Tương Ưng Bộ Iv – Chương I: Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Thế Giới Dục Công Đức

TƯƠNG ƯNG BỘ IV

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ

PHẨM THẾ GIỚI DỤC CÔNG ĐỨC

112. Māra (Ma) Lưới Bẫy

—Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma đoanh vây vị ấy. Bị Ma trói buộc, vị ấy bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm … Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma đoanh vây vị ấy. Bị Ma trói buộc, vị ấy bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.

Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không đi đến trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma không đoanh vây vị ấy. Ðược giải thoát khỏi Ma trói buộc, vị ấy không bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm … Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không đi đến trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục. Lưới bẫy của Ma không đoanh vây vị ấy. Ðược giải thoát khỏi Ma trói buộc, vị ấy không bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.

113. Māra (Ma) Lưới Bẫy

—Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo bị trói buộc trong các sắc do mắt nhận thức, đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục, bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm … Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức … tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo bị trói buộc trong các pháp do ý nhận thức, đã đi đến trú xứ của Ma, đã bị Ma chinh phục, bị Ác ma muốn làm gì vị ấy thì làm.

Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức, khả lạc … hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các sắc do mắt nhận thức, không đi vào trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm … Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các pháp do ý nhận thức, không đi vào trú xứ của Ma, không bị Ma chinh phục, không bị Ác ma muốn làm gì thì làm.

114. Thế Giới Dục Công Ðức

—Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới.

Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá.

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, khởi lên tư tưởng sau đây: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời nói vắn tắt này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới’. Lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi”?

Rồi các Tỷ-kheo ấy lại suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán, được các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ānanda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này”.

Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ānanda:

—Thưa Hiền giả Ānanda, sau khi thuyết giảng lời vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách không đạt đến sự tận cùng thế giới”. Thưa Hiền giả, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng tôi suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, sau khi nói lên lời tuyên bố vắn tắt này cho chúng ta, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới’. Lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?”. Rồi thưa Hiền giả, chúng tôi lại suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán, được các bạn đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ānanda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này”. Mong Tôn giả Ānanda hãy phân tích cho.

—Này chư Hiền, ví như một người cần thiết lõi cây, tìm cầu lõi cây, đang đi tìm cầu lõi cây, đứng trước một cây lớn có lõi cây. Người ấy bỏ rễ, bỏ thân cây, nghĩ rằng lõi cây cần phải tìm trong các nhánh cây, lá cây. Cũng vậy, là việc chư Tôn giả làm … Chư Tôn giả đứng trước mặt Thế Tôn, chư Tôn giả lại vượt qua Thế Tôn và nghĩ rằng cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Nhưng này chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc có trí, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc tuyên thuyết, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời, chư Hiền hãy đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chư Hiền như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

—Thưa Hiền giả Ānanda, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc có trí, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc tuyên thuyết, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời chúng tôi đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chúng tôi như thế nào, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ānanda có thể giải thích một cách rộng rãi lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn chưa được phân tích rộng rãi. Mong Tôn giả Ānanda phân tích cho, nếu Tôn giả không cảm thấy phiền phức (agarum katvà).

—Vậy chư Hiền hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ nói.

—Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda.

Tôn giả Ānanda nói như sau:

—Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: ” Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới”. Này chư Hiền, lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu một cách rộng rãi như sau:

Này chư Hiền, do cái gì trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới, đây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh. Và này chư Hiền, do cái gì trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới? Do con mắt, này chư Hiền, trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới. Do tai, này chư Hiền … Do mũi, này chư Hiền … Do lưỡi, này chư Hiền … Do thân, này chư Hiền … Do ý, này chư Hiền, trong thế giới, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới. Ðây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh.

Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt cho chư Hiền, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đã đi vào tịnh xá: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới”. Này chư Hiền, lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nhưng nếu muốn, chư Tôn giả hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

—Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tôn giả ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tịnh xá: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng … sự tận cùng thế giới”. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn ra đi không được bao lâu, chúng con khởi lên ý nghĩ này: “Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: ‘Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng … sự tận cùng thế giới’. Lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?”

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán, được các bạn đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Ānanda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi lời Thế Tôn tuyên bố vắn tắt này. Chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này”. Và, bạch Thế Tôn, chúng con đã đi đến Tôn giả Ānanda và hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này.

Bạch Thế Tôn, với những lý do này, với những câu này, với những chữ này, ý nghĩa được Tôn giả Ānanda giải thích cho chúng con …

—Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là Ānanda. Ðại tuệ, này các Tỷ-kheo, là Ānanda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông có hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như vậy, như Ānanda đã trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy. Hãy thọ trì như vậy.

115. Thế Giới Dục Công Ðức

—Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta khởi lên ý nghĩ như sau: “Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm Ta đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai”. Rồi, này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính Ta, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm”.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm các Ông đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai. Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính các Ông, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: “Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu”. Các xứ cần phải được hiểu như vậy.

Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.

Rồi các Tỷ-kheo, sau khi Thế Tôn ra đi chẳng bao lâu, khởi lên ý nghĩ sau đây: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt … Ai có thể phân tích ý nghĩa lời tuyên bố một cách rộng rãi?”

Rồi các Tỷ-kheo ấy lại suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán.”.

(Như kinh trên, từ số 5 đến số 9, chỉ khác về lời tuyên bố của Thế Tôn)

—Vậy chư Hiền, hãy lắng và suy nghiệm kỹ. Tôi sẽ nói.

—Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda.

Tôn giả Ānanda nói như sau:

—Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng vắn tắt này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’”. Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt này, không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Lời Thế Tôn nói, này chư Hiền, là thuộc về đoạn diệt sáu xứ. Do vậy, này chư Hiền, các xứ cần phải hiểu: “Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu biết”. Các xứ cần phải được hiểu như vậy.

Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, ý nghĩa không được phân tích một cách rõ ràng, ý nghĩa ấy tôi hiểu một cách rõ ràng như vậy. Nếu muốn, chư Hiền hãy đi đến Thế Tôn và hỏi về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.

—Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt cho chúng con, không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, Thế Tôn đi vào tịnh xá: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu. ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy pháp tưởng được ly tham, các xứ phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy”. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này cho chúng ta, nhưng không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: ‘Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy’, nhưng ý nghĩa không được phân tích một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?”.

Bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được bậc Ðạo Sư tán thán và được các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Với lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, nhưng không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Tôn giả Ānanda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này”.

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, chúng con hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ānanda với những lý do này, với những câu này, với những chữ này, đã phân tích ý nghĩa.

—Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là Ānanda! Ðại tuệ, này các Tỷ-kheo, là Ānanda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng sẽ trả lời như vậy, như Ānanda đã trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy, hãy như vậy thọ trì.

116. Sakka

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), tại Gijjhakùta (Linh Thứu).

Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại không nhập Niết-bàn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại nhập được Niết-bàn?

—Này Thiên chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, tham luyến an trú, y cứ vào đấy, thức khởi lên chấp thủ cái ấy. Vì có chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy không nhập Niết-bàn.

Này Thiên chủ, có những tiếng do tai nhận thức … có những hương do mũi nhận thức … có những vị do lưỡi nhận thức … có những xúc do thân cảm giác …

Này Thiên chủ, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú. Do Tỷ-kheo ấy hoan hỷ pháp ấy, tán dương, tham luyến an trú, y cứ vào đấy, thức khởi lên chấp thủ cái ấy. Do có chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy không nhập Niết-bàn.

Này Thiên chủ, đây là nhân, đây là duyên, ở đây một số loài hữu tình, ngay trong hiện tại không nhập Niết-bàn.

Và này Thiên chủ, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời do vị ấy không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, không y cứ cái ấy, thức khởi lên không chấp thủ cái ấy. Do không chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo nhập Niết-bàn. Có những tiếng do tai nhận thức … Có những hương do mũi nhận thức … Có những vị do lưỡi nhận thức … Có những xúc do thân cảm giác …

Này Thiên chủ, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú; thời do Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương, không tham luyến an trú, không y cứ vào cái ấy, thức khởi lên không chấp thủ cái ấy. Không chấp thủ, này Thiên chủ, Tỷ-kheo ấy nhập Niết-bàn.

Này Thiên chủ, đây là nhân, đây là duyên, do vậy ở đây một số loài hữu tình ngay trong hiện tại nhập Niết-bàn.

117. Pancasikha

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu).

Rồi Pancasikha, con vị vua Gandhabba, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

Ðứng một bên, Pancasikha, con Gandhabba, bạch Thế Tôn: ” … (giống như kinh trước, câu hỏi và câu đáp giống như kinh trước)”.

118. Sāriputta

Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi, tại Jetanvana, vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sāriputtanhững lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sāriputta:

—Tỷ-kheo đồng trú, thưa Tôn giả Sāriputta, đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.

—Này Hiền giả, như vậy xẩy đến cho vị nào không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy không xảy ra.

Này Hiền giả, một Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy có xảy ra.

Và này Hiền giả, thế nào là hộ trì các căn? Này Hiền giả, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc … khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này Hiền giả, là sự hộ trì các căn.

Này Hiền giả, thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng các món ăn. Không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự mình làm đẹp mình mà chỉ để thân này được duy trì và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này Hiền giả, là tiết độ trong ăn uống.

Và này Hiền giả, như thế nào là chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh một, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên hữu, trong tư thế con sư tử, chân này đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, khi vị ấy đi kinh hành và trong khi ngồi, tâm gột sạch khỏi các pháp triền cái. Như vậy, này Hiền giả, là chú tâm tỉnh giác.

Do vậy, này Hiền giả, cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác”.

Như vậy, này Hiền giả, ông cần phải học tập.

119. Rāhula

Một thời Thế Tôn ở trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika.

Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tịnh, các tư niệm sau đây được khởi lên: “Ðã thuần thục là các pháp đưa đến giải thoát được chín muồi cho Rāhula. Vậy Ta hãy giảng dạy cho Rāhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc”.

Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Sāvatthi để khất thực, khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, gọi Tôn giả Rāhula:

—Này Rāhula, hãy cầm tọa cụ đi đến rừng Andha để nghỉ trưa.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Rāhula vâng đáp Thế Tôn, cầm lấy tọa cụ, và đi sau lưng Thế Tôn.

Lúc bấy giờ, rất nhiều ngàn Thiên nhân đi theo Thế Tôn và nghĩ rằng: “Hôm nay, Thế Tôn sẽ giảng dạy cho Rāhula những lời dạy cuối cùng đưa đến đoạn tận các lậu hoặc”.

Rồi Thế Tôn đi sâu vào rừng Andha và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới gốc cây. Rồi Tôn giả Rāhula, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Rāhula đang ngồi xuống một bên:

—Ông nghĩ thế nào, này Rāhula, mắt là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chánh quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Sắc là thường hay vô thường? …

Nhãn thức là thường hay vô thường? …

Nhãn xúc là thường hay vô thường? …

Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Tai … Mũi …

Lưỡi … Thân …

Ý là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Các pháp là thường hay vô thường? …

Ý thức là thường hay vô thường? …

Ý xúc là thường hay vô thường? …

Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thấy vậy, này Rāhula, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Phàm duyên nhãn xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì; nhàm chán đối với pháp ấy … nhàm chán đối với tai … nhàm chán đối với mũi … nhàm chán đối với lưỡi … nhàm chán đối với thân … nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên cảm thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì, nhàm chán đối với pháp ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả Rāhula hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, tâm Tôn giả Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Và hàng nhiều ngàn chư Thiên khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: “Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt”.

120. Kiết Sử

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị kiết sử và kiết sử, Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị kiết sử, thế nào là kiết sử?

Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, chỗ ấy là kiết sử.

Này các Tỷ-kheo, có các tiếng do tai nhận thức … có những hương do mũi nhận thức … có những vị do lưỡi nhận thức … có những xúc do thân cảm giác …

Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là các pháp bị kiết sử. Chỗ nào có dục và tham, chỗ ấy là kiết sử.

121. Chấp Thủ

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng về các pháp bị chấp thủ và chấp thủ. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ, thế nào là chấp thủ?

Này các Tỷ-kheo … (Giống như từ số 3 đến số 8 của kinh trên).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda