Tích Chuyện Về Hoàng Hậu Khemā

TÍCH CHUYỆN VỀ HOÀNG HẬU KHEMĀ

Thời Đức Phật còn tại thế, đức vua Bimbisāra có bà chánh cung hoàng hậu tên là Khemā nổi tiếng khắp thiên hạ về nhan sắc. Bà hoàng này rất say mê sắc đẹp của bản thân. Bà không quan tâm và yêu quý gì bằng nhan sắc của mình.

Đức vua Bimbisāra là 1 vị vua rất kính ngưỡng Tam Bảo, hiểu về nghiệp và quả của nghiệp, biết nếu để vợ yêu cứ chìm đắm vào nhan sắc giả tạm đó thì sẽ không tốt cho cuộc sống hiện tại và kiếp vị lai nên đức vua cố gắng tạo duyên để hoàng hậu Khemā đến đảnh lễ Đức Phật và nghe Pháp của Ngài, nhưng tất cả sự cố gắng của đức vua đều bị hoàng hậu từ chối thẳng thừng, nàng ta nghĩ trên đời này không gì quý bằng nhan sắc của chính nàng.

Đức vua phải triệu tập quân sư để tìm kế gieo duyên cho hoàng hậu. Một cuộc thi sáng tác những bài hát, bài thơ được phát động nhằm ca ngợi khu vườn thượng uyển Veluvana – nơi có hương thất mà đức vua cúng dường dâng Đức Phật. Nhiều bài thơ, bài hát rất hay để ca ngợi khu vườn Veluvana đến mức mà hoàng hậu Khemā phải nổi tính hiếu kỳ muốn đi thăm vườn thượng uyển đó.

Một hôm, chánh cung Hoàng hậu Khemā đến thăm vườn Veluvana, khi đi ngang qua Hương thất do Đức vua Bimbisāra xây cất, rồi dâng cúng dường đến Đức Phật thì các quan hầu đã thỉnh bà vào đảnh lễ Đức Phật.

Biết có Hoàng hậu Khemā đến, Ngài liền ân cần hỏi thăm nhưng bà hoàng vẫn tỏ ra rất kiêu kỳ và tự mãn với nhan sắc của mình.

Đức Phật liền dùng thần thông tạo ra 1 thiên nữ đẹp tuyệt trần ngồi quạt hầu Ngài. Khi hoàng hậu Khemā nhìn thấy vị thiên nữ thì sững sờ kinh ngạc vì bà đã từng tưởng mình là đệ nhất tuyệt sắc giai nhân, vậy mà giờ so với nhan sắc của nàng thiên nữ thì sắc đẹp của bà hoàng chỉ như ánh sáng lờ mờ của đom đóm so với trăng rằm. Bà nhìn mình chỉ giống như con khỉ cái già bị cháy xém cả đám lông đuôi mà thôi.

Bà hoàng Khemā chăm chú theo dõi vẻ đẹp của nàng thiên nữ, bỗng bà thấy nàng cầm quạt phe phẩy hầu Đức Phật, chỉ 1 thoáng rồi nàng thiên nữ già dần, già dần rồi hóa thành bà lão hom hem và chết rục dưới chân Đức Phật. Thấy bà đã ngấm bài học, Đức Phật liền dạy bà câu kệ rằng:

“Āturaṃ asuciṃ pūtiṃ,
Passa Kheme samussayaṃ
Uggharantaṃ paggharantaṃ,
Bālānaṃ abbipatthitaṃ”.
“Này Khemā, con hãy quán thân này,
Hay bệnh hoạn, bất tịnh, đầy ô trược
Thường ói ra, khạc nhổ đồ dơ dáy
Cửu khiếu thường chảy ra vật nhờm gớm,
Mà người si mê say đắm thân này”.

Sau khi lắng nghe câu kệ, bà chánh cung Hoàng hậu Khemā chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc thành Nhập Lưu.

Tiếp theo Đức Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

“Ye rāgarattā nupatanti sotaṃ
Sayaṃ kataṃ makkatakova jālaṃ
Etampi chetvāna vajanti dhīrā
Anapekkhino sabbadukkhaṃ pahāya” .
“Này Khemā, con hãy nên quán xét
Chúng sinh nào dính mắc bởi tham ái,
Họ bị rơi vào trong dòng tham ái.
Cũng ví như một con nhện giăng tơ,
Nằm dính trong mạng nhện do mình làm.
Chư Thánh Nhân cắt đứt dòng tham ái,
Diệt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi
Bỏ đi mà không hề lưu luyến nữa”.

Sau khi lắng nghe câu kệ xong, bà chánh cung Hoàng hậu Khemā tiếp tục chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán.

Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền dạy Đức vua Bimbisāra rằng:

“Mahārājā Khemāya pabbajtuṃ vā parinibbāyituṃ vā vaṭṭati”.
“Này Đại vương, nên cho phép chánh cung Hoàng hậu Khemā xuất gia trở thành Tỳ khưu ni hay để cho Hoàng hậu tịch diệt Niết Bàn trong ngày hôm nay?

Đức vua Bimbisāra bạch rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài cho phép Hoàng hậu xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, đừng để Hoàng hậu tịch diệt Niết Bàn trong ngày hôm nay, bạch Ngài”.

Chánh cung Hoàng hậu Khemā được xuất gia thọ Tỳ khưu ni. Về sau, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Khemā trở thành bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn Giác có trí tuệ xuất sắc nhất trong nhóm chư Tỳ khưu ni đệ tử của Đức Phật Gotama.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.