Giáo Trình Pali – The New Pali Course – Lời Giới Thiệu, Lời Dịch Giải & Lời Tựa

LỜI GIỚI THIỆU

Bên cạnh các môn học về Kinh, Luật và Vi Diệu Pháp thì Văn Phạm Pāḷi là nền tảng cho người thật tâm học Phật theo truyền thống Theravāda. Muốn thấu đáo từng lời được viết trong Tam Tạng thì không thể bỏ qua Văn Phạm Pāḷi.

Để làm rõ ý này, trước tiên ta hãy xét câu Pāḷi quen thuộc như sau: “Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi.” Câu này được dịch theo khóa tụng hiện tại là: “Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật”. Trong đó, Buddhaṃ nghĩa là Đức Phật, saranaṃ nghĩa là quy y. Hai chữ này được chia ở cách thứ hai tức là đối cách. Gacchati nghĩa là đi, gacchāmi là cách chia của từ này theo ngôi thứ ba số ít của động từ thì hiện tại, có nghĩa là tôi đi. Như vậy, trong toàn bộ câu này không hề có sự xuất hiện của chủ từ mà nghĩa của chủ từ vẫn được hiểu. Điều này có liên hệ một cách sâu sắc đến giáo lý vô ngã (anattā) của Phật giáo: chẳng hề có cái “tôi” nào, chỉ có sự vận hành của 5 uẩn; chẳng hề có người đến quy y, duy chỉ có sự quy y mà thôi. 

Cũng vậy, như câu: “pānātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi………..” có nghĩa là “tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh”, và câu này cũng không có chủ từ theo lối tường minh. Ý nghĩa nào được thể hiện trong cách hành văn này? Không có người sát sanh mà chỉ có sự sát sanh. Không có người giữ giới mà chỉ có sự giữ giới. Vì sao vậy? Vì người (pugggala) phân theo các hạng cũng đều là pháp chế định (paññatti dhamma), tức là quy ước, giả lập nên chứ chẳng phải pháp bản thể (sabhāvadhamma). Người trì giới nếu tác ý không khéo sẽ chấp rằng ta là người giữ được giới trong sạch, từ đó coi khinh những người khác, cứ như vậy mà càng vô minh, càng ngã mạn…

Một ví dụ khác, trong kinh nhật tụng cư sĩ có câu: “Imehi dīpadhūpādisakkārehi buddhaṃ dhammaṃ saṅghaṃ abhipūjayāmi mātāpitādīnaṃ guṇavantānañca mayhañca dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.” Imehivới những (cái này); dīpađèn, dhūpanhang, hương; …; sakkhārehivới sự cung kính; buddhaṃđến Phật; dhammaṃđến Pháp; saṅghaṃđến Tăng; abhipūjayāmicúng dường; … Câu này được dịch là: con thành kính cúng dường đèn, hương, lễ phẩm các loại lên ba ngôi Tam Bảo. Nguyện cầu cho các bậc ân nhân, nhất là cha mẹ con được an lạc, lợi ích và tốt đẹp lâu dài. Ta chú ý đến chữ “abhipūjayāmi”: tiếp đầu ngữ abhi có nghĩa là vi diệu thù thắng, pūjayāmi Có nghĩa là tôi cúng dường. Vậy thì cúng dường thế nào là vi diệu thù thắng? Đó là đối tượng cúng dường là Tam Bảo, việc cúng dường phải nương theo Giới-Định-Tuệ.

Như vậy, khó có một ngôn ngữ nào có thể chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của Phật Pháp hơn là Pāḷi. Tính tương hợp, tính đa nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa và cấu trúc khác của từng loại văn phạm khác nhau cũng có thể làm cho việc hiểu lệch ý chánh văn xảy ra. Thêm vào đó, ngôn ngữ dịch thuật bị phụ thuộc nhiều vào thời đại và mục đích riêng. Ngoài ra, việc chuyển phiên dịch qua các ngôn ngữ trung gian sẽ làm ý nghĩa ban đầu mất đần đi sự trọn vẹn. Với những lý do này, sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng cho những người học Phật nếu chỉ đọc được bản dịch mà không tiếp xúc được với lời văn Pāḷi. Có thể nói, Văn Phạm Pāḷi không chỉ quan trọng trong việc dịch thuật mà còn là không thể thiếu được trong việc tìm hiểu ý nghĩa của lời giáo điển.

Ở Việt Nam nói riêng, việc nghiên cứu ngôn ngữ Pāḷi đa phần vẫn bị tập trung trong hệ phái Theravāda. Tài liệu được sử dụng chính là bộ “Sách dạy Pāḷi” gồm có 3 phần, được Trưởng Lão Minh Châu dịch từ phiên bản tiếng Anh bộ Tân Giáo Trình Pāḷi (The New Pāḷi Course) của Đại Trưởng Lão A.P.Buddhadatta. 

Khi tài liệu này mới được chuyển ngữ bắt đầu từ năm 1979, số lượng phát hành còn hạn chế và lỗi kĩ thuật rất nhiều do điều kiện in ấn. Các lần tái bản và biên tập sau cũng chỉ chủ yếu cho các phần đầu nên nhìn chung không đáp ứng đủ nhu cầu về học liệu cho nhu cầu nghiên cứu Phật học về lâu về dài. Vì vậy, chúng tôi mạn phép tiến hành đánh máy và biên tập lại trọn bộ 3 phần của giáo trình này dưới nhan đề “Giáo Trình Pāḷi (trọn bộ)”. Phiên bản lần này được hình thành trên tinh thần bám sát vào văn bản dịch ban đầu của Trưởng Lão Minh Châu, điều chỉnh các lỗi kĩ thuật do quá trình in ấn, đồng thời đối chiếu và chỉnh lý hợp lý so với bản tiếng Anh. Ngoài ra, cấu trúc của giáo trình không phân từng bài mà giữ nguyên cách đánh số đoạn  của người Miến theo như bản tiếng Anh.

Khi chúng tôi đang tiến  hành việc tái bản bộ sách này thì được tin Trưởng Lão Minh Châu qua đời. Đây là một tổn thất lớn lao cho Phật Giáo Việt Nam. Ngài là một trong những người có công đầu trong việc đưa nền văn học Pāḷi cũng như Phật Giáo Theravāda đến với người Việt. Vì vậy, chúng tôi xin mượn lần tái bản sách này như một cách để tri ơn Ngài. Hy vọng tứ chúng lẫn những nhà nghiên cứu hôm nay và mai sau có thể tiếp tục công việc hoằng dương Chánh Pháp.

Chúng tôi thành kính tri ân đến Thượng Toạ Bửu Chánh – Bhikkhu Sudatta (Viện chủ thiền viện Phước Sơn – Long Thành – Đồng Nai, Phó Viện trưởng viện Đại Học Vạn Hạnh), Thượng Toạ Giác Giới – Bhikkhu Bodhisīla (Viện chủ thiền viện Viên Giác – Vĩnh Long, Giáo Thọ Sư chuyên ngành Pāḷi Đông Nam Á viện Đại Học Vạn Hạnh), cư sĩ Ngộ Đạo – Maggabujjhano (thầy Đỉnh) đã duyệt qua bản Pāḷi văn, cũng như đã giúp chúng con trong vấn đề xin cấp giấy phép xuất bản cuốn sách. Đồng thời cũng xin chân thành cảm ơn nhóm cựu sinh viên khoá 6 viện Đại Học Vạn Hạnh đã giúp chúng tôi hoàn thành cuốn “Giáo trình Pāḷi” trọn bộ 3 tập này.

Do thời gian hoàn chỉnh khá gấp rút nên quá trình biên tập quyển sách này chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Mong quý thiện hữu tri thức gần xa đóng góp ý kiến để lần tái bản sau hoàn thiện hơn.

Sài Gòn, mùa an cư, Phật Lịch 2556

Dương Lịch ngày 13 tháng 10 năm 2012

Nhóm biên tập.

LỜI DỊCH GIẢ

Viện Đại Học Vạn Hạnh bắt đầu dạy Pāḷi và Tam Tạng Pāḷi vào năm 1964 và sự khó khăn gặp phải là thiếu sách dạy tiếng Pāḷi bằng tiếng Việt. Tuy ban Tu Thư đã xuất bản quyển Trường Bộ Kinh và Thắng Pháp Tập Yếu Luận để giúp cho sinh viên đọc sách tiếng Pāḷi, nhưng vẫn thiếu sách căn bản dạy tiếng Pāḷi. Do vậy, chúng tôi cho ra tập sách này để bổ cứu khuyết điểm ấy.

Có hai phương pháp dạy tiếng Pāḷi. Một là theo truyền thống cũ, “đệ tử ngồi dưới chân thầy” để thầy truyền tâm ấn, đệ tử cần học thuộc lòng nhiều, phải ở hầu hạ thầy ít nhất là hơn 10 năm và thầy dạy có nhiều lắm cũng được 8, 10 đệ tử. Đời sống hiện tại không cho phép chúng ta theo phương pháp ấy. Phương pháp thứ hai là áp dụng kỹ thuật dạy ngôn ngữ hiện đại cho sinh viên học tiếng Pāḷi, phương pháp này đòi hỏi sinh viên nắm ngay then chốt văn phạm Pāḷi, học hỏi một số ngữ vựng Pāḷi cần thiết rồi ứng dụng ngay những điều đã học vào các bài tập dịch, từ tiếng Pāḷi ra tiếng Việt và tiếng Việt ra tiếng Pāḷi. Ngoài ra, sinh viên được bổ túc bằng những bài tập đọc trích từ những bộ sách Pāḷi đã được soạn thảo. Nhờ vậy sinh viên phải tích cực tìm hiểu cơ cấu văn phạm, nhớ kỹ những ngữ vựng cần thiết và đọc được ngay trong bản chánh Pāḷi.

Chúng tôi cho dịch và cho dạy tập sách của Ngài Buddhadatta người Tích Lan là vì vậy. Tập một giúp cho sinh viên biết được những cơ cấu căn bản của văn phạm Pāḷi, tập hai giúp cho sinh viên đi sâu vào những nét tế nhị sâu sắc của văn phạm và văn học Pāḷi, và xong cuốn thứ hai cũng tức là năm thứ hai, sinh viên đã có thể đọc và thưởng thức các tác phẩm Pāḷi rồi. Đáng lẽ, chúng tôi phải tự mình soạn một sách dạy Pāḷi riêng cho sinh viên Việt Nam nhưng tiếc vì thì giờ quá eo hẹp nên bắt buộc phải dich quyển sách ở Tích Lan để dạy cho sinh viên Việt Nam. Vả lại, giáo sư biết dạy cho linh động thì sách nào cũng là sách quý cả.

Tôi xin cám ơn Sư Thanh đã giúp tôi làm Ngữ Vựng của tập sách này, một sự giúp sức rất cần thiết đối với công việc bề bộn của chúng tôi trong lúc này. Chúng tôi chỉ mong tập sách này sẽ mở rộng kho tàng của Ba Tạng Pāḷi cho sinh viên học giả và Phật tử Việt Nam.

Thích Minh Châu

Viện Trưởng và Giáo Sư Pāḷi

Viện Đại Học Vạn Hạnh.

LỜI NÓI ĐẦU

Thật là một vinh hạnh tuyệt vời cho tôi khi được mời viết lời giới thiệu cho quyển sách này. Địa vị của Rev. A. P. Buddhadatta Thera được biết đến như là một bậc trí giả đã quá nổi tiếng ở Tích Lan lẫn những nơi khác để người khác có thể bình luận các tác phẩm của ngài. Các cuốn sách của ngài, đặc biệt là Pāḷibhāshāvataraṇa, suốt nhiều năm nay là nguồn tư liệu tuyệt vời cho sinh viên ngành Pāḷi. Tuy nhiên, việc các tác phẩm này được viết bằng chữ Sinhalese đã làm giới hạn phạm vi áp dụng chỉ ở mức độ làm quen với ngôn ngữ. Rev. Buddhadatta trong ấn phẩm hiện tại đã loại bỏ được khiếm khuyết đó. Là một giáo viên dạy Pāḷi, chủ yếu thông qua môi trường tiếng Anh, tôi chân thành hoan nghênh quyển sách này với kỳ vọng nó sẽ làm nhẹ đi đáng kể công việc của mình. Quyển sách này đáp ứng một nhu cầu rất lớn và tự đáy lòng mình tôi cầu chúc cho nó thành công. Tôi cũng xin tán dương các nhà xuất bản về lĩnh vực mới mà họ vừa mở ra.

P. Malalasekara.

University College, Colombo.

17 tháng 6, 1937.

 

LỜI TỰA

Pāḷi là ngôn ngữ được viết trong các văn bản Phật giáo xa xưa nhất. Nó có nguồn gốc từ quốc gia cổ của xứ Magadha nơi từng là vương quốc của Hoàng Đế Asoka và là Trung tâm Phật học suốt nhiều thế kỷ. Pāḷi xa xưa hơn cả tiếng Sankrit kinh điển, và tri thức của ngôn ngữ này rất cần thiết cho các sinh viên chuyên ngành triết học và lịch sử cổ đại. Đây vẫn là ngôn ngữ kinh điển của các Phật tử tại Tích Lan, Miến Điện và Thán Lan.  

Trong suốt nửa sau thế kỷ vừa qua một số học giả Châu Âu  bắt đầu chú ý đến việc nghiên cứu Pāḷi cũng như viết các bài báo và sách để ủng hộ ngành học này. Trong cùng thời gian này, việc ấn hành của Pāḷi Texts tại Châu Âu  được bắt đầu bởi công sức của Giáo Sư V. Fausboll, H. Oldenberg và T. W. Rhys Davids. Nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi của Rhys Davids và hiệp hội Pāḷi Text Society mà ông thành lập khoảng 50 năm trước, toàn bộ Chánh Tạng Pāḷi (của hệ pháp Theravāda) đã được ấn hành.

Pāḷi ngày nay đã được dạy trong nhiều trường đại học ở phương Đông lẫn phương Tây. Đây cũng là mơ ước cho toàn thể thế giới văn minh hiện đại có thể đọc nguyên văn các văn bản Pāḷi ngõ hầu nhận chân được những điều Đức Phật đã thuyết cho nhân loại 25 thế kỷ trước và khám phá các kho báu về sử học, triết học ẩn chứa bên trong. Do vậy, để thuận tiện cho việc nghiên cứu Pāḷi, các học giả hiện đại đã biên soạn ra các giáo trình Pali, các điểm ngữ pháp và các bài đọc dựa theo phương pháp hiện đại. Trong số này, quyển Ngữ Pháp Pāḷi của Chas. Duroiselle, giáo sư tiên phong về ngành Pāḷi thuộc Rangoon College, vẫn đứng ở vị trí hàng đầu. Giáo trình Pāḷi của Gray đã được dùng cho sinh viên trong một thời gian dài tại Ấn Độ và Miến Điện; Giáo Trình Pāḷi của S. Sumangala cũng được triển khai ở Tích Lan.

Dù cho các quyển sách như vậy đã được viết bằng các ngôn ngữ Châu Âu , rất ít sách được viết bằng tiếng Sinhalese. Ở đây người ta học Pāḷi bằng những quyển sách được viết từ nhiều thế kỷ trước. Do đó, khoảng năm 1920, khi mà một số trường tại Tích Lan bắt đầu dạy Pāḷi, khó khăn lớn trước đó để lại là thiếu nguồn tài liệu phù hợp. Sau đó, được kiến nghị và ủng hộ bởi ông P. de S. Kularatna, hiệu trưởng Ananda College, tôi biên soạn Pāḷibhāshāvataraṇa  (I, II, III) bằng Sinhalese để giảng dạy văn phạm và cách ghép câu Pāḷi cho người mới nhập môn. Chương trình này thành công, và nhu cầu về quyển sách đầu tiên này bắt buộc nhà xuất bản phải ấn hành đến 3 phiên bản chỉ trong vòng 11 năm từ 1923 đến 1934. (ghi chú: Lúc này đã là phiên bản thứ 11).

Có rất nhiều lời khen về tác phẩm. Gần đây có một yêu cầu từ Miến Điện xin phép dịch sang tiếng Burmese. Một vài người  đề nghị tôi viết lại bằng tiếng Anh vì quyển sách đã xuất bản không đáp ứng được yêu cầu của họ; song tôi không dám làm vì e vốn kiến thức Anh văn của mình không đủ để đảm đương công việc này. Tuy nhiên, cuối cùng tôi bị thuyết phục bởi Dr. G. C. Mendis để cho ra đời quyển sách này.

Đây không chỉ là dịch thuật thuần túy từ phiên bản tiếng Sinhalese, mà còn là cả một quá trình biên soạn dựa trên tác phẩm cũ. Để hiểu rõ bản chất của tác phẩm, xin phép trích dẫn báo cáo từ “Ủy Ban Giáo Trình” của Bộ Giáo Dục Tích Lan cho phiên bản Sinhalese: “Đây là một quyển sách dạy Pāḷi cho người mới bắt đầu thông qua phương tiện là tiếng Sinhalese. Phương pháp được sử dụng là dạy ngôn ngữ một cách hiện đại thông qua các cách đặt câu. Các bài học được sắp xếp hợp lý và thực tế. Quyển sách này đã đáp ứng được nhu cầu bỏ ngõ từ lâu… Chúng ta nên đưa nó vào sử dụng tại các trường như một cách nhập môn vào công việc nghiên cứu Pāḷi”.

Tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến trước nhất cho Dr. G. C. Mendis, người đã rất tận tình giúp đỡ tôi trên nhiều phương diện để xuất bản quyển sách này. Thứ đến, xin cảm ơn Dr. G. P. Malalasekara, giảng viên tại khoa Ngôn Ngữ Đông Phương, Ceylon University College, đã viết lời nói đầu cho cuốn sách. Cuối cùng, xin cảm ơn nhà xuất bản Colombo Apothecaries’ Co., Ltd., đã ấn hành tác phẩm.

P. BUDDHADATTA

Aggārāma,
Ambalangoda,
15 tháng 6, 1937.

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.