Chùa Tứ Phương Tăng

Ấp Sa Chạch 1, xã Phước An, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước. Trụ trì: ĐĐ Phước Tịnh

Chùa thành lập năm 1990, do cố Thượng tọa Giác Tâm khai sơn lập tự, diện tích khoảng 3000 m2, do gia đình cô Yến (tên thường gọi là cô Bảy Sơn) hiến cúng cho Phật giáo Nguyên Thủy- hệ phái Nam tông Kinh, Thượng tọa Giác Tâm tiếp nhận.

Năm 2001, Đại đức Thiện Hòa mua thêm 5000 m2 nên được tổng cộng là 8000 m2. Năm 2008, Đại đức Phước Tịnh mua thêm 4800 m2 nên hiện nay, chùa Tứ Phương Tăng có diện tích là 12.800 m2 đất.

Thiên nhiên phong cảnh ở đây khá lý tưởng và đẹp đẽ, rừng cây bao quanh ngôi chùa, dòng sông uốn khúc tạo nên sức sống trong lành. Chùa có nhiều cây bonsai quý giá và cây đa có tuổi thọ hơn trăm tuổi. Địa lý chùa Tứ Phương Tăng sơn bao thủy bọc, cách xa trung tâm thị xã Bình Long 10 km, trung tâm Ủy ban nhân dân tỉnh 25 km, cửa khẩu Hoa Lư 30 km.

  1. Vài nét lịch sử

Chùa Tứ Phương Tăng là ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy thứ hai sau chùa Tam Bảo ở thị xã Bình Long. Tuy nằm xa thị xã Bình Long nhưng do phong cảnh đẹp, yên tĩnh nên chư tăng thích về đây trú ngụ để tu tập, đồng thời Phật tử cũng hay về đây để sinh hoạt tạo phước cúng dường, thọ bát quan trai giới, quy y Tam bảo. Theo dòng chảy của năm tháng, chùa Tứ Phương Tăng có những bước ngoặc lịch sử như sau:

Tháng Giêng năm 1982, HT. Tịnh Sự (Trưởng ban Dịch thuật Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam), sa di Giác Tâm, sa di Pháp Chất được lời mời của nhà dịch giả Ngô Văn Kỷ về hoằng pháp ở tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Phước. Kết quả chuyến hoằng pháp ngài và Chư tăng đã thu nhận rất nhiều tín đồ quy y theo Phật giáo Nguyên Thủy, thậm chí Phật tử còn cúng dường chùa Bàu Cơm cho Phật giáo Nguyên Thủy nhưng duyên lành không đủ nên chưa tiếp nhận được.

Tháng Giêng năm 1982, TT. Pháp Chất tiếp tục công trình hoằng pháp ở tỉnh Bình Phước mặc dù đầy cam go và khó khăn để giới thiệu Phật giáo Nguyên Thủy cho người dân địa phương ở đây hiểu biết. Những kết quả cho thấy Thượng tọa đã tế độ hơn 100 Phật tử ở địa phương này và thành quả đạt được cho ngày nay đó là 2 Phật tử xuất gia tu nữ là tu nữ Hạnh Hội và Hạnh Giác, năm Phật tử xuất gia Sa di và Tỳ khưu là sư Chánh Truyền, sư Pháp Thành, sư Phước Tuân, sư Miên và sư Chơn Cần.

Năm 1990, Cố Thượng tọa Giác Tâm tiếp nhận 3 công đất của cô Yến (tên thường gọi là cô Bảy Sơn) cho Phật giáo Nguyên Thủy. Khi tiếp nhận xong, Thượng tọa cho xây một chánh điện thờ Phật kích thước 5m và 11m, lợp mái tôn và có 4 liêu thất cho chư tăng ở.

Năm 1996, TT. Giác Tâm viên tịch, ĐĐ.Trí Quảng tiếp nhận chùa Tứ Phương Tăng hướng dẫn Tăng, Ni và Phật tử tu học. Thời điểm này, đại đức đã xây một bảo tháp hai tầng để thờ xá lợi Phật tầng trên và phần dưới thờ hài cốt cố Thượng tọa Giác Tâm.

Năm 1998, sau khi ĐĐ. Trí Quảng du học ở Ấn Độ, ĐĐ. Chánh Truyền tiếp nối quản lý và điều hành chùa Tứ Phương Tăng.

Năm 2001, ĐĐ. Thiện Hòa được Tăng, Ni và Phật tử đề cử về quản lý chùa Tứ Phương Tăng để hướng dẫn Tăng, Ni và Phật tử tu học.

Ngày 28/8/2003, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước bổ nhiệm trụ trì cho ĐĐ. Thiện Hòa có đủ cơ sở pháp lý để hướng dẫn Tăng, Ni và Phật tử tu học đúng hiến chương GHPGVN, đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo, đúng với pháp luật hiện hành.

Năm 2006, Công an tỉnh Bình Phước cấp dấu tròn cho chùa Tứ Phương Tăng để sinh hoạt giao dịch đúng luật pháp.

Năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước và GHPGVN tỉnh Bình Phước công nhận Huỳnh Văn Việt, pháp danh Phước Tịnh, trụ trì chùa Tứ Phương Tăng để đại đức sinh hoạt, điều hành ngôi chùa đúng luật pháp, có đủ pháp nhân pháp lý để hướng dẫn Tăng, Ni và Phật tử tu học.

Năm 2011, Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bình Phước công nhận quyền sử dụng đất chùa Tứ Phương Tăng có diện tích 12.800 m2 đất.

  1. Vài nét kiến trúc

Chùa Tứ Phương Tăng là ngôi chùa của Phật giáo Nguyên Thủy- Hệ phái Nam tông Kinh xây dựng có kiến trúc đẹp và hoàn thiện nhanh hơn so với những ngôi chùa ở tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Trong giai đoạn ĐĐ. Thiện Hòa trụ trì, đại đức đã vận động trùng tu và xây dựng chùa Tứ Phương Tăng có những hạng mục như sau:

–          Chánh điện có diện tích 12×24, trị giá 500 triệu xây dạng kiến trúc cổ lầu, mái chùa theo mẫu các nước Đông Nam Á, xây dựng năm 2005.

–          Tăng xá có diện tích 7×20 m, trị giá 250 triệu đồng, xây dựng năm 2007.

–          Liêu cốc trụ trì diện tích 16m2, có lầu.

–          Những công trình Phật cảnh: Phật chuyển pháp luân, Phật ban phước.

Viếng cảnh chùa Tứ Phương Tăng, chúng ta đi qua cổng tam quan có kiến trúc rất tao nhã, nổi bật ở giữa rừng cây bạt ngàn. Tóm lại, chùa Tứ Phương Tăng có niên đại xây dựng không lâu như những ngôi chùa khác nhưng qua kiến trúc của chùa, khách hành hương thăm viếng đều dễ dàng nhận biết ngay đó là ngôi chùa PGNT- hệ phái Nam tông Kinh. Ngoài sự nhận biết chánh điện thờ duy nhất một pho tượng Phật Thích Ca, chư tăng mặc áo cà sa giống như truyền thống của những tăng sĩ các nước PGNT ở Đông Nam Á mà chính kiến trúc chùa Tứ Phương Tăng đã thể hiện và khẳng định được nét đặc trưng văn hóa của PGNT Việt Nam. Sự gọn gàng, thanh tịnh, hoa văn họa tiết của chùa vừa tầm, dễ thích nghi tầm mắt người nhìn. Những dãy liêu cốc của tăng xá xây dựng những phòng ốc đúng theo quy cách trong luật tạng Pāli là liêu cốc xây dựng xong thì thiện nam tín nữ dâng cúng cho chư tăng và diện tích mỗi phòng đúng kích thước theo quy định. Về hình thức kiến trúc, chùa Tứ Phương Tăng vừa đẹp, vừa sang trọng. Về công dụng giúp cho chư Tăng, Ni và Phật tử sinh hoạt những thời khóa công phu, tổ chức những ngày lễ lớn được thoáng mát, êm ả, thanh tịnh. 

  1. Những ngày lễ của chùa

Chùa Tứ Phương Tăng ở xa trung tâm của tình Bình Phước và xa thị xã Bình Long, chúng ta cứ tưởng rằng chùa sẽ ít Phật tử và cũng ít ngày lễ nhưng chùa vẫn được tổ chức ngày lễ, có số lượng khách đến tham dự đông. Có những lễ như Vu Lan, dâng y Kaṭhina, giỗ tổ có số lượng lên gần cả ngàn người. Những ngày lễ trong năm gồm có:

–          Ngày 13 tháng giêng: cầu quốc thái dân an, cầu lộc đầu năm cho Phật tử.

–          Ngày 13/4, đại lễ Tam hợp:  Đản sanh, Thành đạo, Niết-bàn.

–          Ngày 6/7, đại lễ Vu lan – mùa báo hiếu.

–          Ngày 6/10, đại lễ Dâng y Kaṭhina.

–          Ngày 22/11, giỗ tổ khai sơn tạo tự.

–          Ngày 14 và 30, sám hối hàng tháng.

 

  1. Các đời trụ trì tiền nhiệm

Chùa Tứ Phương Tăng thành lập được 26 năm. Năm tháng thời gian không nhiều so với một kiếp người nhưng chùa đã trải qua 5 đời trụ trì và quản tự.

–          1990-1996, TT. Giác Tâm sáng lập và trụ trì.

–          1996-1998, ĐĐ. Trí Quảng trụ trì.

–          1998-1999, ĐĐ. Chánh Truyền quản tự.

–          2001-2007, ĐĐ Thiện Hòa trụ trì

–          2997 đến nay, ĐĐ Phước Tịnh.

ĐĐ Thiện Hòa là người trụ trì đầu tiên ở chùa Tứ Phương Tăng do GHPGVN tỉnh Bình Phước bổ nhiệm trụ trì. Năm 2007, ĐĐ Thiện Hòa bàn giao chùa Tứ Phương Tăng cho ĐĐ Phước Tịnh trụ trì, vì ĐĐ Thiện Hòa muốn tập trung xây dựng chùa Thanh Phước.

 

  1. Vài nét trụ trì hiện tại

ĐĐ. Phước Tịnh, thế danh Huỳnh Văn Việt, xuất gia sa di năm 1995 tại thiền viện Phước Sơn, thầy tế độ là HT. Bửu Chánh. Đại đức xuất gia tỳ khưu năm 1999, thầy tế độ là HT Hộ Tịnh, thầy yết ma là TT.Tăng Định, TT. Bửu Chánh.

Từ năm 2012 đến nay, Đại đức là phó ban Thường trực GHPGVN huyện Hớn Quản, Ủy viên ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước, đắc cử Hội đồng Nhân dân xã Phú An năm 2016-2021.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.