Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Tâm Bi
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Tâm bi
Tình thương cũng còn được biểu lộ bằng một cách khác, và cũng có một sức mạnh chuyển hóa như tâm từ, đó là tâm bi. Trong khi tâm từ nhìn thấy những đức tính tốt nơi người khác và muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả, tâm bi giúp ta thấy được những khổ đau của họ và muốn làm cho vơi bớt đi.
Tâm bi – trong tiếng Pali và Sanskrit là karuna – là sự mong muốn làm vơi bớt khổ đau. Đức Phật diễn tả cảm thọ này như là một sự run rẩy, mềm yếu của con tim. Tâm bi phát sinh khi ta tiếp xúc với khổ đau, khi con tim ta mở rộng ra và cảm nhận được khổ đau trong ta hoặc người khác.
Trong cuộc sống bận rộn quen thuộc hằng ngày, đôi khi chúng ta vô tình xây lên một bức tường quên lãng, để tạm thời làm lu mờ đi những cảm giác đau đớn hoặc những nghịch cảnh của mình. Đôi lúc đó cũng có thể là một phương pháp hữu ích, nhưng chúng ta nên cẩn trọng, vì nó cũng có thể làm chai lì luôn cả tâm bi đang tiềm tàng trong ta.
Một khóa tu là thời gian rất hữu hiệu để ta khai triển tâm bi, vì nơi đây chúng ta bắt buộc phải đối diện với tất cả mọi cảm thọ trong thân và tâm. Món quà vô giá của việc giữ thinh lặng trong khóa tu là nó tạo nên một khoảng không gian tĩnh mịch để ta có thể thực sự tiếp xúc được với những khổ đau nào đang hiện hữu trong ta và trong cuộc sống.
Sau một thời gian thiền tập, ta sẽ phát triển một con tim rất nhạy cảm. Giữa những khó khăn của cuộc sống, và những thăng trầm của sự tu tập, một con tim mềm dịu sẽ chuyển hóa mối tương quan của ta đối với chính mình và những người chung quanh. Cảm xúc của ta sẽ được sâu sắc hơn, và sự thâm sâu ấy sẽ biến thành một nguồn suối mát của tâm bi.
Và một sự hiểu biết thâm sâu tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của ta. Ví dụ, khi ta ý thức được khác biệt giữa sự cởi mở với khổ đau và sự ghét bỏ khổ đau, việc ấy có thể đem lại một thay đổi lớn trong cách sống của mình: bằng tâm bi hoặc bằng một tâm sợ hãi. Đôi khi chúng ta tưởng mình cởi mở, vì thấy mình ý thức được sự có mặt của khổ đau. Nhưng chỉ biết thôi thì cũng chưa đủ! Vì cái biết của ta thường ít nhiều chịu ảnh hưởng của tâm ghét bỏ, chống đối, hoặc phê phán. Bạn có thể thấy được sự khác biệt này, giữa sự cởi mở và ghét bỏ, trong một kinh nghiệm hết sức đơn giản và thông thường, là những khi ta có một cái đau nơi thân. Có lúc ta chấp nhận cái đau ấy bằng một sự chú tâm và muốn tìm hiểu. Nhưng cũng có lúc ta đàn áp cảm thọ đau đớn ấy, hoặc ngoảnh đi nơi khác với một thái độ ghét bỏ. Hai trạng thái ấy rất khác biệt. Tâm bi không bao giờ có thể phát sinh từ sự trốn tránh khổ đau. Một tâm bi rộng lớn, muốn làm vơi bớt khổ đau, lúc nào cũng bắt nguồn từ một ý muốn tiếp xúc với nó.
Thiền quán sẽ giúp cho ta thấy được rằng, toàn thể vũ trụ này hiện đang có mặt trong thân tâm mình. Ta sẽ thấy hết mọi phẩm chất tốt lành của thế giới bên ngoài, và ta cũng sẽ thấy cả những phẩm chất tạo nên chiến tranh, mâu thuẫn và khổ đau. Tất cả đều có mặt trong ta. Thí dụ, có một con muỗi bay đến vo ve bên tai bạn. Nó bay đến gần hơn và gần hơn. Bạn cảm thấy như thế nào? Thay vì có lòng từ bi đối với con muỗi ấy, thì có lẽ bạn chỉ muốn đập cho nó một cái. Chúng ta ai cũng đã từng kinh nghiệm những phản ứng tương tự như vậy. Nhưng đó chỉ là trên một kích thước rất nhỏ bé, và cũng chính những hạt giống nhỏ bé này đã biểu hiện ra trên thế giới bằng những đường lối vô cùng khốc hại. Mỗi khi chúng ta gặp một việc gì mình không thích, việc gì khó chịu, hoặc đe dọa, thì ta chỉ muốn loại trừ nó đi lập tức. Đối với ta, cái đập ấy chỉ là một cử động đơn sơ của bàn tay, nhưng đối với con muỗi thì đó là một sự kiện vô cùng tàn khốc.
Trong đời sống hằng ngày, ta có thể ý thức được khuynh hướng ghét bỏ ấy trong nhiều hoàn cảnh nhỏ nhặt và thường tình. Nhưng nếu ta không thấy được chúng, nếu ta tự lừa dối rằng mình không có những tính ấy, thì ta sẽ không bao giờ có cơ hội để thoát ra khỏi sự giam hãm của chúng. Và rồi trong cuộc sống hằng ngày, ta sẽ hành động theo những tập quán, thói quen một cách vô ý thức. Con muỗi vo ve bên tay. Ta có nghe âm thanh ấy không? Có ý thức được những cảm giác và tư tưởng nào đang khởi lên trong tâm không? Có thấy được ý muốn giơ tay đập không? Và có chánh niệm đủ để thực hiện tâm bi của mình không?
Sau đây là một câu chuyện khác về thiền sư Ryokan. Ông là một người rất tự tại. Suốt ngày, ông thường rong chơi qua những ngôi làng miền núi, đùa giỡn với bọn trẻ con. Ông sống một cuộc sống rất đạm bạc và từ bi. Vào những buổi sáng mùa xuân ấm áp, ông hay nhặt những con chấy rận trong áo và đặt chúng xuống trên một tảng đá, để cho chúng tắm nắng. Đến cuối ngày, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, ông nhặt chúng lên và bỏ lại vào trong áo! Chúng ta không phải ai cũng có thể là Ryokan, nhưng chánh niệm và hiểu biết có thể đem lại những giây phút cho ta tiếp xúc được với lòng bi trong tâm mình.
Có bao nhiêu lần trong cuộc sống bạn đã phải ngoảnh mặt làm ngơ trước một bản tin, với một người không nhà sống trên hè phố, hoặc có khi là một người quen đang cần sự giúp đỡ, cần thời gian của bạn? Có lẽ vì những khổ đau ấy dường như to tát quá, nên bạn không thể nào cho phép chúng bước vào nội tâm của mình được? Lần sau, nếu việc ấy có xảy ra, và bạn có đủ chánh niệm để nhìn thấy nó, bạn hãy thử thay đổi cái trạng thái tâm thức trong tim mình xem sao!
Bạn hãy buông bỏ ác cảm của mình đối với cái đau, hãy cởi mở với nó, một cách từ tốn. Hãy mở rộng tâm hồn mình với những ai đang đau khổ. Và hãy để cái cảm giác cách biệt với những chúng sinh khốn khổ khác tan biến đi. Rồi xem lòng bạn cảm thấy như thế nào? Mặc dù bạn đang tiếp xúc với khổ đau, nhưng sẽ có một loại hạnh phúc khác đến với bạn. Khổ đau, tự nó không gây được sự bất an cho ta, mà thật ra chính vì sự ghét bỏ và cảm giác cách biệt của ta đối với người khác mà ta có sự bất an ấy. Khi chúng mất đi rồi thì nỗi bất an cũng sẽ không còn nữa. Mặc dù ôm trọn phiền não và khổ đau, nhưng tâm bi bao giờ cũng là một nguồn năng lượng bất tận của an lạc.
Tâm bi cũng có thể được sử dụng như một đề mục thiền quán. Hãy nghĩ đến một người nào đó đang gặp khó khăn, và khi giữ hình ảnh người ấy trong tâm, bạn hãy lặp lại câu sau đây một cách chân thành “Cầu mong cho người thoát khỏi khổ đau.” Khi tâm bạn tập trung vào cá nhân đó và vào sự lặp đi lặp lại của lời nguyện, tâm bi sẽ bừng mở. Chừng ấy, bạn sẽ có khả năng đem cảm thọ an vui đó ban rải đến nhiều người, và cuối cùng là đến mọi loài chúng sinh khắp mọi cảnh giới.