Phú Hộ Upāli Xin Phép Đi Đấu Trí Với Đức Phật

CHUYỆN VỀ ÔNG PHÚ HỘ UPĀLI

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng xoài của phú hộ Pāvārika gần thành Nālandā. Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng nhóm đệ tử cùng trú tại xứ Nālandā. Một hôm, người đệ tử của vị Đạo sư Nigaṇṭha tên là Dīghatapassī đi vào thành Nālandā khất thực, sau khi thọ thực xong, tu sĩ Dīghatapassī đến hầu viếng Đức Thế Tôn tại khu vườn xoài của phú hộ Pāvārika, sau khi thăm hỏi xong ngồi một nơi hợp lẽ, Đức Thế Tôn truyền hỏi tu sĩ Dīghatapassī rằng:
– “Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định nghiệp trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?”.

Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp, mà chế định “Daṇḍa (hành hạ)” là thường xuyên.

ĐP: Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

– Kāyadaṇḍa: Sự hành hạ bằng thân.
– Vacīdaṇḍa: Sự hành hạ bằng khẩu.
– Manodaṇḍa: Sự hành hạ bằng ý.

ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại hành hạ là loại hành hạ bằng thân, loại hành hạ bằng khẩu và loại hành hạ bằng ý, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta đã chế định loại hành hạ nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp?

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại hành hạ khác nhau ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đã chế định “Sự hành hạ bằng thân (kāyadaṇḍa)” có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Và chế định sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp như sự hành hạ bằng thân, thưa Ngài.

Đức Phật đã hỏi lại 3 lần, vị tu sĩ Dīghatapassī cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi Đức Phật rằng:

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, Như Lai không chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” mà thường chế định “Nghiệp (kamma)”.

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, Như Lai chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

– Thân ác nghiệp.
– Khẩu ác nghiệp.
– Ý ác nghiệp.

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại ác nghiệp là thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp, Ngài đã chế định loại ác nghiệp nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại ác nghiệp khác nhau ấy, Như Lai đã chế định loại ý ác nghiệp có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, và chế định loại thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng ý ác nghiệp.

Tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi lại Đức Thế Tôn 3 lần, Đức Thế Tôn cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī xin phép từ giã Đức Thế Tôn trở về gặp vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đang ngồi tại hội trường giữa các nhóm đệ tử tu sĩ và cư sĩ có ông phú hộ Upāli, người trưởng nhóm, nhìn thấy Dīghatapassī từ xa trở về, nên vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta hỏi rằng:

Ni: Này Tapassi, con từ đâu trở về lúc xế trưa như vậy?

Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

Dī: Kính thưa Ngài, con từ nơi tu viện của Samôn Gotama trở về. Thưa Ngài.

Ni: Này Tapassi, con có đàm luận với vị Samôn Gotama về vấn đề gì hay không?

Dī: Kính thưa Ngài, con có đàm luận với vị Samôn Gotama.

Vị tu sĩ Dīghatapassī liền tường thuật đầy đủ cuộc đàm luận giữa y với Đức Phật cho vị Đạo sư Nigaṇṭha nāṭaputta nghe. Sau khi nghe xong, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tán dương ca tụng rằng:

– Này Tapassi, những điều mà con đã trình bày cho Samôn Gotama là đúng, con thật xứng đáng là một người đệ tử hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của thầy:
– “Thật ra, sự hành hạ bằng ý có đáng gì so với sự hành hạ bằng thân. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp hơn sự hành hạ bằng thân đâu!”

PHÚ HỘ UPĀLI XIN PHÉP ĐI ĐẤU TRÍ VỚI ĐỨC PHẬT

Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta nói như vậy, phú hộ Upāli liền thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:
– Kính thưa Ngài, vị Dīghatapassī đã trình bày đúng thật! Hay thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Samôn Gotama đúng theo điều con đã nghe Ngài dạy. Vị Dīghatapassī đúng là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của Ngài. Thật ra, sự hành hạ bằng ý quá ít ỏi không đáng gì so với sự hành hạ bằng thân quá lớn lao. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!
– Kính thưa Ngài, như vậy, con sẽ đi đến đấu trí về vấn đề này với Samôn Gotama. Nếu Samôn Gotama vẫn khẳng định với con như đã khẳng định với vị Dīghatapassī như vậy, thì con sẽ hỏi vặn, hỏi vẹo, hỏi xuôi, hỏi ngược, hỏi qua, hỏi lại, bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ nắm bộ long dài của con cừu non kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ bắt bẻ, hỏi vặn vẹo bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ làm việc trong xưởng nấu rượu ném đồ vớt rác xuống nồi rượu kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ vặn, chà xát, bóp nát bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như người đàn ông mạnh mẽ là người nghiền rượu cầm chén rượu nghiêng qua ngửa lại như vậy, v.v…
Kính thưa Ngài, con sẽ đến gặp Samôn Gotama đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của con đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích rằng:
– Này ông phú hộ, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích như vậy, vị Dīghatapassī thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:
– Kính thưa Ngài, điều mà Ngài động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli đến gặp Samôn Gotama để đấu trí bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama ấy, con không hài lòng chút nào, con không yên tâm chút nào, bởi vì Samôn Gotama là Bậc có nhiều xảo thuật kỳ diệu, cho nên đã có nhiều người đệ tử ngoại đạo chịu thuần phục, xin làm đệ tử của Samôn Gotama.

Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tin tưởng chắc chắn rằng điều đó không thể xảy ra đối với phú hộ Upāli, cho nên ông quả quyết bảo rằng:
– Này Tapassi, điều mà phú hộ Upāli sẽ trở thành đệ tử của Samôn Gotama là điều không phải nhân, không phải duyên có thể xảy ra được, nhưng ngược lại, điều mà Samôn Gotama sẽ trở thành đệ tử của phú hộ Upāli là điều có thể xảy ra được.

– Này phú hộ Upāli, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Tuy tu sĩ Dīghatapassī khuyên can vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không nên cho phú hộ Upāli đi đầu trí với Samôn Gotama đến 3 lần, nhưng vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không quan tâm đến lời khuyên của vị Dīghatapassī, mà vẫn động viên khuyến khích phú hộ Upāli đi đấu trí về vấn đề ấy bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

PHÚ HỘ UPĀLI ĐẾN GẶP ĐỨC PHẬT

Được sự động viên khuyến khích của vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta, ông phú hộ Upāli lễ bái vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi xin phép đi đến khu rừng xoài của ông phú hộ Pāvārika gặp Đức Phật. ông phú hộ Upāli cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức Phật rằng:
– Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị tu sĩ Dīghatapassī có đến nơi đây hay không? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

– Này phú hộ Upāli, vị Dīghatapassī có đến tại nơi đây.

– Kính bạch Ngài, Ngài có đàm luận với vị Dīghatapassī về vấn đề gì hay không? Bạch Ngài.

– Này phú hộ Upāli, Như Lai có đàm luận với vị Dīghatapassī.

Đức Thế Tôn truyền dạy lại cho phú hộ Upāli cuộc đàm luận giữa Ngài với vị tu sĩ Dīghatapassī.

Khi nghe Đức Thế Tôn truyền dạy xong, ông phú hộ Upāli bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Dīghatapassī giỏi thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Đức Thế Tôn là đúng theo những điều mà tôi đã nghe, đã học hỏi từ vị Đạo sư. Vị Dīghatapassī là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của vị Đạo sư.

Thật ra, sự hành hạ bằng thân mới có nhiều năng lực nặng nề nhất, còn sự hành hạ bằng ý thì có ít năng lực, không đáng kể.

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nếu nhà ngươi quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng, thì Như Lai và nhà ngươi sẽ đàm luận về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng. Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Đức Phật hỏi những câu hỏi:

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:
“Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha bị lâm bệnh nặng, đau khổ, bệnh trầm trọng, mà bệnh nhân ấy bị cấm không được uống nước lạnh, chỉ được phép uống nước nóng mà thôi. Bệnh nhân ấy đã bị chết vì không được uống nước lạnh”.

Này ông phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự tái sinh kiếp sau của người đệ tử Nigaṇṭha ấy nơi cõi giới nào?

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định cõi chư thiên có tên là cõi “Manosatta (chư thiên có tâm dính mắc)”. Trong lúc lâm chung, người đệ tử Nigaṇṭha có tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta, cho nên, sau khi bệnh nhân chết, sẽ tái sinh kiếp sau trong nhóm chư thiên manosatta ấy. Tại sao?

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, bởi vì người đệ tử Nigaṇṭha ấy, trong lúc lâm chung, tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta ấy.

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng: “Kính bạch Ngài Samôn, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy”

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha là người phải nên thu thúc thận trọng 4 điều cấm:
– Hoàn toàn không được phép uống nước lạnh (trong nước lạnh có sinh vật, còn có nghĩa là tránh xa mọi tội ác).
– Hoàn toàn không được làm các điều ác
– Phải diệt mọi tội ác bằng cách tránh xa hoàn toàn hành ác.
– Khi tiếp xúc, hoàn toàn không làm mọi tội ác.
Vậy, khi bước tới trước, khi bước lui lại sau, đạp nhằm những chúng sinh (sinh vật) nhỏ bé bị chết”.

Này ông phú hộ Upāli, như vậy, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định quả của nghiệp ấy như thế nào đối với người đệ tử Nigaṇṭha ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp trong hành động không có tác ý. Hành động không có tác ý thì không có tội ác nặng nào cả.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nếu có tác ý thì sao?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu có tác ý thì có tội ác nặng.

ĐP: Này phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về loại daṇḍa (sự hành hạ) nào trong 3 loại hành hạ?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về sự hành hạ bằng ý (manodaṇḍa).

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng: “Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “Chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy”

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc, có phải không?”

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc. Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Trong thành phố Nālandā này, có một người đàn ông cầm dao rồi tuyên bố rằng: Tôi sẽ làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng mà thôi”.

Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Người đàn ông ấy có thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng được hay không?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 người đàn ông, 20 người đàn ông, 30 người đàn ông, 40 người đàn ông, 50 người đàn ông hay nhiều người đàn ông hơn nữa cũng không thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng, huống hồ chỉ có một người đàn ông thì làm sao mà làm nổi được! (chắc chắn là không làm được).

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Một vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông. Đến thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy tuyên bố rằng:

“Ta sẽ làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt mà thôi”.

Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, có thể làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt được hay không?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 thành phố, 20 thành phố, 30 thành phố, 40 thành phố, 50 thành phố như thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, cũng có thể làm cho những thành phố ấy trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt, huống hồ chỉ có một thành phố Nālandā này thôi, sao mà không trở thành tro bụi được! (chắc chắn trở thành tro bụi mà thôi). Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng: “Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

“Khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã có nghe câu chuyện xảy ra hay không?”.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, con đã từng nghe câu chuyện xảy ra. Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã từng nghe thế nào? Do nguyên nhân nào trở thành những khu rừng ấy?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe kể rằng:

“Sở dĩ khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga trở thành khu rừng, là vì chư thiên phát sinh tâm sân nghĩ tiêu diệt bởi do ác nghiệp của con người làm khổ vị Đạo sĩ, làm hại vị Đạo sĩ”.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng: “Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy”

PHÚ HỘ UPĀLI KÍNH XIN THỌ PHÉP QUY Y

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, ngay điều ví dụ đầu tiên, nhưng con rất tha thiết muốn nghe tài ứng đáp lưu loát bằng nhiều cách, những ví dụ khác nhau vô cùng sâu sắc của Đức Thế Tôn. Do đó con đã làm ra vẻ như cứng đầu, khó dạy, đối lập với Ngài, thực ra trong tâm của con hết lòng tôn kính Ngài.

Kính bạch Đức Thế Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng quá! Ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu như thế nào, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng giáo pháp bằng nhiều cách cũng như thế ấy.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi chư Tỳ khưu Tăng.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy Y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay!

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.
Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

Kính bạch Đức Thế Tôn, nhóm ngoại đạo được con là đệ tử của họ, họ sẽ cầm cờ reo hò đi khắp thành phố Nālandā này thông báo cho mọi người biết rằng: “Từ nay, phú hộ Upāli là đệ tử của chúng tôi”

Nhưng còn Đức Thế Tôn lại khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ nhì.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy Y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: Này phú hộ Upāli, đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng:

“Đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con”.

Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe rằng: “Samôn Gotama khuyên dạy như vầy: Chỉ nên làm phước thiện bố thí đến Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến người khác; chỉ nên làm phước thiện bố thí đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến các hàng đệ tử của các phái khác; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ dâng cúng đến Như Lai là chắc chắn có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến vị khác sẽ không có quả báu nhiều; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mới có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng đệ tử của các phái khác không có quả báu nhiều”.

Nhưng sự thật, Đức Thế Tôn khuyên dạy con nên tiếp tục làm phước thiện bố thí hộ độ, cấp dưỡng cho nhóm Nigaṇṭha.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ biết tùy thời nên làm phước thiện bố thí.

Và một lần nữa, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy Y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ ba.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy Y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

PHÚ HỘ UPĀLI CHỨNG ĐẮC THÀNH BẬC THÁNH NHẬP LƯU

Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuyết pháp Anupubbikathā để tế độ phú hộ Upāli, thuyết pháp theo tuần tự đó là: Pháp thiện bố thí, pháp hành giữ giới, các cõi giới của chư thiên, tội lội của ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) làm cho tâm ô nhiễm, quả báu trong sự xa lánh ngũ trần (xuất gia).

Đức Thế Tôn biết rõ tâm của phú hộ Upāli trong sáng dễ dạy, khi ấy, Đức Thế Tôn nâng đỡ tâm của phú hộ Upāli bằng pháp Tứ Đế: Khổ đế, Nhân sinh khổ đế, Diệt khổ đế, Pháp hành diệt khổ đế (Đạo đế) ví như tấm vải trắng sạch sẽ không còn chất dơ bẩn, nên nhuộm dễ thấm màu tốt đẹp như thế nào, thì thiện tâm trong sạch của phú hộ Upāli làm nền tảng phát sinh pháp nhãn (dhammacakkhu) trong sáng thanh tịnh cũng như thế ấy, thấy rõ rằng:

“Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng thái diệt”.

Khi ấy, phú hộ Upāli đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ, thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng… không còn hoài nghi nào nữa, với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa.

Phú hộ Upāli đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật tại nơi ấy.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.