất. Nếu so sánh một vật mềm với một vật khác mềm hơn thì vật mềm trước trở thành vật cứng. Nếu so sánh vật mềm sau với một vật mềm hơn nữa thì vật mềm sau này lại trở thàng cứng. Vậy sự mềm cũng vô tri, là vật chất, là chất đất.

 

Bất kỳ lúc nào chúng ta sờ vào cơ thể mình nếu thấy cứng hay mềm đó là vật chất, là vô tri. Sự nhận biết cứng mềm là tri giác hay tâm. Cứng, mềm là vật chất, là sắc, thì không nhận biết, chỉ có tâm mới có khả năng nhận biết. Vào lúc biết được sự cứng mềm của cơ thể, chỉ có vật chất và tâm hiện diện. Cứng mềm là sắc, biết được cứng mềm là tâm, chẳng có tôi anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.

 

Danh từ Pathavi thường được dịch là “đất”, nhưng chúng ta nên hiểu đó là “sự cứng mềm”, đừng hiểu là đất theo nghĩa thôngthường.

 

2) Giả sử, chúng ta có lửa và một cục nước đá, nếu đưa tay gần lửa ta cảm thấy nóng. Sự nóng của lửa là hiện tượng vô tri. Sự nóng của lửa không biết gì cả, đó là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.

 

Đôi khi ta cảm thấy cơ thể mình nóng. Sự nóng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.

 

Khi sờ vào nước đá, chúng ta cảm thấy lạnh. Sự lạnh của nước đá là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.

 

Tương tự như thế, đôi khi rờ vào cơ thể, cơ thể lạnh. Sự lạnh của cơ thể cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.

 

Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự nóng lạnh trên cơ thể, chỉ có vật chất và tâm mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả.

 

Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận nóng là lửa, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận lạnh cũng là lửa. Lạnh thật sự cũng là lửa. Nếu so sánh một vật lạnh với một vật khác lạnh hơn thì vật lạnh trước trở thành vật nóng. Nếu so sánh vật lạnh sau với một vật lạnh hơn nữa thì vật lạnh trước trở thành nóng. Vậy sự lạnh cũng là lửa.

 

Danh từ Tejo thường được dịch là “lửa”, nên hiểu là nhiệt độ đừng hiểu là lửa theo nghĩa thôngthường. Tejo bao gồm cả nóng và lạnh nên chữ nhiệt độ rất thích nghi để dịch danh từ này.

 

3) Gió thổi bên ngoài khó nhận biết được. Chúng ta chỉ nhận biết được gió khi thấy lá cây rung động. Khi thấy sự lay động ta biết có gió. Gió bên ngoài là vô tri, là vật chất, là chất gió. Gió bên trong cũng vô tri, là vật chất, là chất gió (Vāyo). Tương tự như vậy, khi ta máy động tay chân, dù ta dùng danh từ co, duỗi, v.v… thì đó cũng là sự chuyển động, là gió (Vāyo).

 

Chúng ta dễ dàng chấp nhận gió bên ngoài là một hiện tượng vô tri. Nhưng chúng ta ngần ngạikhi chấp nhận sự chuyển động trong cơ thể cũng vô tri. Chúng ta nghĩ rằng: đây là cái tay di chuyển, đây là cái chân nhúc nhích. Nhưng nói như vậy không đúng sự thật. Gió bên ngoài là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió; cũng vậy, gió bên trong cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió.

 

Chuyển động bên ngoài hay bên trong cơ thể đều là hiện tượng vô tri, là vật chất. Nhận biết được sự chuyển động là tâm. Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự chuyển động, chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.

 

Giả sử chúng ta thổi hơi vào bong bóng. Bong bóng có thể giữ được hình dáng của nó nhờ có sự nâng đỡ của gió. Cũng vậy, chúng ta có thể ngồi theo ý ta nhờ có gió nâng đỡ. Nếu không có sự nâng đỡ của gió chúng ta sẽ ngã.

 

Ngồi là chức năng nâng đỡ của gió. Đó là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió. Nhận biết sự chuyển động, nhận biết sự nâng đỡ là tâm. Như vậy, khi chúng ta nhận biết có chuyển động, có nâng đỡ trong cơ thể thì chỉ có vật chất và tâm hiện diện mà thôi. Chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.

 

Danh từ Vāyo thường được dịch là “gió”, nên hiểu là sự chuyển động, sự nâng đỡ, đừng hiễu theo nghĩa gió thông thường.

 

Khả năng kết dính ba mươi hai thể trược lại với nhau, hay khả năng làm cho các yếu tố vật chấtdính kết vào nhau gọi là sự dính hút hay chất nước. Chất nước rất tế nhị. Chúng ta không thể nhận biết hay sờ chất nước. Chúng ta chỉ có thể nhận biết chất nước bằng tâm, hay nhận được đặc tính của nước qua ba chất kia.

 

4) Danh từ Apo thường được dịch là “nước”, nên hiểu là sự dính hút. Đừng hiểu là nước thông thường.

 

Theo chân đế, chỉ có “cứng mềm, dính hút, nóng lạnh, và chuyển động” thực sự hiện diện trong cơ thể chúng ta, được gọi là tứ đại. Đó là những yếu tố hay chất chính tạo thành vật chất hay sắc. Ngoài ra còn có những chất sắc nhỏ khác như: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, màu sắc, mùi, vị, v.v… Nếu tổng hợp các vật chất lại chúng trở thành một. Đó là những hiện tượng vô tri. Nếu tổng hợp hết các tâm và các đặc tính của tâm, chúng cũng trở thành một. Đó là sự nhận biết. Chỉ có hiện tượng nhận biếthiện tượng vô tri, nghĩa là chỉ có thân và tâm, hay vật chất và tâm, danh và sắc, mà chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. Nhận biết được như vậy là biết được vật chất và tâm hay danh và sắc, biết được chân đếtục đế.

___________________

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.