Đại Phẩm Ii – Chương Kosambi: Tụng Phẩm Thứ Nhì

Đại Phẩm II

Chương Kosambi

Tụng phẩm thứ nhì 

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Kosambi để khất thực. Sau khi đã đi khất thực trong thành Kosambi, trên đường khất thực trở về sau bữa ăn, đức Thế Tôn đã thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, rồi chỉ đứng giữa hội chúng nói lên những lời kệ này:

Trong đám người ồn ào náo nhiệt, không kẻ nào nghĩ là mình ngu, hơn thế nữa, trong khi hội chúng đang bị chia rẽ, không người nào khác đã biết đến.

Lời nói của bậc trí đã bị hoàn toàn quên hẳn, chúng nói đủ mọi thứ chuyện. Có miệng há rộng theo như chúng muốn, chúng bị (sự náo động) lôi kéo đi mà chẳng biết.

Nó đã sỉ nhục tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những ai ấp ủ điều ấy, sự thù hận của những người ấy không được lặng yên.

Nó đã sỉ nhục tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những ai không ấp ủ điều ấy, sự thù hận ở những người ấy được lặng yên.

Ở thế gian này, các sự thù hận không bao giờ được lặng yên bởi sự hận thù, và chúng được lặng yên bởi sự không thù hận; điều này là quy luật cổ xưa.

Và những người khác không nhận thức được, ở đây chúng ta nên tự kiềm chế. Và những người nào nhận thức được điều ấy, từ đó mà các sự tranh chấp được lặng yên.

Đối với những kẻ đang xâm chiếm lãnh thổ là những kẻ đã chặt đứt xương (thịt), đã đoạt mạng sống, đã cướp bóc ngựa, bò, tài sản, mà còn có sự hòa hợp đối với chúng, vì sao các người lại không thể có được?

Nếu có thể đạt được người bạn khôn ngoan là bậc trí tuệ sống tốt lành làm người đồng hành, thì sau khi vượt qua mọi hiểm nạn, có thể đi với người ấy (một cách) hoan hỷ có niệm.

Nếu không thể có được người bạn khôn ngoan là bậc trí tuệ sống tốt lành làm người đồng hành, thì giống như vị vua từ bỏ quốc độ đã chinh phục, hãy nên sống một mình như là voi Mātaṅga (sống) ở trong rừng.

Sống một mình là tốt hơn, không có tình bằng hữu ở kẻ ngu. Một mình hãy sống và không nên làm các điều ác, ít ham muốn như là voi Mātaṅga (sống) ở trong rừng.”

Khi ấy, đức Thế Tôn chỉ đứng giữa hội chúng đã nói lên những lời kệ này rồi đi đến ngôi làng Bālakaloṇakāra.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhagu đang trú tại ngôi làng Bālakaloṇakāra.

Đại đức Bhagu đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã sắp đặt chỗ ngồi, đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đã đi ra đón và tiếp rước y bát. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn, sau khi ngồi xuống đã rửa hai bàn chân.

Đại đức Bhagu đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đại đức Bhagu đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhagu điều này: – “Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có tốt đẹp không? Việc đi khất thực có khỏi bị khó nhọc không?” – “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, việc đi khất thực không có bị khó nhọc.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Bhagu bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến khu vườn cây Pācīnavaṃsa.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila trú tại khu vườn cây Pācīnavaṃsa.

Người giữ vườn đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Này ông Sa-môn, chớ có đi vào khu vườn cây này. Ở đây, có ba người con trai gia đình danh giá và có tính tự trọng trú ngụ. Chớ có gây phiền nhiễu đến họ.”

Đại đức Anuruddha đã nghe được người giữ vườn đang căn dặn đức Thế Tôn, sau khi nghe được đã nói với người giữ vườn điều này: – “Này đạo hữu giữ vườn, chớ ngăn cản đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư của chúng tôi là đức Thế Tôn đã đến.”

Sau đó, đại đức Anuruddha đã đi đến gặp đại đức Nandiya và đại đức Kimbila, sau khi đến đã nói với đại đức Nandiya và đại đức Kimbila điều này: – “Các đại đức hãy đi ra. Các đại đức hãy đi ra. Bậc Đạo Sư của chúng ta là đức Thế Tôn đã đến.”

Khi ấy, đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila đã đi ra đón đức Thế Tôn, một vị đã nhận lấy y và bình bát của đức Thế Tôn, một vị đã sắp xếp chỗ ngồi, một vị đã mang lại nước rửa chân, ghế kê chân, và tấm chà chân. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn, sau khi ngồi xuống đã rửa hai bàn chân.

Rồi các vị đại đức ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đã ngồi xuống một bên. Khi đại đức Anuruddha đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Anuruddha điều này: – “Này các vị Anuruddha, các ngươi sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Việc đi khất thực có khỏi bị khó nhọc không?”

– “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, việc đi khất thực không có bị khó nhọc.”

– “Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, có được trạng thái như sữa với nước, có nhìn nhau bằng những ánh mắt thương mến không?”

– “Bạch Thế Tôn, chắc chắn là vậy! Chúng con sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt thương mến.”

– “Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt thương mến là như thế nào?”

– “Bạch ngài, ở đây con khởi ý như vầy: ‘Thật lợi ích cho ta! Thật đã khéo đạt được cho ta khi ta sống với các vị đồng Phạm hạnh như thế này!’ Bạch ngài, đối với các đại đức này sự thân thiện của con đây qua thân nghiệp đã được thể hiện công khai hoặc kín đáo, sự thân thiện qua khẩu nghiệp, ―(như trên)― sự thân thiện qua ý nghiệp đã được thể hiện công khai hoặc kín đáo, và bạch ngài con đây đã khởi ý như vầy: ‘Hay là ta nên buông rơi tâm của ta và hành động thuận theo tâm của các đại đức này?’ Bạch ngài, rồi con đây đã buông rơi tâm con và hành động thuận theo tâm của các đại đức này. Bạch ngài, chúng con tuy có các thân khác nhau nhưng con nghĩ rằng chỉ có một tâm.”

Rồi đại đức Nandiya ―(như trên)― Rồi đại đức Kimbila cũng đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, ở đây con cũng khởi ý như vầy: ‘Thật lợi ích cho ta! Thật đã khéo đạt được cho ta khi ta sống với các vị đồng Phạm hạnh như thế này!’ Bạch ngài, đối với các đại đức này sự thân thiện của con đây qua thân nghiệp đã được thể hiện công khai hoặc kín đáo, sự thân thiện qua khẩu nghiệp, ―(như trên)― sự thân thiện qua ý nghiệp đã được thể hiện công khai hoặc kín đáo, và bạch ngài con đây đã khởi ý như vầy: ‘Hay là ta nên buông rơi tâm của ta và hành động thuận theo tâm của các đại đức này?’ Bạch ngài, rồi con đây đã buông rơi tâm con và hành động thuận theo tâm của các đại đức này. Bạch ngài, chúng con tuy có các thân khác nhau nhưng con nghĩ rằng chỉ có một tâm. Bạch ngài, chúng con sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt thương mến là như thế ấy.”

– “Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có ít bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm hay không?” – “Bạch ngài, chắc chắn là vậy! Chúng con sống ít bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm.”

– “Này các vị Anuruddha, các ngươi sống ít bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm là như thế nào?”

– “Bạch ngài, ở đây vị nào trong chúng con đi khất thực từ làng trở về trước tiên, vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa và đem lại chậu đựng đồ thừa, rồi đem lại nước uống và nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực đã được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn, thì đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống, nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đem (nước) lại. Nếu vị ấy không làm nổi, thì mời vị thứ hai lại với sự ra hiệu bằng tay và (chúng con) đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay. Bạch ngài, nhưng không vì lý do đó mà chúng con nói ra lời. Bạch ngài, cứ mỗi năm ngày, chúng con ngồi lại cho việc thảo luận Giáo Pháp trọn đêm. Bạch ngài, chúng con sống ít bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm là như thế.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi du hành về phía Pārileyyaka. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Pārileyyaka. Tại nơi đó, ở Pārileyyaka đức Thế Tôn sống trong khu rừng cây được bảo vệ, dưới gốc cây Sāla xinh đẹp.

Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, ta đã sống không thoải mái, bị quấy rầy bởi các tỳ khưu ở Kosambi ấy, là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng. Bây giờ, ta đây sống thoải mái, thoải mái, một mình, không người thứ hai, thoát khỏi các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng.”

Cũng có con long tượng nọ sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được nó bẻ gãy lượt này lượt khác. Và nó uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi nó vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân.

Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Ta sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Hay là ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”

Sau đó, con long tượng ấy đã tách khỏi bầy đi đến Pārileyyaka, chỗ khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây Sāla xinh đẹp, kề cận đức Thế Tôn, sau khi đến đã dùng vòi phục vụ đức Thế Tôn nước uống, nước rửa, và dọn dẹp cây cỏ.

Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Trước đây ta đã sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và đã nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái đã chạy lại cọ xát vào thân. Bây giờ, ta đây sống thoải mái, thoải mái, một mình, không kẻ thứ hai, thoát khỏi các con voi đực, các con voi cái, các con voi tơ, và các con voi bé.”

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhận biết sự tách ly của bản thân đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của con long tượng ấy, rồi vào lúc ấy đã thốt lên lời cảm hứng rằng:

Tâm của con Long tượng, là con voi có ngà dài, cùng với chúa loài người có tâm được tương đồng về việc một mình vui thích ở khu rừng.”

Sau đó, khi đã ngự tại Pārileyyaka theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Khi ấy, các cư sĩ ở Kosambi đã khởi ý điều này: “Các ngài tỳ khưu ở Kosambi này là những người đã làm nhiều điều không lợi ích cho chúng ta. Đức Thế Tôn bị quấy rầy bởi các vị này nên đã bỏ đi. Vậy thì chúng ta không nên đảnh lễ các ngài tỳ khưu ở Kosambi nữa, không nên đứng dậy, không nên thực hiện việc chắp tay và hành động thích hợp, không nên trọng vọng, không nên cung kính, không nên sùng bái, không nên cúng dường, không nên bố thí đồ ăn khất thực cho các vị đi đến; như thế ấy các vị này trong khi không được trọng vọng, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường bởi chúng ta, và khi đã không còn được trọng vọng các vị hoặc là sẽ bỏ đi, hoặc là sẽ hoàn tục, hoặc là sẽ có niềm tin nơi đức Thế Tôn.”

Sau đó, các cư sĩ ở Kosambi đã không đảnh lễ, không đứng dậy, không thực hiện việc chắp tay và hành động thích hợp, không trọng vọng, không cung kính, không sùng bái, không cúng dường, không bố thí đồ ăn khất thực cho các vị đi đến.

Khi ấy, các tỳ khưu ở Kosambi trong khi không được trọng vọng, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường bởi các cư sĩ ở Kosambi, và khi đã không còn được trọng vọng nữa đã nói như vầy: – “Này các đại đức, vậy thì chúng ta nên đi Sāvatthi và giải quyết sự tranh tụng này trong sự hiện diện của đức Thế Tôn.”

Sau đó, các tỳ khưu ở Kosambi đã thu xếp chỗ trú ngụ rồi cầm y bát đi đến thành Sāvatthi.

Đại đức Sāriputta đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy duy trì theo sự đúng Pháp.” – “Bạch ngài, con nên hiểu đúng Pháp và sai Pháp như thế nào?”

– “Này Sāriputta, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Sāriputta, ở đây vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là ‘Pháp;’ tuyên bố Pháp là: ‘Phi Pháp;’ tuyên bố phi Luật là: ‘Luật;’ tuyên bố Luật là: ‘Phi Luật;’ tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố vô tội là: ‘Phạm tội;’ tuyên bố phạm tội là: ‘Vô tội;’ tuyên bố tội nhẹ là: ‘Tội nặng;’ tuyên bố tội nặng là: ‘Tội nhẹ;’ tuyên bố tội còn dư sót là: ‘Tội không còn dư sót;’ tuyên bố tội không còn dư sót là: ‘Tội còn dư sót;’ tuyên bố tội xấu xa là: ‘Tội không xấu xa;’ tuyên bố tội không xấu xa là: ‘Tội xấu xa.’ Này Sāriputta, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

Này Sāriputta, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Sāriputta, ở đây vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là ‘Phi Pháp;’ tuyên bố Pháp là: ‘Pháp;’ tuyên bố phi Luật là: ‘Phi Luật;’ tuyên bố Luật là: ‘Luật;’ tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố vô tội là: ‘Vô tội;’ tuyên bố phạm tội là: ‘Phạm tội;’ tuyên bố tội nhẹ là: ‘Tội nhẹ;’ tuyên bố tội nặng là: ‘Tội nặng;’ tuyên bố tội còn dư sót là: ‘Tội còn dư sót;’ tuyên bố tội không còn dư sót là: ‘Tội không còn dư sót;’ tuyên bố tội xấu xa là: ‘Tội xấu xa;’ tuyên bố tội không xấu xa là: ‘Tội không xấu xa.’ Này Sāriputta, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.”

Rồi đại đức Mahāmoggallāna đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” ―(như trên)― Rồi đại đức Mahākassapa đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Mahākaccāna đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Mahākoṭṭhita đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Mahākappina đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Mahācunda đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Anuruddha đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Revata đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Upāli đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Ānanda đã nghe rằng: ―(như trên)― Rồi đại đức Rāhula đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.”

Khi ấy, đại đức Rāhula đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Rāhula đã nói với đức Thế tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này Rāhula, như thế thì ngươi hãy duy trì theo sự đúng Pháp.” – “Bạch ngài, con nên hiểu đúng Pháp và sai Pháp như thế nào?”

– “Này Rāhula, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Rāhula, ở đây vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là ‘Pháp;’ tuyên bố Pháp là: ‘Phi Pháp;’ tuyên bố phi Luật là: ‘Luật;’ tuyên bố Luật là: ‘Phi Luật;’ tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố vô tội là: ‘Phạm tội;’ tuyên bố phạm tội là: ‘Vô tội;’ tuyên bố tội nhẹ là: ‘Tội nặng;’ tuyên bố tội nặng là: ‘Tội nhẹ;’ tuyên bố tội còn dư sót là: ‘Tội không còn dư sót;’ tuyên bố tội không còn dư sót là: ‘Tội còn dư sót;’ tuyên bố tội xấu xa là: ‘Tội không xấu xa;’ tuyên bố tội không xấu xa là: ‘Tội xấu xa.’ Này Rāhula, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

Này Rāhula, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Rāhula, ở đây vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là ‘Phi Pháp;’ tuyên bố Pháp là: ‘Pháp;’ tuyên bố phi Luật là: ‘Phi Luật;’ tuyên bố Luật là: ‘Luật;’ tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: ‘Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;’ tuyên bố vô tội là: ‘Vô tội;’ tuyên bố phạm tội là: ‘Phạm tội;’ tuyên bố tội nhẹ là: ‘Tội nhẹ;’ tuyên bố tội nặng là: ‘Tội nặng;’ tuyên bố tội còn dư sót là: ‘Tội còn dư sót;’ tuyên bố tội không còn dư sót là: ‘Tội không còn dư sót;’ tuyên bố tội xấu xa là: ‘Tội xấu xa;’ tuyên bố tội không xấu xa là: ‘Tội không xấu xa.’ Này Rāhula, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.”

Rồi bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nghe rằng: : “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.”

Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này Gotamī, như thế thì bà hãy nghe Pháp ở cả hai bên; sau khi nghe Pháp ở cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì bà hãy thuận theo quan điểm, điều mong mỏi, điều khao khát, và ý định của các vị ấy. Và bất cứ điều gì hội chúng tỳ khưu ni cần trông đợi từ hội chúng tỳ khưu thì nên trông đợi tất cả các điều ấy từ các vị nói đúng Pháp mà thôi.”

Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.”

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nên dâng vật thí cả hai bên; sau khi dâng vật thí rồi hãy nghe Pháp cả hai bên; sau khi nghe Pháp cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì hãy thuận theo quan điểm, điều mong mỏi, điều khao khát, và ý định của các vị ấy.”

Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.”

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này bà Visākhā, như thế thì ngươi hãy nên dâng vật thí cả hai bên; sau khi dâng vật thí rồi hãy nghe Pháp cả hai bên; sau khi nghe Pháp cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì hãy thuận theo quan điểm, điều mong mỏi, điều khao khát, và ý định của các vị ấy.”

Sau đó, theo tuần tự các tỳ khưu ở Kosambi đã đến được thành Sāvatthi.

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambi ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng ở hội chúng đã đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên tiến hành về chỗ trú ngụ cho các tỳ khưu ấy như thế nào?” – “Này Sāriputta, như thế thì nên cho chỗ trú ngụ được cách biệt.” – “Bạch ngài, nếu không được cách biệt thì nên thực hành như thế nào?” – “Này Sāriputta, như thế thì nên làm thành cách biệt rồi giao cho. Này Sāriputta, nhưng ta không nói rằng: ‘Có thể xâm phạm chỗ trú ngụ của vị tỳ khưu thâm niên hơn vì một lý do nào đó’ vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa.” – “Bạch ngài, nên thực hành như thế nào về tài vật?” – “Này Sāriputta, tài vật nên được chia phần đồng đều cho tất cả.”

Sau đó, vị tỳ khưu bị án treo ấy trong khi suy xét về Pháp và Luật đã khởi ý điều này: “Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Ta bị phạm (tội), ta không phải là không phạm (tội). Ta bị án treo, ta không phải là không bị án treo. Ta đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì.”

Khi ấy, vị tỳ khưu bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này: – “Này các đại đức, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Tôi bị phạm (tội), tôi không phải là không phạm (tội). Tôi bị án treo, tôi không phải là không bị án treo. Tôi đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Xin các đại đức hãy đến và phục hồi cho tôi.”

Khi ấy, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đưa vị tỳ khưu bị án treo ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, vị tỳ khưu bị án treo này đã nói như vầy: ‘Này các đại đức, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Tôi bị phạm (tội), tôi không phải là không phạm (tội). Tôi bị án treo, tôi không phải là không bị án treo. Tôi đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Xin các đại đức hãy đến và phục hồi cho tôi.’ Bạch ngài, giờ nên được thực hành như thế nào?” – “Này các tỳ khưu, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy bị phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo. Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy đã phạm (tội), đã bị án treo, và nhìn nhận. Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hãy phục hồi cho vị tỳ khưu ấy.”

Sau đó, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã phục hồi cho vị tỳ khưu bị án treo ấy rồi đã đi đến gặp các tỳ khưu ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ban án treo điều này: – “Này các đại đức, trong sự kiện mà hội chúng đã có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy.”

Sau đó, các tỳ khưu ban án treo ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỳ khưu ban án treo ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã nói như vầy: ‘Này các đại đức, trong sự kiện mà hội chúng đã có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy.’ Bạch ngài, giờ nên được thực hành như thế nào?” – “Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Và này các tỳ khưu, nên được tiến hành như vầy: Toàn bộ tất cả gồm các vị bị bệnh và không bị bệnh nên tụ hội lại một chỗ, và không một ai được phép gởi lời tùy thuận. Sau khi đã tụ hội lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:

‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong sự kiện mà hội chúng đã có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong sự kiện mà hội chúng đã có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Hội chúng tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Đại đức nào đồng ý việc tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy đã được hội chúng thực hiện, sự bất đồng trong hội chúng đã được dàn xếp, sự chia rẽ hội chúng đã được dàn xếp. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’

Lập tức sau đó, lễ Uposatha nên được tiến hành. Giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng.”

Sau đó, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định nguyên nhân không đúng rồi tiến hành sự hợp nhất hội chúng; bạch ngài, có phải sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp?”

– “Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định không đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, sự hợp nhất hội chúng ấy là sai Pháp.”

– “Bạch ngài, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; bạch ngài, có phải sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp?”

– “Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp.”

– “Bạch ngài, sự hợp nhất hội chúng có bao nhiêu loại?” – “Này Upāli, sự hợp nhất hội chúng có hai loại. Này Upāli, có sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích chỉ đạt được từ ngữ và có loại vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ.

Này Upāli, thế nào sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích chỉ đạt được từ ngữ? Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định không đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, việc này gọi là sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích chỉ đạt được từ ngữ.

Này Upāli, thế nào sự hợp nhất hội chúng vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ? Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân ly trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, việc này gọi là sự hợp nhất hội chúng vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ. Này Upāli, đây là hai sự hợp nhất hội chúng.”

Sau đó, đại đức Upāli đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên cúi chào đức Thế Tôn, rồi trình lên đức Thế Tôn những lời kệ này:

Trong các phận sự thuộc về hội chúng, trong các cuộc thảo luận, trong những việc điều tra về những vấn đề đã sanh khởi, ở đây người như thế nào là người đem lại nhiều lợi ích? Ở đây vị tỳ khưu như thế nào là xứng đáng việc chủ trì?

Trước tiên về mặt giới hạnh, là vị không bị chê bai, có hành động đã được suy xét, có giác quan khéo được canh phòng. Về nguyên tắc thì những kẻ đối nghịch không thể bôi nhọ bởi vì điều gì mà họ có thể nói về vị ấy, thì vị này chẳng có điều ấy.

Vị như thế đứng vững trong sự thanh tịnh của giới, là người có niềm tự tín, nói năng có tính thuyết phục, vị đi vào hội chúng không run, không sợ hãi, không bỏ rơi ý nghĩa trong khi nói về đề tài liên quan.

Tương tợ y như thế, khi được hỏi câu hỏi ở các hội chúng, vị ấy không ngần ngại, và cũng không mắc cở, trong khi nói lời giải thích xứng đáng, đúng lúc, con người khôn ngoan làm hài lòng hội chúng các bậc tri thức.

Vị ấy có sự tôn kính các tỳ khưu trưởng thượng, và có niềm tin đối với vị thầy của mình, có khả năng cân nhắc, rành rẽ về điều nên nói, là vị rành rẽ về yếu điểm của những kẻ đối nghịch.

Vì thế, những kẻ đối nghịch lâm vào thế yếu, và đám đông người tuân theo sự chỉ dạy. Trong khi nắm giữ sự suy luận của mình, vị ấy không bỏ quên niềm tin tưởng của mình, và không gây tổn hại trong khi trả lời câu hỏi.

Có khả năng trong các công việc đưa tin, có sự ghi nhớ tốt, đúng theo lời các vị đã nói với vị ấy về các phận sự của hội chúng. Được phái đi bởi nhóm các tỳ khưu, trong khi thực hiện lời dặn dò, không vì điều ấy mà suy nghĩ rằng: ‘Ta làm công việc.’

Khi bị phạm tội về các sự việc dầu là thế nào chăng nữa, theo đó có phương thức thoát khỏi tội. Vị ấy khéo được truyền thừa cả hai bộ Phân Tích ấy, là vị biết về đường lối thoát khỏi tội.

Trong khi phân xử các sự việc, vị ấy áp dụng sự mời ra, và người bị mời ra là đúng theo sự việc. Sự phục hồi là dành cho người đã trải qua việc ấy. Vị ấy cũng biết luôn cả điều ấy, là vị biết về Bộ Phân Tích.

Vị ấy có sự tôn kính các tỳ khưu trưởng thượng, các vị mới tu, các vị trưởng lão, và các vị trung niên. Người thực hiện việc lợi ích cho nhiều người ở đây là bậc sáng trí. Vị tỳ khưu như thế ấy xứng đáng việc chủ trì ở đây.”

Dứt chương Kosambi là thứ mười.

*****

 TÓM LƯỢC CHƯƠNG NÀY

Bậc Chiến Thắng cao quý ở tại Kosambi, sự tranh luận về việc không nhìn nhận tội, trong trường hợp nào (hội chúng) có thể phạt án treo thì trong trường hợp ấy (vị bị án treo) nên trình báo tội vì niềm tin (của các vị khác).

Bên trong ranh giới, ở chính tại nơi ấy, luôn cả (ngôi làng) Bālaka, từ vườn cây (Pācīna), khu rừng Pārileyyā, và thành Sāvatthi, vị Sāriputta và vị Kolita.

Vị Mahākassapa, vị Kaccāna, vị Koṭṭhita, và vị Kappina, vị Mahā-cunda, vị Anuruddha, và cả hai vị Revata và Upāli.

Vị Ānanda, và luôn cả vị Rāhula nữa, vị ni Gotamī, ông Anātha-piṇḍika, và bà Visākhā mẹ của Migāra, và chỗ trú ngụ được cách biệt, nên cho tài vật đồng đều.

Không vị nào được gởi trao sự tùy thuận, được vấn hỏi bởi vị Upāli, vị (tỳ khưu) không bị chê trách về tăng thượng giới, sự hợp nhất trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.”

–ooOoo–

ĐẠI PHẨM ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)