Đại Phẩm I – Chương Uposatha: Tụng Phẩm Các Ngoại Đạo
MAIN CONTENT
Đại Phẩm I
Chương Uposatha
Tụng Phẩm Các Ngoại Đạo
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở núi Gijjhakūṭa. Vào lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng, có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng.
Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng, có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng. Hay là các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng?”
Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
– “Bạch ngài, trường hợp trẫm trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: ‘Hiện nay, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng, có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng. Hay là các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng?’ Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng,” nên sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng, các vị ấy ngồi im lặng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe Pháp. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng lại ngồi im lặng giống như là các con heo đần độn vậy? Sao các vị đã tụ hội lại mà không chịu giảng Pháp?”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng Pháp sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.”
Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hay là ta nên cho phép các vị ấy việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha gồm các điều học đã được ta quy định cho các tỳ khưu, việc ấy sẽ là hành sự Uposatha cho các vị ấy?”
Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, trường hợp ta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: ‘Hay là ta nên cho phép các vị ấy việc đọc tụng Pātimokkha gồm các điều học đã được ta quy định cho các tỳ khưu, việc ấy sẽ là hành sự Uposatha cho các vị ấy?’ Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Và này các tỳ khưu, nên đọc tụng như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
12.“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Uposatha, nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Phận sự trước tiên của hội chúng là gì? Các đại đức hãy tuyên bố sự trong sạch rồi tôi sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Hết thảy tất cả các vị hiện diện (chúng ta) hãy nghiêm chỉnh lắng nghe và hãy chú tâm đến điều ấy. Nếu vị nào có phạm tội, vị ấy nên bày tỏ; vị không có phạm tội thì nên im lặng. Do thái độ im lặng, tôi sẽ nhận biết về các đại đức rằng: ‘(Các vị) được trong sạch.’ Giống như đối với mỗi lần được hỏi đến thì có câu trả lời; tương tự như thế, trong hội chúng như thế này (câu hỏi) được thông báo đến lần thứ ba. Trong khi đang được thông báo đến lần thứ ba, vị tỳ khưu nào nhớ ra mà không bày tỏ tội đang có thì vị ấy cố tình nói dối. Bạch chư đại đức, việc cố tình nói dối là pháp chướng ngại đã được đức Thế Tôn đề cập đến; do đó, vị tỳ khưu bị phạm tội mà nhớ ra và có ý muốn được trong sạch thì nên bày tỏ ra tội đang có. Bởi vì khi (tội) đã được bày tỏ thì vị ấy sẽ được thoải mái.”
Pātimokkha: điều này là đầu tiên, điều này là lối đưa vào, điều này là đứng đầu của các thiện pháp, do đó được gọi là “Pātimokkha.”
Các đại đức: điều này là lời nói quý mến, điều này là lời nói kính trọng, điều này là lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng, tức là “các đại đức.”
Tôi sẽ đọc tụng: Tôi sẽ chỉ ra, tôi sẽ giảng, tôi sẽ cho biết, tôi sẽ bày ra, tôi sẽ khai triển, tôi sẽ phân tích, tôi sẽ làm rõ ràng, tôi sẽ cho thấy rõ.
Điều ấy nghĩa là giới bổn Pātimokkha được nói đến.
Hết thảy tất cả các vị hiện diện: trong hội chúng ấy cho đến các vị trưởng lão, các vị mới tu, hoặc các vị trung niên, các vị này được gọi là “hết thảy tất cả các vị hiện diện.”
(Chúng ta) hãy nghiêm chỉnh lắng nghe: Sau khi định thần, sau khi chú tâm, sau khi tập trung tất cả tâm ý.
(Chúng ta) hãy chú tâm: (chúng ta) hãy chăm chú với tâm trú vào một điểm, với tâm không bị xao lãng, với tâm không bị rối loạn.
Nếu vị nào có phạm tội: Bất cứ tội nào thuộc nhóm năm tội hoặc bất cứ tội nào thuộc nhóm bảy tội của vị trưởng lão, của vị mới tu, hoặc của vị trung niên.
Vị ấy nên bày tỏ: vị ấy nên sám hối, vị ấy nên khai ra, vị ấy nên làm rõ ràng, vị ấy nên cho thấy rõ ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một cá nhân.
Không có phạm tội: nghĩa là vị ấy không phạm tội, hoặc là sau khi phạm tội đã được thoát khỏi tội.
Nên im lặng: nên ưng thuận, không nên phát biểu.
Tôi sẽ nhận biết rằng: ‘(Các vị) được trong sạch’: Tôi sẽ biết được, tôi sẽ ghi nhận.
Giống như đối với mỗi lần được hỏi đến thì có câu trả lời: Giống như việc một người được một người khác hỏi thì nên trả lời, tương tự như thế đối với hội chúng ấy, điều cần được biết là: “Vị ấy hỏi tôi.” Hội chúng như thế này nghĩa là hội chúng các tỳ khưu được nói đến.
Được thông báo đến lần thứ ba: Được thông báo một lần, được thông báo đến lần thứ nhì, được thông báo đến lần thứ ba.
(Vị ấy) nhớ ra: (vị ấy) đang biết được, đang nhận ra được.
Tội đang có: nghĩa là tội đã vi phạm, hoặc là tội sau khi đã vi phạm còn chưa được thoát ra.
Không bày tỏ: (vị ấy) không sám hối, không khai ra, không làm rõ ràng, không cho thấy rõ ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một cá nhân.
Vị ấy cố tình nói dối: Là điều gì trong việc cố tình nói dối? Là đã làm điều sai trái.
Pháp chướng ngại đã được đức Thế Tôn đề cập đến: Chướng ngại của điều gì? Là chướng ngại cho việc chứng đắc sơ thiền, chướng ngại cho việc chứng đắc nhị thiền, chướng ngại cho việc chứng đắc tam thiền, chướng ngại cho việc chứng đắc tứ thiền, chướng ngại cho việc chứng đắc của các thiền, của các sự giải thoát, của các sự thể nhập định, của các sự xuất ly, của các sự ra khỏi (luân hồi), của các sự tịch tịnh, của các thiện pháp.
Do đó: Vì nguyên nhân ấy.
(Với) vị nhớ ra được: (Với) vị đang biết được, (với) vị đang nhận ra được.
Có ý muốn được trong sạch: có sự mong muốn được thoát ra, có sự mong muốn được làm cho trong sạch.
Tội đang có: nghĩa là tội đã vi phạm, hoặc là tội sau khi đã vi phạm còn chưa được thoát ra.
Nên bày tỏ ra: Nên được bày tỏ ra ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một cá nhân.
Bởi vì khi (tội) đã được bày tỏ thì vị ấy sẽ được thoải mái: Thoải mái của điều gì? Là sự thoải mái trong việc chứng đắc sơ thiền, là sự thoải mái trong việc chứng đắc nhị thiền, là sự thoải mái trong việc chứng đắc tam thiền, là sự thoải mái trong việc chứng đắc tứ thiền, là sự thoải mái trong việc chứng đắc của các thiền, của các sự giải thoát, của các sự thể nhập vào các tầng định, của các sự xuất ly, của các sự ra khỏi (luân hồi), của các sự tịch tịnh, của các thiện pháp.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đã đọc tụng giới bổn Pātimokkha hàng ngày. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha hàng ngày; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha vào ngày Uposatha.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha đã được đức Thế Tôn cho phép vào ngày Uposatha” nên đã đọc tụng giới bổn Pātimokkha ba lần trong nửa tháng vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của nửa tháng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ba lần trong nửa tháng; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một lần vào ngày mười bốn hoặc ngày mười lăm của nửa tháng.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha theo tập thể, nghĩa là theo từng tập thể riêng của mình. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha theo tập thể, nghĩa là theo từng tập thể riêng của mình; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép hành sự Uposatha hợp nhất.
Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định ‘hành sự Uposatha hợp nhất,’ vậy sự hợp nhất có phạm vi đến tận đâu, cho đến phạm vi một trú xứ hay toàn bộ trái đất?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép sự hợp nhất cho đến phạm vi một trú xứ.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākappina ngụ tại Rājagaha, ở Maddakucchi, nơi vườn nai. Khi ấy, đại đức Mahākappina trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta nên đi (tham dự) lễ Uposatha hay là không nên đi, ta nên đi (tham dự) hành sự của hội chúng hay là không nên đi, trong khi ta đã được thanh tịnh với sự thanh tịnh tối thượng?”
Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Mahākappina, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự như thế (đức Thế Tôn) đã biến mất tại núi Gijjhakūṭa rồi hiện ra trước mặt đại đức Mahākappina ở Maddakucchi, nơi vườn nai. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Đại đức Mahākappina đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đại đức Mahākappina đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Mahākappina điều này:
– “Này Kappina, có phải ngươi trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: ‘Ta nên đi (tham dự) lễ Uposatha hay là không nên đi, ta nên đi (tham dự) hành sự của hội chúng hay là không nên đi, trong khi ta đã được thanh tịnh với sự thanh tịnh tối thượng?’” – “Bạch ngài, đúng vậy.” – “Nếu các ngươi là những người có Phạm hạnh không tôn trọng, không kính trọng, không quý trọng, không cúng dường lễ Uposatha thì còn ai sẽ tôn trọng, sẽ kính trọng, sẽ quý trọng, sẽ cúng dường lễ Uposatha nữa? Này người có Phạm hạnh, ngươi hãy đi (tham dự) lễ Uposatha, chớ có không đi. Ngươi hãy đi (tham dự) hành sự của hội chúng, chớ có không đi.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Đại đức Mahākappina đã đáp lời đức Thế Tôn.
Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Mahākappina bằng bài Pháp thoại rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự như thế (đức Thế Tôn) đã biến mất trước mặt đại đức Mahākappina ở Maddakucchi nơi vườn nai rồi hiện ra tại núi Gijjhakūṭa.
Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “‘Đức Thế Tôn đã cho phép sự hợp nhất cho đến phạm vi một trú xứ,’ vậy (phạm vi của) một trú xứ là đến tận đâu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ấn định ranh giới. Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy: Trước tiên, các điểm mốc cần được định danh: điểm mốc là ngọn núi, điểm mốc là tảng đá, điểm mốc là khu rừng, điểm mốc là cội cây, điểm mốc là đường đi, điểm mốc là gò mối, điểm mốc là con sông, điểm mốc là vũng nước. Sau khi định danh các điểm mốc, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc xung quanh (phạm vi) đã được định danh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc xung quanh (phạm vi) đã được định danh. Hội chúng ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Ranh giới với các điểm mốc ấy đã được hội chúng ấn định là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép việc ấn định ranh giới” rồi ấn định các ranh giới quá rộng lớn bốn do tuần,[1] năm do tuần, sáu do tuần. Các vị tỳ khưu đi (tham dự) lễ Uposatha đi đến trong khi giới bổn Pātimokkhađang được đọc tụng, đi đến khi vừa mới được đọc tụng xong, (hoặc) đã trú ngụ ở khoảng giữa (đường đi). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên ấn định ranh giới quá rộng lớn bốn do tuần, năm do tuần, hoặc sáu do tuần; vị nào ấn định thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép ấn định ranh giới tối đa ba do tuần.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư ấn định ranh giới đến bờ bên kia của dòng sông. Trong khi đi đến lễ Uposatha, các vị tỳ khưu đã bị cuốn trôi đi, các bình bát cũng đã bị cuốn trôi đi, các y cũng đã bị cuốn trôi đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên ấn định ranh giới đến bờ bên kia của dòng sông; vị nào ấn định thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ở nơi nào có thuyền bè thường trực hoặc có cầu cố định ta cho phép ấn định ranh giới đến bờ bên kia của dòng sông theo hình thức như thế.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở dãy phòng. Do không được quy định nên các vị tỳ khưu vãng lai không biết được: “Hôm nay lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đâu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở dãy phòng không được quy định; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha sau khi chỉ định nhà hành lễ Uposatha tùy theo hội chúng mong muốn là trú xá, hoặc nhà một mái, hoặc tòa nhà dài, hoặc khu nhà lớn, hoặc hang động. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định làm nhà hành lễ Uposatha. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, trong trú xứ nọ có hai nhà hành lễ Uposatha được chỉ định. Các tỳ khưu tụ hội ở cả hai nơi (nghĩ rằng): “Lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đây. Lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đây.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên chỉ định hai nhà hành lễ Uposatha ở trong một trú xứ; vị nào chỉ định thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép sau khi hủy bỏ một rồi thực hiện lễ Uposatha ở một nơi (còn lại). Và này các tỳ khưu nên hủy bỏ như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy) đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, ở tại trú xứ nọ nhà hành lễ Uposatha được ấn định quá nhỏ. Vào ngày Uposatha, có đại chúng tỳ khưu đã tụ hội lại. Các vị tỳ khưu đã ngồi xuống ở khu vực không được ấn định và nghe giới bổn Pātimokkha. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Lễ Uposatha nên được thực hiện sau khi chỉ định nhà hành lễ Uposatha,’ còn chúng ta đây đã ngồi ở khu vực không được ấn định và nghe giới bổnPātimokkha, như thế thì lễ Uposatha của chúng ta đã được thực hiện hay đã không được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, vị ngồi ở khu vực đã được ấn định hay không được ấn định và lắng nghe giới bổn Uposatha thì từ chỗ đó lễ Uposatha của vị ấy đã được thực hiện. Này các tỳ khưu, như thế thì hội chúng mong muốn mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha rộng tới mức nào thì hội chúng hãy ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha rộng tới mức ấy. Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy: Trước tiên, các điểm mốc cần được định danh. Sau khi định danh các điểm mốc, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
55.“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc xung quanh (phạm vi) đã được định danh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc xung quanh (phạm vi) đã được định danh. Hội chúng ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy. Đại đức nào đồng ý việc ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy đã được hội chúng ấn định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha các vị tỳ khưu mới tu đã tụ hội trước tiên (nghĩ rằng): “Các vị trưởng lão vẫn chưa có đến” nên đã bỏ đi. Lễ Uposatha đã bị thiếu sót. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu trưởng lão tụ hội trước nhất vào ngày lễ Uposatha.”
Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhiều trú xứ là cùng chung ranh giới. Các vị tỳ khưu ở đó tranh cãi rằng: “Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi. Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, trong trường hợp có nhiều trú xứ là cùng chung ranh giới và các vị tỳ khưu ở đó tranh cãi rằng: “Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi. Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi.” Này các tỳ khưu, toàn bộ tất cả các tỳ khưu ấy nên tụ hội lại một chỗ rồi thực hiện lễ Uposatha, nơi nào có vị tỳ khưu trưởng lão cư ngụ thì nên tụ hội ở nơi ấy rồi thực hiện lễ Uposatha. Và lễ Uposatha không được thực hiện bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa từ Andhakavinda đang đi đến lễ Uposatha ở thành Rājagaha, trên đường đi trong khi vượt qua con sông đã suýt bị nước cuốn trôi. Các y của vị ấy bị ướt. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Mahākassapa điều này: – “Thưa ngài, vì sao các y của ngài bị ướt?” – “Này các đại đức, trường hợp tôi từ Andhakavinda đang đi đến lễUposatha ở thành Rājagaha, trên đường đi trong khi vượt qua con sông tôi đã suýt bị nước cuốn trôi; vì thế các y của tôi bị ướt.”[2] Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễUposatha thì hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y.[3] Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Ranh giới ấy đã được hội chúng ấn định là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Sự ấn định về việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y đã được Đức Thế Tôn cho phép” nên để các y trong xóm nhà. Các y ấy bị mất, bị cháy, bị chuột gặm nhấm. Các vị tỳ khưu trở nên ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này các đại đức, vì sao các vị ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm?” – “Này các đại đức, trường hợp chúng tôi (nghĩ rằng): ‘Sự ấn định về việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y đã được Đức Thế Tôn cho phép’ nên đã để các y trong xóm nhà. Các y ấy đã bị mất, đã bị cháy, đã bị chuột gặm nhấm; do đó, chúng tôi trở nên ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha thì hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Ranh giới ấy đã được hội chúng ấn định là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, trong khi ấn định ranh giới, trước tiên nên ấn định ranh giới đồng cộng trú, sau đó nên ấn định việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Này các tỳ khưu, trong khi hủy bỏ ranh giới, trước tiên nên hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, sau đó nên hủy bỏ ranh giới đồng cộng trú. Và này các tỳ khưu, việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nên được hủy bỏ như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nào đã được hội chúng ấn định, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng hội chúng nên hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nào đã được hội chúng ấn định, hội chúng hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy. Đại đức nào đồng ý sự hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Và này các tỳ khưu, ranh giới đồng cộng trú nên được hủy bỏ như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên hủy bỏ ranh giới ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng hủy bỏ ranh giới đồng cộng trú chung một lễ Uposatha ấy. Đại đức nào đồng ý việc hủy bỏ của ranh giới đồng cộng trú chung một lễ Uposatha ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Ranh giới đồng cộng trú chung một lễ Uposatha ấy đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, khi ranh giới chưa được ấn định chưa được thiết lập, vị (tỳ khưu) sống nương tựa vào ngôi làng hoặc thị trấn nào, trong trường hợp ấy ranh giới làng của ngôi làng ấy hoặc ranh giới thị trấn của thị trấn ấy là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễUposatha.
Này các tỳ khưu, nếu ở nơi không phải là làng, ở trong rừng, trong trường hợp ấy (khu vực) bảy abbhantara[4] ở xung quanh là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễUposatha.
Này các tỳ khưu, toàn bộ dòng sông không phải là ranh giới, toàn bộ biển cả không phải là ranh giới, toàn bộ hồ thiên nhiên không phải là ranh giới. Này các tỳ khưu, trong dòng sông, trong biển cả, trong hồ thiên nhiên, (khu vực) do việc ném nước ra xung quanh của người đàn ông (có sức mạnh) trung bình là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễ Uposathatrong trường hợp ấy
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư làm ranh giới (mới) gối lên ranh giới (đã có). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào đã được ấn định trước, ranh giới ấy của các vị ấy là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào được ấn định sau, ranh giới ấy của các vị ấy là sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Này các tỳ khưu, không nên làm ranh giới (mới) gối lên ranh giới (đã có); vị nào làm gối lên thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư làm ranh giới (mới) trùm lên ranh giới (đã có). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào đã được ấn định trước, ranh giới ấy của các vị ấy là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào được ấn định sau, ranh giới ấy của các vị ấy là sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Này các tỳ khưu, không nên làm ranh giới (mới) trùm lên ranh giới (đã có); vị nào làm trùm lên thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ấn định ranh giới được ấn định ranh giới sau khi đã chừa ra khoảng cách giữa các ranh giới.”[5]
Sau đó, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Uposatha: Lễ ngày mười bốn và lễ ngày mười lăm. Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Uposatha.”
Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu hành sự Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, đây là bốn hành sự Uposatha: Hành sự Uposatha sai Pháp theo phe nhóm, hành sự Uposatha sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự Uposatha đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự Uposatha đúng Pháp có sự hợp nhất.
Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha sai Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sựUposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.
Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha sai Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sựUposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.
Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha đúng Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sựUposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.
Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha đúng Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sự Uposathacó hình thức như thế được ta cho phép. Này các tỳ khưu, do đó ở đây chúng ta sẽ thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế tức là ‘đúng Pháp có sự hợp nhất.’ Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập theo đúng như thế.”
Sau đó, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, đây là năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha: Sau khi đọc tụng phần mở đầu, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ nhất.
Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ hai.
Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ ba.
Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, sau khi đọc tụng hai điều aniyata, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ tư.
(Đọc tụng) một cách chi tiết là cách thứ năm. Này các tỳ khưu, đây là năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt” rồi mọi lúc đều đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong nước Kosala vào ngày Uposatha có sự sợ hãi vì đám lục lâm. Các vị tỳ khưu không thể đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi có sự nguy hiểm.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt ngay cả khi không có sự nguy hiểm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi không có sự nguy hiểm; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi có sự nguy hiểm. Đây là mười sự nguy hiểm trong trường hợp ấy: Sự nguy hiểm từ đức vua, sự nguy hiểm vì trộm cướp, sự nguy hiểm vì hỏa hoạn, sự nguy hiểm vì nước ngập, sự nguy hiểm vì loài người, sự nguy hiểm vì phi nhân, sự nguy hiểm vì thú dữ, sự nguy hiểm vì rắn, sự nguy hiểm cho mạng sống, sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt trong những (trường hợp) nguy hiểm có hình thức như thế và (đọc tụng giới bổn Pātimokkha) một cách chi tiết khi không có sự nguy hiểm.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp ở giữa hội chúng khi không được thỉnh mời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị không được thỉnh mời không nên thuyết Pháp ở giữa hội chúng; vị nào thuyết Pháp thì phạm tộidukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão đích thân thuyết Pháp hoặc thỉnh mời vị khác.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khi chưa được chỉ định vẫn hỏi Luật ở giữa hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên hỏi Luật ở giữa hội chúng; vị nào hỏi thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị được chỉ định hỏi Luật ở giữa hội chúng.
Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.
Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi vị tên (như vầy) về Luật.”
Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.
Thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ hỏi vị tên (như vầy) về Luật.”
Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện đã được chỉ định rồi hỏi Luật ở giữa hội chúng. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự bực bội, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định quan sát tập thể và cân nhắc từng cá nhân rồi mới hỏi Luật ở giữa hội chúng.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trả lời về Luật ở giữa hội chúng dầu không được chỉ định. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên trả lời về Luật ở giữa hội chúng; vị nào trả lời thì phạm tộidukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định trả lời về Luật ở giữa hội chúng.
Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.
Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ trả lời khi được vị tên (như vầy) hỏi về Luật.”
Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.
Thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
– “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ trả lời khi được vị tên (như vầy) hỏi về Luật.”
Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện, đã được chỉ định, trả lời Luật ở giữa hội chúng. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự bực bội, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định quan sát tập thể và cân nhắc từng cá nhân rồi mới trả lời về Luật ở giữa hội chúng.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư buộc tội vị tỳ khưu chưa được thỉnh ý trước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên buộc tội vị tỳ khưu chưa được thỉnh ý trước; vị nào buộc tội thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc tội sau khi đã thỉnh ý trước rằng: “Này đại đức, hãy cho phép. Tôi muốn nói với ngài.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu thỉnh ý trước các tỳ khưu nhóm Lục Sư rồi buộc tội. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự bực bội, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, mặc dầu đã thỉnh ý rồi, ta cho phép cân nhắc về nhân vật (ấy) rồi mới buộc tội.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Các vị tỳ khưu hiền thiện (sẽ) thỉnh ý chúng ta trước tiên” liền ngay trước đó (đã) thỉnh ý (để buộc tội) các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có sự việc, không có nguyên do. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thỉnh ý (để buộc tội) các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có sự việc, không có nguyên do; vị nào thỉnh ý thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép cân nhắc về nhân vật (ấy) trước rồi mới thỉnh ý (để buộc tội).”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực hiện hành sự sai Pháp ở giữa hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự sai Pháp; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.” Các vị vẫn thực hiện hành sự sai Pháp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.” – “Này các tỳ khưu, trong khi hành sự sai Pháp đang được tiến hành, ta cho phép phản đối.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện phản đối trong khi hành sự sai Pháp đang được tiến hành bởi các tỳ khưu nhóm Lục Sư. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự bực bội, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép bày tỏ quan điểm.” Các vị bày tỏ quan điểm trong sự hiện diện của chính các vị kia. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự bực bội, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép phản đối với bốn năm vị, bày tỏ quan điểm với hai ba vị, còn một vị thì khẳng định rằng: “Tôi không đồng ý việc này.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư trong lúc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng cố ý không cho nghe được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha không nên cố ý làm cho không nghe được; vị nào làm cho không nghe được thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi là vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha của hội chúng có giọng (nói) như loài quạ. Khi ấy, đại đức Udāyi đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên làm cho nghe được,’ còn ta có giọng (nói) như loài quạ, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nỗ lực (nghĩ rằng): ‘Bằng cách nào ta có thể làm cho (các vị) nghe được?’ Đối với vị đang nỗ lực thì vô tội.”
Vào lúc bấy giờ, Devadatta đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở hội chúng có sự hiện diện của cư sĩ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở hội chúng có sự hiện diện của cư sĩ; vị nào đọc tụng thì phạm tộidukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng dầu không được mời thỉnh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vị không được mời thỉnh không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị trưởng lão.”
Dứt tụng phẩm về các ngoại đạo.
–ooOoo–
[1] Theo từ điển Pali-English Dictionary của hội Pali Text Society thì 1 yojana có chiều dài khoảng 7 miles, từ điển của Childers thì 12 miles, còn tài liệu The Buddhist Monastic Code cho biết là 10 miles tức vào khoảng 16 km (ND).
[2] Theo ngài Buddhaghosa, từ chỗ ngài Mahākassapa trú ngụ đến thành Rājagaha là 3 gāvuta (1 gāvuta = 1/4 yojana), như vậy vào khoảng 12 km. Trong thành Rājagaha có 18 trú xá lớn nhưng có cùng chung một ranh giới do ngài Sāriputta kết. Và Veḷuvana là chỗ các vị tỳ khưu ở trong ranh giới ấy tụ hội để thực hiện lễ Uposatha. Con sông được đề cập tên là Sippinī phát xuất từ núi Gijjhakūṭa và có giòng chảy rất mạnh (VinA. v, 1049).
[3] avippavāso: (từ phủ định) a + vippavāso (sự xa cách, sự vắng mặt) = sự không xa lìa. Nếu dịch sát từ sẽ lã: ‘Ranh giới ấy là nơi vị tỳ khưu không xa lìa ba y’ như bản dịch tiếng Anh của học giả I. B. Horner sẽ khiến cho ý nghĩa bị lầm lẫn. Mặt khác, nếu nói theo thói quen là ‘sīmā xa lìa tam y, sīmā được phép xa lìa tam y’ cũng không chính xác vì đã bỏ rơi tiếp đầu ngữ phủ định ‘a.’ Muốn giải thích trường hợp này phải trở lại điều học nissaggiya pācittiya thứ 2: ‘… ce bhikkhu ticīvarena vippavaseyya…’ và xem ‘vippavāsa’ có ý nghĩa một cách tổng quát là ‘sự phạm tội vì xa lìa ba y.’ Và ‘a + vippavāsa’ sẽ trở thành ‘không có + sự phạm tội vì xa lìa ba y’ ở trong ranh giới ấy. Cũng cần nói thêm là việc ‘không có phạm tội vì xa lìa ba y’ và việc ‘được phép xa lìa ba y’ có sự khác biệt rõ rệt về ý nghĩa (ND).
[4] Ngài Buddhaghosa giải thích 1 abbhantara là 28 hattha (VinA. v, 1052). Từ Điển của Childers giải thích hattha là chiều dài tính từ cùi chỏ của cánh tay đến đầu ngón tay út. Tài liệu Buddhist Monastic Code của Ven. Thanissaro cho biết khoảng cách của 7 abbhantara = 98 m (1 abbhantara = 14 m).
[5] Theo ngài Buddhaghosa, khoảng cách chung quanh được chừa ra giữa các ranh giới là khoảng cách một cánh tay (VinA. v, 1056).
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)