Kinh Nghiệm Thiền Quán – Tâm Lý Học Và Phật Pháp: Cá Tính Và Sự Chuyển Hóa
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Tâm lý học và Phật pháp: Cá tính và sự chuyển hóa
Cái mà ta gọi là chỉ là những thói quen, tập quán của tư tưởng, cá tính (personality) thật ra cảm thọ và hành động của ta, vốn đã bị điều kiện hóa trong suốt cuộc đời. Theo kinh nghiệm của tôi, về những thiền sư và các thiền sinh, tôi nhận thấy rằng trong đạo pháp không có một cá tính nào là nhất định hết. Sự tu tập sẽ không thay đổi cá tính của ta theo một chiều hướng nào bắt buộc. Có những hành giả rất là trầm lặng, cũng có người rất là sôi nổi. Có người rất khôi hài và thư thái, lại có người rất nghiêm chỉnh và kỹ lưỡng. Đó có thể là tin mừng hoặc tin buồn cho bạn, nhưng có rất nhiều phương diện trong cá tính của bạn sẽ trước sau như một, không đổi thay trên suốt con đường tu tập của mình.
Có một câu chuyện vào thời Đức Phật để minh giải cho sự đồng nhất này. Một nhóm tăng sĩ toàn là bậc A-la-hán, đã giác ngộ, đi ngang qua một khu rừng và đến một dòng suối. Tất cả các thầy ai cũng từ tốn bước ngang qua dòng suối một cách cẩn trọng giữ đúng uy nghi. Duy có một thầy vén áo lên, lấy trớn chạy từ xa và nhảy qua con suối.
Các thầy khác thấy vậy tỏ vẻ bất bình – bậc giác ngộ đôi khi cũng có thể bất bình! Họ đi đến gặp Đức Phật và thuật lại hành động thiếu cung cách ấy của người bạn. Vì dù sao đi nữa vị thầy ấy cũng là một bậc giác ngộ. Đức Phật mỉm cười và nói rằng, vị thầy ấy đã làm khỉ trong suốt năm trăm kiếp trước. Nhảy qua một dòng suối chỉ là một biểu lộ của cá tính ông ta sau hàng trăm năm bị điều kiện nặng nề.
Bạn thấy không, câu chuyện ấy mang một ẩn ý về thuyết tiến hóa của Phật giáo cho mỗi cá nhân, bổ túc cho thuyết tiến hóa chủng loại của Darwin.
Nhưng tính cách duy nhất, liên tục của một cá tính cũng không tồn tại mãi, cũng có những phương diện thay đổi lớn lao. Khi sự tu tập bắt đầu thâm sâu, cung cách liên hệ của ta với những sắc thái cá nhân cũng sẽ thay đổi. Thay vì bị gò bó, trói buộc và đồng hóa với cái tôi, những cá tính bị điều kiện hóa của ta sẽ xảy ra trong một không gian rộng lớn hơn. Những tướng trạng đặc biệt của nó có thể vẫn còn hiển lộ, nhưng ta ít còn nhận chúng là “tôi” hoặc “của tôi” nữa.
Thiền tập sẽ đem lại một sự hoà hợp giữa các năng lượng tinh tế trong ta, trên mọi lãnh vực: tư tưởng, cảm xúc, thân thể. Ta sẽ bắt đầu cảm nhận được mọi việc một cách trọn vẹn hơn là những khi tâm ta bị tán loạn hoặc xao lãng. Kết quả sẽ là một thứ đam mê trong thờ ơ. Thờ ơ ở đây không có nghĩa là lạnh lùng, vô tâm, mà nó có nghĩa là ta không còn bị đồng hóa với chúng nữa. Ta không còn dựng lên một ý niệm về “tôi” phía sau những cảm xúc, tư tưởng, cảm thọ có mặt trong thân mình. Mọi việc vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng chúng xảy ra trong một không gian bao la của ý thức chứ không còn giới hạn bởi ý niệm về một cái tôi nhỏ hẹp nữa.
Khi sự tu tập được sâu sắc và tuệ giác cùng lòng từ bi phát triển, tính tình ta cũng bắt đầu chuyển hóa trong khuôn khổ tùy theo cá tính của mỗi người. Những tập quán vô ý thức và bất thiện sẽ rơi rụng, và mỗi người chúng ta, theo một cách riêng, sẽ càng lúc càng biểu lộ lòng từ ái nhiều hơn. Với sự chuyển hóa này, thói quen suy nghĩ, cảm xúc, và những hành động của ta sẽ trở nên vô cùng linh động và mềm dẻo, hơn là lúc chúng ta sống trong thất niệm và quên lãng.
Có một số đông cho rằng, ta là những tư tưởng đi qua tâm mình. Tôi hy vọng không phải vậy, vì nếu đó là sự thật thì thôi hết thuốc chữa! Vì những tư tưởng đi qua rõ ràng là đã bị điều kiện bởi một sự kiện nào đó rồi: bởi những biến cố trong tuổi thơ ấu của ta, hoàn cảnh của ta, hoặc những kiếp trước, hoặc có thể là do những gì mới xảy ra chừng vài ba phút trước đây.
Phẩm chất của cá tính chúng ta tùy thuộc vào sự chọn lựa của ta đối với những tư tưởng ấy như thế nào. Mà thật ra vấn đề tự do hay trói buộc nằm ngay ở điểm then chốt này! Và chính nơi đây, chánh niệm có thể đem lại cho ta một sự tự do và sức mạnh vô cùng, vì chánh niệm cho phép ta không hành động mù quáng theo thói quen, tập quán hoặc bị lôi cuốn theo năng lượng của những tư tưởng không mời gọi ấy. Thay vào đó, chánh niệm ban cho ta một khả năng chọn lựa sáng suốt.
Mặc dù trong quá khứ có thể ta đã có những sự lựa chọn sai lầm. Nhưng một khi ta tỉnh thức, nhận thấy được khả năng của chánh niệm và hành động chân chánh, thì ngay giây phút ấy đã có một sự thay đổi, chuyển hướng trong cá tính của ta rồi.
Có một câu chuyện vào thời Đức Phật diễn tả việc cá tính của ta bị lệ thuộc vào điều kiện sẵn định đến mức nào, và làm thế nào ta có thể thoát ra khỏi sư lệ thuộc ấy bằng tuệ giác của chánh niệm. Có một người học trò rất thông minh vào thời đó đến tìm học với một vị đạo sĩ nổi tiếng. Chẳng bao lâu, anh ta trở nên một người đệ tử tài giỏi bậc nhất của ông. Nhưng rồi những người học trò khác đâm ra ghen tức nên cùng nhau nói xấu anh ta với vị thầy. Cuối cùng, vị thầy sợ rằng có một ngày người đệ tử lỗi lạc này sẽ thay thế mình nên đã đuổi anh đi.
Sự bất công này có lẽ đã khơi dậy trong anh một tập quán sâu xa xưa cũ, hoặc vì đã chịu điều kiện bởi lòng thù hận, hung bạo trong quá khứ, mà rồi anh đã hành động thật mù quáng. Anh trả thù bằng một cách rất ghê rợn. Anh nguyện sẽ làm một xâu chuỗi bằng một ngàn ngón tay của một ngàn người để dâng lên thầy mình. Và từ đó anh được biết đến với danh hiệu Aṅgulimāla, có nghĩa là “xâu chuỗi ngón tay”. Và rồi Aṅgulimāla bắt đầu theo đuổi con đường hung bạo và tàn ác ấy. Anh trở thành một tai họa cho cả xứ.
Sau khi Aṅgulimāla đã giết hết 999 người, mẹ anh lúc ấy đang tìm kiếm và mong mỏi gặp anh, đi ngang qua khu rừng nơi anh đang trú ngụ. Aṅgulimāla chợt nảy lên ý định giết luôn cả mẹ mình để hoàn tất xâu chuỗi ấy. May thay, Đức Phật đang có mặt trong một vùng gần đấy, biết được chuyện sắp xảy ra và bằng sức thần thông ngài hóa hiện ra trước mặt anh ta. “À được rồi, ta sẽ lấy ngón tay thứ một ngàn nơi ông này vậy!” Nghĩ thế Aṅgulimāla liền đuổi theo Đức Phật.
Mặc dù Đức Phật đi rất chậm, nhưng vì sức thần thông của ngài nên Aṅgulimāla không tài nào bắt kịp, cho dù anh đã cố hết sức đuổi theo. Cuối cùng Aṅgulimāla phải hét lên: “Dừng lại!” Đức Phật nhìn anh ta đáp: “Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Chỉ có anh mới là người chưa dừng lại đó thôi.”
Ngay lúc đó, chịu ảnh hưởng bởi thái độ không sợ sệt, an lạc và lòng từ bi của Đức Phật, Aṅgulimāla đứng lại và hỏi Đức Phật ngài nói thế nghĩa là gì. Đức Phật giảng cho anh ta nghe về sự dừng lại của ngọn lửa tham, sân, si. Nghe xong Angulimala rúng động đến tận bản tâm trước sự hiện diện của Đức Phật và lời dạy của ngài. Anh đã có một sự chọn lựa mới và sự kiện ấy đã chuyển hóa tính tình anh ta. Angulimala theo Đức Phật về tu viện, xuất gia trở thành một vị tăng và chỉ trong một thời gian ngắn chứng được quả giải thoát.
Thế nên, chúng ta ai ai cũng có hy vọng hết.
Câu chuyện ấy cho ta thấy rằng, trong ta bao giờ cũng tiềm chứa đầy đủ tất cả những hạt giống đa từng chi phối và tạo điều kiện cho tâm ta. Và trong tiến trình tiến hóa dài đăng đẳng qua nhiều kiếp, chúng ta đã biết bao lần phản ứng máy móc theo những điều kiện định sẵn ấy! Trong ta có những hạt giống thiện và cũng có những hạt giống bất thiện, khi điều kiện thuận tiện, chúng ta hành động theo cách này, khi điều kiện bất lợi, chúng ta lại hành động theo một cách khác.
Tập quán ấy sẽ tiếp tục hết đời này sang đời khác, cho đến ngày nào chánh niệm đánh thức ta dậy để nhận thấy rằng, mình thực sự bao giờ cũng có một sự chọn lựa. Tiềm tàng trong năng lực của chánh niệm và khả năng chọn lựa là chân tính và bản năng thực sự của ta.