Tương Ưng Bộ Iii – Chương Vii: Tương Ưng Sāriputta
MAIN CONTENT
TƯƠNG ƯNG BỘ III
CHƯƠNG VII: TƯƠNG ƯNG SĀRIPUTTA
1. Lý
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sāvatthi để khất thực.
Ði khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực về, Tôn giả đi đến Andhavana để nghỉ trưa. Sau khi đi vào rừng Andha, Tôn giả đến ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.
Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika.
Tôn giả Ānanda thấy Tôn giả Sàariputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sāriputta:
—Hiền giả Sāriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay, Hiền giả an trú với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, ly dục, ly pháp bất thiện, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ nhất”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ nhất”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ nhất”.
—Như vậy chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, Tôn giả Sāriputta không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ nhất”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ nhất”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ nhất”.
2. Không Tầm
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
Tôn giả Ānanda thấy Tôn giả Sāriputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sāriputta:
—Hiền giả Sāriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay Hiền giả an trú với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, làm cho lắng dịu tầm và tứ, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Tôi không có khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ hai”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ hai”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ hai”.
—Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, Tôn giả Sāriputta không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ hai”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ hai”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ hai”.
3. Hỷ
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
Tôn giả Ānanda thấy Tôn giả Sāriputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sāriputta:
—Hiền giả Sāriputta, các căn của Hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay Hiền giả an trú với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, ly hỷ và trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là: “Xả niệm lạc trú”, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ ba”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ ba”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ ba”.
—Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian … hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ ba”.
4. Xả
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
Tôn giả Ānanda thấy Tôn giả Sāriputta từ xa đi đến … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thiền thứ tư”, hay “Tôi đã chứng nhập Thiền thứ tư”, hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ tư”.
—Như vậy, chắc chắn Hiền giả … hay “Tôi đã ra khỏi Thiền thứ tư”.
5. Không Vô Biên Xứ
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
… Tôn giả Ānanda thấy … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, đoạn diệt hữu đối tưởng, không tác ý các dị tưởng, với ý nghĩ: “Hư không là vô biên”, tôi chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ … hay “Tôi đã ra khỏi Không vô biên xứ”.
—Như vậy, chắc chắn Hiền giả … “Tôi đã ra khỏi Không vô biên xứ”.
6. Thức Vô Biên Xứ
Một thời, Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
… Tôn giả Ānanda thấy … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Không vô biên xứ, với ý nghĩ: “Thức là vô biên”, tôi chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ … hay ” … đã ra khỏi Thức vô biên xứ”.
7. Vô Sở Hữu Xứ
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi.
… Tôn giả Ānanda thấy … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Thức vô biên xứ, với ý nghĩ: “Không có vật gì”, tôi chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ … hay ” … đã ra khỏi Vô sở hữu xứ”.
8. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
Một thời, Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi.
… Tôn giả Ānanda thấy … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Vô sở hữu xứ, tôi chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ … hay ” … đã ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.
9. Diệt Tận Ðịnh
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthi …
… Tôn giả Ānanda thấy … với sự an trú nào?
—Ở đây, này Hiền giả, vượt qua hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tôi chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng này Hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định”, hay ” Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định”.
—Như vậy, chắc chắn Hiền giả trong một thời gian dài đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy Tôn giả Sāriputta không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định”, hay “Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định”.
10. Sùcimukhi (Tịnh Diện)
Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi sáng. Đắp y, cầm y bát, đi vào Rājagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực từng nhà một ở Rājagaha (Vương Xá), Tôn giả ngồi dựa vào một bức tường, dùng đồ ăn khất thực.
Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sāriputta:
—Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?
—Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống.
—Vậy Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?
—Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên.
—Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?
—Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương chính.
—Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?
—Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương phụ.
—Ðược hỏi: “Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?” Ông trả lời: “Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống”. Ðược hỏi: “Vậy này Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?” Ông đáp: “Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên”. Ðược hỏi: “Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?” Ông đáp: “Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính”. Ðược hỏi: “Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?” Ông đáp: “Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ”. Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hành động như thế nào?
—Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn cúi mặt xuống.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn ngưỡng mặt lên.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; này Chị, các vị ấy được gọi các Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, và các nghề hèn hạ; này Chị, các vị ấy được gọi những Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.
Còn ta, này Chị, ta không nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; ta cũng không nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm món ăn một cách hợp pháp. Sau khi tìm món ăn một cách hợp pháp, ta dùng các món ăn ấy.
Rồi nữ tu sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư này qua ngã tư khác ở thành Vương Xá, và tuyên bố: “Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách hợp pháp. Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm. Hãy cúng dường các món ăn cho Sa-môn Thích tử”.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda