Tập Yếu Ii – Nhóm Năm Của Upāli: Phẩm Đích Thân Khởi Tố
Tập Yếu II
Nhóm năm của Upāli
Phẩm Đích Thân Khởi Tố
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên cáo tội vị khác?
– Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét nội tâm năm pháp rồi mới nên cáo tội vị khác. Thế nào là năm? Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có sở hành về thân trong sạch không? Ta có sở hành về thân trong sạch không sai sót không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không có sở hành về thân trong sạch, không có sở hành về thân trong sạch không sai sót không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên rèn luyện điều liên quan đến thân;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có sở hành về khẩu trong sạch không? Ta có sở hành về khẩu trong sạch không sai sót không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không có sở hành về khẩu trong sạch, không có sở hành về khẩu trong sạch không sai sót không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên rèn luyện điều liên quan đến khẩu;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét như vầy: ‘Tâm từ của ta tức là tâm không ác cảm đối với các vị đồng phạm hạnh có hiện khởi không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu tâm từ của vị tỳ khưu là tâm không ác cảm đối với các vị đồng phạm hạnh không có hiện khởi, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên thể hiện tâm từ đến các vị đồng phạm hạnh;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét như vầy: ‘Ta có phải là vị nghe nhiều, ghi nhớ điều đã được nghe, tích lũy điều đã được nghe không? Những Pháp nào có sự tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các Pháp có hình thức tương tợ như thế có được ta nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, quán xét bằng ý, thâm nhập bằng kiến thức không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không phải là vị nghe nhiều, ghi nhớ được điều đã nghe, tích lũy điều đã nghe. Những Pháp nào có sự tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các Pháp có hình thức tương tợ như thế không được vị ấy nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, quán xét bằng ý, thâm nhập bằng kiến thức, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên học tập kinh điển;’ có những người nói với vị này như thế.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét như vầy: ‘Đối với ta, hai bộ giới bổn Pātimokkha có được truyền thừa với chi tiết, khéo được phân tích, khéo được áp dụng, khéo được xác định theo từng điều học hoặc theo từng từ ngữ không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?’ Này Upāli, nếu đối với vị tỳ khưu hai bộ giới bổn Pātimokkha không được truyền thừa với chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo được áp dụng, không khéo được xác định theo từng điều học hoặc theo từng từ ngữ, khi (vị ấy) được hỏi như vầy: ‘Này đại đức, điều này đã được đức Thế Tôn nói ở đâu?’ mà không đáp được, không hiểu được, có những người nói với vị ấy rằng: ‘Này, đến lúc đại đức nên học tập về Luật;’ có những người nói với vị này như thế. Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên quán xét bản thân năm pháp này rồi mới nên cáo tội vị khác.
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên thiết lập ở nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên cáo tội vị khác?
– Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên thiết lập ở nội tâm năm pháp rồi mới nên cáo tội vị khác. Thế nào là năm? ‘Ta sẽ nói hợp thời, không phải sái thời; ta sẽ nói với sự thật, không phải với sự sai trái; ta sẽ nói với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ; ta sẽ nói có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích; ta sẽ nói với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận.’ Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên thiết lập ở nội tâm năm pháp này rồi mới nên cáo tội vị khác.
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên tác ý nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên cáo tội vị khác?
– Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên tác ý nội tâm năm pháp rồi mới nên cáo tội vị khác. Thế nào là năm? Lòng bi mẫn, sự tầm cầu lợi ích, lòng thương xót, sự thoát khỏi tội, sự tôn trọng Luật. Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn cáo tội vị khác nên tác ý nội tâm năm pháp ấy rồi mới nên cáo tội vị khác.
- – Bạch ngài, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có bao nhiêu yếu tố?
– Này Upāli, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố. Với năm (yếu tố) gì? Là vị có sở hành về thân không được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt không kinh nghiệm, không có khả năng đối đáp lại trong khi bị thẩm vấn. Này Upāli, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố.
Này Upāli, việc thỉnh ý là cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố. Với năm (yếu tố) gì? Là vị có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) thông thái có kinh nghiệm, có khả năng đối đáp lại trong khi bị thẩm vấn. Này Upāli, việc thỉnh ý là cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố.’
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên áp dụng việc đích thân khởi tố khi có được bao nhiêu yếu tố?
– Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên áp dụng việc đích thân khởi tố khi có năm yếu tố. Thế nào là năm? Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố nên quán xét như sau: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này là đúng thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này hay không đúng (thời điểm)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Sái thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này, không phải đúng thời điểm,’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Đúng thời điểm để áp dụng việc đích thân khởi tố này, không phải là sái thời điểm;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này, nhưng việc đích thân khởi tố này là đúng đắn hay không (đúng đắn)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là sai trái, không đúng đắn;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là đúng đắn, không phải sai trái;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Việc ta có ý muốn áp dụng việc đích thân khởi tố này, nhưng việc đích thân khởi tố này là đem sự lại lợi ích hay không (đem lại sự lợi ích)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là đem lại sự vô ích, không đem lại sự lợi ích;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Việc đích thân khởi tố này là đem lại sự lợi ích, không phải đem lại sự vô ích;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong nhóm theo đúng Pháp theo đúng Luật hay sẽ không (đạt được)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ không đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong nhóm theo đúng Pháp theo đúng Luật;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Trong khi áp dụng việc đích thân khởi tố này, ta sẽ đạt được các tỳ khưu đồng quan điểm thân thiết ở trong nhóm theo đúng Pháp, theo đúng Luật;’ này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ xảy ra sự tranh cãi, sự cãi cọ, sự xung đột, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân loại trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng hay sẽ không (xảy ra)?’ Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ xảy ra sự tranh cãi, sự cãi cọ, sự xung đột, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân loại trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng;’ này Upāli, không nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy.
Này Upāli nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét nhận biết như vầy: ‘Khi việc đích thân khởi tố này của ta được áp dụng, do nguyên nhân ấy đối với hội chúng sẽ không xảy ra sự tranh cãi, sự cãi cọ, sự xung đột, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân loại trong hội chúng, việc làm khác biệt trong hội chúng;’ này Upāli, nên áp dụng việc đích thân khởi tố ấy. Này Upāli, việc đích thân khởi tố đã được áp dụng có năm yếu tố như thế sẽ không đem lại sự ân hận ngay cả về sau này.
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu có bao nhiêu yếu tố là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng?
– Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng. Với năm (yếu tố) gì? Là vị có giới hạnh, sống thu thúc theo sự hạn chế của giới bổn Pātimokkha, thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy được sự nguy hiểm trong những tội lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành theo các điều học; là vị nghe nhiều, ghi nhớ điều đã nghe, tích lũy điều đã nghe, các Pháp nào là tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các Pháp có hình thức như thế được (vị ấy) nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, quán xét bằng ý, thâm nhập bằng kiến thức; đối với vị ấy hai bộ giới bổn Pātimokkhađã khéo được truyền thừa với chi tiết, khéo được phân tích, khéo được ứng dụng, khéo được phán xét theo từng điều học, theo từng từ ngữ; vị ấy vững vàng về Luật không có bối rối; là vị có khả năng để làm cho cả hai phe đối địch của sự kiện phải tin tưởng, biết rõ, suy nghĩ lại, thấy được, (và) hoan hỷ. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng. Với năm (yếu tố) gì? Là vị có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) thông thái có kinh nghiệm, có khả năng đối đáp lại trong khi bị thẩm vấn. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về sự việc, biết về duyên khởi, biết về điều quy định, biết về thứ tự của chữ (trong câu), biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có nhiều ích lợi cho các tỳ khưu gây nên sự tranh tụng.
- – Bạch ngài, vị tỳ khưu có bao nhiêu yếu tố là không nên thẩm vấn?
– Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố là không nên thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về giới bổn, không biết về điều phù hợp với giới bổn, không biết về Luật, không biết về điều phù hợp với Luật, vị không khéo léo về việc thành lập (tội) hay không thành lập (tội). Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là không nên thẩm vấn.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố là có thể thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về giới bổn, biết về điều phù hợp với giới bổn, biết về Luật, biết về điều phù hợp với Luật, vị khéo léo về việc thành lập (tội) hay không thành lập (tội). Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có thể thẩm vấn.
- Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là không nên thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về Pháp, không biết về điều phù hợp với Pháp, không biết về Luật, không biết về điều phù hợp với Luật, vị không khéo léo về việc trước và việc sau. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là không nên thẩm vấn.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có thể thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về Pháp, biết về điều phù hợp với Pháp, biết về Luật, biết về điều phù hợp với Luật, vị khéo léo về việc trước và việc sau. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có thể thẩm vấn.
- Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là không nên thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về sự việc, không biết về duyên khởi, không biết về điều quy định, không biết về thứ tự của chữ (trong câu), không biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là không nên thẩm vấn.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có thể thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về sự việc, biết về duyên khởi, biết về điều quy định, biết về thứ tự của chữ (trong câu), biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có thể thẩm vấn.
- Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là không nên thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về tội, không biết về nguồn sanh tội, không biết về sự tiến hành của tội, không biết về cách giải quyết tội, không khéo léo trong việc phán quyết tội. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là không nên thẩm vấn.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có thể thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về tội, biết về nguồn sanh tội, biết về sự tiến hành của tội, biết về cách giải quyết tội, khéo léo trong việc phán quyết tội. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có thể thẩm vấn.
- Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là không nên thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về sự tranh tụng, không biết về nguồn sanh khởi của tranh tụng, không biết về cách tiến hành tranh tụng, không biết về cách giải quyết tranh tụng, không khéo léo trong việc phán quyết về tranh tụng. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là không nên thẩm vấn.
Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa là có thể thẩm vấn. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về sự tranh tụng, biết về nguồn sanh khởi của tranh tụng, biết về cách tiến hành tranh tụng, biết về cách giải quyết tranh tụng, khéo léo trong việc phán quyết về tranh tụng. Này Upāli, vị tỳ khưu có năm yếu tố này là có thể thẩm vấn.
Phẩm Đích Thân Khởi Tố là thứ năm.
*****
Tóm Lược Phần Này
Sự trong sạch, hợp thời, với lòng bi mẫn, và bằng sự thỉnh ý, sự đích thân khởi tố, sự tranh tụng, và với các điều khác nữa, và sự việc, giới bổn, Giáo Pháp, và sự việc nữa, tội vi phạm, và với sự tranh tụng.
–ooOoo–