Tiểu Phẩm I – Chương Hành Sự: Hành Sự Khiển Trách, Câu Chuyện Về Các Tỳ Khưu Nhóm Paṇḍuka Và Lohitaka
MAIN CONTENT
Tiểu Phẩm I: Chương Hành Sự
Hành Sự Khiển Trách
Câu chuyện về các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Chính vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka,[1] bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: – “Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài.” Vì thế mà những sự xung đột chưa sanh liền sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển.
Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho những kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy bản thân vốn là những kẻ thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những kẻ thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”
Sau đó, khi đã khiển trách các vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã chê trách về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn. Ngài đã nói Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy: Trước hết, các tỳ khưu Paṇḍuka và Lohitaka cần được quở trách; sau khi quở trách cần được nhắc nhở; sau khi nhắc nhở cần xác định tội; sau khi xác định tội, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka này, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka này, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển. Hội chúng thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka này, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển. Hội chúng thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka này, bản thân vốn là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, lại còn đi đến gặp các tỳ khưu khác cũng là những vị thường gây nên các sự xung đột, ―(như trên)― và tranh tụng trong hội chúng, rồi nói như vầy: ‘Này các đại đức, các ngài đừng để vị đó đánh bại. Các ngài hãy phản bác lại thật mạnh bạo. Các ngài sáng trí hơn, kinh nghiệm hơn, học rộng hơn, và nổi bật hơn vị đó. Các ngài chớ có sợ vị đó. Chúng tôi sẽ về phe của các ngài;’ vì thế mà những sự xung đột chưa sanh đã sanh khởi và những sự xung đột đã sanh khởi càng tiến đến tình trạng gia tăng và phát triển. Hội chúng thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Hành sự khiển trách đến các tỳ khưu nhóm Paṇḍuka và Lohitaka đã được hội chúng thực hiện. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
[1] Hai vị này là hai trong sáu vị đứng đầu nhóm Lục Sư. Thứ tự được trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở Sāvatthi, Mettiya và Bhummajaka ở Rājagaha, Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā (VinA. iii, 614).